CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Nét đặc thù của Hệ phái Khất sĩ qua hình ảnh Y Bát

Kính bạch chư Tôn Thiền đức lãnh đạo,

Kính bạch đại chúng,

Hôm nay, nhân mùa An cư và tuần trao đổi kinh nghiệm trụ trì, chư Tôn đức lãnh đạo đã chỉ dạy, định hướng cho sự trao đổi, thảo luận về tinh thần của Đức Tổ sư để làm sáng tỏ con đường của Ngài, và đặc biệt là tinh thần đặc thù của Hệ phái Khất sĩ, giờ đây con trò xin được trình bày quan điểm, một góc nhìn của mình về tinh thần đặc thù này qua hình ảnh y bát.

Ni trưởng HIỆP LIÊN, Giáo phẩm Ni giới Hệ phái. Trưởng ban Quản sự Ni giới Giáo đoàn III

Kính bạch đại chúng,

Như đại chúng đã biết, khi đề cập đến con đường, tông chỉ của Đức Tổ sư thì ai cũng biết đó là sự kết hợp, chắc lọc những tinh anh từ hai truyền thống lớn của Phật giáo để hình thành con đường Đạo Phật Khất Sĩ với tông chỉ Nối truyền Thích-ca Chánh pháp. Và trong chắc lọc ấy chúng ta có thể thấy hình ảnh y bát đã đóng một vai trò khá quan trọng đối với người Khất sĩ. Đây cũng là nguyên nhân mà con trò đã quyết định tìm hiểu để thấy được phần nào nét đặc thù này, bởi y bát là hình ảnh, phương tiện mà người xuất gia nào cũng có. Vậy thì chúng có gì gọi là đặc thù? Và nét đặc thù này chắc sẽ có nhiều vị Tôn túc trình bày, nên ở đây con trò xin được bỏ qua những nét đặc thù về hình tướng như y bá nạp, bát đất, v.v... mà chỉ tập trung vào nét đặc thù của y bát theo lời dạy của Đức Tổ sư. Để thấy được vấn đề này chúng ta hãy nghe lại lời dạy của Ngài về hình ảnh y bát qua mẫu hội thoại đối đáp với những người đến vấn đạo:

– Cái gì là Chánh pháp của chư Phật? Đó là Tứ y pháp, là Chánh pháp của chư Phật mười phương ba đời, là giáo lý y bát Khất sĩ vậy.

Như thế chúng ta có thể thấy: Chánh pháp của chư Phật được gói gọn trong pháp hành Tứ y pháp cùng giáo lý y bát Khất sĩ. Lời giải đáp này đã phần nào làm hiển hiện lên giá trị hình ảnh y bát của người Khất sĩ theo con đường của Ngài. Bởi người xuất gia muốn thực hành pháp Tứ y hay nói cách khác là thể nhập Chánh pháp Phật-đà qua hình tướng Sa-môn, cần phải hội đủ những điều kiện như xuất gia làm Sa-môn, hoàn thiện phần nào đời sống Phạm hạnh của vị Sa-môn, phải có nội hàm tu tập,… thì cũng cần phải có phương tiện y bát. Cho nên, Đức Tổ sư mới khẳng định với người đến vấn đạo trong Chơn Lý “Y Bát Chơn Truyền” rằng: Tu học lớp nào lại không được, miễn là cho vừa với trình độ chí hướng tạm thời, nhưng đối với quả giác của Phật thì ngoài cách y bát ra không thể đắc đạo được”.

Như thế, hai phương tiện này đã trở nên cần thiết và thiết yếu đối với người xuất gia như đôi cánh cần phải có trên con đường đi đến giác ngộ và đem giáo pháp của Thế Tôn đến với mọi người. Như thế y bát đã trở thành một phần quan trọng trong phương pháp hành trì Tứ y pháp và thể nghiệm Chánh pháp của vị Khất sĩ. Không dừng ở đây, hình ảnh ấy lại được Đức Tổ sư nâng lên một tầm mới và đây cũng chính là nét đặc thù của hình ảnh y bát trong giáo pháp Khất sĩ.

1. Y bát là giáo pháp

“Y bát là giáo pháp”. Mới nghe qua, chúng ta sẽ nghĩ làm sao như thế được. Nhưng khi chúng ta nghe lại lời dạy của ngài về hình ảnh y bát, sẽ thấy rất rõ điều này. Trong Chơn Lý “Y Bát Chơn Truyền”, Đức Tổ sư đã dạy về nội hàm của chúng, cả về sự lẫn lý, nhưng ở đây chúng ta hãy nghe về lý để thấy được nét đặc thù y bát là giáo pháp. Trong quyển Chơn Lý này, Ngài có dạy:

“Y là Pháp, Bát là Đạo, tức là đạo pháp đường chơn truyền dạy, có y bát mới có chơn như. Luật pháp cũng như manh áo che tâm, sự đi sưu tầm gom góp Kinh Luật Luận cũng như lượm từng miếng vải đâu kết lại cho thành kho tạng”.

Ở đây, Đức Tổ sư đã định nghĩa rất rõ về Y và Bát, đó là Pháp và Đạo. Và chính Đạo Pháp ấy mới có khả năng đưa vị Khất sĩ đến được với chơn như, mới đạt được giải thoát. Đức Tổ sư mượn hình ảnh chiếc y bá nạp đang che tấm thân ngũ uẩn để ví cho giáo pháp cao quý đang che chở, bảo hộ tâm của vị Khất sĩ, làm cho tâm không bị ảnh hưởng bởi nắng mưa phiền não và không cho cấu uế bụi trần bám vào tâm hành giả. Cho nên chiếc y bá nạp mà người Khất sĩ đang khoát trên người ấy đã được Ngài ảnh dụ cho những pháp học lẫn pháp hành từ nơi Kinh Luật Luận mà vị Khất sĩ đã và đang gom góp, tích luỹ được. Sự tích lũy ấy như là hình ảnh những mảnh vải đâu kết lại thành chiếc bá nạp y; mỗi mảnh lại tượng trưng cho mỗi điều luật, mỗi pháp học và mỗi pháp hành mà người Khất sĩ đã gom góp học hỏi. Sau khi tích lũy rồi, người Khất sĩ sử dụng, biến chúng thành áo giáp để che cho tấm thân và làm cho tâm thanh tịnh giải thoát được hiển bày. Hình ảnh đó sẽ được thấy rõ hơn qua lời định nghĩa về hai chữ Khất sĩ trong Chơn Lý “Đạo Phật Khất Sĩ”:

“Khất sĩ là học trò khó xin ăn, tìm học pháp lý giải khổ cho mình và tất cả, để tu tập hành theo cho kết quả. Khất sĩ theo với hết thảy, học với hết thảy, mục đích toàn giác toàn năng, không riêng tư phân biệt ai ai”.

Như thế, ngay nơi tông chỉ con đường Khất sĩ, chúng ta đã thấy tinh thần học hỏi pháp lý, gom góp các pháp để nuôi tâm, nhằm chuyển hóa những đau khổ cho tự thân và giúp cho mọi người vượt qua khổ đau, để đạt đến quả vị giác ngộ toàn giác toàn năng. Tinh thần học với hết thảy ấy không đi ra ngoài mục đích là đi đến quả vị toàn giác toàn năng, điều đó đã minh chứng rất hùng hồn cho tư tưởng, cái nhìn gom góp Kinh Luật Luận mà bá nạp y đã ảnh dụ, minh họa và trở thành tinh thần chủ đạo của con đường Khất sĩ như thế nào.

Ở một nơi khác, Ngài cũng minh hoạ cho tinh thần ấy bằng một lời dạy: “Áo đây tức là Pháp bảo, giáo lý để đậy che pháp thân là Kinh Luật Luận, cũng là thân đạo, thân của Phật, tức là chơn thân, thân to lớn”. Ở đây, Ngài gọi bá nạp y là Pháp bảo, là kho tàng Kinh Luật Luận dùng để che chở tấm thân đạo, là áo chơn như không vọng động hay cũng gọi là áo giải thoát khổ. Như thế, hình ảnh chiếc y đối với Ngài đã trở thành áo Pháp bảo, là kho tàng Kinh Luật Luận mà người Khất sĩ dùng để che thân. Như vậy, chiếc y đã được Ngài ảnh dụ cho tinh thần giáo pháp rồi thì hình ảnh cái bình bát cũng được Ngài ảnh hiện dưới góc nhìn tương tự như thế trong quyển Chơn Lý “Y Bát Chơn Truyền”:

“Còn cái bát là thể của Bát chánh đạo. Đạo Bát chánh ví như bầu đựng cơm, đạo như bầu võ trụ, tâm chúng sanh như cơm đồ ăn chứa mang vào trong đó. Bầu đạo đức để rộng chứa quần sanh, hay là lòng từ bi của chư Phật hằng ôm giữ”.

Qua hình ảnh này Đức Tổ sư đã chỉ dạy cho chúng ta thấy cái bát được ví như con đường đạo Bát chánh, con đường với tám yếu tố dẫn đến sự giải thoát an vui. Đạo lộ này hay cái bát ấy luôn chứa đựng bên trong những thực phẩm tinh khiết, thanh cao với hương vị thơm ngát như Chánh kiến, Chánh tư duy…, để giúp cho người sử dụng luôn được no đủ, luôn được an vui mà không còn phải khổ đau, sầu não chi nữa. Chúng là phương tiện vừa để nuôi thân nhưng cũng là để nuôi tâm và sẽ giúp cho hành giả đạt đến đích giác ngộ giải thoát. Như thế bình bát đã trở thành kho tàng chứa đựng Pháp bảo để nuôi dưỡng chúng sanh. Và kho tàng này chứa đựng đầy đủ các loại thức ăn Pháp bảo thanh khiết, nhưng tùy vào mỗi chúng sanh mà chọn cho mình một loại thực phẩm tương ưng thích hợp. Tuy vậy những phẩm thực này lại không đi ra ngoài 3 hương vị chính yếu mà Đức Tổ sư gọi là Giới Định Huệ. Điều này được Ngài khẳng định rất rõ trong Chơn Lý “Y Bát Chơn Truyền”: Người Khất sĩ chỉ có ba pháp tu học vắn tắt là Giới, Định, Huệ”. Và điều này chúng ta cũng có thể thấy ngay nơi định nghĩa về cái bát ở trên. Hai chi đầu thuộc về Tuệ, 3 chi giữa chỉ cho giới, và 3 chi cuối thuộc về Định. Như thế Bát chánh đạo hay Giới Định Tuệ…, chính là những hương vị của Pháp bảo, là giáo pháp Thế Tôn. Cho nên, vị Khất sĩ với chiếc y bình bát bên mình đã phần nào đó làm ảnh hiện hình bóng Sa-môn Khất sĩ của Đức Thế Tôn, và luôn thọ nhận, giữ gìn phẩm thực Chánh pháp của Ngài để làm cho nội hàm Pháp bảo Như Lai luôn hiện hữu trong cuộc sống. Cho nên Ngài mới dạy trong Chơn Lý “Y Bát Chơn Truyền” rằng: “Chính đạo Phật là đạo Bát chánh, là đạo Khất sĩ mới có bát y, là con đường đến Niết-bàn kêu là đại đạo, đường đi ngay thẳng chỗ chứa tâm người”. Như thế chúng ta có thể thấy hình ảnh y bát ở đây đã biến cách và chứa đựng trong mình một nội hàm giáo pháp chư Phật chứ không còn đơn thuần là chiếc y bình bát bằng những hình tướng nữa. Và chính điểm này mới nhấn mạnh được hình ảnh y bát của Đức Tổ sư, mới hiểu được vì sao y bát là giáo pháp, và trở thành nét đặc thù của con đường Đạo Phật Khất Sĩ.

2. Y bát là giới pháp Tứ y

Trong quyển Chánh pháp, Đức Tổ sư đã khẳng định rất hùng hồn rằng: Ấy vậy, ai hành đúng theo Tứ y pháp tức là đúng theo Chánh pháp của chư Phật ba đời, là giáo lý y bát chơn truyền vậy”.  Hay như một đoạn khác cũng trong quyển này, Ngài có dạy: “Ngoài Tứ y pháp ra thì không phải đạo Phật, không giống chư Phật, chư Tăng và không phải là giáo pháp chánh chơn của Phật. Vì vậy cho nên Tứ y pháp là đứng đầu trong tạng Luật và khi xưa kẻ mới tu xuất gia nhập đạo thì Phật dạy cho Tứ y pháp trước hết, và dạy cho biết đạo Phật là đạo Khất sĩ vậy”. Qua lời dạy trên chúng ta có thể thấy được một điều rằng: Tứ y pháp chính là pháp hành mà chư Phật đã hành trì, Tăng đoàn đã vâng hành trong đời sống thường nhật, ngoài chúng ra thì chắc chắn không phải là đạo Phật chơn chánh, không phải là Khất sĩ y bát chơn truyền. Chính tầm quan trọng như thế, nên Tứ y pháp đã trở thành pháp hành quan trọng đối với người xuất gia, và chúng có vai trò quan trọng hàng đầu trong Luật tạng, là học giới mà bất cứ ai bước vào con đường Khất sĩ cũng cần phải học và vâng hành trước tiên, là con đường nhập đạo của một người xuất gia trong giáo pháp của Đức Thế Tôn. Cho nên pháp hành này cũng được gọi là giới pháp. Và chính giới pháp này sẽ giúp cho vị hành giả có được thời gian để hạ thủ công phu mà không phải vướng bận, lo lắng về tứ vật dụng, ăn mặt ở bệnh, không cần phải tốn thời gian cho việc mưu cầu cuộc sống, tranh đấu và tạo ra những bất thiện nghiệp, để rồi trôi lăn mãi trong ba cõi sáu đường.

Không những vậy, giới pháp Tứ y này cũng là con đường giúp cho người hành giả tránh xa hai thái cực: Sự ép xác khổ hạnh và thọ hưởng, đắm chìm trong dục lạc để dung dưỡng xác thân; để rồi bước vào con đường Trung đạo, và từ đây làm nền tảng cho đạo lộ đoạn trừ tham sân si, làm tăng trưởng những thiện pháp để đạt đến sự giải thoát thật sự. Và chính học giới đầu tiên này đã được vị Khất sĩ thực hành thông qua phương tiện y bát. Cho nên ở vài nơi khác Đức Tổ sư cũng gọi y bát là giới pháp Khất sĩ. Điều này đã được ngài khẳng định trong quyển Chơn Lý “Y Bát Chơn Truyền”: “Vì, định huệ có là do giới, giới là y bát giáo lý Khất sĩ. Nếu không y bát thì đâu có giới cõi Phật, bằng mà giới của người chế ra vầy khác thì gọi đó là giới của trời người thôi”. Ở đây Đức Tổ sư đã nhấn mạnh đến hình ảnh giới y bát, hay y bát như là một học giới để đi đến sự thành tựu Tam vô học Giới Định Huệ, thành tựu con đường giải thoát của bậc Thánh, ngoài chúng ra, không phải là con đường của chư Phật đã đi, không phải là vị Khất sĩ chân chánh. Chính vì vậy, Ngài mới nhấn mạnh ở một nơi khác trong quyển Chơn Lý “Y Bát Chơn Truyền” về tầm quan trọng và sự song hành của ba yếu tố này như lời dạy ở trên, thiếu 1 cũng không được: Nếu Khất sĩ không có tu về Định Huệ, dầu mà có trì giới không đi nữa cũng chưa gọi được trọn là Khất sĩ”. Ở đây, chúng ta lại thấy ảnh hiện một điều, nếu chỉ trì Giới không hay chỉ có hình tướng y bát[1] mà không thành tựu được giới pháp, không mang trong mình nội hàm của Định Huệ thì không được gọi là Khất sĩ, bởi giá trị của người Khất sĩ là mắt tai mũi lưỡi thân ý phải cho trọn lành trong sạch[2]. Mà để cho 6 căn trọn lành trong sạch, đòi hỏi hành giả phải có sự hành trì của Định Huệ. Như thế, Định Huệ lại ẩn hiện bên trong giới y bát, hay luật Tứ y pháp[3]. Đến đây ta lại thấy y bát của Đức Tổ sư lại chính là giới pháp, cũng chính là Tam Vô lậu học.

Và như lời dạy ở trên, Định Huệ có là do Giới, như thế Giới y bát đã trở thành nhiên liệu chính yếu để thắp lên ngọn đèn trí tuệ, ngọn đèn giải thoát Tam Vô lậu học. Hình ảnh này chúng ta có thể bắt gặp qua lời dạy của Đức Phật hay lời khẳng định về tầm quan trọng của Giới pháp được ghi lại trong Kinh Phạm Võng:

“Giới như đèn sáng lớn,

Soi sáng đêm tối tăm,

Giới như gương báu sáng,

Chiếu rõ tất cả pháp”.

Hay như trong Kinh Di Giáo, những lời dạy tâm huyết cuối cùng trước khi nhập Niết-bàn, Đức Thế Tôn cũng nhấn mạnh về chi phần này:Các thầy Tỷ-kheo, sau khi Như Lai diệt độ, các thầy phải trân trọng, tôn kính Tịnh giới, như người mù tối mà được mắt sáng, nghèo nàn mà được vàng ngọc. Phải biết Tịnh giới là Đức Thầy cao cả của các thầy. Nếu Như Lai có ở đời thì cũng không khác gì Tịnh giới ấy”.

Những hình ảnh này đã cho ta thấy sự tương đồng với nhau và nói lên một điều: Giới như là nhiên liệu, là ánh đèn để soi chiếu và giúp cho vị hành giả thấy rõ các pháp, để rồi xóa tan đi màn đêm bóng tối vô minh. Như thế một lần nữa chúng ta lại thấy tầm quan trọng của Giới y bát. Ở trên Ngài đã khẳng định, Tứ y pháp là Chánh pháp của chư Phật thì đến đây Đức Tổ sư lại nhấn mạnh đến nét đặc thù y bát là phương tiện, học giới chính yếu để thực hành con đường Tứ y pháp, để hoàn thiện Giới của cõi Phật là như thế nào.

Kính bạch quý Ngài,

Trên đây là đôi điều con trò xin được trình bày về nét đặc thù của người Khất sĩ qua hình ảnh y bát của Đức Tổ sư, kính ngưỡng mong các Ngài thùy từ chứng minh và chỉ dạy cho.

Cuối cùng con thành tâm nguyện cầu Tam Bảo gia hộ chư Tôn đức Lãnh đạo Hệ phái sức khỏe khinh an và là tàng cây cổ thụ che chở chúng con và chúng sanh trên con đường tu học.

Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật.


[1] Trong quyển Chơn Lý “Y Bát Chơn Truyền”, Đức Tổ sư có khẳng định: “Vậy thế thì Giới luật là y bát, là Khất sĩ”.

[2] Điều này được Đức Tổ sư chỉ dạy trong quyển Chơn Lý “Y Bát Chơn Truyền”.

[3] Sau khi Ngài phân tích giảng giải rồi kết luận rằng: “Vì vậy cho nên Tứ y pháp là đứng đầu trong tạng Luật”.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan