CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

HT. Minh Hóa ôn lại “Đôi nét về cuộc đời của Đức Tổ sư” tại Khóa ACKH PL.2567

Sáng ngày 19/07/2023 (nhằm ngày 01/06 Quý Mão), HT. Minh Hóa - Phó Ban Trị Sự GHPHVN TP.Thủ Đức, Phó Trụ trì Pháp Viện Minh Đăng Quang (TP.Thủ Đức, TP.HCM), Giáo Phẩm Hệ Phái, đã có bài thuyết giảng “Đôi nét về cuộc đời của Đức Tổ sư” cho hành giả an cư tại Pháp viện.

Cho đến nay, chư Tăng Khất sĩ vẫn gìn giữ nét truyền thống đi khất thực mỗi ngày, đó là noi theo hạnh Phật tăng xưa, y theo sự truyền dạy của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang. Đây cũng là cách Tổ sư sư gieo duyên với chúng sanh, Ngài không áp dụng các nghi lễ tôn giáo vào những buổi hội họp Tăng chúng, Phật tử, mà chọn cách thuyết giảng giáo lý, truyền bá chánh pháp đến quần chúng nhân dân, nhằm cải thiện chất lượng đời sống mỗi chúng sanh. Theo quan niệm của Tổ sư, thuyết pháp giảng kinh là chính, đi mai đây mai đó, và ngồi dưới đất, ở chỗ nào cũng được, ghé thăm chỗ nào thì ở chỗ đó, không phân biệt sang hèn, đó mới chính là hạnh Khất sĩ - không bám trụ, dính mắc, ung dung, tự tại.

Nói về sự linh động và sinh động trong cách hoằng pháp lợi sinh của Tổ sư, HT. Minh Hóa chia sẻ: khi đến một nơi nào dưới bóng cây, bóng mát, chùa, đình… thì các đệ tử của Ngài thường cầm micro đọc những bài kệ: Nhớ Ơn Phật, Cầu Nguyện Hòa Bình, Giấc Mộng Tàn, Vô Thường để mọi người xung quanh nghe biết có các vị Sư đến. Ngài sử dụng phương tiện khéo léo để tập hợp mọi người. Sau khi tụng, ngâm kệ, thơ xong thì Ngài bắt đầu thuyết pháp, lúc đó Ngài đã sử dụng micro để cho âm thanh rõ ràng, vang xa mọi người có thể nghe được. Đức Tổ sư không chấp thủ trong việc sử dụng công cụ kỹ thuật, nếu việc đó có lợi cho việc hoằng pháp lợi sanh.

Trong vấn đề chỗ thuyết pháp, Ngài cũng linh động ở mọi nơi, không cần giảng đường, hội trường, có khi ở sân vận động, đình, chùa, nhà cư sĩ, đi khắp đó đây nơi chốn khác nhau. Ngài đưa Đạo vào đời bằng sự thuyết pháp đến với mọi thành phần trong xã hội: người già, thanh thiếu niên, người trưởng thành, người Phật tử trong các chùa...

Thời gian sau thấy chư đệ tử đọc hoặc ngâm kệ vất vả, nên Ngài đã chủ động đến hãng thu âm thời đó của Pháp, để ghi âm bằng chính giọng đọc của Ngài. Đi các nơi trước khi thuyết pháp thì Ngài mở ra để gây chú ý đến mọi người. Ngài vô cùng linh động và nhu nhuyến trong công việc truyền bá để tiện nghi và giúp đỡ nhiều người.

HT. Minh Hóa chia sẻ: “Đức Tổ sư có một đột phá mới là mở ra nhà in ấn ở Long Xuyên, An Giang để in các tập Chơn lý sau khi Ngài đã viết ra, thành những tập nhỏ và phát cho Phật tử, hay những người hữu duyên đọc. So với ngày nay Đức Tổ sư quá hiện đại, cả Hệ phái mình bây giờ cũng có danh tiếng và sức ảnh hưởng nhưng chưa có nhà in riêng nào, toàn in ở các nhà in tư nhân”.

Có một người Phật tử phát tâm muốn cúng đất để xây Tịnh xá, Đức Tổ sư chứng minh tấm lòng của ông, nhưng đề nghị ông mua một chiếc xe để làm Tịnh xá lưu động, chở đoàn Du Tăng đi hành đạo và ông đã mua. Về sau khi có đi xa thì Ngài sử dụng xe để di chuyển. Hiện nay, chiếc xe được trưng bày ở Tịnh xá Ngọc Nhơn, (TP.Quy Nhơn, Bình Định) của Giáo đoàn II.

Đức Tổ sư không giữ tiền, nhưng khi cần thì biết sử dụng tịnh tài từ sự cúng dường của bá tánh một cách hợp pháp, hợp lý, hợp lẽ đạo, không phí phạm, không dùng cho cá nhân. Đây cũng là một nhân cách đáng học của Tổ sư. Ngài có thể nghiêm khắc trong oai nghi, sự tu tập của người xuất gia, nhưng vẫn linh động trong sinh hoạt, công việc, hành đạo.

Đức Tổ sư dạy “buổi sáng thì phơi chút nắng, buổi tối thì hứng chút sương”, sinh hoạt hài hòa, cân đối có âm dương, sáng tối, nắng mưa trong cuộc sống để cho thân khỏe, tâm an.

Việc tu hành, theo Hòa thượng tâm đắc qua lời dạy của Tổ Sư, là lai rai mà đi, từ từ, đừng quá nôn nóng, đừng quá chậm lụt, ung dung chậm rãi nhưng chắc - “Sự tu hành cũng như ăn cơm để sống, điều ấy vốn không mau chậm, hay đường quanh nẻo tắt gì cả. Vậy nên chúng ta hãy chậm rãi mà đi, nếu là kẻ thiện lành thì tâm trí đâu có tiêu diệt trong ngày hôm nay, mà hòng lo sợ”, (Chơn Lý Nhập Định -14). Đừng chán nản, hãy kiên trì với con đường, phương pháp là Giới-Định-Tuệ, phương tiện là Y bát và mục đích cuối cùng là Niết-bàn.

Trong buổi giảng, Hòa thượng cũng đã nói lên lý tưởng Bồ tát đạo trong sinh hoạt hằng ngày, nguyện độ chúng sanh, không từ gian khổ, gánh chịu khổ đau “Đem cho tín chủ phước thanh tịnh. Xin lấy cho mình nghiệp khó khăn”. Đem cho chúng sanh cái tốt, lấy cho mình đều dở thì là đấng trượng phu, bậc xuất trần, vì muôn thưở con người luôn có lòng ích kỷ trong tâm, khó mà trừ diệt. Tương đương với hạnh Bồ-tát, Hòa thượng dẫn chứng cho đại chúng tâm Bồ đề cao thượng trong phần Giới Phật Tử đọc ngày 23, mà chúng ta vững tâm, bền chí trong lộ trình thành Phật: “Này Phật tử! Khen mình chê người, bảo kẻ khác khen mình chê người, nhơn chê, duyên chê, pháp chê, nghiệp chê; phép Phật tử phải thế cho hết thảy chúng sanh chịu những điều hủy nhục, việc xấu đem về mình, việc tốt nhường cho người, nếu khoe đức mình, giấu việc tốt người, làm cho người chịu điều hủy nhục, thời Phật tử ấy phạm trọng tội”.

Trong những phút cuối của bài giảng, Hòa thượng đưa ra trong phần oai nghi Nằm có đoạn “nằm 4, ngồi 3, đi 2, đứng 1” và giải thích cho đại chúng hiểu ý của Tổ sư phải luôn điều hoà, đừng mất cân bằng trong bốn oai nghi mà sanh ra những vấn đề về sức khỏe và tâm bất an.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan