CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Đôi nét về người trụ trì

 

A. LỜI GIỚI THIỆU

Khi Phật giáo từ Ấn Độ truyền bá khắp năm châu, tất cả những nơi Phật giáo truyền bá đến đều đã tiếp nhận suối nguồn diệu giác một cách trọn vẹn. Qua bao tác động của nếp văn hóa và điều kiện khách quan của không gian và thời gian, Phật giáo không còn hình thức những đoàn du Tăng rày đây mai đó theo hạnh du phương thưở ban sơ. Vì vậy, hệ thống tự viện được xây dựng để người xuất gia tu học và hành đạo.

Sự hình thành một hệ thống tự viện, tịnh xá, niệm Phật đường,… đi vào hoạt động có nề nếp, ổn định về mọi mặt thì vai trò lãnh đạo tốt của một vị trụ trì là điều rất cần thiết cho bất kỳ tổ chức Phật giáo nào, dù cho đó là Nam truyền, Bắc truyền hay Khất Sĩ. Nếu một tổ chức xuất hiện mà không có một quy luật hoạt động, một sự điều hành tốt của người lãnh đạo thì tuổi thọ của nó sẽ rất ngắn ngủi, dấu ấn để lại trong lòng mọi người rất nhạt nhoà. Ngược lại, một hệ thống tự viện có tổ chức, những vị trụ trì có trách nhiệm cao sẽ đào tạo ra những con người ưu tú, những bậc cao tăng, thạc đức nối truyền giáo lý của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni để lại.

Trụ trì là những người nhận lãnh sứ mạng tiếp Tăng độ chúng, truyền trao giáo điển của đức Phật cho chúng hữu tình, làm sáng tỏ lời dạy của Ngài, giúp cho đàn hậu tấn, giúp cho hội chúng Phật tử nhận thức được đạo lý giác ngộ, giải thoát; hầu chuyển hóa tâm thức, tạo dựng một đời sống an lạc và hạnh phúc ngay tại thế gian.

Những vị ấy thực hiện sứ mạng cao cả của mình trên tinh thần “vô ngã vị tha”, sẵn sàng dấn thân phụng sự Chánh pháp, phục vụ nhân sanh. Có thể nói, vị Trụ trì là một sứ giả quan trọng đối với việc truyền bá Chánh pháp của đức Thế Tôn.

Quả thật, chỉ những ai có tâm Bồ-tát mới có thể hoàn thành sứ mạng cao cả của mình. Cho nên, đối với các vị Trụ trì là những vị đã được Phật bổ xứ, thì việc trước tiên là phải có một tâm nguyện rộng lớn, phải trải qua quá trình học hỏi tu tập, phải hết lòng phụng sự chánh pháp, phục vụ chúng sanh, thì mới có thể làm tròn được trọng trách “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”.  

B. NỘI DUNG

I. KHÁI QUÁT CHUNG

1. Định nghĩa

“Một định nghĩa căn bản cho một trụ trì là người chịu trách nhiệm tổng quát của một tự viện”[1]. Tức là người trụ trì phải “Tác Như Lai xứ, hành Như Lai sự” (thay mặt Phật, làm việc Phật) trong một tự viện, tịnh xá về các mặt đối nội, đối ngoại, hoằng pháp, hóa độ Tăng chúng, hướng dẫn cho Phật tử tu học, tạo niềm tin và điều kiện thuận lợi cho cư gia, bá tánh đến với ngôi tự viện, tịnh xá, ...

- Thế nào là “Trụ pháp vương gia”? Câu này nhằm nhắc nhở hành giả với vấn đề giáo pháp đã cảm nhận nơi tự thân thể hiện, ngôn hạnh tương ưng, các pháp thế và xuất thế ứng dụng trong đời sống hàng ngày qua thân khẩu ý xuất phát từ “trí tuệ hành” nên tự tại các pháp và có thể an nhiên với vấn đề ưu bi khổ não. “Thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân” được xuất phát từ Như Lai tâm, ứng dụng từ Như Lai hạnh nên được gọi là “trụ pháp vương gia”.

- Thế nào là “Trì Như Lai tạng”? Như ta đã biết, với việc làm tâm và hạnh xuất phát từ bản thể Như Lai - không từ đâu đến và không đi về đâu, chính là bản thể chơn như thường trú, ta và Phật giống nhau thường tồn bất diệt. “Trì Như Lai tạng” là giữ gìn cái chân tánh Như Lai sẵn có nơi mình, ấy là nói về thể, còn về ứng dụng thì “Trì Như Lai tạng” mang ý nghĩa giữ gìn và truyền bá ba tạng kinh – luật - luận của Như Lai. 

2. Nguồn gốc

Theo Từ điển Phật học Huệ Quang,[2] “Trụ trì” còn gọi là “Trụ trì chức” hay “Trụ chức”, vốn có nghĩa là ở lâu để giữ gìn Phật pháp về sau, chỉ cho một vị Tăng đứng đầu quản lý một ngôi chùa. Đầu tiên gọi là Duy-na, Tự chủ, từ đời Tống về sau gọi là trụ trì. Lúc Phật giáo mới truyền vào Trung Quốc, người tu thiền chỉ dùng đạo để truyền cho nhau, có vị trụ trong hang núi, có vị trụ trong chùa luật, chưa có tên gọi trụ trì. Mãi đến đời Đường, Thiền tông dần dần phát triển, đồ chúng ngày một tăng, Ngài Bách Trượng Hoài Hải mới lập ra chế độ trụ trì để truyền đại pháp của thầy, thờ thầy.

3. Ý nghĩa tu tập

Người thiện nam, thiện nữ đó phải vào nhà Như Lai, mặc y Như Lai, ngồi tịa Như Lai, rồi mới nên vì bốn chng m rộng nĩi kinh ny.

Nhà Như Lai chính là tâm từ bi lớn đối với tất cả chng sanh, y Như Lai chính l lịng nhu hịa nhẫn nhục, tịa Như Lai chính là nhứt thiết pháp không. An trụ trong đây, sau rồi dùng tâm không biếng trễ vì cc Bồ-tt v bốn chng rộng nĩi kinh Php Hoa ny.

II. NHÂN CÁCH TRỤ TRÌ

1. Nhân- Minh- Dũng

Theo Thiền lâm bảo huấn[3], ngài Viễn Công nói: Trụ trì có 3 điểm cần thiết:

Nhân: nghĩa là thực hành đạo đức, phát triển việc giáo hóa, an trên dưới, làm đẹp lòng người đi kẻ lại.

Minh: giữ lễ nghĩa, biết an nguy, xét hiền ngu, biện phải trái.

Dũng: phải quả cảm với công việc, trừ kẻ gian, bỏ kẻ nịnh.

Nhân mà không có minh như người có ruộng chẳng cày. Minh mà không có dũng như có lúa non chẳng làm cỏ. Dũng mà chẳng có nhân cũng như chỉ biết cắt cỏ mà chẳng biết gieo hạt giống. Ba điểm thiết yếu như trên mà đầy đủ thì chốn tòng lâm hưng thịnh. Thiếu một thì suy, thiếu hai thì nguy, thiếu tất cả thì cái đạo của trụ trì hỏng vậy.

2. Tinh thần vô ngã vị tha

“Vô ngã vị tha” là tinh thần mình vì mọi người, tinh thần của Bồ-tát phát nguyện vì lợi ích cho chúng hữu tình, vì sự an lạc và hạnh phúc cho tha nhân, sẵn sàng xả thân phụng sự chánh pháp, phục vụ nhân sanh, không kể gian lao, chẳng từ khó nhọc. Bởi vì vô ngã là không chấp ngã, là không chấp vào cái ta nhỏ bé của mình. Tuy nhiên, dù nói nhỏ bé nhưng chính nó là nhân tố chủ yếu để giúp chúng ta đạt đến quả vị giác ngộ, giải thoát. Đồng thời cũng chính cái ta nhỏ bé này, nó cản ngăn chúng ta thành tựu sự nghiệp hay đưa đẩy ta bước vào con đường tội lỗi, khổ đau. Vì thế, là vị Trụ trì cần phải tu tập như thế nào, sử dụng cái ta nhỏ bé này ra sao để trên bước đường hành đạo, giáo hóa chúng sanh thể hiện được tinh thần vô ngã vị tha thì mới đem đến cho mọi người niềm an vui thật sự.

Chúng ta thường nghe nói: “Cái này là ta, cái kia là của ta, cái nọ là tự ngã của ta”. Những cái ta, của ta ấy là đầu mối của mọi phát sinh vui khổ trên cuộc đời. Kinh Pháp Cú, Đức Phật đã nói rất rõ ý này như sau:

Con ta, tài sản ta

Người ngu sanh ưu não.

Tự ta, ta không có

Con đâu, tài sản đâu?”

(Kinh Pháp Cú, 62)

Ý thức được việc ấy, một vị Trụ trì khi giáo hóa độ sanh cần phải vận dụng cho thật nhuần nhuyễn tinh thần “Vô ngã vị tha”. Chẳng những khi giáo hóa không thấy mình giáo hóa, khi phụng sự không thấy mình phụng sự mà còn phải thấy được bản chất của pháp không giáo hóa, không phụng sự nữa. Khi ấy, chúng ta mới không bị những cái ta làm chướng ngại trên bước đường truyền trao chánh pháp của đức Thế Tôn. Không thể nào có một vị Trụ trì lo cho chúng Tăng tu học yên ổn, lo cho Phật tử an vui hướng đạo mà lại đi kể công lao, lại than khổ cực. Hay là cố chấp vào cương vị của mình, cho rằng mình là người Trụ trì thì mọi người phải cung kính, lo lắng cho ta… Như thế thì đâu còn ý nghĩa một vị Trụ trì chân chánh, không thể hiện được tinh thần vô ngã vị tha của người con Phật. Hình ảnh Đức Thế Tôn ngồi bên đường xâu kim cho một cụ già, mà không hề nghĩ rằng mình là bậc tôn quý, là Thầy của Trời người. Chính điều đó đã cho ta thấy rõ tinh thần vô ngã vị tha của bậc xuất trần thượng sĩ, thể hiện trên bước đường giáo hóa là như thế nào.

3. Trụ trì phải là người có đạo lực uyên thâm

Sở dĩ một số Trụ trì thành công, được hội chúng Phật tử ngưỡng mộ, tin tưởng, hoan nghênh là nhờ vị ấy có được một đạo lực uyên thâm, hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu xa, đáp ứng được tấm lòng ngưỡng mộ của hội chúng và khơi mở được tâm hồn của tín đồ Phật tử.

Ở thế gian, nhà văn, nhà thơ hay nhà nghệ sĩ họ phải viết và biểu diễn như thế nào cho có hồn trong bài viết, trong bài ca, trong vở kịch của họ, người họa sĩ phải vẽ ra sao cho có thần trong bức vẽ của mình mới có thể khiến quần chúng độc giả, khán thính giả khâm phục. Là một vị Trụ trì, chúng ta phải lưu ý đến ý nghĩa này, tức là cần phải có phương cách hướng dẫn hội chúng tu tập như thế nào để cho sự trao truyền của mình có thể nhiếp phục được hội chúng. Khi nào nhiếp phục được hội chúng thì vị Trụ trì ấy mới làm tròn sứ mạng của mình. Muốn làm được việc này, đòi hỏi vị Trụ trì ấy phải có đạo lực uyên thâm. Chính tinh thần uyên thâm này mới là yếu tố chủ yếu để nhiếp hóa được hội chúng Phật tử về tu học.

Thế nhưng, để có đạo lực uyên thâm thì vị Trụ trì phải có quá trình tu học và hành trì chánh pháp lâu dài, phải thông suốt nội điển, phải am hiểu ngoại điển, phải hết lòng phụng sự tha nhân, nhất là phải ứng dụng cho được tinh thần Phật chất trong cuộc sống tu tập, trong con đường hoằng pháp độ sanh. Được như vậy, chúng ta mới có thể vận dụng giáo pháp của đức Thế Tôn đi vào cuộc đời một cách nhuần nhuyễn, không hề bị chướng ngại và từ đó mới dễ dàng khiến cho hội chúng kính phục và hết lòng tu học.

Ví như khi một vị Trụ trì dạy cho hội chúng phương pháp chuyển hóa sân hận. Muốn cho hội chúng tiếp thu và thực hiện có hiệu quả thì trước hết vị Trụ trì phải làm gương thực hiện. Và phương pháp hướng dẫn đó phải thể hiện đúng lời Phật dạy, thực tế và có thể mang đến lợi ích thiết thực trong hiện tại và tương lai. Không thể vừa đứng chỗ này khuyên người Phật tử không nên sân hận, vừa quay qua chỗ kia ta lại tỏ thái độ sân giận với người khác.

Vị Trụ trì không được nói suông. Trong Kinh Pháp Cú, đức Phật đã nêu lên một bài kệ để diễn tả điều này:       

“Như bông hoa tươi đẹp

Có sắc nhưng không hương

Cũng vậy lời khéo nói

Không làm không kết quả”.

Hoặc như:             

“Như bông hoa tươi đẹp

Có sắc lại thêm hương

Cũng vậy lời khéo nói

Có làm có kết quả”.

III. VAI TRÒ NGƯỜI TRỤ TRÌ

1. Hóa độ

Hoằng pháp là công việc hàng ngày của tất cả những người thực hiện nếp sống xuất gia phạm hạnh. Đức Thế Tôn từng khuyến khích rằng: "Hỡi các Tỳ-kheo!… Các ông hãy đi, nhưng đừng đi hai người cùng một hướng, hãy đi mỗi người mỗi ngả, hãy truyền bá Chánh pháp. Này các Tỳ kheo, Chánh pháp toàn thiện ở phần đầu, phần giữa cũng như phần cuối, cả trong ý tứ và lời văn. Hãy tuyên bố về cuộc sống toàn thiện và thanh tịnh… Chính Như Lai cũng đi, Như Lai cũng sẽ đi về hướng Uruvela (Ưu Lâu Tần Loa) ở Sanànigàna để hoằng dương Chánh pháp. Hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí, hãy truyền dạy giáo pháp cao siêu, hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác; được vậy, là các ông đã hoàn tất nhiệm vụ” (Mahavagga - Đại phẩm 19, 20).

* Ba hình thức giáo hoá

a. Giáo hóa qua Thân giáo

Xã hội càng tiến bộ thì xã hội ấy càng phát minh ra nhiều công cụ, vật chất tinh xảo. Càng phát minh ra những công cụ vật chất tinh xảo thì càng tạo ra những sản phẩm hiện đại để đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt của loài người. Trong công cuộc hoằng pháp độ sanh, chúng ta cũng đã sử dụng có hiệu quả các công cụ vật chất ấy để truyền trao Phật pháp đến với mọi người. Nhưng dù sử dụng công cụ gì đi nữa thì sự hiện diện trực tiếp của vị Trụ trì vẫn là vấn đề quan trọng bậc nhất. Vì chính sự hiện diện của vị Trụ trì đã có tác động rất mạnh mẽ đến hội chúng tu tập. Nhớ lại khi còn làm điệu, cùng với đại chúng tụng kinh, tâm trí có phần giãi đải, nhưng khi thấy bóng dáng vị Trụ trì là chúng ta có thể nhất tâm tu tập và tinh tấn hơn.

Nếu một vị Trụ trì có quá trình tu học uyên thâm, có phẩm chất đạo đức cao quí, có sự giác ngộ tinh tường, có sự lão luyện trên pháp tòa thì đó là những yếu tố tuyệt vời, tạo được nét đặc thù, giúp cho vị Trụ trì ấy hoàn thành sứ mạng cao cả của mình một cách tốt đẹp. Nhưng nếu vị Trụ trì mà không hoàn thành sứ mạng của mình, cũng đồng nghĩa với việc chưa trao truyền được tinh thần giáo điển của đức Phật đến với mọi người. Như thế thì dù là vô tình hay cố ý, vị Trụ trì ấy cũng đã trao truyền cho thời đại một sản phẩm không hoàn thiện, không đem lại lợi ích gì cho đời, cho đạo và cho tất cả chúng sanh. Vì ngay bản thân hành đạo của vị Trụ trì cũng chính là bài pháp không lời rất quí giá, có tác dụng giáo hóa đồ chúng mạnh mẽ.

Thế nên, Trụ trì là danh xưng của những người con Phật đã phát tâm cống hiến đời mình cho Phật pháp, sẵn sàng trao truyền cho đời những tinh ba giáo điển mà mình đã liễu ngộ. Nhưng phải trao cho đời một sản phẩm hoàn thiện, lợi đạo ích đời, giúp đời thêm thăng hoa. Do đó, dù cho ở trên cương vị nào, ở trên phương diện nào, Trụ trì cũng vẫn là một Tăng Ni như mọi Tăng Ni khác, nên cần phải nỗ lực ngày đêm, phát tâm tu tập dõng mãnh, nghiên tầm giáo điển, tiến tu tam vô lậu học, hầu có thể nắm bắt mọi tinh hoa giáo điển của Đức Thế Tôn.

Nhưng đời sống của vị Trụ trì ấy hay nói cách khác là thân giáo chính là một biểu tượng mẫu mực không thể không gây được ấn tượng đạo hạnh trên bước đường cảm hóa tha nhân. Làm tròn được trọng trách cao quí ấy cũng có nghĩa là đã thuyết giảng được một bài pháp vô cùng quí giá, không những đã đáp ứng được tấm lòng mong mỏi của hội chúng mà còn không phụ lòng kỳ vọng của Thầy Tổ và Tăng Ni Phật tử đang mong đợi ở chúng ta.

b- Giáo hóa qua khẩu giáo:

Nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch hay nhà gì đi nữa cũng chẳng thể sánh với nhà tu. Tại sao vậy, tại vì các nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch đó họ chỉ làm có một việc, một nhiệm vụ quan trọng là họ lo viết bài cho thật hay, thật có ý nghĩa, nhằm phản ánh truyền trao kiến thức, cách sống, sinh hoạt lại cho cuộc đời, còn bản thân học thì sao cũng được. Nhưng đối với nhà tu thì mọi sinh hoạt đều chứa đựng một ý nghĩa cao quí, nhứt cử nhứt động đều là một biểu tượng, một tấm gương cho đời noi theo.

Chẳng những các hoạt động của vị Trụ trì đã giải quyết được công tác sinh hoạt Phật sự hàng ngày mà còn góp phần trang nghiêm Phật cảnh tại thế gian. Nếu nhà tu đó còn là một vị Trụ trì nữa thì ngoài việc thừa hành Phật sự tại các tự viện ra, còn phải viết lách, biên soạn giáo điển để truyền bá chánh pháp, họ còn sử dụng ngôn từ, khẩu thuyết để giáo hóa chúng sanh.

Thuyết phục được một người đã khó, huống hồ thuyết phục được cả một hội chúng tại trú xứ lại càng khó hơn. Do đó, ngôn từ của vị Trụ trì phải là ngôn từ được chọn lọc chính xác và thể hiện được tinh thần Phật chất của đức Thế Tôn. Không nên dùng ngôn ngữ quá thế tục, không tế nhị trong quá trình giáo hóa của mình.

Ngày xưa, lời dạy của đức Phật được xuất phát từ “kim khẩu” của Ngài. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà chúng ta dùng từ “kim khẩu” để chỉ cho những gì do chính từ miệng Ngài nói ra. Từ “Kim khẩu” mà chúng ta muốn nói ở đây là vì lời dạy của đức Thế Tôn nói ra đều mang đến cho chúng sanh niềm an lạc và hạnh phúc, chẳng những cho hôm nay mà còn mãi về sau.

Là Trụ trì, không thể nào nói năng thô lỗ, không thể nói toàn danh từ thế gian. Có những vị thường nói đùa với nhau rằng: “Ăn cơm Phật thì phải nói lời Phật”. Câu nói ấy nếu chúng ta biết ứng dụng trong quá trình truyền giáo thì tinh thần Phật chất sẽ đến với mọi người nhiều hơn.

Vì vậy, ngày nay chúng ta cũng cần lưu ý và thận trọng khi sử dụng ngôn từ của mình trong quá trình thừa hành Phật sự của đức Thế Tôn. “Nói năng như chánh pháp, im lặng như chánh pháp”, có lẽ đó là lời nhắc nhở, biểu trưng rất chính xác, rất quan trọng cho ý nghĩa này.

c- Giáo hóa qua ý giáo:

Thân giáo, khẩu giáo đóng vai trò quan trọng biết bao trên con đường giáo hóa của một vị Trụ trì, nhưng ý giáo lại là điều thiết yếu hơn cả. Ý giáo có lúc không biểu lộ ra bên ngoài, không phô bày trước hội chúng Phật tử. Nhưng ý giáo có một tác động sâu thẳm vô cùng. Bởi vì ý giáo là thể hiện tâm ý giáo hóa của một vị Trụ trì. Tâm ý hay tâm nguyện của một vị Trụ trì là muốn trao truyền tinh thần giáo điển của đức Thế Tôn mà mình đã liễu đạt đến với mọi người. Mong cho chánh pháp được trang trải đến với chúng sanh và đem lại sự an lạc, hạnh phúc cho muôn loài.

Ngoài ra, ý giáo còn được biểu hiện qua ý chí và hành động của một vị Trụ trì. Dù không nói một lời nào nhưng hầu như đã nói lên tất cả những gì mà vị Trụ trì ấy muốn nói. Đôi lúc, chính ý giáo đã tác động đến hội chúng Phật tử, khiến cho hội chúng tinh tấn, phát tâm tu học dõng mãnh hơn nhiều.

Ngày xưa, khi đức Thế Tôn còn tại thế, Ngài đã truyền trao “Chánh pháp nhãn tạng” cho Ngài Ma Ha Ca Diếp cũng trên tinh thần này. Truyện kể khi đức Phật cầm cành hoa sen đưa lên để khai thị cho hội chúng, toàn thể hội chúng lặng yên, chỉ có Ngài Ma Ha Ca Diếp là mỉm cười chúm chím (phá nhan vi tiếu). Đức Phật nhận thấy liền ấn chứng cho Ngài Ma Ha Ca Diếp đắc truyền và làm Tổ thứ nhất – Sơ Tổ thiền tông Ấn Độ có từ đó.

Có thể nói, đây là một phương pháp “Giáo ngoại biệt truyền” điển hình của đức Thế Tôn qua ý giáo thời bấy giờ và là phương pháp vô tiền khoáng hậu, từ xưa đến nay chưa từng có. Chúng ta phải vận dụng tinh thần này như thế nào trong quá trình truyền trao giáo pháp của mình. Có những lúc, chúng ta phải dùng lời nói, biện pháp, kỷ luật để xử phạt, để nhắc nhở, nhưng có lúc chúng ta chỉ im lặng, không nói lời nào cũng là phương pháp giáo hóa vô cùng hiệu quả. Tuy nhiên, khi nào sử dụng phương pháp im lặng, khi nào phải dùng biện pháp nhắc nhở, đó là việc chúng ta cần lưu ý để thực hiện cho đúng lúc đúng thời.

* Đối tượng hoá độ:

a. Người xuất gia: Trách nhiệm trụ trì phải tiếp Tăng độ chúng, truyền trì mạng mạch Như Lai. Để cho Phật pháp càng ngày càng hưng thịnh và được lưu truyền mãi mãi trong chốn nhân gian, đem lại sự an lạc và lợi ích cho chư thiên và loài người thì người trụ trì cần phải hoá độ cho một số người có duyên với Phật pháp làm đệ tử xuất gia.

Cần nói thêm, với vai trò là người trụ trì, thường cũng là Bổn sư trong một ngôi tịnh xá thì người trụ trì phải chỉ cho người học trò của mình hiểu và thực hành theo giáo pháp của đức Thế Tôn là một niềm vui sướng, là quý báu. Như Đức Tổ sư Minh Đăng Quang thường dạy:

“Đi tu là phủi sạch bụi trần, đứng trên trần bụi, đừng cho lem lấm, mới nên sự yên vui ích lợi.

Đi tu đúng chơn lý, chánh lý hơn hết.

Đi tu là con đường giác ngộ quý báu lắm.

Đi tu là để giải thoát trần khổ, để làm người giác ngộ và dẫn dắt chúng sanh.

Đi tu để lập đời tốt đẹp, cải sửa phong tục, khai đường mở lối cho thiên hạ.

Người tu sẽ được đứng yên trên mặt đất, cõi đời chỉ dung chứa được người tu là được sống đời tốt đẹp”[4].

b. Người tại gia cư sĩ: Đối với tín đồ một số tôn giáo, cụ thể là Thiên Chúa giáo, họ sinh hoạt theo từng khu vực, tín đồ ở giáo xứ nào thì đi cầu nguyện, sinh hoạt ở giáo xứ đó. Còn tín đồ của Phật giáo thì không như vậy. Có những Phật tử ở cạnh bên nhà chùa, tịnh xá nhưng lại là Phật tử ở một ngôi chùa hay tịnh xá ở rất xa, hoặc những Phật tử ở rất xa nhưng lại là tín đồ của tự viện mình.

Từ những điều trên cho chúng ta thấy là người trụ trì không nên giữ khư khư là Phật tử của tịnh xá mình thì phải đi ở tịnh xá mình, mà người trụ trì có trách nhiệm là tùy duyên hoá độ, cứ Phật tử đến nơi mình trú xứ là mình cứ chỉ dạy cho họ về lối sống đạo đức, sự tu hành giải thoát, rồi họ muốn đi đến bất cứ nơi nào cũng tuỳ duyên mà thôi.

2. Thuyết pháp:

Trách nhiệm của trụ trì là “hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp”. Hoằng pháp, lợi sanh là nhiệm vụ quan trọng trong cuộc đời của người trụ trì, vì muốn giáo pháp của Đức Từ Phụ đến với mọi người thì người trụ trì là chiếc cầu nối quan trọng, là người thầy sơ cơ để cho những người đệ tử của mình tắm mình trong những giọt mưa pháp đầu tiên.

Một nhà hoằng pháp tốt không thể thiếu về Tứ vô ngại biện (còn gọi là Tứ vô ngại trí). Tứ vô ngại trí là bốn thứ trí vô ngại của Bồ-tát sử dụng trong lúc thuyết pháp. Đứng trên phương diện ý nghiệp thì gọi là Tứ vô ngại trí, còn đứng trên phương diện khẩu nghiệp mà nói thì gọi là Tứ vô ngại biện.

Tứ vô ngại biện là:

- Pháp vô ngại: Là đối với giáo pháp phải thông hiểu tường tận về danh, cú, văn nên khi thuyết pháp giảng giải các pháp xuyên suốt không bị chướng ngại.

- Nghĩa vô ngại: Là đối với nghĩa lý thâm diệu của giáo pháp, giảng giải thấu suốt và tường tận, không bao giờ bị bế tắc.

- Từ vô ngại: Là ngôn từ được tự tại, tùy ngôn ngữ của từng chủng loại, từng địa phương nên khi thuyết pháp không bao giờ bị trở ngại.

- Lạc thuyết vô ngại: Là do có đủ ba trí vô ngại trên, nên khi thuyết pháp được tự tại, hỷ lạc.

Kinh Niết Bàn, Đức Thế Tôn đã nói: “Bồ tát ma ha tát năng như thị tri, đắc Tứ vô ngại”.

Bốn pháp vô ngại được sử dụng trên bước đường giáo hóa độ sanh mang một ý nghĩa rất quan trọng. Chúng ta thấy rằng, dù đó là vị Trụ trì nổi tiếng hay là một vị Trụ trì bình thường, nếu muốn thực hiện sứ mạng của mình trên con đường giáo hóa chúng sanh, chúng ta cũng cần phải thông hiểu giáo nghĩa văn cú tường tận, mới không bị chướng ngại trong lúc giáo hóa độ sanh. Vì nhiều khi không cần lên bục giảng, mà vị Trụ trì có thể giáo hóa trực tiếp cho những người đến chùa lễ Phật. Khi họ hỏi ta về Phật pháp, nếu không giảng giải rõ ràng, thông suốt thì làm sao thuyết phục được họ, làm sao tạo được niềm tin cho họ. Nhất là trong thời đại ngày nay, đội ngũ tri thức cũng đang dần dần hướng về tìm hiểu Phật pháp, tìm hiểu triết lý vừa sâu xa, vi diệu mà cũng vừa hiện thực của Phật giáo. Vì thế, vị Trụ trì cần phải thâm nhập Phật pháp. Có thể nói, vị Trụ trì chính là người đầu tiên làm trọng điểm để cho họ tìm đến tham vấn đạo pháp.

Bước theo con đường giáo hóa của chư Phật, chư Tổ, chúng ta cần phải nỗ lực, tinh tấn nghiên tầm giáo nghĩa và tiến tu hơn nữa. Nhưng nên nhớ là học và tu phải song hành với nhau. Bởi nếu: “Tu mà không học là tu mù, học mà không tu là đãy sách”.

Câu nói ấy, văn từ hơi thô thiển, nhưng rất có ý nghĩa trong việc tu tập, hành trì và truyền bá chánh pháp của một vị Trụ trì trong thời đại ngày nay. Nhất là cho những ai muốn nhận lãnh một sứ mạng cao cả; muốn làm tròn sứ mạng “Trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng” của đức Thế Tôn giao phó thì cần phải chiêm nghiệm, cần lấy đó làm châm ngôn nhắc nhở tự thân.

Đối với Pháp và Nghĩa vô ngại biện, vị Trụ trì dù không thông hiểu tường tận cả nguồn giáo pháp của Đức Thế Tôn, nhưng ít ra những khái niệm, những luận cứ Phật pháp cơ bản, chúng ta cần phải nắm vững. Những ý pháp căn bản để tu tập mang đến lợi ích thiết thực trong đời sống hằng ngày, chúng ta cần phải lãnh hội. Như tinh thần ý nghĩa tổng quát của các bộ kinh, các pháp môn tu tập, chúng ta cần phải thông suốt. Không thể nào một vị Trụ trì mà không nắm bắt ý pháp, lỡ khi có ai hỏi đến thì lòng cảm thấy ray rứt băn khoăn. Xưa kia, Tổ Quy Sơn đã từng lưu ý rằng: “… Giáo lý vị thường thố hoài, huyền đạo vô nhơn khế ngộ”, để rồi “Tương hà thúc liễm hậu côn, tân học vô nhân phỏng hiệu”, nghĩa là: “… Giáo lý chưa từng để lòng, chỗ huyền đạo nhân đâu khế ngộ” để rồi “… Lấy gì thúc liễm đàn em, tân học nương đâu bắt chước …”.

Đối với Từ và Lạc Thuyết vô ngại biện, thì bản thân mỗi vị Trụ trì cần hiểu rõ ngôn ngữ từng vùng, từng địa phương. Bởi có những nơi thuộc vùng sâu vùng xa, nếu ta không sử dụng đúng ngôn ngữ của họ, cứ chấp chặt vào tiếng nói của mình thì ta nói gì, họ chẳng hiểu được. Đặc biệt là ở trong nội tự, vị Trụ trì không nên phân biệt tiếng miền này, miền khác. Vì như thế sẽ tạo ra sự chia rẽ địa phương, bè nhóm. Cho nên, là vị Trụ trì, dù không sử dụng được ngôn ngữ của địa phương khác thì cũng khéo léo, không nên bắt chước hoặc chế nhạo khiến cho lòng người bất mãn.

Do vậy, mỗi vị Trụ trì chng ta cần nắm vững tinh thần Tứ vô ngại biện này để ứng dụng cho phù hợp và có hiệu quả trên bước đường hoằng hóa của mình.

3. Kiến trúc xây dựng:

Người trụ trì phải biết đôi điều về kiến trúc xây dựng, phải gìn giữ bản sắc văn hóa theo tinh thần Hệ phái, như xây dựng tịnh xá theo kiểu bát giác, thờ một pho tượng Bổn sư tại tháp chính, bớt về cốt tượng nhưng đạo tràng lúc nào cũng trang nghiêm, sạch sẽ.

Cần chú ý trùng tu kiến trúc cũ và xây dựng cơ sở mới để phát triển đạo pháp.

4. Điều hành tổng quát:

Người trụ trì không thể làm hết mọi công việc chùa, chỉ xem xét quản lý tổng quát, sắp đặt mọi công việc cho đại chúng. Nếu người trụ trì chỉ dính mắc, hay chỉ làm một công việc mà mình thích thì chắc chắn là công tác Phật sự của ngôi chùa, ngôi tịnh xá,… đó sẽ bị trì trệ ngay. Nếu muốn điều hành tốt công tác của tịnh xá thì ngoài cái đức tu, người trụ trì cần phải có một cái tài lãnh đạo tương đối ở mức chấp nhận được.

5. Sắp xếp công việc Tăng chúng:

Tùy theo khả năng của từng vị mà chúng ta sắp xếp đúng người đúng việc (hoặc thành lập các phân ban). Có như thế thì công việc trong nội tự mới trôi chảy và cũng tạo điều kiện tốt cho hàng đệ tử giỏi về chuyên môn. Thật sự mà nói nếu xét về chuyên môn thiên về một mặt nào đó thì người trụ trì chưa chắc giỏi bằng đệ tử của mình, nhưng tại sao trụ trì vẫn là người lãnh đạo cao nhất của một tự viện. Vì về mặt tổng quát, về kinh nghiệm tu tập, kinh nghiệm cuộc sống,… thì người trụ trì ít nhiều cũng giỏi hơn những người đệ tử.

6. Sắp xếp thời khóa tu học:

Tu học là vấn đề quan trọng cho hàng Tăng sĩ để trau dồi giới, định, tuệ, cũng như thể hiện gương lành cho Phật tử noi theo và đặt niềm tin nơi Tam Bảo. Nếu trong một tự viện mà không có một thời khóa tu học cơ bản, chư Tăng Ni giãi đải, các thời khóa không duy trì thì chẳng những bản thân của người tu ở tự viện, tịnh xá,… đó sẽ bị chùn bước mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sự quy kính Phật pháp của người Phật tử.

7. Nội quy kỷ luật:

Ngôi già lam là nơi quy tụ nhiều người tu học, xuất thân từ nhiều tầng lớp, vùng miền khác nhau trong xã hội. Do đó trong một tự viện cần phải có một nội quy và kỹ luật tốt để cho có sự an hòa, thanh tịnh và tu học tốt trong tự viện.

8. Thực hiện tịnh thần lục hòa cộng trụ:

“Nói đến Tăng đoàn Phật giáo thì người ta nghĩ ngay đến hai đặc tính tiêu biểu: thanh tịnh và hoà hợp. Nhờ sự thống nhiếp của giới luật mà hai đặc tính này tồn tại mãi trong Tăng đoàn, làm cho Phật giáo thăng hoa trong suốt chiều dài lịch sử. Nói cách khác, giới luật chính là máu nuôi sống cơ thể Tăng già.”[5]

Nếu trong một Tăng đoàn mà không có sự hoà hợp thì Tăng đoàn đó sẽ không tồn tại, nếu có tồn tại cũng chỉ là một nhóm người ô hợp mà thôi. Vì bản chất của Tăng là sự hoà hợp và thanh tịnh, nếu xa rời hai bản chất này thì hình thức của Tăng già sẽ bị hoen ố ngay. Cũng với sự hoà hợp trong Tăng mà làm tăng thêm lòng tin cho người tín thí, làm cho người phát tâm theo Phật nhiều hơn. Sự hoà hợp này giống như nước với sữa, không thể nào tách rời ra được. “Thanh tịnh và hoà hợp là điều kiện chính yếu để hình thành một giáo hội Tăng già lớn mạnh đặc trưng cho tinh thần giải thoát” [6] . Tính chất thanh tịnh và hoà hợp chỉ có được chỉ khi nào Tăng đoàn biết tuân thủ theo giới luật mà Phật đã chế ra. Nếu trong Tăng đoàn có nhiều người không hành trì giới luật thì sẽ không có tính chất này xuất hiện.

Một Tăng đoàn phát triển là ở nơi đó giới luật được bảo tồn, mọi người biết thương yêu, coi nhau như người thân trong gia đình và đặc biệt là phép lục hoà luôn luôn hiện hữu. Còn như nếu trong một Tăng đoàn có sự chia rẽ, có sự rạn nứt, không ai nâng đỡ, bảo vệ ai thì dù những thành viên trong Tăng đoàn có tài giỏi đến đâu thì sau một thời gian Tăng đoàn đó cũng sẽ tan rã. Vì sao vậy? Vì khôngcó sự đoàn kết thì nói năng bất hoà, không ai phục tùng ai, hội hợp hay giải tán đều không có chánh niệm.

Cho nên thanh tịnh và hoà hợp là hai yếu tố rất quan trọng tương quan mật thiết với nhau. Nếu thiếu một trong hai điều kiện này thì nhất định bản thể Tăng già không thành tựu[7]. Đức Phật đã dạy, không có bất kỳ con vật nào có thể ăn thịt được sư tử, chỉ có những con trùng trong thân của sư tử tử ăn sư tử mà thôi.[8] Cũng vậy, không có ngoại đạo nào có đủ sức làm rạn nứt giáo pháp của Như Lai được, chỉ có những đệ tử của Như Lai tự làm điều này thôi.

9. Chăm sóc theo dõi Tăng chúng:

Trụ trì luôn luôn theo dõi đời sống Tăng chúng về mặt sức khỏe cũng như tinh thần tu học mỗi ngày, nếu có việc không tốt cần nên giải quyết sớm. Đây cũng là điều rất cần thiết, nếu không làm tốt việc này thì sẽ làm mất đi sự quan tâm, thân thiết trong nội bộ tự viện.

10. Tạo điều kiện cho chúng đi học:

Ngày nay trong vấn đề hoằng pháp rất quan trọng đòi hỏi người pháp sư phải có kiến thức rộng lớn. Cho nên việc đào tạo Tăng tài là điều không thể thiếu được của một ngôi già lam. Nếu một ngôi già lam mà có nhiều người tài đức cùng cộng trú thì chắc chắn ngôi già lam đó ngày càng phát triển về công tác hóa độ cũng như những phương diện khác.

11. Quản lý tài sản:

Tuy chúng ta là người xuất gia không xem nặng về vật chất nhưng vấn đề gìn giữ tài sản của người cư sĩ hiến cúng cũng như bảo vệ những gì mà tiền nhân tạo ra là nhiệm vụ không nhỏ của người trụ trì.

IV. VẤN ĐỀ ĐỐI NGOẠI

Để cho đạo Phật ngày càng rộng mở và đến với quần chúng nhân dân thì chúng ta cần phải làm tốt một số mặt sau:

1. Giao tế

a. Quan hệ chính quyền: đây là một điều kiện thiết yếu để cho chúng ta phát triển đạo Phật. Vì ở bất triều đại nào nếu chính quyền không ủng hộ thì chúng ta khó mà hoàn thành các công tác Phật sự.

b. Giáo hội: Giáo hội Phật giáo Việt nam là cơ quan quản lý tự viện Tăng, Ni do đó vị trụ trì cần nên quan hệ tốt và tham gia vào các công tác Phật sự chung.

c. Tôn giáo bạn: nên quan hệ tốt với tôn giáo bạn và học hỏi những cái hay của họ, đặc biệt là phải tránh xung đột về những tư tưởng đúng sai giữa tôn giáo này hay tôn giáo nọ.

d. Phật tử: nên thăm hỏi, an ủi và nói giáo lý và giúp đỡ về mặt tinh thần cho Phật tử khi gia đình họ có việc cần. Đó cũng là một cách tốt để tạo mối quan hệ đưa Phật tử đến gần con đường đạo hơn.

2. Làm từ thiện

Thường xuyên làm một số công tác từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn chung quanh khu vực mình sống và những nơi có thiên tai, bão lũ.

3. Hệ phái

Là nơi quản lý chung của các Giáo đoàn Tăng, Ni, cho nên người trụ trì phải tham gia vào các công việc chung của Hệ phái để tạo thêm sự gắn kết vững chắc giữa các thành viên với nhau.

4. Giáo đoàn

Là nơi quản lý, điều hành và phân bổ các Tăng, Ni trong giáo đoàn đi trụ xứ các nơi, do đó người trụ trì cần phải thường xuyên liên hệ với Ban điều hành của giáo đoàn và về tham dự các buổi sinh hoạt định kỳ của giáo đoàn để nắm bắt những thông tin Phật sự cần thiết.

C. LỜI KẾT

Những bổn phận của người trụ trì, cũng chính những người quyết định sự tồn tại và phát triển của hệ thống tự viện, tịnh xá. Bổn phận người trụ trì và Hệ thống tịnh xá Khất Sĩ, hai bộ phận này muốn phát triển thì cần phải có sự hỗ tương lẫn nhau. Hệ thống tự viện, tịnh xá chẳng qua như là xác thân của chúng ta, hay như là một đoàn tàu, còn người trụ trì chính là bộ não hay đầu của một đoàn tàu. Nếu người điều khiển đoàn tàu đoàn có một cái đầu tỉnh táo, bình tĩnh thì đoàn tàu vận hành tốt. Cũng vậy, nếu những người trụ trì có bổn phận và trách nhiệm cao, lại thêm có tài và có đức thì sẽ là một điều kiện tốt nhất cho sự phát triển về mọi mặt.

Với nhiệm vụ là trụ trì một cơ sở hạ tầng của Giáo hội, nơi giao tiếp trực tiếp với quần chúng Phật tử nhiều thành phần đa dạng trong xã hội thì việc truyền đạo cũng có nhiều phương cách khác nhau "Tùy duyên hoá độ" không nhất thiết phải "cứng nhắc" theo một khuôn mẩu nhất định nào vì Phật Pháp là "bất định pháp". Nhưng nói như thế không có nghĩa là bất chấp mọi qui củ đạo đức của người xuất gia mà chúng ta làm việc gì phải có cân nhắc và phải đem tâm chân thật để đến với mọi người, nếu không sẽ trở thành phi đạo đức làm tổn thương đến Ðạo mà còn làm cho sự nghiệp của chính mình bị ảnh hưởng. Điều cần nhất nơi một vị trụ trì chính là ở cái Tâm và cái Đức. Đây là hai mặt hết sức quan trọng mà trước khi được giao phó nhiệm vụ thiêng liêng gìn giữ cơ sở Giáo hội, giáo hóa mọi người quay về với Chánh pháp, vượt qua khổ đau, sống tự tại vô ngại giữa cuộc đời mà vị trụ trì đã phát nguyện thông qua những hoạt động thường ngày, vị trụ trì phải thể hiện được cung cách của một bậc xuất trần thượng sĩ, giải quyết mọi việc bằng cái tâm tu và bằng đức độ của một người có hành trì, tu tập. Khi tiếp xúc với một vị thầy như thế, chúng ta sẽ cảm nhận được năng lượng của an lạc và tự nhiên sẽ được chuyển hóa.

Thực tế, một vị trụ trì nếu chỉ chuyên tâm tầm cầu học tập kinh điển và hành trì giáo pháp, thì vị ấy đã có thể giáo hóa được nhiều người. Vì suy cho cùng, công việc của vị trụ trì là giữ gìn và truyền trì mạng mạch của Phật pháp, nên “thiền duyệt” mới chính là “món ăn” tinh thần của các vị. Quần chúng đến chùa, điều cần thiết với họ không phải là bàn luận thế sự hay chính trị mà là học hỏi và nghiên tầm giáo pháp. Do đó, nếu một vị trụ trì không có sự dụng công nhất định trong kinh kệ, luật luận sẽ là một thiếu sót lớn và xem như nhiệm vụ, sứ mạng của mình khó mà hoàn thành. Đây chính là cách hoằng pháp hữu hiệu nhất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn Lý, tập 1, 2, 3, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2004.

2. HT. Thích Minh Cảnh (chủ biên), Từ điển Phật học Huệ Quang, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2005.

3. Viện NCPHVN, Sắc tu Bách Trượng thanh quy, Nxb Phương Đông, 2008.

4. TT. Thích Chơn Quang, Quan điểm người Trụ trì, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2001.

5. HT. Thích Thanh Kiểm (dịch và chú thích), Thiền lâm bảo huấn, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2001.

6. HT. Thích Minh Thông, Theo dấu chân xưa, Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm, 2002.

7.  HT. Thích Thiện Trí, Chuyên đề Quản lý tự viện Bắc tông, Dành cho sinh viên năm thứ 3 hệ Cử nhân Phật học, Khoá 6 (2007).


[1] Thích Chơn Quang, Quan điểm người trụ trì, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2001, tr. 4.

[2] Thích Minh Cảnh ( chủ biên), Từ điển Phật học Huệ Quang, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2005, tr. 5828.

[3] Hòa thượng Thích Thanh Kiểm (dịch và chú thích), Thiền lâm bảo huấn, Hà Nội, Nxb Tôn giáo, 2001, tr. 56- 57.

[4] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn Lý, quyển 2, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2004, tr 229.

[5] Thích Minh Thông, Theo dấu chân xưa, Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm, 2002, tr. 70.

[6] Sđd, tr. 90.

[7] Sđd, tr. 92

[8] Sư tử trùng thực sư tử nhục.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan