Sách tấn các vị trụ trì và hành giả Khất sĩ
- HT. Giác Hà
- | Thứ Sáu, 10:37 12-06-2020
- | Lượt xem: 3282
Kính thưa đại chúng Tăng Ni, vì bệnh duyên và tuổi tác nên năm nay tôi có ý định từ chối buổi chia sẻ đến đại chúng mà nhiều năm qua tôi đảm trách. Nhưng TT. Giác Hoàng đã tha thiết cung thỉnh tôi dành chút thời gian để chia sẻ những kinh nghiệm trong suốt thời gian tu học, đảm nhiệm chức vụ trụ trì và quản lý Giáo đoàn đến đại chúng, nên tôi cũng cố gắng đến thăm viếng đại chúng trong buổi chiều hôm nay
Hôm nay, tôi xin nói đôi điều liên quan trực tiếp đến bồi dưỡng trụ trì. Có nhiều vị đặt vấn đề rằng: Đã trụ trì bốn mươi, năm mươi năm nay rồi thì còn học hay bồi dưỡng gì nữa? Nói như vậy nghe qua thì suôn tai, nhưng ngẫm kỹ thì không đúng. Vì Phật sự tại mỗi đạo tràng tịnh xá; rồi đời sống, chuyện tu, việc học của Tăng Ni mỗi thời mỗi khác, thay đổi liên tục theo thời gian chứ đâu mãi một kiểu không thay đổi. Chưa kể, khi nói bồi dưỡng trụ trì đây, là bồi dưỡng và định hướng chung cho cả những vị sắp trụ trì, những vị sẽ trụ trì, mà những vị đó là đệ tử của những vị trụ trì hiện tại. Nếu thấy được như vậy, thì có nhiều điều đáng phải lưu tâm lắm.
Gần đây, tôi thấy nhiều Tăng Ni trẻ đi tìm đất để lập đạo tràng riêng, thu hút tín đồ Phật tử rồi sau đó tự thiết lập đường hướng hoạt động riêng theo kiểu của mình, dần dần xa rời truyền thống sinh hoạt của Hệ phái. Các vị ấy mang suy nghĩ “đây là tịnh xá do tôi lập, tính đồ do tôi thâu nhận cho nên tôi muốn xây dựng sao thì xây dựng, hoạt động sao thì hoạt động”, nên dù nhiều lần được chư Tôn đức nhắc nhở nhưng cũng không thấy các vị ấy thay đổi gì.
Kính thưa đại chúng, tu hành hay hành đạo mà nặng tư tưởng “của tôi” là một sai lầm lớn, đi ngược với lời Phật dạy. Tôi không quen nói cao xa, chỉ nói đơn giản như vầy. Hồi quý vị mới vô xin thầy đi tu, lúc đó mình đâu sở hữu gì; chưa kể lúc đó còn xác định “tứ đại giai không”, vậy mà sao tu qua năm dài tháng rộng, rồi cái gì cũng nhận “của tôi” hết. Bây giờ, nhiều vị nhận tịnh xá này, tịnh xá nọ của tôi, do tự tôi mua đất, do tôi lập rồi cất xây. Các vị vin vào đó rồi xem nhẹ truyền thống Hệ phái, coi thường lời dạy của các vị Tôn trưởng. Nhưng các vị quên rằng, từ chiếc y các vị mặc đến giới thân huệ mạng mà quý vị lớn dần trong đạo là do ai ban cho, từ đâu mà có? Đơn giản, các vị đi vận động mua đất hay xây tịnh xá, các vị cũng lấy danh nghĩa xây dựng cho Giáo đoàn, cho Hệ phái, cho Tăng chúng, cho bá tánh cư gia chứ đâu thể lấy danh nghĩa cá nhân ra vận động mà được. Những vấn nạn đó, xin đại chúng Tăng Ni, đặc biệt là những vị đang và sẽ trụ trì phải suy gẫm cho kỹ càng, thấu đáo. Mình tu hành không chịu hiểu nhân quả, không suy về nguồn cội để sống với lòng biết ơn và hành đạo với tâm khoáng đạt, không dính mắc thì sai lắm. Nếu không khéo canh chừng bản ngã, để nó lớn dần theo năm tháng thì lần hồi đạo tâm sẽ bị lấn át rồi dẫn đến hỏng cả đạo nghiệp lẫn giáo pháp Tổ Thầy.
Ngày nay, những điều vừa nêu là thực trạng đang diễn ra rất nhiều. Nhiều vị nghiễm nhiên cho mình là tối thượng, rồi chấp thủ từ tịnh xá đến đất đai, khẳng định tất cả đều là của tôi chứ không còn “Tăng vô nhất vật” như Tổ Thầy ngày xưa nữa. Tệ nhất là việc bản ngã to lớn dần, rồi nghĩ rằng tất cả mọi người, mọi vật xung quanh đều phục tùng cho tự ngã của mình, kể cả Tăng (Ni) chúng hay đệ tử cũng vậy. Sống với tự ngã ngày càng to lớn thì lòng từ bi nhỏ dần, nên tình thương dành cho Tăng (Ni) chúng, đệ tử cũng ít đi rồi không còn. Thay vào đó là khó khăn, hạch sách thậm chí tệ hơn là bắt Tăng (Ni) chúng phục dịch, hầu hạ mình theo thói đời để xảy đến sự việc Tăng Ni chúng tu học không được, ở không xong. Cuối cùng, tịnh xá ngày càng to càng đẹp, càng rộng rãi mở mang mà Tăng Ni chúng thì lần mòn rơi rụng.
Kính thưa các vị trụ trì! Các vị hãy ý thức vai trò “kế vãng khai lai” của mình, đây có thể xem là vai trò thiêng liêng nhất mà các vị đảm nhận khi ra trụ trì. Chúng ta xây dựng tịnh xá là phụng sự Tam Bảo nhưng cũng là gìn giữ Tam Bảo. Việc gìn giữ Tam Bảo cũng đâu phải một vị trụ trì gìn giữ mà được. Sau thời chúng ta thì phải có đời sau kế thừa. Vậy mà bây giờ, chúng ta thâu nhận đệ tử vào rồi không dạy dỗ theo đúng chánh pháp, không thương yêu theo đúng nghĩa của người làm Thầy là chúng ta có lỗi lớn lắm. Nhiều vị trụ trì cứ nghĩ đệ tử không ở với mình được, không tu được là do nó nghiệp quả nặng nề, căn duyên nông cạn. Nhưng xin thưa, chúng ta đã mở tâm lượng từ bi mà tế độ, mà nhiếp hóa họ chưa? Nếu chưa thật sự thương đệ tử như cha mẹ thương con, chưa quan tâm dạy dỗ đúng mực, thì khoan hãy trách nghiệp duyên đệ tử mà nên xem xét lại bản thân mình trước đã.
Bản thân tôi nghĩ rằng, đã nhận lãnh chức vụ trụ trì, chúng ta phải làm sao xây dựng được ngôi tịnh xá vật chất ngày càng khang trang, đạo tràng ngày một hưng thịnh nhưng đồng thời cũng phải khéo tu cho chính mình, khéo yêu thương quan tâm, lắng nghe, nâng đỡ và tiếp độ đệ tử của mình để ngôi tịnh xá tâm linh cũng ngày một vững vàng. Trong có vững thì ngoài mới mạnh. Đại chúng Tăng Ni nên khéo suy nghĩ điều này. Thời buổi này, tạo tự thì dễ tạo Tăng mới khó. Mà giữa “Tăng” với “tự”, bên nào quan trọng hơn thì các vị chắc chắn đã rõ, tôi không cần phải bàn. Tôi nhớ năm chuẩn bị làm Pháp viện Minh Đăng Quang này, HT. Giác Toàn cùng tôi và chư Tôn đức Giáo phẩm có nói chuyện với nhau. HT. Giác Toàn có nói: “Cái Pháp viện này, tôi làm thì nổi nhưng sau này kiếm được một người để tu và quản lý được cơ sở này rất khó”. Tôi nghĩ lời Hòa thượng nói hoàn toàn đúng. Đại chúng Tăng Ni nên nhớ nỗi âu lo này của Hòa thượng và cũng nên lấy đây làm nỗi âu lo cho chính mình, âu lo chung cho Hệ phái và cho đạo.
Tôi nói những việc dễ thấy trước rồi tới những việc khó thấy hơn sau. Dạo gần đây tôi thấy có nhiều tịnh xá bắt đầu có dấu hiệu bê tha trong việc giáo hóa, nhiếp độ Phật tử và cũng giải đãi trong chuyện tu hành. Nhiều vị tôi nghĩ cũng lạ, lúc mới vô tu thì tinh tấn tu hành, siêng năng công quả mà sao tu lên cao, tu cỡ mười năm, hai mươi năm thì xao lãng chuyện tu hành, chểnh mảng chuyện lập công bồi phước. Chúng ta sống trong đạo, thừa hưởng ân đức Tam Bảo nên mọi việc ăn – mặc – ở – bệnh đều có Phật tử lo lắng cúng dường, nhưng nhiều lúc chúng ta quên “món vay món trả phải đồng/ người dâng vật quý là mong phước lành”. Bây giờ chúng ta thiếu tu tập, thiếu công quả phụng sự, chắc chắn chúng ta mắc nợ nặng nề. Đại chúng Tăng Ni cứ nghĩ công đức của mình, tu tập và công quả có được là cái rễ cây; cái cây mà bộ rễ không có thì cái cây đó sống có bền hay không? Cho nên, từ cái căn bản gốc rễ không có, không vững thì chuyện tu hành không bền, có ráng ở trong tịnh xá ít lâu nhưng rồi cuối cùng cũng rơi rụng hết. Kính thưa đại chúng, tôi nghĩ chúng ta có tu thì tâm mới sáng, có vun bồi phước đức thì mới lướt qua được chướng duyên nghịch cảnh trên bước đường tu; còn bằng không thì sẽ bị mắc vào tà kiến rồi bị nghiệp lực quá khứ nhận chìm. Ngày nay, tình trạng này xảy ra ngày một nhiều, nên tôi nêu ra đây để đại chúng Tăng Ni cùng suy gẫm và ý thức.
Tôi xin quay lại vấn đề “tạo Tăng” và bàn sâu hơn một chút. Bản thân tôi rất tâm đắc với Quỹ Pháp học Khất sĩ, vì đây là tình thương của chư Tôn đức tiền bối được biểu hiện cụ thể đến đàn hậu tấn. Quỹ học bổng ra đời và hoạt động bảy năm nay tôi hoan hỷ lắm, nhưng bên cạnh đó cũng vẫn còn lắm mối ưu tư. Càng ngày Hệ phái càng có nhiều vị đỗ đạt học vị Tiến sĩ, Thạc sĩ trở về nhưng những thành tựu trong Phật sự của Hệ phái sao còn hạn chế quá. Đơn cử, tập san Đuốc Sen ngày càng nghèo nàn trong khi số lượng các vị được đào tạo bài bản, được học hành, có tri thức ngày càng nhiều là tại sao? Vậy thì mình thử hỏi, các vị đi học với mục đích gì, học xong rồi để làm gì?
Nhiều lúc tôi ngẫm nghĩ các vị giống như con dao, được trui rèn cho tốt, mài cho sắc nhưng rồi để treo chưng chứ không sử dụng. Như vậy uổng quá! Chưa kể nhiều vị dính vào thói ham danh, lấy cái học vị đi khoe mẻ với đời, chứ khi cống hiến và làm việc thì không thấy đâu. Hoặc nhiều vị, lấy cái học vị ấy để đi lo chuyện riêng, việc tư chứ còn việc chung của Hệ phái thì không thấy đóng góp. Có nhiều vị có học vị cao mà “nhận thức”, tôi thấy tệ lắm. Có vị nói: “Con học hành đỗ đạt là do tự thân vận động”. Các vị đó nghĩ như vậy, nên rồi giờ học về không phụng sự hay phục vụ cho Hệ phái hay Tổ Thầy. Vậy thì, tôi xin phép hỏi: Thuở các vị phát nguyện “chết đời sống đạo” thì ai khai sinh quý vị? Quý vị đi học hành nhờ vào bá tánh ủng hộ cúng dường, khi ấy Phật tử họ cúng với động cơ, suy nghĩ gì? Có phải Phật tử cúng với suy nghĩ cúng dường cho một vị Tăng (Ni) học hành để phụng sự Tam Bảo, phụng sự cho giáo pháp Khất sĩ không? Thế nên, chúng ta âm thầm thừa hưởng ân đức Tam Bảo mà chúng ta không hiểu, không chịu suy gẫm, ngược lại đi phủ nhận, như vậy thì tệ lắm. Tôi nêu lên thực trạng vậy để đại chúng cùng suy nghĩ, nếu học hành đỗ đạt mà như vậy thì có xứng đáng với mong mỏi của Tổ Thầy, có làm Tăng Ni Phật tử tứ chúng hoan hỷ hay không?
Trước khi kết thúc buổi chia sẻ, tôi mong mỏi đại chúng Tăng Ni khi tham dự khóa Bồi dưỡng trụ trì lần này, cố gắng ghi nhớ những lời chỉ dạy, những kinh nghiệm của chư vị Hòa thượng, Thượng tọa, quý Ni trưởng, Ni sư truyền trao mà áp dụng đối với ngôi tịnh xá mà mình đang đảm nhận vai trò trụ trì. Tất cả những gì được nghe, được học xin các vị ghi nhớ, ưu tư để rồi tự soi xét bản thân trên cả hai phương diện tu học tự thân và hoằng pháp, phụng sự nhân sinh.
Các bài viết liên quan
- Báo cáo tổng kết Khóa Bồi dưỡng trụ trì Hệ phái Khất sĩ PL. 2568 - DL. 2024 - Thứ Sáu, 11:09 23-08-2024 - xem: 1669 lần
- TP.HCM: Hệ phái Khất sĩ bế mạc Khóa Bồi dưỡng Trụ trì PL.2568 - DL.2024 - Thứ Bảy, 00:26 01-06-2024 - xem: 1677 lần
- TP.HCM: Đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ chia sẻ nhiều nội dung về Luật Tín ngưỡng Tôn giáo tại Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Sáu, 14:10 31-05-2024 - xem: 1717 lần
- TP.HCM: TT.Thích Nhật Từ khẳng định “khóa tu là cầu nối giữa Tăng Ni và tín đồ Phật tử” trong chuyến thăm Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Sáu, 00:25 31-05-2024 - xem: 1403 lần
- TP.HCM: NS.Tuệ Liên nói về giá trị của việc tu tập Giới - Định - Tuệ tại ngày 6 của Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Năm, 16:41 30-05-2024 - xem: 785 lần
- TP.HCM: Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 ngày thứ 6 thảo luận về “Tăng đoàn Phật giáo Khất sĩ ngày nay” - Thứ Năm, 14:04 30-05-2024 - xem: 1604 lần
- TP.HCM: NT.Tuyết Liên & NS.Hiếu Liên trình bày tham luận tại ngày thứ 5 của Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Năm, 09:42 30-05-2024 - xem: 598 lần
- TP.HCM: HT.Minh Thành đề cao việc giữ giới tại ngày thứ 5 của Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Tư, 21:58 29-05-2024 - xem: 889 lần
- TP.HCM: TT.Thích Phước Nguyên đề cao yếu tố “làm chủ bản thân” trong quản trị và lãnh đạo tại Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Tư, 12:12 29-05-2024 - xem: 1110 lần
- TP.HCM: Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 tiếp nhận nhiều bài tham luận ấn tượng - Thứ Ba, 21:54 28-05-2024 - xem: 603 lần
- TP.HCM: TT.Giác Nhường chia sẻ với các vị Khất sĩ trẻ khi làm trụ trì nhân Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Ba, 15:11 28-05-2024 - xem: 1874 lần
- TP.HCM: HT.Thích Huệ Thông nói về luật sửa đổi bổ sung trong Hiến chương của Giáo hội tại Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Ba, 12:06 28-05-2024 - xem: 968 lần