TP.HCM: TT. Giác Hoàng giảng về "Pháp trau tâm của Tổ sư Minh Đăng Quang" tại trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang
- Ban TT-TT Hệ phái
- | Thứ Năm, 22:12 27-06-2024
- | Lượt xem: 432
Chiều 27/6/2024 (22/5/Giáp Thìn), TT. Giác Hoàng - UV HĐTS, Phó Viện trưởng VNCPHVN, Phó Trưởng ban Văn hóa TƯGH, Chánh Thư ký Ban Thường trực GPHP, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Giáo dục Tăng Ni GĐ.III, đã có thời pháp thoại thứ 3 tại khóa an cư trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang (TP.Thủ Đức, TP.HCM), khép lại đề tài “Pháp trau tâm của Tổ sư Minh Đăng Quang”.
Trích lại ý pháp của Tổ sư, Thượng tọa cho biết, người tu là người đứng trên hết về mặt đạo đức trong xã hội, là người giữ gìn nền đạo đức cho xã hội, khi đạo đức xã hội đi xuống, người tu nên là người đứng ra lập lại nền đạo đức ấy, giúp xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Điều này cũng được Tổ sư để cập qua Chơn lý “Đi Tu” được Thượng tọa chỉ rõ như sau: “Người đi tu là đổi xã hội xấu ra xã hội tốt, đổi gia đình dơ ra gia đình sạch. Người đi tu chớ đâu phải bỏ chúng sanh! Đời là chết đến khổ, khổ rồi chết, ác đến thiện, thiện rồi ác, chẳng đường đi, xã hội gia đình nhơn loại có đâu tốt đẹp. Thế nên một người tu là đứng ra một bên ngoài, tránh khỏi chỗ tội lỗi xoay tròn ấy. Người trau tâm dồi trí tu hành, tìm học, dạy lại người khác, để đi trước dắt đường, mở lối đi ra cho tất cả tiến lên. Người tu để lập một thế giới tốt đẹp hiền lương cho những bậc khá cao, học trò cũ. Người tu để lập đại gia đình chư Phật sống chung. Người tu để lập đại xã hội chư Phật sống chung. Người tu để lập đại thế giới chư Phật sống chung”.
Từ ý nghĩa đó, Thượng tọa khẳng định, người tu phải luôn hướng tới tâm chơn như, nỗ lực trong việc tu tập miên mật với pháp Giới - Định - Tuệ, nhằm chuyển hóa từ phàm tâm tới tâm chơn, như lời dạy của Tổ sư trong trong Chơn lý “Phật tánh”, rằng: “Ai mà chẳng muốn sống đời này và mãi mãi, mà muốn sống là phải nuôi cái sống, có nuôi cái sống, có sống được mới ngó đến cái ăn sau. Vậy thì cái sống là chơn như, cái chơn như tự nhiên càng tô đắp, dưỡng nuôi thì tâm hồn mới sống, cái yên vui càng có ăn mãi, tinh thần mới được mập tươi. Có không tham vọng tâm ta mới no đủ, có không sân si tinh thần mới sáng láng mát mẻ trong sạch, thân khẩu ý không vọng động thì tâm hồn mới an trụ cứng cõi. Có giới - định - huệ mới gọi là có chân, mình, đầu của tâm. Tâm ấy là chơn như trơ lặng y như võ trụ, lấy chơn như võ trụ làm mục đích, so sánh chơn như võ trụ mà trau tâm. Vì cái chơn như võ trụ ấy là đức tánh từ bi, thiện lành, ơn huệ, dung chứa tất cả, trong cái chơn như là có trí huệ và giác ngộ. Tâm ta mà có được như thế ấy là trong sạch, yên lặng sáng suốt, nghỉ yên vui vẻ trọn lành, ích lợi quý báu cho đời. Ta không sợ lo chết khổ cho ta, và cả chúng sanh ai mà không tôn trọng nâng cao, nương dựa, xem ta như võ trụ”. Hay trong Chơn lý “Cư sĩ” ghi: “Tạo tâm chơn làm sự sống, giới hạnh làm chỗ ở, từ bi làm quyến thuộc, mà cùng nhau dứt bỏ sự chơi bời”.
Thượng tọa cũng nêu lên những tấm gương trong việc “trau tâm”, trích lược từ hai bài kinh Chơn lý “Tu và nghiệp” và Chơn lý “Lễ giáo”. Cụ thể, trong Chơn lý “Tu và nghiệp” ghi lại câu chuyện về một người tôi tớ gặp một ông lão ở chùa đến xin tiền lợp lại chùa nhưng bị gia chủ khước từ. Người tôi tớ này bèn liều mạng, hy sinh bản thân làm sự phải, xin bán thân ở mướn trọn đời, đặng lấy tiền đó để cúng cho chùa. Điều này cho thấy tâm tín thành, kiên cố dành cho Phật pháp, cho người giữ gìn đạo đức, của người tôi tớ kia. Qua đó, Thượng tọa nhấn mạnh: “Người tu cũng phải luôn có tín tâm kiên cố, dù ở trong mọi nghịch cảnh cũng luôn phải đứng vững và tiến lên. Việc tu hành phải luôn giữ lấy sự kiên định, kiên tâm, rốt ráo quay về soi xét thân và tâm chính mình”.
Trong Chơn lý “Lễ giáo”, Tổ sư cũng đã chỉ ra hình ảnh Vua A Dục được thức tỉnh bỏ ác theo thiện mà làm gương cho cả thiên hạ: “Ấy vậy từ rày sắp về sau, trẫm đem đầu vô giá trị này, lễ bái tôn sùng đạo đức; ai mà ngăn cản là trẫm sẽ chém đầu không tư vị! (…) Hôm nay trẫm đã giác ngộ ăn năn, muốn xua cừu đuổi oán, muốn chuộc tội trau tâm, muốn bỏ cái ngã ái tự cao của cái ác ngang mà người người ghét giận, không chịu dạy chẳng dám khuyên, để tập mình biết học, biết nghe, biết xét lỗi trau tâm, tập tâm chánh tròn lớn thiệt quý báu như các nhà sư trong sạch, có giới hạnh đức trí kia, ấy chẳng phải là nên hay cho trẫm và ích lợi cho cả chúng sanh thiên hạ lắm sao (…) Thế là từ đó về sau, Vua A-dục trở nên một tín đồ trung thành của đạo Phật, là đạo trau tâm, ông xây cất ra 84.000 cái tháp để thờ Phật và Xá-lợi. Khiến nên thuở đời ấy, thiên hạ rất thái bình nhờ nhà vua biết kỉnh đạo, biết trau tâm, biết hành lễ giáo quên mình mà đổi họa làm phước. Vậy nên, từ đó người ta mới hiểu ra đạo Phật là đạo trau tâm, là đạo lý hạp cho vua quan vì vua quan mới là bậc hạng phải dùng đến tâm chơn đức hạnh, là bậc mà cần phải ráng nhớ quên mình, hạ mình, cần phải mở rộng tâm trí thẳng bằng khiêm nhượng, thì mới được gần gũi với kẻ sĩ hiền, mà được sự ích lợi, nên hay, lâu dài và không thất bại. Thật thế, cái tâm là hơn hết, được tâm là được việc lớn hơn hết”.
Trước khi kết thúc buổi học, Thượng tọa giải thích sơ lược thêm về 3 khái niệm Đế đạo, Vương đạo, Bá đạo. Theo đó, Đế đạo là dùng đạo đức mà cai trị, Vương đạo là dùng Pháp luật để cai trị, Bá đạo là dùng quyền lực, bạo lực để cai trị. Thượng tọa khẳng định: “Đế đạo là ưu việt nhất, vì lấy đạo đức làm cốt yếu, còn pháp luật chỉ là phương tiện để trị quốc mà thôi. Như vậy, đạo đức trong xã hội là điều quan trọng nhất, là cốt yếu quyết định sự thịnh suy của một gia đình, một xã hội, một quốc gia, một nền văn minh… Mà để có nên đạo đức thì ‘trau tâm’ là điều phải luôn được thực hành trong mỗi cá nhân, mỗi chúng sanh”.
Các bài viết liên quan
- Hệ phái Khất sĩ: Báo cáo tổng kết khóa An cư Kiết hạ tại Pháp viện Minh Đăng Quang PL.2568 - DL.2024 - Thứ Sáu, 08:42 23-08-2024 - xem: 1192 lần
- Đắk Lắk: Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ toàn tỉnh trang nghiêm lễ Bố tát, thính giới tập trung - Thứ Bảy, 22:57 20-07-2024 - xem: 242 lần
- TP.HCM: HT.Giác Toàn nói về những điều thân chứng qua Chơn lý của Tổ sư Minh Đăng Quang nhân mùa ACKH PL.2568 - Thứ Tư, 17:31 03-07-2024 - xem: 428 lần
- Vĩnh Long: Chư Tôn đức HPKS thăm hành giả an cư tại Tổ đình Minh Đăng Quang - Thứ Hai, 10:43 01-07-2024 - xem: 472 lần
- TP.HCM: TT. Giác Tín nói về “Vô thường - Chơn thường” tại khóa ACKH Pháp viện Minh Đăng Quang - Thứ Sáu, 21:22 28-06-2024 - xem: 256 lần
- TP.HCM: TT. Giác Hoàng giảng về "Pháp trau tâm của Tổ sư Minh Đăng Quang" tại trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang - Thứ Năm, 22:12 27-06-2024 - xem: 432 lần
- TP.HCM: TT.Giác Nhường chia sẻ buổi pháp thứ 2 tại trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang - Thứ Tư, 22:42 26-06-2024 - xem: 408 lần
- TP.HCM: HT.Giác Nhân nói về “Tham - Sân” nhân khóa ACKH Pháp viện Minh Đăng Quang PL.2568 - Chủ Nhật, 13:52 23-06-2024 - xem: 559 lần
- TP.HCM: HT.Giác Pháp giảng “Quy Sơn cảnh sách” tại trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang - Chủ Nhật, 13:47 23-06-2024 - xem: 343 lần
- TP.HCM: Chủ đề “Chánh ngữ” được HT.Bửu Chánh giảng tại khóa an cư Pháp viện Minh Đăng Quang - Thứ Hai, 15:08 24-06-2024 - xem: 561 lần
- TP.HCM: Đề tài “Giáo dục Phật giáo Trung Quốc” tiếp tục được đề cập tại khóa ACKH PL.2568 - Thứ Hai, 13:44 24-06-2024 - xem: 229 lần
- TP.HCM: TT.Giác Tín giảng pháp tại khóa ACKH Pháp viện Minh Đăng Quang - Thứ Sáu, 19:48 21-06-2024 - xem: 373 lần