Báo cáo Ban Tổ chức khóa tu của Hệ phái Khất sĩ
- TK. Giác Hoàng
- | Thứ Bảy, 12:37 20-06-2020
- | Lượt xem: 3609
Ban Tổ chức khóa tu (TCKT) đứng đầu trong 8 Ban của Hệ phái. Đây là một Ban đặc thù vì trong hệ thống quản lý Giáo hội không có, nhưng Hệ phái Khất sĩ lại hình thành ban này, nhằm củng cố đường hướng tu hành Phạm hạnh của đức Thế Tôn khai sáng và đức Tổ sư tiếp nhận, hành trì và xiển dương. Nói cách khác, Ban TCKT chủ yếu triển khai pháp hành dành cho hàng xuất gia.
1. NHÂN SỰ
Trưởng ban: HT. Giác Toàn.
Phó Trưởng ban: HT. Giác Hà.
Giáo thọ khóa tu Truyền thống (Tăng): HT. Giác Giới, HT. Giác Toàn, HT. Giác Pháp, HT. Minh Bửu, HT. Giác Sơn, HT. Giác Minh (GĐ II), HT. Giác Nhân, HT. Giác Thành, TT. Minh Thành, TT. Giác Duyên (dự khuyết).
Giáo thọ khóa An cư và Bồi dưỡng Trụ trì: HT. Giác Pháp, HT. Minh Bửu, HT. Giác Nhân, HT. Giác Trí (GĐ III), HT. Minh Ngạn, HT. Giác Minh (GĐ II), TT. Minh Thành, TT. Minh Hóa, TT. Giác Minh (GĐ I), TT. Giác Duyên, TT. Giác Phổ, TT. Giác Hoàng.
Chư Tôn đức Ni tham gia thuyết trình khóa Bồi dưỡng trụ trì:
NGHP: NT. Tố Liên, NT. Khiêm Liên, NT. Ánh Liên, NS. Tín Liên, NS. Phụng Liên, NS. Tuệ Liên,
NGGĐ III: NT. Hiệp Liên, NS. Hiếu Liên.
NGGĐ IV: NT. Thông Liên, NT. Mai Liên, NS. Tuyết Liên.
Giáo thọ và Quản chúng khóa Bồi dưỡng đạo hạnh:
Chư Tăng:
Giáo đoàn I: ĐĐ. Minh Viên, ĐĐ. Minh Phú, ĐĐ. Minh Khải.
Giáo đoàn II: ĐĐ. Giác Phước, ĐĐ. Minh Tuế.
Giáo đoàn III: TT. Giác Phổ, TT. Giác Hoàng, ĐĐ. Giác Nhường, ĐĐ. Giác Tuyên, ĐĐ. Giác Thống.
Giáo đoàn IV: ĐĐ. Minh Liên, ĐĐ. Minh Duy, ĐĐ. Minh Đạo, ĐĐ. Minh Thái.
Giáo đoàn V: ĐĐ. Giác Nhẫn, ĐĐ. Giác Quý.
Giáo đoàn VI: TT. Giác Minh.
Chư Ni:
Giáo đoàn I: SC. Phước Liên, SC. Như Liên.
Giáo đoàn III: SC. Hòa Liên, SC. Chánh Liên và SC. Hoa Liên.
Giáo đoàn IV: NS. Hạnh Liên, NS. Phấn Liên, SC. Duyên Liên, SC. Thu Liên.
Giáo đoàn VI: SC. Phương Liên, SC. Sanh Liên
2. KHÓA TU TRUYỀN THỐNG KHẤT SĨ (TĂNG)
2.1. Tình hình chung: Mỗi năm, Hệ phái tổ chức 3 lần khóa tu Truyền thống cho chư Tăng 6 Giáo đoàn đồng về tu học. Mỗi khóa kéo dài 7 ngày (không tính ngày bế mạc), tương ứng với 3 mùa Xuân, Thu và Đông. Thông thường, Ban Tổ chức khóa tu chọn ngày 4 tháng 3, ngày 4 tháng 9, ngày 4 tháng 11 (âl) làm ngày khởi đầu cho khóa tu (ngoại trừ trường hợp đặc biệt phải thay đổi). Khởi đầu từ năm 2010, nên cuối năm 2019, đã có 30 khóa tu, giáp vận mỗi Giáo đoàn 5 lần.
Mùa Xuân năm 2020, Hệ phái dự kiến sẽ tổ chức khóa tu tại Tịnh xá Ngọc Vạn (Vạn Giã, Khánh Hòa), nhưng vì đại dịch Covid-19, nên việc tổ chức bị đình hoãn.
Dự kiến khóa tu học tiếp theo vào mùa Thu do Giáo đoàn II tổ chức tại Tịnh xá Trúc Lâm (Phan Thiết).
Sau đây là một số nhận định liên hệ đến việc tổ chức khóa tu được chư Tôn đức đã thống nhất trong các phiên họp.
2.2. Cơ sở vật chất: Mỗi Giáo đoàn nên đầu tư xây dựng một trung tâm cố định cho việc tổ chức khóa tu học truyền thống này. Các tịnh xá trong Giáo đoàn có điều kiện tổ chức khóa tu chỉ là phụ.
Giáo đoàn I: Tổ đình Minh Đăng Quang (Vĩnh Long).
Giáo đoàn II: Tịnh xá Trúc Lâm (Phan Thiết).
Giáo đoàn III: Tịnh xá Ngọc Yên (Gia Lai).
Giáo đoàn IV: Tịnh xá Ngọc Thiền (Đà Lạt - Lâm Đồng).
Giáo đoàn V: Tịnh xá Ngọc Thạnh (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Giáo đoàn VI: Tịnh xá Trúc Lâm (Tây Ninh).
2.3. Đối tượng hành giả: Trong khóa tu, hành giả tham dự nên là các vị Tỳ-kheo. Nếu có sự hiện diện của hàng Sa-di thì chỉ là số ít và các vị là thị giả cho chư Tôn túc. Tránh tình trạng quá đông Sa-di tham dự, để rồi Ban TCKT phải quan tâm quản lý và đặt nặng dạy dỗ cho đối tượng này.
2.4. Các vị Giáo thọ: Là các vị Tôn đức như danh sách đã nêu. Tuy nhiên, các Ngài nên đồng hành với chư vị hành giả ít nhất là một ngày một đêm trước và trong ngày chịu trách nhiệm thuyết giảng, để trải nghiệm đời sống kham nhẫn và chuyên tu của đại chúng, để bài giảng của các Ngài sẽ dễ cảm, dễ đi sâu vào tâm đại chúng hơn. Tránh trường hợp đến đúng giờ giảng buổi sáng. Trưa ăn cơm độc lập rồi chiều giảng xong về, không gắn bó với đại chúng.
2.5. Đề tài thuyết giảng:
- Nên là đề tài pháp hành (tức là kinh nghiệm tu học về Giới Định Huệ) hơn là pháp học (lịch sử, tri thức thế gian,…). Khóa tu chú trọng việc trải nghiệm hành trì mà không là trau dồi kiến thức, học rộng hiểu nhiều, thiên về pháp học.
- Đề cương giảng thuyết hoặc bài giảng chi tiết nên được gởi về Ban TCKT trước vài ngày để BTC dò chính tả, in và phát cho hành giả vào ngày thuyết giảng.
2.6. Thời lượng tu học: Có thời gian tu học tập trung, có thời gian tu học cá nhân. Từ quy định này, khóa tu tạo điều kiện cho hành giả thư thả hơn về thời gian tu học. Trong 30 khóa vừa qua, gần như BTC sắp lịch rất là sát sao. Từ khóa tu 31 về sau, lịch tu học chung và riêng cụ thể hơn để hành giả trải nghiệm đời sống an nhàn, độc cư tư duy, thiền định.
2.7. Trình pháp: Là một nghệ thuật kiểm tra sự hiểu biết và hành trì của hành giả, giúp hành giả điều chỉnh nhận thức và sự hành trì kịp thời trong mọi lúc. Do đó, vị Thiền chủ và các vị giáo thọ, trợ lý Thiền chủ nên dành thời gian để thực hiện sứ mạng này. Tại các trung tâm thiền quốc tế, không có trường thiền nào bỏ qua phần quan trọng này. Vì nó đóng một vai trò vô cùng thiết yếu trong khóa tu học: Giải nghi những thắc mắc; hành giả có cơ hội trình bày sự yếu kém của bản thân; hành giả phát nguyện trước vị thầy để phát khởi tâm dũng mãnh, tinh tấn hơn trên con đường tu học; được bậc Thầy khích lệ trên con đường tu học.
2.8. Bồi dưỡng các vị Giáo thọ và Ban Trình pháp: Để khóa tu có chất lượng thật sự, chư vị Giáo phẩm nên quan tâm kiểm tra tố chất của các hành giả trong quá trình tu học, nhằm tìm kiếm các vị Giáo thọ trong tương lai, cũng như định hướng đào tạo các vị vào Ban Giáo thọ hoặc Ban Trình pháp, Ban Hướng dẫn khóa tu trong tương lai.
2.9. Ban Quản chúng / Kiểm soát: Luôn là các vị Giáo phẩm có đạo hạnh, gương mẫu thật sự. Tránh tình trạng người tu lâu mà thiếu phẩm chất của bậc Thầy được cử làm quản chúng, kiểm soát trong khóa tu. Do đó, việc cung cử chức sự trong khóa tu phải hết sức cẩn trọng, tránh tình trạng vị nể và cung cử theo Giáo đoàn.
2.10. Thời khóa sám hối vào buổi tối: Vô cùng cần thiết cho đại chúng. Đây là thời điểm các vị trong Ban Chức sự khóa tu như Kiểm thiền, Kiểm soát và Giám luật tùy nghi nêu ra các vấn đề, giải thích và điều chỉnh chúng kịp thời sau một ngày tu. Tránh sa đà vào một số lỗi nhỏ nhặt cá nhân (không cần thiết lắm và sám hối theo nghi thức chiếu lệ, chứng tỏ mình tu giỏi vì những lỗi nhỏ nhặt cũng được mình trong sạch sám hối!). Hãy dành thời gian này triển khai những điều có thể đã xảy ra tại tịnh xá hoặc tại khóa tu liên quan đến việc hành trì giới luật và tu tập.
2.11. Nghi lễ tác bạch vào giờ ngọ trai: Nên đơn giản mà trang nghiêm. Tại nơi khất thực, Phật tử không cần quỳ tác bạch, mà sẽ tác bạch chỉ một lần sau khi qúy Ngài đã an tọa trong trai đường. MC hướng dẫn và giới thiệu Phật tử cũng cần ngắn gọn, đi vào trọng tâm, tránh tình trạng dẫn dắt dài dòng. Cũng không nên đọc danh sách cầu an, cầu siêu quá dài (trừ trường hợp đặc biệt), chỉ đọc tên các miền tịnh xá, do ai hướng dẫn đến cúng dường, và bổn nguyện như thế nào là đủ.
2.12. Tứ sự cúng dường: Nên gọn gàng. Nhất là vào ngày bế mạc. Tránh hình thức màu mè, bày biện cho đẹp lòng tín chủ khiến bữa cúng Ngọ cuối cùng của khóa tu không còn tính chất thanh đạm, giản dị của người tu Khất sĩ thanh bần.
2.13. Khi đến và về: Khi đến trú xứ để kiết giới tu tập trong một tuần, các hành giả trang nghiêm, lặng lẽ ra sao thì khi về hãy như vậy. Hiện nay nhiều vị khi ra về háo hức cùng với các Phật tử làm rộn ràng, đánh mất tư cách của người thầy hướng đạo, làm đảo ngược hình ảnh chậm rãi, khoan thai, điềm tĩnh của một vị Sư trì bình khất thực hóa duyên mới sáng nay còn thực tập, với một vị Sư vội vã, lăng xăng, mất oai nghi khi lên xe ra về với các Phật tử vào buổi chiều. Hình ảnh đối lập này rất phản cảm trong thấu kính của các Tăng Ni đạo hạnh và Phật tử thuần thành.
3. KHÓA TU TRUYỀN THỐNG KHẤT SĨ (NI)
Mặc dù chư Ni tổ chức khóa tu Truyền thống sau chư Tăng, nhưng mỗi năm tổ chức từ 3 đến 5 khóa, nên tổng số khóa đã vượt trội hơn chư Tăng, là 34 khóa Thời gian mỗi khóa tu tập trong bảy ngày (bao gồm luôn ngày khai mạc và bế mạc).
Căn cứ theo báo cáo mỗi khóa tu cho thấy, số bài Chơn lý được đọc, hoặc giảng giải trong mỗi khóa tu khá nhiều. Ban TCKT nên quán sát lại chất lượng thẩm thấu ý pháp có tương xứng số lượng bài học chăng.
4. KHÓA HỌC LUẬT TỲ-KHEO-NI CỦA NI GIỚI GIÁO ĐOÀN I
Đây là một khóa tu học hết sức đặc thù, vừa tu thiền chỉ quán, vừa học Luật tạng. Khóa học khai giảng từ tháng 10 năm 2011 đến nay đã trải qua 32 khóa. Hai năm đầu mỗi năm 2 khóa. Các năm sau, mỗi năm 4 khóa. Mỗi khóa 7 ngày, luân chuyển ở một số trú xứ có điều kiện thuận lợi để mở khóa tu.
Đối tượng tham học là các vị Tỳ-kheo-ni các miền tịnh xá, nên mỗi khóa chỉ khoảng 30-40 vị. Bộ Luật mà chư Ni học là bộ Luật Tứ phần Tỳ-kheo-ni Giới bổn hội nghĩa, do Thích Nữ Diệu Sơn dịch, và bộ Luật Tứ phần Tỳ-kheo-ni Giới bổn chú giải, do Ni sư Phật Oánh biên soạn.
5. KHÓA SỐNG CHUNG TU HỌC CỦA NI GIỚI GIÁO ĐOÀN III
Khóa tu này, bắt đầu từ năm 2015, tại Tịnh xá Ngọc Trung (An Khê, Gia Lai) đến nay, năm 2020 đã được 10 khóa.
Thời gian: 7 ngày 7 đêm (không tính thời gian ngày nhập chúng và ngày bế mạc).
Khóa tu nhằm củng cố nội bộ của Ni đoàn, chia sẻ kinh nhiệm quản lý một ngôi tịnh xá và kinh nghiệm hoằng pháp lợi sinh hơn là chuyên nghiên cứu về pháp môn. Mỗi khóa trung bình có khoảng 60-70 vị hành giả tham gia.
Mùa Xuân năm 2020 này, vì có đại dịch Covid-19 nên Khóa Sống chung tu học của Ni giới Giáo đoàn III, tại Tịnh xá Ngọc Bửu (Eakar, Đăk Lăk) bị hoãn lại.
6. KHÓA TU TRUYỀN THỐNG CỦA NI GIỚI GIÁO ĐOÀN IV
Trong những năm qua, Ni giới Phân đoàn 1 và Phân đoàn 2 của Giáo đoàn IV đã tổ chức khóa tu này độc lập.
- Phân đoàn 1: Tính đến thời điểm hiện tại, Phân đoàn 1 có 10 khóa tu truyền thống. Bắt đầu khóa thứ nhất năm 2015. Nội dung tu thiền và học Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang, lấy Giới Định Tuệ làm nền tảng, theo dõi Tâm trong từng thời khóa. Ngoài ra, trong một khóa tu có tổ chức đi hóa duyên 1, 2 lần để cho Phật tử phát tâm hướng về Tam bảo, gieo nhân lành trên bước đường tu nhân học Phật. Sau mỗi khóa tu tập, chư Ni đã và đang dần thanh lọc tâm, an lạc khi rời đạo tràng.
- Phân đoàn 2: Ni giới Phân đoàn 2 trực thuộc GĐ IV bắt đầu tổ chức khóa “SỐNG CHUNG TU HỌC” cho chư Ni Phân đoàn 2 từ tháng 8 (âl) năm 2014; tính đến cuối năm 2019 đã tổ chức được 24 khóa. Khóa tu tập giúp chư Ni tập thay đổi chỗ trụ ngắn ngày (7 ngày), và ý thức tinh thần sống chung tu học. Trong thời khóa mỗi ngày đều có thời đọc Chơn lý và đọc Luật. Huynh đệ cùng nhau đọc kỹ bộ Chơn lý nhiều lần, sau đó mỗi vị trình bày những ý pháp mình tâm đắc. Trong giờ đọc Luật, chư Ni đọc Luật nghi Khất sĩ, Trùng trị Tỳ-ni sự nghĩa tập yếu của Ngài Trí Húc, Luật Tứ phần Giới bổn Tỷ-kheo-ni lược ký của Ngài Nguyên Biểu do NT. Huyền Huệ dịch. Ban TCKT sắp xếp nội dung để chư Ni tập trung học và hành trong bảy ngày, hiểu rõ hơn ý pháp do Tổ sư giảng giải, đồng thời ôn lại Luật tạng, để từ đó làm điểm tựa vững chắc cho sự tu học của tự thân.
- Hội chúng Ni trưởng Ngân Liên: Khóa “Sống chung tu học” do NT. Mai Liên - Trưởng ban Quản chúng Ni GĐ IV hướng dẫn. Mỗi năm Ni trưởng tổ chức khóa tu một lần tại TX. Ngọc Lâm - Long Hải, bắt đầu từ năm 2016 đến năm 2019 được 4 khóa. Khóa tu mang tính chất nội bộ, chư Ni các tịnh xá trực thuộc về dự có trên 40 hành giả, thời gian 7 ngày. Mỗi ngày đều có các thời khóa thiền hành, thiền tọa qua đề mục Sổ tức quan; có 120 phút đọc và triển khai từng bài pháp trong Chơn Lý để chư Ni nắm bắt và hiểu thêm những ý pháp của Tổ sư hầu áp dụng vào đời sống tu tập của mỗi hành giả. Buổi tối có thời sám hối lục căn cho hành giả thanh lọc tam nghiệp của mình. Trong những giờ trình pháp và chia sẻ pháp hành, Ni trưởng thường nhắc nhở đại chúng về giới luật, phải nghiêm giữ khít khao, chặt chẽ để làm thềm thang căn bản tiến đến giác ngộ giải thoát. Sau mỗi khóa tu tuy ngắn ngủi nhưng thực sự đã đem lại cho hành giả niềm an lạc, lợi ích và tiến bộ về tâm linh một cách rõ rệt.
7. KHÓA SỐNG CHUNG TU HỌC CỦA NI GIỚI GIÁO ĐOÀN VI
Ni giới trực thuộc GĐ. VI bắt đầu thực hiện khóa tu này từ năm 2016. Tính tới thời điểm hiện tại, Ni giới GĐ VI đã tổ chức được 5 lần: 3 lần tại TX. Phước Hưng (Đồng Nai), 1 lần tại TX. Ngọc Chơn (Bình Phước), 1 lần tại TX. Trúc Lâm (Tây Ninh). Mỗi lần có khoảng 35 hành giả Ni và 10 vị Tôn đức trong Ban Trị sự GĐ. VI hướng dẫn và đồng tu.
8. KHÓA BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH DO HỆ PHÁI TỔ CHỨC
Khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH bắt đầu từ năm 2015, đến nay Hệ phái đã tổ chức 5 khóa. Mỗi khóa có khoảng 200-250 Sa-di, Sa-di-ni và tập sự thuộc các Giáo đoàn Tăng và các Giáo đoàn Ni trực thuộc Tăng về tham dự. Khóa tu diễn ra trong 10 ngày, thông thường, khai mạc vào sáng mùng 8 và bế mạc vào chiều 17 tháng 6 (âl) hằng năm. Sau đó, các khóa sinh ở lại phụ công quả cho ngày Tưởng niệm cố Trưởng lão Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên viên tịch (18-19/6 âl).
Nội dung: Giảng giải và chia sẻ những kiến thức cơ bản của một vị Sa-di và tập sự, khích lệ Bồ-đề tâm, duy trì và tu tập tâm xuất gia trong mọi trường hợp.
Trong khóa tu này, theo thời khóa biểu, đại chúng sẽ được dò và nhắc nhở học thuộc các bài trong Luật nghi Khất sĩ, Nghi thức tụng niệm, 30 câu Kinh Pháp cú,…
Ban TCKT cũng khuyến khích các hành giả trẻ học thuộc lòng Chơn lý. Trong thời gian qua, nhiều vị Tăng Ni Sa-di và tập sự đã phát tâm học thuộc lòng Chơn lý từ 1 bài đến 10 bài Chơn lý. Đây là điều kiện giúp cho các học Tăng, học Ni tiếp cận được lời dạy của Tổ sư Minh Đăng Quang.
9. KHÓA BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH DO GIÁO ĐOÀN III TỔ CHỨC
Ngoài khóa Bồi dưỡng đạo hạnh do Hệ phái tổ chức mỗi năm một lần, Giáo đoàn III mỗi năm tổ chức 2 khóa tu Bồi dưỡng đạo hạnh vào mùa Xuân và mùa Thu cho các Sa-di và tập sự. Mỗi khóa có khoảng 70-80 Sa-di / Sa-di-ni, tập sự của Giáo đoàn về tham dự.
Nội dung cũng giống như chủ trương của Hệ phái, tập trung các bài vở trong tầm nhận thức của một vị Sa-di và tập sự, định hướng lý tưởng giải thoát, phụng sự và độ sanh của một nhà Sư trong tương lai.
Khóa tu này được Ban Giáo dục Tăng Ni của Giáo đoàn quản lý và điều hành. Hiện nay, Ban Giáo dục Tăng Ni GĐ III do HT. Giác Trí làm Trưởng ban, và TT. Giác Hoàng làm Phó ban Thường trực.
Ngoài các vị Tôn trưởng trong Giáo đoàn chứng minh và sách tấn, các vị Thượng tọa, Đại đức có uy tín thường xuyên được mời để quản chúng và hướng dẫn: TT. Giác Phổ, ĐĐ. Giác Nhường, ĐĐ. Giác Tuyên, ĐĐ. Giác Thống,… Đối với chư Ni, Ban TCKT phân công một số vị Ni sư theo khu vực tham gia và hỗ trợ khóa tu. Chư Ni thường xuyên lãnh đạo và tham gia có NT. Hiệp Liên, NT. Cảnh Liên, một số Ni sư khác, cùng với SC. Hòa Liên, SC. Hoa Liên, SC. Định Liên, v.v…
10. PHÁP HÀNH TRUYỀN THỐNG KHẤT THỰC
Pháp hành “Khất thực” là một pháp tu căn bản thuộc về chánh mạng của nhà Sư Khất sĩ, và theo Tổ sư Minh Đăng Quang, đó là pháp vừa tự lợi, vừa lợi tha. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, việc khất thực đúng nghĩa “dưới xin vật chất nuôi thân, trên xin giáo pháp để nuôi tâm”, nỗ lực tiến tu ngày đêm để chấm dứt sanh tử trong một đời thật là khó thực hành được. Các Sư còn nhỏ (vừa mới thọ giới Sa-di) không được thầy dắt bạn dìu, tập làm quen với pháp khất thực. Các vị chỉ đi khất thực khi có các sự kiện lớn của Giáo đoàn như dịp tháng Bảy - Vu Lan hoặc Đại lễ tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang.
Giữa phố xá ồn ào, náo nhiệt, một vị Sư Khất sĩ ôm bát đi xin ăn tu học qua ngày có thể giữ được tâm thanh tịnh, từ bi, kham nhẫn là pháp cần trau dồi đúng mức. Do đó, Hệ phái cần thúc đẩy pháp hành khất thực với 37 phẩm trợ đạo như Kinh Khất thực thanh tịnh (số 151) trong Kinh Trung bộ đã trình bày. Bằng không, pháp hành này càng ngày càng bị mai một và những vị hành trì được nhưng lại tự cao, kiêu mạn, khen mình chê người, điều đó sẽ trở thành chướng ngại pháp trên con đường tu tập của các vị ấy.
11. PHÁP HÀNH TẠI TỊNH XÁ
Tất cả các khóa tu ngắn ngày (7 ngày) dành cho hàng Tỳ-kheo và 10 ngày dành cho hàng Sa-di mỗi năm 3 khóa và 3 tháng An cư kiết hạ cũng không đủ để nuôi dưỡng giới đức, tâm đức và tuệ đức của hành giả một cách trọn vẹn. Vì đó là khóa “bồi dưỡng”. Còn khóa “giáo dưỡng” thật sự dài hạn và có sức tác động mạnh mẽ đến hành giả là những ngày tháng tu hành tại tịnh xá dưới sự hướng dẫn của vị thầy tâm linh. Do đó, không gì hơn, mỗi trụ xứ tịnh xá nên thiết lập thời khóa tu tập tại đạo tràng của mình.
Ngày nay, nhiều tịnh xá gần như chỉ còn 2 thời công phu sáng và tối, thời gian còn lại dành cho công quả lao tác hằng ngày hơn là dành cho việc “trau tâm giồi trí” thật sự. Với công tác bộn bề của một vị trụ trì hiện nay, người thầy dồn tâm vào công việc đối ngoại hoặc xây dựng nhiều hơn là công việc hướng dẫn pháp hành cho học trò. Đó là một bất cập, khập khiễng rất lớn, nên các vị trụ trì cần phải điều chỉnh để đảm bảo vừa phát triển nội lực của đời sống Tăng-già, vừa phát triển xây dựng đạo tràng. Bằng không, một ngày nào đó, các trú xứ sẽ rơi vào tình trạng “có tịnh xá, nhưng không có người tu hành đắc đạo, hoặc người chân tu thật học”.
Các bài viết liên quan
- Báo cáo Tổng kết Khóa Bồi dưỡng Kinh nghiệm Trụ trì lần thứ 17, PL. 2564 - DL. 2020 - Hệ phái Khất sĩ - Thứ Ba, 12:18 07-07-2020 - xem: 3334 lần
- Báo cáo Quỹ Pháp học Khất sĩ 2020 - Thứ Bảy, 12:42 20-06-2020 - xem: 3396 lần
- Báo cáo Ban Tổ chức khóa tu của Hệ phái Khất sĩ - Thứ Bảy, 12:37 20-06-2020 - xem: 3609 lần
- Báo cáo của Ban Văn hóa – Truyền thông Hệ phái Khất sĩ - Thứ Sáu, 18:23 19-06-2020 - xem: 3539 lần
- Báo cáo Ban Tăng sự Hệ phái năm 2020 - Thứ Tư, 20:16 17-06-2020 - xem: 4233 lần
- Học, tu và phụng sự: Ba yếu tố căn bản của vị trụ trì - Thứ Ba, 19:59 16-06-2020 - xem: 4104 lần
- Bế mạc khóa Bồi dưỡng Trụ trì, PL. 2564 – DL. 2020 - Thứ Ba, 05:12 16-06-2020 - xem: 4139 lần
- HT. Giác Toàn: Thăm đại chúng buổi cuối cùng trong khoá Bồi dưỡng trụ trì năm 2020 - Thứ Ba, 11:30 16-06-2020 - xem: 3824 lần
- Trách nhiệm của người Thầy trong thời đại mới - Thứ Hai, 16:18 15-06-2020 - xem: 4282 lần
- Báo cáo và chia sẻ phương hướng của các Ban trong Hệ phái - Thứ Hai, 14:45 15-06-2020 - xem: 3579 lần
- Cách tổ chức khóa thiền Vipassana - Thứ Hai, 11:53 15-06-2020 - xem: 5826 lần
- Báo cáo và chia sẻ về công việc sắp tới của Ban tu thư - Thứ Hai, 11:05 15-06-2020 - xem: 3757 lần