CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

TP.HCM: HT.Giác Nhân nói về “Tham - Sân” nhân khóa ACKH Pháp viện Minh Đăng Quang PL.2568

Nhân chuyến thăm và sách tấn chư hành giả an cư tại khóa ACKH PL.2568 Pháp viện Minh Đăng Quang, hôm 22/6/2024 (17/5/Giáp Thìn), HT.Giác Nhân - Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư, Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang, Tri sự Phó Thường trực GĐ.V, đã có buổi thuyết giảng xoay quanh chủ đề “tham - sân”.

Trong Kinh Tăng Chi - Phẩm Sắc, Đức Phật dạy: “Ta không thấy một sắc, tiếng, hương, vị, xúc... nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông như sắc, tiếng, hương, vị, xúc... người đàn bà. Này các Tỷ-kheo, sắc, tiếng, hương, vị, xúc... của người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông”. Ngược lại: “Ta không thấy sắc, tiếng, hương, vị, xúc... nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà, như sắc, tiếng, hương, vị, xúc... người đàn ông. Này các Tỷ-kheo, sắc, tiếng, hương, vị, xúc... người đàn ông xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà”.

Theo đó, Hòa thượng khẳng định, đối với người nam thì những pháp trần thuộc về người nữ là lòng dục lớn nhất, ngược lại đối với người phụ nữ, những pháp trần thuộc người nam là lòng dục lớn nhất. Vì để làm cho lòng dục này tiêu trừ, hành giả xuất gia phải biết rõ thân là bất tịnh, chẳng tinh sạch như bài kệ “Huyễn thân bất tịnh” nói:

Bốn vật lớn gọi là tứ đại
Nhờ nhơn duyên hiệp lại thành hình
Thân người trơn láng đẹp xinh
Nhưng trong ‘cửu khiếu’ chẳng tinh chút nào
”.

Như vậy, hành giả xuất gia phải quán chiếu rõ những thứ bất tịnh trong thân thể này, từ đó dần dần chấp dục nơi thân không còn nữa, như trong kinh Tăng Chi - chương Một pháp, phẩm Đoạn năm triền cái chỉ rõ: “Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến dục tham chưa sanh không sanh khởi, và dục tham đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như tướng bất tịnh. Tướng bất tịnh, này các Tỷ kheo, nếu như lý tác ý, thời dục tham chưa sanh không sanh khởi, và dục tham đã sanh được đoạn tận”.

Vì vậy, Tổ sư dạy người Khất sĩ phải:

Mỗi người áo vá một manh
Một bình bát đất du hành khắp nơi
Sáng ra khuyến giáo độ đời
Trưa về thọ thực, xế thời thuyết kinh
Chiều, khuya quán tưởng lặng thinh
Nửa đêm nhập định, điển linh ngưng thần…
Người tự giác ngộ độ thân
Giác tha, độ thế dạy dân tu trì
”.

Đối với tâm sân nhuế của con người, Hòa thượng trích dẫn từ ý pháp: “Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến sân chưa sanh được sanh khởi, và sân đã sanh được tăng trưởng quảng đại, này các Tỷ-kheo, như đối ngại tướng. Ðối ngại tướng, này các Tỷ-kheo, nếu theo như lý tác ý, đưa đến sân, chưa sanh được sanh khởi, và sân đã sanh được tăng trưởng”. Theo đó, “đối ngại tướng” chính là thấy những pháp không vừa ý với ta, gây chướng duyên với ta, trái lòng nghịch ý với ta, chướng tai ngai mắt ta…

Cũng trong kinh này, Đức Phật dạy cách đối trị lại tâm sân nhuế như sau: “Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến sân chưa sanh không sanh khởi, và sân đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như từ tâm giải thoát. Từ tâm giải thoát, này các Tỷ-kheo, nếu như lý tác ý, thời sân chưa sanh không sanh khởi, và sân đã sanh được đoạn tận”. Theo đó, “từ tâm giải thoát” chính là tâm từ ở mỗi người. Hòa thượng khẳng định, khi nhìn các pháp thế gian mà lòng từ lưu xuất, thì sân sẽ được hóa giải. Cố gắng nhìn thấy mặt tích cực, mặt tốt để buông bỏ những “đối ngại tướng”.

Khép lại thời pháp, dựa trên kinh Tăng chi bộ, Hòa thượng sách tấn chư hành giả: “Chính tham luyến nơi sắc thân mình hay người khác, là thứ tham dục lớn nhất. Đồng thời, chính những thứ trái ý nghịch lòng là nguyên nhân lớn nhất sanh tâm sân nhuế. Để đối trị hữu hiệu nhất tâm tham dục là quán thân bất tịnh, đối trị tốt nhất tâm sân nhuế là lòng từ - bi - hỷ - xả”.

 

Một số hình ảnh tại buổi giảng:

 

 

 

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan