Khóa Bồi dưỡng Trụ trì năm 2011
- TK. Giác Hoàng
- | Thứ Sáu, 17:16 31-05-2013
- | Lượt xem: 3761
Kính bạch chư Tôn đức,
Vào mỗi đầu mùa An cư kiết hạ, chư Tôn đức Giáo phẩm Thường trực Hệ phái tổ chức một tuần “Trao đổi kinh nghiệm trụ trì” cho các vị trụ trì nói riêng và chư Tăng Ni Hệ phái nói chung tại TX. Trung Tâm - Q. Bình Thạnh - TP. HCM nhằm trang bị, chia sẻ những kinh nghiệm của một vị trụ trì, cùng nhau thảo luận về đường lối và những điểm cương yếu của giáo pháp Khất Sĩ, cũng như phổ biến đường hướng của tổ chức Giáo hội PGVN và hệ phái Khất Sĩ.
Thay vì bắt đầu vào ngày 18 âm lịch như thường lệ, nhưng vì việc bầu cử các cấp được diễn ra trên cả nước nên năm nay thời gian thảo luận được tổ chức từ ngày 24 đến 29 tháng 5 năm 2011 (nhằm ngày 22 đến 27 tháng 4 năm Tân Mão). Hôm nay, chiều ngày 29 là buổi bế mạc của khóa học. Chúng con xin đại diện Ban thư ký Hệ phái tóm lược nội dung chia sẻ của chư Tôn đức lãnh đạo Giáo phẩm Hệ phái và Trung ương Giáo hội trình bày và những đề xuất của chư Tôn đức trụ trì.
Kính bạch chư Tôn đức,
Trong 6 ngày qua, mỗi ngày chư Tôn đức trình bày một hoặc hai đề tài lớn do Ban thường trực đề ra.
1. Ngày thứ nhất (24/5/2011), có 2 phần: Khai mạc và thuyết trình. Sau lời tuyên bố khai mạc, sách tấn và lời cảm ơn sự hiện diện tham dự của chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì các miền tịnh xá của Hòa thượng Giác Toàn - Phó ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái là lời chứng minh của HT. Giác Tường – Đạo sư Chứng Minh Hệ phái.
Phần thuyết trình do HT. Giác Giới – Trưởng ban Thường trực Hệ phái, đảm trách với đề tài: “Tông chỉ của Đạo Phật Khất Sĩ”. Hòa thượng đã nhấn mạnh đến phương châm “Nối truyền Thích Ca Chánh Pháp – Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam” do đức Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng đề xướng. Khái niệm “Chánh pháp” được biểu hiện qua phương thức ứng dụng Tứ Y Pháp và Giới Định Tuệ trong đời sống hằng ngày qua các bài giảng trong “Chánh Pháp”, “Y Bát Chơn Truyền” và “Cư Sĩ” trong tuyển tập Chơn Lý. Hòa thượng cũng trưng dẫn nhiều lời Phật dạy trong kinh tạng Nikaya như Kinh Ví Dụ Dấu Chân Voi, Đại Kinh Bốn Mươi trong Trung Bộ Kinh hoặc phẩm Cung Kính trong Tương Ưng Bộ, hoặc Kinh Đại Niệm Xứ trong Trường Bộ Kinh, v.v... Thông qua đó, chúng ta thấy rằng tất cả những lời dạy của Tổ sư đều tương hợp với lời dạy của đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni.
Nội dung thảo luận của hội chúng xoay quanh nội dung của Hòa thượng chủ giảng và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng Tứ Y Pháp Trung Đạo hoặc Giới Định Tuệ vào trong đời sống hằng ngày. Việc hành trì Tứ Y Pháp được chư Tôn đức Hệ phái khuyến khích vì trong bối cảnh xã hội ngày nay. Việc tấn tu tam vô lậu học Giới Định Tuệ được chư Tôn đức khích lệ thông qua các khóa An cư kiết hạ, khóa tu truyền thống Giới Định Tuệ mỗi năm 3 lần do Hệ phái tổ chức hoặc các giáo đoàn tự tổ chức.
2. Ngày thứ 2 (25/5/2011), HT. Giác Toàn – Phó ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, đã trình bày đề tài “Tâm đức và sứ mạng của vị trụ trì trước thời đại”. Qua đề tài trên, hòa thượng đã nhấn mạnh tầm quan trọng tâm đức của một vị trụ trì như thân hiền, khẩu hiền, thân tướng trang nghiêm của tự thân, thành tựu được Giới đức, Tâm đức và Tuệ đức, mới thật sự là “Trụ Pháp vương gia, trì Như Lai tạng”. Vị thầy trụ trì phải bảo bọc, dạy dỗ học trò, đào tạo thế hệ kế thừa, chăm sóc đời sống tinh thần của Phật tử; không quá thiên trọng về việc duy trì và phát triển cơ sở vật chất nhưng cũng không nên không bảo tồn, phát huy vì đó là của thường trụ Tam bảo; không nên quá chấp thủ và cho mình là người hành trì đúng chơn lý và ngược lại, tạo nên sự không hòa hợp mình và người là điều không nên. Nói tóm lại, sứ mạng thiêng liêng của một vị trụ trì là “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”.
Phần thảo luận, Hòa thượng đã giải thích một số thắc mắc về mối quan hệ giữa trụ trì, giáo đoàn, hệ phái, giáo hội; và làm thế nào điều chỉnh các vị ấy nếu vị trụ trì (1) không có khả năng, (2) gắn bó với Giáo hội nhưng không gắn bó với Hệ phái, (3) không cho đệ tử học lớp sơ cấp, an cư hoặc tham dự các khóa tu, (4) hướng dẫn Phật tử pháp tu không dựa trên nền tảng chánh kiến. Dựa vào các câu hỏi, hòa thượng khích lệ chư Tôn đức nên ý thức trọng trách của trụ trì để tự nâng cao khả năng và tâm đức của mình, đồng thời nên gắn bó với Hệ phái để kịp thời biết được chủ trương, đường lối của Hệ phái mà vận hành đạo tràng phù hợp với giáo hội, nhưng không đánh mất bản sắc của Hệ phái.
3. Ngày thứ 3 (26/5/2011), HT. Thích Trí Quảng – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP. HCM, Trưởng ban Chỉ đạo An cư kiết hạ Thành hội Phật giáo TP.HCM đã viếng thăm hạ trường và chia sẻ đề tài “Ngôi chùa tâm linh”. Hòa thượng cho rằng đạo pháp hưng long không phải được đánh giá trên cơ sở thờ tự hoặc số lượng Tăng Ni và tín đồ, mà phải được đánh giá dựa trên đạo phong, đạo hạnh, đạo lực và đạo quả của hành giả. Hòa thượng đã trưng dẫn những điểm mốc lịch sử quan trọng của Phật giáo từ thời Phật giáo ở Ấn Độ đến khi truyền sang Trung Hoa và ở Việt Nam. Thông qua đó, giới thiệu những cao tăng đắc đạo ở Trung Quốc như ngài Huệ Tư đời Tùy, ngài Trí Khải đời Tùy - Đường, ngài Hư Vân thời cận đại hoặc những vị đắc pháp mở đạo một thời như thiền sư Thảo Đường đời Lý – Việt Nam, Tổ sư Minh Đăng Quang, hoặc những bậc cao tăng hiện nay như Hòa thượng Pháp chủ Thích Phổ Tuệ. Hòa thượng nhấn mạnh đến công hạnh đời sống du phương, tùy duyên hóa đạo của Tổ sư, chủ yếu xây dựng ngôi chùa tâm linh cho chính mình và cho mọi người. Đó là yếu tố thành công của Tổ sư Minh Đăng Quang và thế hệ kế thừa trực tiếp từ Tổ sư. Từ đó, Hòa thượng lưu ý đại chúng phải xây cho được ngôi chùa, tịnh xá tâm linh trước, rồi hãy xây ngôi chùa, tịnh xá bên ngoài. Được như vậy thì vị trụ trì đúng nghĩa là “Trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng”.
4. Cùng trong ngày 26, TT. Giác Thuận – Trưởng ban Nghi lễ Hệ phái và ĐĐ. Giác Duyên – Thư ký Ban Nghi lễ hệ phái, trình bày về nội dung nghi lễ. TT. Giác Thuận kêu gọi sự đóng góp trí tuệ tập thể của Hệ phái để biên soạn cho hoàn chỉnh cuốn Nghi lễ Phật giáo Khất Sĩ. Thực trạng hiện nay cho thấy, nhiều đạo tràng đã sử dụng các nghi thức của các truyền thống khác để làm pháp sự như một sự chắp vá tổng hợp, chưa thể hiện tính đặc thù của nghi lễ Khất Sĩ. ĐĐ. Giác Duyên trình bày đề tài “Vài suy nghĩ về hệ phái Khất Sĩ với nghi lễ” phản ánh một phần thực trạng nghi lễ Khất Sĩ ngày nay như cúng sao giải hạn, đốt giấy vàng mã, trai đàn chẩn tế, giọng đọc không đúng cách, v.v… hoặc là quá chú trọng đến hình thức, nhưng không quan tâm đến phẩm chất tu học của một vị thực hiện nghi lễ, dần dần mất đi bản chất của nghi lễ Khất Sĩ là ngắn gọn nhưng sâu sắc, giản đơn nhưng đạo vị.
5. Chiều cùng ngày 26, TT. Giác Nhân – Phó Trưởng Tiểu ban kiêm Chánh thư ký Tiểu ban Hướng dẫn Phật tử Khất Sĩ trình bày đề tài “Những yếu tố cần và đủ cho một vị xuất gia”. Qua sự triển khai, Thượng tọa đưa ra mô hình truyền thống thâu nhận một vị xuất gia đến với đạo pháp, cho đến quá trình đào tạo từ một tập sự đến thọ Cụ túc giới. Các phép tắc cần yếu cho một vị tập sự, xuất gia như đi – đứng – nằm – ngồi, ăn – mặc – nói – làm, v.v… đều cần phải buộc Sa-di học thuộc lòng. Vấn đề được đặt ra không phải cho cư sĩ, tập sự mà vấn đề được đặt ra là thầy trụ trì có thực sự biết được nội dung kinh luật để hướng dẫn hoặc những tiêu chuẩn tối thiểu để thâu nhận đệ tử hay chưa. Có kiến nghị cho rằng không cho chư Tăng Ni Hệ phái thọ giới bên Bắc truyền trước khi thọ giới bên Hệ phái, vì điều đó tạo nên sự ỷ lại giới pháp đã thọ bên Bắc truyền mà không nỗ lực học tập và gìn giữ oai nghi tế hạnh theo truyền thống Khất Sĩ.
HT. Giác Giới – chủ tọa buổi thảo luận, đã phát biểu kết thúc buổi thảo luận nhấn mạnh đến trách nhiệm, sứ mạng của vị thầy đối với đệ tử, vì đó là những mầm non của Phật pháp, là tương lai của đạo pháp. Được như vậy thì Chánh pháp sẽ được hưng long, chắc chắn sẽ có thế hệ kế thừa trong Phật pháp, làm cho Phật pháp được cửu trụ.
6. Sáng ngày thứ 4 (27/5/2011), đề tài “Pháp yếu dành cho một vị trụ trì” được TT. Minh Bửu – Giáo phẩm thường trực Hệ phái, trình bày. Nội dung xoay quanh vấn đề là làm thế nào một vị trụ trì phải nhận cho được chơn tâm, Phật tánh, bản lai diện mục của chính mình, hay nói cách khác, phải kiến tánh mới ra đảm đương chức năng trụ trì. Thượng tọa giảng sư đã trích dẫn thiền sử và thiền ngữ Trung Hoa để minh chứng cho điều mình muốn trình bày.
Hòa thượng chủ tọa cho rằng những gì thượng tọa chủ giảng tương hợp với lời dạy của Phật trong kinh tạng Nikaya là làm thế nào phải có “Chánh tri kiến” mới thực sự vào lộ trình tu tập. Hai bài “Phật tánh” và “Chơn như” trong Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang đã triển khai vấn đề này và rất tương hợp với quan điểm của các kinh điển Đại thừa.
7. Chiều ngày 27, TT. Giác Sơn – Giáo phẩm thường trực Hệ phái đã trình bày đề tài “Tinh thần nhập thế của Đạo Phật Khất Sĩ”. Điểm lược lại cuộc đời hành đạo của Tổ sư từ Phú Mỹ - Mỹ Tho - Tiền Giang đến vắng bóng, Tổ sư tích cực nhập thế hành đạo dưới nhiều góc độ như khất thực, thuyết pháp bằng máy phóng thanh, thâu băng giảng, ấn tống kinh sách, dùng các phương tiện xe cộ để di chuyển, v.v… Tất cả những điều đó khẳng định tinh thần tích cực nhập thế của Tổ sư, và được nối tiếp bởi các đức Thầy. Chính vì vậy, trong khoảng thời gian hơn 60 năm kể từ ngày Tổ lập đạo và vắng bóng mà Khất Sĩ đã nhanh chóng thâm nhập vào đời sống của người dân.
Nhưng vấn đề nhập thế với cung cách và tâm thái như thế nào là vấn đề được đem ra bàn thảo như: (1) Có cần thiết phải thay đổi y phục mới vào đời độ sanh? (2) Phải chạy các loại xe 2 hay 4 bánh mới có thể độ sanh? (3) Đi cúng cầu siêu, đám tang phải nhận tiền, cúng dường trai tăng nhận tiền; (4) Quyên góp xây chùa làm mất tín tâm Phật tử, v.v… Tất cả đều đặt trên nền tảng lợi đắc kinh tế, vậy có đúng với tinh thần nhập thế “tùy duyên bất biến” của đạo Phật Khất Sĩ, hay ngày nay nhập thế và đã mất gốc? Qua đó, chư Tôn đức đã khích lệ tinh thần phụng đạo ích đời nhưng đừng đánh mất chính mình, hạn chế tối đa các hình thức làm đạo như vừa nêu.
8. Ngày thứ 5 (28/5/2011), Ni trưởng Tràng Liên – Đương kim trưởng Ni giới Khất Sĩ, đại diện hàng giáo phẩm Ni giới trình bày đề tài “Tư cách và trách nhiệm của vị trụ trì trong việc thâu nhận và giáo hóa đệ tử xuất gia”. Ni trưởng đã triển khai ý nghĩa câu “Trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng” để thấy được tầm quan trọng của vị trụ trì. Không những thế, Ni trưởng triển khai bản hoài của người xuất gia là “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh” và như vậy, vị trụ trì đang làm công tác Phật sự với bổn phận của mình là đang viên thành bổn nguyện ban đầu. Ngoài ra, Ni trưởng còn đưa ra tư cách và điều kiện làm thầy phải như thế nào, phải dạy đệ tử những gì khi mới chập chững vào đạo. Các vấn đề như chư Ni bận quần áo tập sự đi ra ngoài đã được Ni trưởng khuyến khích nên hạn chế tối đa, đi tới các tịnh xá Tăng nên phải đi 4 vị trở lên, đi ra ngoài phải 2 vị trở lên, đời sống phải tiết độ và đơn giản, đó là lối sống mà chư Ni nói chung và các vị trụ trì nói riêng nên cần lưu tâm.
Ni trưởng Minh Liên đã tiếp lời Ni trưởng Tràng Liên trình bày lại một thời Ni đoàn còn du phương hành đạo tuy gian khổ, nhưng tôn nghiêm và giải thoát như thế nào, để từ đó chúng ta nhìn lại quá khứ để chấn chỉnh hiện tại. Các vấn đề như Bát Kính Pháp, giữ tiền, giọng đọc và cách đọc khi cúng dường trai ngọ hoặc tụng kinh vào buổi sáng, buổi tối đều được Ni trưởng Minh Liên soi sáng.
Qua 2 buổi sinh hoạt, vấn đề được khẳng định rõ nhất đó là Bát Kính Pháp được tuyệt đối tuân thủ, đời sống phạm hạnh nên được khéo duy trì để bảo vệ phạm hạnh của từng người mà còn bảo vệ thanh danh của Phật giáo Khất Sĩ. Kiến nghị sang năm nên vận động những vị có khả năng nghiên cứu và nhiệt huyết viết về 2 chủ đề lớn, đó là Nghi lễ Phật giáo Khất Sĩ và Cách thâu nhận và huấn luyện đệ tử từ khi mới xuất gia đến trụ trì.
9. Sáng ngày thứ 6 (29/5/2011), HT. Thích Thiện Nhơn – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Tổng thư ký GHPGVN, đã thăm viếng hạ trường, thuyết giảng. Hòa thượng khích lệ, tán thán chư Tôn đức đã duy trì được đạo tràng an cư kiết hạ tại Đạo tràng tịnh xá Trung Tâm trong gần 30 năm qua và trong những năm gần đây đã mở khóa bồi dưỡng trụ trì. Hòa thượng đề xuất là sang năm có thể mở thành 3 điểm: miền Trung, miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ để cho tất cả những vị ở xa xôi cũng có điều kiện đến tham dự, học hỏi và chia sẻ, hoặc có thể mở chung với Ban trị sự Phật giáo tỉnh/thành, với thời lượng 1/3 thời gian cho Hệ phái, còn 2/3 thời gian trao đổi, sinh hoạt với Giáo hội. Được như vậy, chư Tôn đức trong Giáo hội sẽ tán đồng, tạo điều kiện cho Hệ phái chúng ta phát triển đồng bộ với sự phát triển của tỉnh hội, của giáo hội.
10. Cùng sáng 29/5, TT. Giác Pháp – Chánh thư ký hệ phái Khất Sĩ, đã chia sẻ với đại chúng đề tài: “Tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. Thượng tọa đã giới thiệu rất tổng quát về cơ cấu tổ chức hành chánh của Giáo hội của Trung ương và các Ban trị sự tỉnh, thành để thấy hệ thống quản lý của giáo hội mà hệ phái Khất Sĩ là một thành viên. Ngoài ra, Thượng tọa giới thiệu hệ thống tổ chức của hệ phái Khất Sĩ trong giai đoạn hiện nay. Mặc dù tổ chức Hệ phái chưa mang tính pháp lý xã hội, nhưng có giá trị trong tổ chức Hệ phái, đó là điểm mà chúng ta cần ghi nhận.
Kính bạch chư Tôn đức,
Như vậy, trong 6 ngày qua, chúng ta đã lắng nghe, thảo luận 9 đề tài với 12 chư Tôn đức Tăng Ni chủ giảng. Các đề tài được phản ánh từ góc nhìn từ chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội, lãnh đạo Hệ phái và cả những vị Tăng Ni trụ trì trụ xứ và có sự tham gia đóng góp, phản ánh từ những vị chưa làm trụ trì.
Theo lời chỉ dạy của chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái, mùa An cư kiết hạ năm 2012, khóa trao đổi kinh nghiệm trụ trì như theo lệ cũ, tức là ngày 18 tháng 4 âm lịch như thường lệ. Riêng chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái sẽ về thăm viếng đạo tình và chia sẻ các Phật sự trong đoàn vào ngày 17 tháng 4. Nội dung thảo luận sẽ được chư Tôn đức hội ý và gởi đến chư Tôn đức lãnh đạo Giáo đoàn và rất mong được sự đóng góp các bài thảo luận, nghiên cứu về các đề tài do chư Tôn đức Tăng Ni trong Hệ phái. Được như vậy, chắc chắn các vấn đề đã được thảo luận và sẽ thảo luận mỗi ngày mỗi sáng tỏ hơn.
Kính chúc chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái phước trí nhị nghiêm, đạo thọ diên trường, là những bậc lãnh đạo sáng suốt của Hệ phái, hướng dẫn chúng con trên con đường tu học, hướng đến giác ngộ, giải thoát.
Kính chúc chư Tôn đức Tăng Ni pháp thể khương an, hoàn thành viên mãn sứ mạng “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”.
Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát tác đại chứng minh.
Các bài viết liên quan
- Các hoạt động Phật sự trọng yếu của GHPGVN hiện nay - Thứ Năm, 12:44 15-06-2023 - xem: 1015 lần
- TP.HCM: Lễ Bế mạc Khóa Bồi dưỡng trụ trì PL.2567 – DL.2023 - Chủ Nhật, 00:47 11-06-2023 - xem: 1330 lần
- TP.HCM: Chư Tôn đức tiếp tục trình bày tham luận trong Khóa Bồi dưỡng trụ trì 2023 - Thứ Bảy, 13:02 10-06-2023 - xem: 1026 lần
- TP.HCM: Nhiều bài tham luận đặc sắc được trình bày tại Khóa Bồi dưỡng trụ trì 2023 - Thứ Bảy, 01:54 10-06-2023 - xem: 1038 lần
- TP.HCM: Ban Tôn giáo Chính phủ thăm chư Tôn đức Khóa Bồi dưỡng trụ trì 2023 - Thứ Sáu, 22:09 09-06-2023 - xem: 1072 lần
- TP.HCM: TT. Thích Đức Thiện thăm và thuyết giảng tại Khóa Bồi dưỡng trụ trì 2023 ngày thứ năm - Thứ Sáu, 16:02 09-06-2023 - xem: 1260 lần
- TP.HCM: TT. Giác Hoàng thông tin chi tiết về Kế hoạch tổ chức “Đại lễ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Tổ sư Minh Đăng Quang” - Thứ Năm, 19:40 08-06-2023 - xem: 1588 lần
- TP.HCM: HT. Minh Thành và ông Nguyễn Văn Lượng (Ban Tôn giáo TP.HCM) chia sẻ tại Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2023 - Thứ Năm, 12:20 08-06-2023 - xem: 2744 lần
- TP.HCM: Chư Tôn đức Trung ương Giáo hội phổ biến nhiều điểm mới trong Hiến chương tại Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2023 - Thứ Tư, 20:26 07-06-2023 - xem: 3504 lần
- TP.HCM: HT. Giác Pháp nói về “Tâm đức của vị Trụ trì” tại Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2023 Ngày thứ ba - Thứ Tư, 11:55 07-06-2023 - xem: 3802 lần
- TP.HCM: Chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái thuyết giảng tại Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2023 Ngày thứ hai - Thứ Ba, 12:57 06-06-2023 - xem: 2008 lần
- TP.HCM: Trưởng lão HT. Giác Giới thuyết giảng ngày đầu tiên của khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2023 - Thứ Hai, 22:22 05-06-2023 - xem: 6669 lần