Trách nhiệm tiếp Tăng độ chúng của trụ trì trong thời đại hiện nay
- NS. Phục Liên
- | Thứ Hai, 07:10 27-05-2019
- | Lượt xem: 2674
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Ngưỡng bái bạch chư Tôn Thiền đức Giáo phẩm Hệ phái,
Ngưỡng bái bạch chư Tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng,
Ngưỡng bái bạch chư Ni trưởng, Ni sư, chư Đại đức Ni,
Kính thưa toàn thể đại chúng,
Ni sư PHỤC LIÊN, Tịnh xá Ngọc Phú, Gia Lai
Mỗi năm cứ vào đầu mùa mưa, sen trong đầm bắt đầu rộ nở là báo hiệu cho mùa An cư kiết Hạ trở về. Duyên lành hội đủ, hằng năm chúng con có dịp được trở về Pháp viện Minh Đăng Quang để tham dự khóa trao đổi kinh nghiệm trụ trì do chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái tổ chức.
Hòa trong không khí trang nghiêm, an tịnh, ấm tình đạo vị của khóa học năm nay, con, Tỳ-kheo-ni Phục Liên vinh hạnh được chư Tôn đức cho phép lên đây trình bày đôi điều về đề tài: “Trách nhiệm tiếp Tăng độ chúng của trụ trì trong thời đại hiện nay”.
Kính bạch chư Tôn đức.
Trụ trì là một chức vụ được Giáo hội bổ nhiệm, là cán bộ cơ sở đặt dưới sự điều hành của Giáo hội Phật giáo. Các vị trụ trì nói riêng và chư Tăng Ni nói chung đều sinh hoạt theo nội quy Tăng sự của Giáo hội đã quy định.
Trụ trì là người nhận lãnh sứ mạng thiêng liêng, là “Trụ thế vương gia, trì Như Lai tạng”. Trách nhiệm của trụ trì là “Truyền trì mạng mạch, hoằng dương Chánh pháp, lợi lạc quần sanh”. Với sứ mạng cao cả đó, vị trụ trì có rất nhiều trách nhiệm phải gánh vác, phải hoàn thành. Một trong những trách nhiệm quan trọng mà vị trụ trì được giao phó là “Tiếp Tăng độ chúng”, dắt dẫn đàn hậu tấn, hội chúng Phật tử nhận thức giác ngộ, giải thoát, hầu chuyển hóa tâm thức, tạo dựng một đời sống an lạc và hạnh phúc ngay tại thế gian, hướng đến cảnh giới Niết-bàn an tịnh.
Như chúng ta đã biết, hoằng pháp thực chất là mang đạo vào đời, là tinh thần nhập thế cao cả của đạo Phật. Cho nên trách nhiệm của người trụ trì trong vai trò hoằng pháp rất lớn và bao quát. Tiếp Tăng độ chúng là một trong những trách nhiệm vô cùng thiết yếu, nhằm duy trì mạng mạch của Phật pháp. Việc thu nhận đệ tử và hướng dẫn họ tu tập chính là đang trực tiếp nuôi dưỡng thế hệ kế thừa trong tương lai. Đây được xem là một trong những bước thành công trong sự nghiệp hoằng pháp của vị trụ trì.
A. Độ chúng xuất gia
Thường một đệ tử xuất gia đến với đạo có nhiều lý do: Có người vì yêu mến hình ảnh khả kính của một vị thầy, vị sư; có người vì gia đình theo truyền thống Phật giáo nên thường xuyên thân cận với các bậc tu hành; có người do có duyên sâu dày trong nhiều kiếp nên vừa gặp Phật pháp liền phát tâm xuất gia; có người sau khi trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống, trực nhận được sự vô thường trước mắt nên muốn xa lìa cuộc sống thế tục để sống đời sống ly dục. Chung quy họ là những người hảo tâm xuất gia. Vì vậy, khi thu nhận đệ tử vào xuất gia, chúng ta phải có trách nhiệm nuôi dạy, trưởng dưỡng đạo tâm cho đệ tử.
Tuy nhiên, có trường hợp, họ bỏ nhà cửa, cha mẹ, công việc, xóm làng để đi tu, nhưng vô chùa rồi, vị Thầy mãi bận các Phật sự, ít có dịp gần gũi thương yêu chỉ dạy, họ cũng phân vân, buồn chán. Hoặc vào chùa, có khi gặp nhiều nghịch cảnh chướng duyên, dễ làm thối tâm Bồ-đề. Con người cũng giống như một bông hoa, ta trồng hoa mà quên tưới nước, bón phân, thêm đất thì hoa sẽ từ từ khô héo, gục ngã.
Đối với học trò, thầy không động viên, không khích lệ, không chăm sóc dạy dỗ, đệ tử sẽ không tiến bộ; nhưng dạy học trò cũng không dễ dàng, dạy nhiều quá nó cũng bực bội, lo nhiều quá thì nó cũng bức rức không tự do. Cho nên làm trụ trì, có đệ tử phải hiểu tâm ý của đệ tử, tùy duyên hóa độ. Dĩ nhiên phải đem tâm bao dung, hỷ xả, tha thứ khi nó phạm lỗi, thương yêu khi nó biết ăn năn. Hằng ngày vị trụ trì dù bận rất nhiều Phật sự cũng nên dành chút thời gian quan tâm tới việc tu học của đại chúng. Đó là giọt nước cam lồ tưới tẩm cho chúng đệ tử có được cuộc sống an vui, mát mẻ.
Bây giờ, phần đông các tự viện thâu đệ tử trẻ xuất gia, các vị thầy đều cho đi học hết, mà thời gian đi học rất dài, rất lâu. Trụ trì phải lo gánh vác tất cả mọi việc từ trong tới ngoài. Dù Phật sự nhiều, lo lắng, căng thẳng cũng nhiều, trụ trì cũng đừng quên dành thời gian tu tập, dành thời gian lo cho chính tâm linh của mình. Trụ trì có tinh tấn chúng đệ tử mới tinh tấn theo. Trụ trì muốn giữ chúng thì phải luôn quan tâm đến chúng, từ đời sống vật chất cũng như tinh thần của chúng, có như thế tình thầy trò mới gắn bó, cũng vừa là động lực sâu sắc cho các đệ tử tinh tấn tu hành.
Tất cả vì thế hệ kế thừa, các vị trụ trì cần phải hy sinh. Cũng giống như ở thế gian các bậc cha mẹ nuôi con, cho con cái ăn học, khi thành tài rồi, nó có gia đình riêng, sự nghiệp riêng, ít khi các người con về sống chung với cha mẹ. Các bậc cha mẹ cũng không đòi hỏi các con phải báo đáp như thế này, hay như thế kia. Làm trụ trì cũng vậy, nuôi dạy đệ tử chủ yếu vì tương lai của Giáo hội, vì thế hệ kế vãng khai lai, báo Phật ân đức mà làm, không cần phải bận tâm đệ tử trả hiếu như thế nầy hay như thế kia, có thế tâm của người trụ trì mới nhẹ nhàng thanh tịnh.
Ngày nay số lượng Tăng Ni ngày càng đông, tất nhiên không tránh khỏi những điều phức tạp đã và đang xảy ra. Cho nên vị trụ trì khi thu nhận đệ tử phải chọn lựa kỹ càng, phải biết gốc tích và nguyên nhân xuất gia của họ, phải được cha mẹ gởi gắm và bảo lãnh trước khi họ vào chùa (ngoại trừ những người có hoàn cảnh đặc biệt, nhưng tha thiết xuất gia với ý chí dũng mãnh). Khi tiếp nhận họ rồi, với trách nhiệm của một người thầy, cũng là người cha, người mẹ, vị trụ trì phải dạy dỗ nghiêm minh về mọi mặt, tạo mọi điều kiện cho đệ tử tu học, trở thành một người tài đức, sau này có thể gánh vác Phật pháp, đừng ham đệ tử đông mà không dạy dỗ tốt, sau này chính họ phá hoại Tam Bảo và vị trụ trì phải chịu phần lớn trách nhiệm về sự sơ xuất của mình.
Trong tình hình thực tế đời sống xã hội ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của các ngành khoa học, kỹ thuật công nghệ, cùng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà nhân loại đang tiến tới, việc hoằng dương Chánh pháp nhất là việc tiếp Tăng độ chúng cần đề ra nhiều tiêu chí:
1. Trụ trì phải là người am hiểu Phật pháp
Trong thời đại hiện nay, theo yêu cầu của Giáo hội, một vị lãnh trách nhiệm trụ trì phải được đào tạo qua các trường Phật học, phải am hiểu Phật pháp và có đức hạnh nhất định. Vị trụ trì không thông suốt Phật pháp, bản thân vị đó không biết sống và tu như thế nào cho đúng Chánh pháp, làm sao hướng dẫn cho Tăng chúng và Phật tử. Một trong những nguy cơ tiềm ẩn lớn nhất của Phật giáo là một bộ phận trụ trì các tự viện không am hiểu Phật pháp, hoặc am hiểu một cách phiến diện và lệch lạc, dễ làm cho Chánh pháp bị mai một và lệch lạc theo.
Thật ra, vị trụ trì am hiểu Phật pháp chưa đủ, mà phải sống thực hành và trải nghiệm lời dạy của Phật, tức là Tri hành hợp nhứt, mới làm mô phạm cho Tăng chúng và Phật tử noi theo tu tập. Nếu chỉ biết mà không thực hành, chỉ nói suông “năng thuyết bất năng hành” thì lời nói của trụ trì đó chẳng có tác dụng tích cực, mà còn có ảnh hưởng tiêu cực đến việc giáo hóa.
“ Nói chín thì phải làm mười,
Nói mười làm chín kẻ cười người chê”.
2. Sống theo tinh thần giới luật, trí tuệ và từ bi
Vị trụ trì phải luôn sống tỉnh giác, chánh niệm, làm chủ được suy nghĩ, hành động và lời nói. Tư cách đạo đức trang nghiêm, bỏ tâm ích kỷ phân biệt, biết chăm lo cho Tăng chúng và quan tâm sâu sắc đến đời sống của Phật tử. Chúng ta biết rằng, sức mạnh của người tu là ở giới đức. Người giữ giới trang nghiêm, thân tướng sẽ đẹp như có hào quang vậy. Đức hạnh của mỗi người là do mỗi người tạo, không một ai phá hoại được trừ chính người đó. Do vậy nguời tu phải tự phòng hộ cho thân tâm mình bằng chính việc giữ giới.
Trí tuệ là sự hiểu biết các pháp đúng như thật, không sai lầm. Trí tuệ cao nhất là rõ biết tính vô ngã của các pháp, đạt đến cứu cánh Niết-bàn. Muốn nâng cao trí tuệ , hành giả phải thường xuyên tu tập Giới Định Tuệ, gần gũi các bậc thiện tri thức, luôn học hỏi những điều chưa biết, chưa thông. Tuyệt đối tránh ngã mạn tự cao, cho mình là cao là trên người khác.
“Giới giữ cho thân sạch lỗi lầm,
Cho tâm như ngọc luyện dồi tâm,
Cho hoa trí huệ tươi ngàn kiếp,
Cho quả từ bi đẹp bội phần”.
Từ bi là lòng thương yêu mọi người, mọi loài không có tâm phân biệt chấp thủ. Vị trụ trì tiếp Tăng độ chúng phải luôn lấy tâm từ bi để đối đãi với chúng, lấy đức của Như Lai để trang nghiêm tự thân, lấy hạnh Bồ-tát để làm Phật sự, thì không việc gì không thành công.
3. Sống theo tinh thần vô ngã, vị tha
Vô ngã là một trong những tính chất đặt biệt của Phật giáo. Con người vốn là sự tập hợp của ngũ uẩn, không có tự ngã. Ta và của ta đều không tồn tại. Ai thấu được Lý duyên sanh vô ngã này, việc hoằng pháp mới không bị vướng vấp, khổ đau.
“Không ta và chẳng của ta,
Không lo chẳng sợ gọi là Tỳ-kheo”.
Vị tha là sống vì mọi người, mọi chúng sanh, chứ không sống vì bản thân mình. Người xuất gia phải luôn tâm niệm rằng:
“Sống đây ta sống cho muôn loại,
Ta có quyền đâu sống lấy mình”.
B. Độ chúng tại gia
Chúng ta nên nhớ rằng đối với bất cứ ngôi chùa nào, hiện nay đều có 2 dạng Phật tử tới lui lễ Phật và công phu, công quả. Trong đó người công quả cúng dường tích phước thì nhiều, còn người tham cứu học hỏi giáo lý rất ít. Do vậy những ngày Rằm lớn và những ngày sám hối, Phật tử về tụng kinh bái sám rất đông. Vào những dịp này, vị trụ trì nên tranh thủ thời gian thuyết một thời pháp ngắn về các vấn đề liên quan đến đời sống của người Phật tử tại gia; đồng thời giúp họ có Chánh kiến thấy rõ những việc thiện ác đã làm, hiểu rõ hơn về luật Nhân quả; giúp họ nhận thức được vai trò của người Phật tử tại gia đối với Phật pháp. Đối với Phật tử thuần thành, vị trụ trì nên mở khóa tu Bát quan trai giới, khóa tu niệm Phật, v.v... khuyến khích họ tinh tấn công phu, tụng kinh niệm Phật.
Đối với Phật tử chưa hiểu đạo, họ đến chùa phần đông là để cầu xin van vái, cầu an cầu siêu, xem ngày giờ…, vị trụ trì cũng nên tùy phương tiện mà độ họ, rồi dần dần hướng dẫn họ quy y Tam bảo, thọ trì Ngũ giới và định hướng cho họ con đường tu hành chơn chánh.
Hiện nay, nhà chùa vẫn là một trú xứ xa lạ với tuổi trẻ, chính vì vậy chúng ta cần tổ chức những khóa tu tập phù hợp để thu hút giới trẻ, tập cho lớp trẻ quen với việc đến chùa như một thói quen. Có một số chùa, các vị trụ trì trẻ đã tập làm quen với cách hướng dẫn lớp trẻ tu học, như mở các khóa tu Thanh thiếu niên, khóa tu Mùa hè, khóa Xuất gia gieo duyên, thu hút khá nhiều lớp trẻ đến tu tập và khá thành công.
Ngoài một số trách nhiệm mang tính điển hình của vị trụ trì trong vai trò hoằng pháp như đã nêu trên, việc kiến trúc xây dựng phát triển ngôi chùa mình đang quản lý ngày càng trang nghiêm thanh tịnh, toát lên vẻ đẹp văn hóa tâm linh cũng là yếu tố thu hút và chiêu cảm lòng người quay về nẻo thiện. Đây cũng được xem là một trong những trách nhiệm không kém phần quan trọng của vị trụ trì.
Trong thời đại hiện nay, muốn hoằng pháp tốt, vị trụ trì cần có trình độ và kinh nghiệm điều hành, hướng dẫn và nhất là cần đến tố chất thông minh, nhạy bén để tùy duyên uyển chuyển, linh hoạt đối với từng trường hợp, từng sự việc… Được như vậy, người trụ trì mới có thể làm tốt vai trò của mình trong thời hội nhập
Tuy nhiên, ngoài yếu tố tài năng và kinh nghiệm, một phần cũng tùy thuộc vào nhân duyên phước báo và đức độ của trụ trì nữa. Có đạo tràng, chúng đệ tử xuất gia lẫn tại gia vô cùng đông; nhưng có nơi thì đệ tử xuất gia ít, Phật tử cũng ít; có nơi thì chỉ có đệ tử tại gia mà không có đệ tử xuất gia, v.v...
Kết luận
Trong bối cảnh đất nước mở cửa, kinh tế không chỉ lớn mạnh, ngành công nghệ hiện đại phát triển đang vươn tới đỉnh cao, đặc biệt các mạng lưới thông tin vô cùng nhạy bén. Đó là một điều kiện thuận lợi cho tất cả chúng ta, nhưng cũng là một thách thức lớn mà chúng ta phải đối mặt. Trước tình hình như vậy, vị trụ trì không những am hiểu giáo pháp, gìn giữ giới luật trang nghiêm, mà còn phải nắm bắt tốt mọi thông tin, mọi chuyển biến của xã hội và cuộc sống quanh mình. Bởi lẽ, ngoài kiến thức Phật học sâu rộng, vị trụ trì cũng phải trang bị cho mình kiến thức xã hội, để làm phương tiện đi vào cuộc đời, trong công cuộc hoằng pháp lợi sanh đồng hành cùng dân tộc.
Các bài viết liên quan
- Báo cáo Tổng kết Khóa Bồi dưỡng Kinh nghiệm Trụ trì lần thứ 17, PL. 2564 - DL. 2020 - Hệ phái Khất sĩ - Thứ Ba, 12:18 07-07-2020 - xem: 3528 lần
- Báo cáo Quỹ Pháp học Khất sĩ 2020 - Thứ Bảy, 12:42 20-06-2020 - xem: 3609 lần
- Báo cáo Ban Tổ chức khóa tu của Hệ phái Khất sĩ - Thứ Bảy, 12:37 20-06-2020 - xem: 3823 lần
- Báo cáo của Ban Văn hóa – Truyền thông Hệ phái Khất sĩ - Thứ Sáu, 18:23 19-06-2020 - xem: 3752 lần
- Báo cáo Ban Tăng sự Hệ phái năm 2020 - Thứ Tư, 20:16 17-06-2020 - xem: 4494 lần
- Học, tu và phụng sự: Ba yếu tố căn bản của vị trụ trì - Thứ Ba, 19:59 16-06-2020 - xem: 4464 lần
- Bế mạc khóa Bồi dưỡng Trụ trì, PL. 2564 – DL. 2020 - Thứ Ba, 05:12 16-06-2020 - xem: 4350 lần
- HT. Giác Toàn: Thăm đại chúng buổi cuối cùng trong khoá Bồi dưỡng trụ trì năm 2020 - Thứ Ba, 11:30 16-06-2020 - xem: 4033 lần
- Trách nhiệm của người Thầy trong thời đại mới - Thứ Hai, 16:18 15-06-2020 - xem: 4530 lần
- Báo cáo và chia sẻ phương hướng của các Ban trong Hệ phái - Thứ Hai, 14:45 15-06-2020 - xem: 3798 lần
- Cách tổ chức khóa thiền Vipassana - Thứ Hai, 11:53 15-06-2020 - xem: 6186 lần
- Báo cáo và chia sẻ về công việc sắp tới của Ban tu thư - Thứ Hai, 11:05 15-06-2020 - xem: 3984 lần