CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Thời khóa tu học tại trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang, Q. 2 – TP. HCM

An cư kiết hạ được xem như là một trong những truyền thống tốt đẹp của Phật giáo từ ngàn xưa. Mùa An cư thứ nhất được diễn ra tại Sarnath thuộc Varanasi, 60 vị đệ tử đầu tiên đã được học và tu tập dưới sự hướng dẫn trực tiếp từ Đức Phật. An cư mùa mưa không đơn thuần chỉ với mục đích nêu cao lòng từ bi đối với sanh loại, đặc biệt là những sinh vật nhỏ như côn trùng, kiến, v.v… mà thông qua việc thực tập sống chung tu học, Đức Phật đã nhận thấy rằng An cư mang lại lợi ích rất lớn đối với hàng xuất sĩ trong việc hạn chế du hành và tham gia các hoạt động, thay vào đó là sự tập trung vào việc thanh lọc và phát triển đời sống tâm linh.

An cư ba tháng Hạ cũng là khoảng thời gian quý báu cho hàng cư sĩ thực hiện bổn phận cao quý của mình đối với ngôi Tam Bảo thông qua việc hộ trì vật thực cho chư Tăng - Ni trong suốt mùa Hạ.

Phái đoàn đến cúng dường Trường hạ

Năm 1980, Hệ phái Khất Sĩ đã tổ chức mùa An cư tập trung đầu tiên tại Tịnh xá Trung Tâm với sự tham gia của 21 vị hành giả. Số lượng hành giả tham gia ngày càng tăng lên đáng kể theo mỗi năm. Năm nay, dù xảy ra tình hình dịch bệnh Covid-19, nhưng với tinh thần:

‘Nên tập sống chung tu học,

Cái sống là phải sống chung,

Cái biết là phải học chung,

Cái linh là phải tu chung’,

Hệ Phái vẫn quyết định tổ chức an cư tập trung tại Pháp viện Minh Đăng Quang với số lượng hành giả tham gia là 100 vị, trong đó có 9 vị Hoà Thượng, 1 vị Thượng Toạ, 35 vị Đại đức, 17 vị Tỳ-kheo, 34 Sa-di và 4 Tập sự xin được tùng hạ.

Dưới sự chỉ đạo của HT. Giác Toàn, Hoá chủ Trường hạ, cùng Chư vị Giáo phẩm trong Hệ phái, thời khoá sinh hoạt trong mùa An cư PL. 2564 – DL. 2020 được thiết lập một cách hài hoà giữa việc học Pháp và trải nghiệm tu tập của tự thân.

Chư hành giả đại diện 6 Giáo đoàn đãnh lễ cầu Pháp

Chương trình sinh hoạt tu học hằng ngày tại Trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang được tóm lược như sau:

Thời gian

Thời khoá

3 giờ 30

Thức chúng

4 giờ 00 đến 5 giờ 00

Thiền hành & Thiền toạ

5 giờ 00 đến 5 giờ 30

Chấp tác

6 giờ 00 đến 7 giờ 00

Điểm tâm

8 giờ 00 đến 10 giờ 00

Học Kinh Luật

11 giờ 00 đến 12 giờ 00

Thọ trai

12 giờ 00 đến 13 giờ 30

Chỉ tịnh

14 giờ 00 đến 16 giờ 00

Học Kinh Luật

18 giờ 00 đến 18 giờ 40

Thiền toạ

19 giờ 00 đến 20 giờ 00

Tụng kinh

20 giờ 20 đến 21 giờ 20

Thiền toạ & Thiền hành

22 giờ 00

Chỉ tịnh

Về sự học, mỗi ngày có hai thời khoá, vào lúc 8g00 đến 10g00 và 14g00 đến 16g00. Song song với những buổi giảng nghĩa lý của kinh điển từ nguyên thuỷ đến phát triển như Trường Bộ Kinh (Chủ giảng: HT. Bửu Chánh), Trung Bộ Kinh (Chủ giảng: TT. Giác Hoàng), Kinh Tạp A-hàm (Chủ giảng: HT. Giác Pháp), v.v… các buổi thuyết giảng của HT. Giác Toàn về pháp hành trong Chơn lý của Tổ Sư Minh Đăng Quang và những bài giảng về con đường hành đạo của Đức Tổ sư của HT. Minh Hoá cũng được chú trọng. Đặc biệt, với sự quan tâm sâu sắc đối với thế hệ Tăng trẻ trong Hệ, HT. Giác Giới cũng dành thời gian vào mỗi chiều thứ Bảy của tuần cuối mỗi tháng đến thăm hỏi và chia sẻ kinh nghiệm tu tập đến với toàn thể hành giả an cư.

Các vị hành giả trong giờ học Pháp

Về sự hành, HT. Giác Minh, Giáo phẩm Hệ phái kiêm Giám Thiền, đồng hành cùng với chư hành giả An cư trong các thời khoá thiền hành cũng như thiền toạ. Pháp hành không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc hành thiền mà còn được biểu hiện qua thời thọ trai. Cụ thể, dưới sự chứng minh của HT. Giác Minh và HT. Minh Hoá, toàn thể hành giả cũng thực tập hạnh ‘ăn hoà chúng’ – một trong những nét đặc sắc của Hệ.

Quả thật, An cư tập trung cũng là môi trường lý tưởng đối với những vị Tăng trẻ có điều kiện để thân cận với các bậc Tôn túc của Hệ phái, cũng như học hỏi kinh nghiệm tu tập được chia sẻ bởi quý Ngài. Bên cạnh đó, với số lượng hành giả an cư đến từ khắp các miền tịnh xá trực thuộc 6 Giáo đoàn. Đây không những là cơ hội tốt để sự gắn kết đạo tình giữa chư Tăng các Giáo đoàn ngày càng thêm bền chặt, mà còn là nơi nương tựa vững chắc cho những vị còn non kém tuổi đạo nhờ vào sức mạnh toả ra từ năng lượng tu tập của Đại chúng, nhờ đó các vị có thể trưỡng dưỡng đạo tâm để tiếp tục huyết mạch ‘Nối truyền Thích Ca Chánh Pháp’ mà Đức Tổ sư đã vạch ra với mục đích soi đường chỉ lối cho chúng sanh thoát khỏi cuộc đời đầy ảo mộng.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan