Trách nhiệm của người Thầy trong thời đại mới
- NT. Hiệp Liên
- | Thứ Hai, 16:18 15-06-2020
- | Lượt xem: 6031
Chiều nay, ngày 14-6-2020, NT. Hiệp Liên đã trích dẫn những lời dạy từ kinh Pháp cú cho đến Trung bộ kinh để dẫn dụ cho hình ảnh người học trò nói riêng và người xuất gia nói chung trong thời đại khoa học tiến bộ. Để từ đó thấy được tinh thần Phật dạy làm thế nào để thích ứng với môi trường điều kiện quanh ta nhưng vẫn giữ được bản sắc thanh thoát tự tại của người con Phật. Qua đó minh họa cho hình ảnh sống động về đời sống phạm hạnh, kiên trì nhiếp phục các căn để đạt đến sự an tịnh thật sự nhưng vẫn làm chủ được phương tiện mà cuộc sống văn minh mang lại.
Kính bạch đại chúng! Để cho giáo pháp và Hệ phái phát triển mỗi người con Phật chúng ta cần phải chung tay góp phần làm cho đạo pháp được trường tồn. Trên tinh thần đó, mỗi người xuất gia nói chung và người trụ trì nói riêng cần phải định hình rõ cho mình, tinh thần trách nhiệm và sứ mạng của người con Phật trong thời đại 4.0 là như thế nào để từ đó không bị hoà tan trong ấy hoặc bị bỏ lại phía sau. Đặc biệt là người trụ trì, vị soi đường dẫn lối cho thế hệ kế thừa, cho đạo tràng Phật tử hữu duyên xa gần về nương theo tu học. Chính vì thế, người trụ trì cần phải am tường và trở thành ngọn đuốc sáng để soi thấu những cạm bẫy, những miếng mồi thơm ngon đang treo lơ lửng trước mặt. Được như vậy, chúng ta mới có thể hội nhập trong thời đại 4.0 mà không bị hoà tan trong dòng chảy đầy những sự cám dỗ ấy. Để trở thành ngọn đuốc sáng như thế, người trụ trì cần phải hiểu chân chánh, rõ ràng mục đích, lý tưởng xuất gia của mình, để lấy đó làm kim chỉ nam cho cuộc hành trình đầy chông gai phía trước. Lý tưởng xuất gia ấy được đức Thế Tôn vạch rõ qua lời dạy trong Kinh Pháp cú, số 142:
Ai sống tự trang sức,
Nhưng an tịnh, nhiếp phục,
Sống kiên trì, Phạm hạnh,
Không hại mọi sinh linh,
Vị ấy là Phạm chí,
Hay Sa-môn khất sĩ..
Hình ảnh Sa-môn khất sĩ này rất hợp, và có thể nói là kim chỉ nam cho đời sống tu sĩ trong xã hội văn minh của công nghệ 4.0 ngày nay. Một hình ảnh sống động cho đời sống Phạm hạnh, kiên trì nhiếp phục các căn để đạt đến sự an tịnh thật sự nhưng vẫn làm chủ được vật chất, phương tiện, những trang sức mà cuộc sống văn minh của thời đại mang lại. Hình ảnh này cũng chính là tinh thần của nhà Phật, không rộn giữa rộn ràng, không não phiền giữa những người phiền não, như Kinh Pháp cú, số 197-200 đã chỉ dạy. Cho nên xã hội càng văn minh, vật chất, phương tiện sống càng sung túc đầy đủ, chúng càng dễ dàng trở thành những miếng mồi ngon giăng bẫy và bắt nhốt những người lơ là, không tinh tấn nhiếp phục các căn, và thiếu kiên định với lý tưởng xuất gia. Vì thế ngoài việc phải tự trau dồi, củng cố nội lực của mình, vị trụ trì cần có trách nhiệm đào tạo, khuyên nhắc và vạch rõ những cạm bẫy mà cuộc sống đang giăng bắt, giúp người học trò nhận chân được con đường đến bến giác, cùng những cạm bẫy đang bủa vây trên lộ trình, đồng thời giúp người kế thừa hình thành được một cái nhìn chân chánh về mục đích của việc xuất gia. Chỉ có thiết lập được nhận thức đúng đắn, người đệ tử mới có khả năng nhận diện, ứng phó và vượt qua được những cạm bẫy, bằng không sẽ mãi là những người tù binh của Ma vương cùng binh đoàn của chúng, hay đã bị hoà tan trong dòng chảy vật chất văn minh của thời đại 4.0. Những cạm bẫy này cũng từng được đức Thế Tôn đề cập, khuyến cáo cho hàng đệ tử qua bài Kinh Bẫy mồi, số 25 thuộc Kinh Trung bộ.
Nếu như ngày xưa, người thợ săn bẫy mồi luôn khôn khéo đặt những miếng mồi thơm ngon để dụ con mồi vào tròng và điều khiển chúng theo ý muốn của mình, thì ngày nay văn minh 4.0 cũng rất tinh vi để nhấn chìm và biến ta thành tù binh của chúng. Nếu như ngày xưa, có những con nai rất khôn khéo biết cách lấy thức ăn, mồi ngon nhưng vẫn tránh được cạm bẫy để làm chủ vận mệnh của mình, thì ngày nay cũng sẽ có những hành giả làm chủ phương tiện văn minh và sử dụng chúng cho sứ mệnh hoằng dương Chánh pháp. Cho nên, việc quan trọng không phải là miếng mồi ngon hay phương tiện của thời đại 4.0, mà là cách sử dụng chúng như thế nào?
Chẳng hạn như phương tiện zalo, facebook,… được sử dụng cho sự sống ảo, phô bày thể hiện cái ta tư kỷ, nhằm cho mọi người biết mình thế này thế kia. Trào lưu sống ảo khoe mình như thế đã trở nên phổ biến trong thế hệ trẻ ngày nay, cũng nói lên phương tiện zalo, facebook lúc này đã bắt đầu điều khiển và nhấn chìm thế hệ kế thừa rồi. Ngược lại, sử dụng chúng để khuyên nhắc người hữu duyên con đường tu học, giúp mọi người hướng thượng, phát huy tinh thần hoằng pháp công nghệ…, như thế, công nghệ đó lại trở thành công cụ hữu ích, truyền thông nhanh chóng, và giúp ích rất nhiều trong việc xương minh giáo pháp, làm cho đạo pháp được trường tồn. Cho nên, người trụ trì cần dõi theo để kịp thời để khuyên nhắc, phân tích cho người học trò thấy được sự nguy hiểm của những cạm bẫy, để có thể giữ được đạo tâm và đứng vững trong giáo pháp.
Đệ tử là thế hệ kế thừa, là những người tiếp nối ngọn đèn trí tuệ mà chư vị tiền bối đã trao cho ta, nhưng không khéo chúng sẽ tắt mất, sẽ bị sợi dây công nghệ, sợi dây vật chất văn minh xỏ mũi, lôi kéo và điều khiển làm cho người học trò đi vào mê cung mà quên lối về. Chính vì thế hệ kế thừa và muốn cho Phật pháp được xương minh nên chư Tôn đức lãnh đạo đã có những điều chỉnh, nhằm củng cố đạo tâm của người học trò trong thời đại 4.0 này bằng những khoá tu Bồi dưỡng Đạo hạnh. Đây cũng là một cách truyền trao và để củng cố đạo tâm, giúp cho người học trò thấy được phần nào những cạm bẫy tinh vi của thời 4.0 đang giăng trên con đường hoàn thiện đời sống Phạm hạnh.
Nhưng làm sao ý nguyện này đạt được kết quả hữu hiệu nhất cũng mong chư Tôn đức lãnh đạo soi xét. Ngày nay khóa “Bồi dưỡng đạo hạnh” của Hệ phái được mở ra, nhằm chỉnh chu oai nghi hạnh kiểm của các vị vừa mới xuất gia hoặc xuất gia chưa lâu. Đó là một việc làm vô cùng cấp thiết đối với thế hệ trẻ. Do đó, việc chọn lựa người hướng dẫn để làm khuôn mẫu cũng vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, việc thuyết giảng cũng nên phù hợp với trình độ nhận thức của các Tăng Ni vừa mới nhập đạo. Có trường hợp giảng thuyết những giáo pháp thâm thúy như thập nhị nhân duyên, vũ trụ quan Phật giáo…, cũng có thể khiến cho một bộ phận không thể tiếp nhận.
Vẫn biết rằng giáo dục là con đường chính yếu để giúp cho người học trò thắp sáng ngọn đèn trí tuệ và ươm mầm, nuôi dưỡng những măng non thành người hữu ích trong tương lai, nhưng chúng ta không khéo truyền trao thì vẫn có thể dẫn đến hiện trạng nội lực bên trong bị rỗng không. Và chính rỗng ruột như vậy, nên truyền thông báo chí trong thời gian qua, cùng với những người không có cảm tình với đạo pháp, mới có cơ hội đả phá Tăng đoàn, qua vài hình ảnh cá nhân bị suy thoái đạo tâm hay rơi vào cạm bẫy của người thợ săn. Dẫu rằng một vài cá nhân sai lầm vẫn không thể đánh đồng và làm cho đạo pháp bị huỷ hoại được, nhưng từ đó cũng nói cho ta biết việc đào tạo, nuôi dưỡng mầm non Chánh pháp vẫn chưa đạt được kết quả mỹ mãn, và cũng thấy được trách nhiệm của người thầy, người trụ trì cần được củng cố thêm để đạt đến kết quả như ước nguyện. Cho nên, vị thầy, người trụ trì cần phải quan tâm nhiều hơn để thế hệ kế thừa không bị suy thoái đạo tâm và rơi vào cạm bẫy của người thợ săn. Tuy nhiên, đối với trách nhiệm cao cả này, cũng có những vị thầy lơ là, xem thường và ẩn chứa tinh thần tư kỷ, vì lợi ích tự viện cá nhân mà không cho hàng đệ tử sơ cơ của mình tham dự chương trình Bồi dưỡng Đạo hạnh để củng cố đạo tâm, làm mất đi cơ hội học hỏi, trau dồi đạo hạnh của người học trò; đôi khi có vị lại cho rằng chương trình giảng dạy không hợp, vị Sư huynh hướng dẫn không chuẩn mực, có thể làm hư tâm người học trò, nên không cho theo học chẳng hạn, và lấy rất nhiều lý do để khẳng định việc giữ đệ tử ở lại tự viện là đúng, là đang bảo vệ thế hệ kế thừa… Vì vậy, trách nhiệm của vị trụ trì cũng cần được quý Ngài soi sáng và làm rõ.
Trong thời đại 4.0 này, cạm bẫy cũng sẽ tinh vi hơn. Như đã trình bày ở trên, người thầy đã viện dẫn nhiều nguyên nhân để khẳng định tinh thần tư kỷ, điều đó đã vô tình rơi vào cạm bẫy, làm cho đạo tâm của người học trò suy thoái, tinh thần ích kỷ cá nhân của mình tăng trưởng… Như thế, vô tình ta đã trở thành con mồi và làm theo sự điều khiển của người thợ săn. Sự tinh vi của cạm bẫy ấy là điều mà người thầy, vị trụ trì cần phải minh định rõ ràng để giúp cho người học trò không bị rơi vào vòng xoáy của chúng, và thẳng tiến trên lộ trình về bến giác.
Kính bạch quý Ngài!
Trên đây là đôi điều con trò xin được bộc bạch, và với góc nhìn hạn hẹp, đôi khi có những điều không phải, ngưỡng mong quý Ngài chỉ dạy và xả đoạ cho.
Các bài viết liên quan
- Tiến sĩ Bùi Hữu Dược: Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2018 - Thứ Bảy, 13:06 02-06-2018 - xem: 4540 lần
- Hoà thượng Giác Giới: Lược sử Tổ sư Minh Đăng Quang - Thứ Bảy, 09:51 02-06-2018 - xem: 4430 lần
- Khai mạc khóa Bồi dưỡng trụ trì lần thứ 15 tại PV. Minh Đăng Quang - Thứ Sáu, 11:23 01-06-2018 - xem: 3820 lần
- Chọn người xuất gia - Thứ Năm, 14:21 15-06-2017 - xem: 3102 lần
- Báo cáo tóm tắt khóa Bồi dưỡng trụ trì lần 14 - Thứ Sáu, 06:20 16-06-2017 - xem: 2798 lần
- Ý nghĩa trụ trì - Thứ Năm, 06:07 15-06-2017 - xem: 2749 lần
- Một số đề xuất về nội quy của các ban trong Hệ phái - Thứ Bảy, 00:09 27-05-2017 - xem: 3257 lần
- Tìm hiểu thiền trong Chơn lý đức Tổ sư - Thứ Ba, 13:45 23-05-2017 - xem: 3998 lần
- Đường lối của Tổ sư trong Chơn lý và những giải pháp thực tiễn đối với thực trạng Tăng Ni Khất sĩ hiện nay - Thứ Ba, 05:51 23-05-2017 - xem: 6041 lần
- Khất sĩ và thời đại - Thứ Ba, 03:17 23-05-2017 - xem: 4360 lần
- Tâm đức Trụ trì - Thứ Hai, 05:06 22-05-2017 - xem: 2779 lần
- Tinh thần "Phép Tăng chẳng lìa đoàn" của Tổ sư và hiện tượng tách chúng ở riêng của Tăng Ni Khất sĩ hiện nay - Thứ Hai, 02:55 22-05-2017 - xem: 3253 lần