CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

TT. Giác Hoàng trích bài Kinh Bồ Đề Vương Tử, Kinh Trung bộ số 85 tại trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang

Chiều ngày 07/07/2023 (nhằm ngày 20/5/Quý Mão), TT. Giác Hoàng - Ủy viên HĐTS, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phó Trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, Chánh Thư ký Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái đã quang lâm thuyết giảng cho đại chúng an cư tại Pháp viện Minh Đăng Quang với bài Kinh Bồ Đề Vương Tử trong Kinh Trung bộ số 85.

Trong mùa an cư thì lộ trình tu tập và nếp sống Tăng đoàn được Thượng tọa quan tâm và chia sẻ cho hành giả an cư. Ví như một pháp đưa đến sự giác ngộ, giải thoát thì Như lý tác ý. Hai chi pháp thì là pháp thiền chỉ và thiền quán cần được hiểu và thực hành. Lộ trình tu tập ba pháp là Giới-Định-Tuệ. Còn bốn pháp thì Thượng tọa chọn bài kinh Đoạn Giảm (Kinh Trung Bộ) nói về đối trị, nỗ lực tinh tấn, đặt tâm mình hướng thượng và đạt được giải thoát.

Đối với năm pháp được Thượng tọa chia sẻ một phần trong bài Kinh Bồ Đề Vương Tử cho đại chúng. Vương tử Bodhi nói phải có đủ năm đức tính thì mới học được kỹ thuật thiện xảo trong nghề cưỡi voi và dùng câu móc thì Đức Thế Tôn cũng dạy “vị Tỷ-kheo thành tựu năm tinh cần chi này, chấp nhận Như Lai là bậc lãnh đạo, sau khi đã tự chứng tri với thượng trí ngay trong hiện tại vô thượng cứu cánh Phạm hạnh ....và vị ấy có thể chứng ngộ, chứng đạt và an trú trong bảy năm... nếu được giảng dạy buổi sáng, thời sẽ chứng được sự thù thắng buổi chiều”

 1. “Vị Tỷ-kheo có lòng tin, tin tưởng sự giác ngộ của Như Lai. Ngài là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.”

 Tín là mẹ sanh các công đức (tín vi công đức mẫu), khi có niềm tin thì sẽ phát sinh các thiện pháp, sẽ tinh tấn, sẽ hành trì lời Đức Phật dạy. Niềm tin sự giác ngộ của Phật, chân lý Ngài tuyên thuyết và chúng ta được xuất gia theo Người không phải là chuyện đơn giản, vì nó hội tụ rất nhiều duyên lành ở nhiều kiếp và hiện tại, để được đắp Y Tỳ-kheo có nhiều vị không đủ phước báu thì cũng lui sụt theo thời gian, không ở lâu được trong Tăng đoàn, Thượng tọa chia sẻ.

 Niềm tin ở đây phải bất động, phải có thật nhiều cảm xúc, sự rung động từ trái tim khi ở bên Ngài hoặc khi lạy Phật với lòng thành kính vô biên, chứ không phải lạy suông mà không có cảm xúc gì.

2. “Vị ấy ít bệnh, ít não, với bộ tiêu hóa được điều hòa, không quá lạnh, không quá nóng, trung bình, hợp với tinh tấn.”

 Bệnh tật là việc của thân sinh lý, là chuyện bình thường, Đức Thế Tôn cũng bị đau bụng, cũng cần cư sĩ bác sĩ là Jivaka để chữa bệnh cho Phật và Tăng chúng. Thân bệnh là đúng quy luật hữu cơ, đừng thần thánh hóa Đức Phật không bệnh, đừng cố chấp tu mà bệnh, bệnh thì không nên chữa trị, cứ để tự nhiên. Đừng quá cố chấp là không uống mà hãy trị bệnh theo lẽ bình thường để cải thiện sức khỏe, nếu đau bệnh, ốm yếu nhiều cũng rất khó an tịnh tâm, Thượng tọa chia sẻ cho đại chúng.

3. “Vị ấy không gian trá, xảo trá, tự mình xử sự như chơn đối với bậc Ðạo sư, đối với các vị có trí hay đối với các vị đồng Phạm hạnh

  Phẩm chất của người tu là phải chân thật, chánh trực. Vậy nên, việc sám hối là để tâm mình an, thanh thản khi phạm sai lầm. Việc tiến bộ trong tu tập cũng rất cần các đồng phạm hạnh (đời sống không liên hệ đến ái dục); các bậc có trí (phân biệt thiện ác, chánh tà, đúng sai ... biết việc gì nên làm và không nên làm); bậc Thầy của mình để giúp mình thấy ra sai lầm và thay đổi cho tốt đẹp, vì những vị này có đức độ và lòng bao dung, không trách cứ hay để lòng, Thượng tọa chia sẻ.

4. “Vị ấy sống tinh cần, tinh tấn từ bỏ các bất thiện pháp, làm cho khởi lên các thiện pháp, kiên cố, kiên trì, không từ bỏ gánh nặng đối với các thiện pháp.”

 Tinh tấn đối với các thiện pháp, nghĩa là trong mùa an cư mà mỗi chư huynh đệ đi học, tu, thọ thực, sinh hoạt đều, không vắng bữa nào cũng là sự tinh tấn được tán thán, Thượng tọa khen ngợi. Bản chất con người thường dễ giải đãi thì việc hay lý luận để bảo vệ cho sự lười biếng của mình thường hay xảy ra. Vậy nên, hãy kiểm soát tâm ý, điều phục dòng tư tưởng để không buông lung, Thượng tọa khuyến tấn chư hành giả.

5. “Vị ấy có trí tuệ thành tựu trí tuệ về sự sanh diệt (của các pháp), với sự thể nhập bậc Thánh đưa đến sự chơn chánh đoạn diệt khổ đau.”

Sanh diệt ở đây không phải là mây hợp mây tan, hoa đẹp hoa tàn, lá xanh lá rụng, ... đó là quy luật tự nhiên, chúng ta thấy hằng ngày mà sao không giác ngộ. Thượng tọa chia sẻ, sanh diệt ở đây là sanh diệt trên ngũ uẩn, chúng ta có thấy biết từng tế bào, từng tâm tưởng sanh diệt hay không?. Muốn thấy được thì phải đủ tâm định cực kỳ vững chắc, tâm tuệ cực kỳ sắc bén mới được.

Chúng ta có sợ hãi trong sanh tử không, có sợ hãi trên thân ngũ uẩn chưa, hay còn bám vúi, thích thú, đam mê. Vậy nên chưa chứng được sự sanh diệt các pháp là vậy. Đại chúng nên chiêm nghiệm và thực hành năm pháp trên để đạt được an tịnh, thắng trí trong Chánh Pháp, Thượng tọa sách tấn.

“Ai sống một trăm năm, Không thấy pháp sanh diệt,

Tốt hơn sống một ngày, Thấy được pháp sanh diệt.”

(Kinh Pháp Cú -113)

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan