CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Trách nhiệm trụ trì

A. KHÁI NIỆM

Từ khởi thủy, Trụ trì là các vị Bồ-tát vân tập tại Pháp hội, đạo tràng về mặt bản thể và biểu tượng là để hộ trì Pháp tạng và trang nghiêm Pháp hội. Khi Pháp tạng được tồn tại vĩnh viễn và luôn luôn phát triển, thì chúng sanh được lợi ích an lạc, giải thoát, chứng quả Bồ-đề Niết-bàn.

Song qua thời gian, sự biểu hiện ấy đã được cụ thể hóa lần lần, có nghĩa là từ khi các tịnh xá, tu viện được thành lập do các vị Quốc vương, Trưởng giả, Cư sĩ thiết lập dâng cúng cho Đức Phật và đại đệ tử Phật. Từ đó, Đức Phật, Thánh đệ tử, ngoài trách nhiệm hộ trì Pháp tạng, còn hộ trì cơ sở đang hiện hữu do tín đồ, Phật tử hiến cúng. Do đó, Đức Phật, đệ tử Phật, chư Tăng là trụ trì cơ sở tự, viện, tịnh xá… trên mặt hiện thực và xã hội hóa dần khi công cuộc hành hóa của Phật và đệ tử Phật bắt đầu định cư, an trụ tại một cơ sở, một địa điểm nhất định.

Ngày nay, dù trải qua bao thời kỳ biến thiên của lịch sử, của xã hội, song vấn đề cơ sở và trụ trì cơ sở do chư Tăng, chư Ni đệ tử Đức Phật ngày nay duy trì và phát triển vẫn là một quy định cố hữu và có ý nghĩa tất yếu của nó. Dù ở cấp độ nào, không gian nào, hoàn cảnh hay lý do nào, tổ chức nào đi nữa thì vẫn là một ý nghĩa có tích cách nhất quán và cao đẹp đặc biệt của nó. Ở đây, có thể đơn cử một vài khái niệm chung nhất và phổ quát về trách nhiệm trụ trì trong giai đoạn hiện tại và thời đại ngày nay, nói rõ hơn là thời đại Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đại diện chư hành giả đảnh lễ cầu pháp

B. NHỮNG TRÁCH NHIỆM CƠ BẢN

1. Trách nhiệm đối với tự thân

Xuất phát từ công đức, thiện căn đã gieo trồng, tích lũy từ đời trước nên ngày nay mới được thụ hưởng. Do đó, vấn đề cơ bản là không đánh mất công đức và thiện căn. Vì công đức còn, thiện căn còn thì còn trụ trì cơ sở. Khi công đức, thiện căn không còn thì không còn trụ trì cơ sở. Nói khác đi, khi không còn hội đủ nhân duyên thì không còn cơ sở định vị.

Từ ý nghĩa cơ bản ấy, trụ trì phải luôn luôn trao dồi đạo đức, tích công, lũy đức để thành tựu công đức thiện căn tại Tâm biểu hiện qua tự thân và ảnh hưởng đến hoàn cảnh, xã hội chung quanh. Vì người xưa thường nói: “Phú nhuận ốc, Đức nhuận thân” (Giàu thì làm tươi đẹp nhà cửa, Đức thì làm tươi đẹp thân tâm).

Do đó, trụ trì luôn luôn nỗ lực tu tập Giới – Định – Tuệ, 3 thiện căn Vô tham (Giới), Vô sân (Định), Vô si (Tuệ), sống đúng 6 pháp hòa hợp, thực hành các thiện pháp, gieo trồng các công đức để trang nghiêm tự thân, tự tâm nên hằng năm đều phải An cư Kiết hạ 3 tháng theo Luật Phật quy định và Thông tư của Trung ương Giáo hội (điều 37, 40 NQTS). Tự thân, tự tâm đã trang nghiêm thì sẽ ảnh hưởng đến hoàn cảnh, xã hội chung quanh, trước nhất là cơ sở đang quản lý. Như Cổ đức nói: “Lửa lòng đã tắt từ lâu/ Tự tâm thanh tịnh một bầu thanh lương/ Mưa Từ nước pháp nhành dương/ Chúng sanh lợi lạc bốn phương đượm nhuần”.  Vì như người xưa đã nói: “Nhất nhân tác phước thiên nhân hưởng/ Độc thọ khai hoa vạn thọ hương” (Một người làm phước ngàn người được hưởng nhờ. Một cây nở hoa muôn cây được thơm lây).

Qua đó, vấn đề giữ gìn công đức, thiện căn ở tự thân, tự tâm rất quan trọng. Vì đánh mất phần tự thân thì không còn cơ sở để thiết lập vấn đề. Mà đời sau cũng khó có cơ hội đạt được thân người với một y báo, chánh báo thù thắng trang nghiêm như đời này đã được. Thế nên Cổ đức nói: “Một lòng kính lạy Phật-đà/ Cho con mãi được ở nhà Như Lai/ Từ bi thương khắp muôn loài/ Hành trang nhẫn nhục ra tay độ đời/ Tâm không cảnh tịch thảnh thơi/ Niết bàn an lạc dạo chơi tháng ngày”. Do đó, cần cố gắng giữ gìn công đức, thiện căn, tư cách đạo đức mô phạm, là trưởng tử Như Lai, Trung tôn trong đại chúng, phước điền của chúng sanh. Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự, trong hiện tại và tương lai. Như Cổ đức nói: “Xuân về hoa nở trên đất Tâm/ Trăng sáng năm xưa tỏ hơn Rằm/ Vườn hoa đạo lý hương ngào ngạt/Mãi mãi ngàn sau vẫn ngát hương”.

2. Trách nhiệm đối với cơ sở

Thông thường, vấn đề chánh báo và y báo luôn luôn đi đôi với nhau như bóng với hình. Nói khác đi, khi đã gieo nhân như thế nào, thì hưởng quả như thế đấy, muốn khác đi không được. Do đó, có bấy nhiêu hưởng bấy nhiêu và duy trì, phát triển trong điều kiện cho phép. Điều căn bản là phát huy theo Chánh pháp, theo đúng quy luật và pháp luật cũng như xã hội cho phép. Nói thế có nghĩa là, toàn bộ cơ sở của Giáo hội tự viện, tịnh xá, tịnh thất, Niệm Phật đường theo điều 57 của Hiến chương Giáo hội quy định, nhất là điều 16, 17, 18, 19 Nội quy Tăng sự. Trụ trì đã được Tăng Ni, Phật tử tín nhiệm, Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện đề cử và đã được Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh bổ nhiệm, bảo quản giữ gìn cơ sở (điều 41, 42, 43 NQTS). Giữ gìn và bảo trì cơ sở cho Giáo hội tức là cho cái chung, trong đó có phần mình. Vì đối với Giáo hội, trụ trì là người gạch nối giữa đơn vị cơ sở và Giáo hội, thay mặt Giáo hội điều hành sinh hoạt tín ngưỡng tại cơ sở; Về mặt xã hội là người chủ hộ gia đình. Một khi đã có Giáo hội xác lập là cơ quan chủ quản và pháp lý, pháp nhân đã ổn định, do đó các phần tử tồn tại trong sự xác lập ấy, tức nhiên đã ổn định và tồn tại lâu dài theo thời gian cho phép. Và cũng từ đó, ý nghĩa trang nghiêm cho cơ sở cũng chính là trang nghiêm cho Giáo hội, cho chúng sanh và cho thế gian. Vì cơ sở trang nghiêm thanh tịnh thì Giáo hội trang nghiêm thanh tịnh và thế gian, xã hội cũng trang nghiêm thanh tịnh. Từ đó suy ra, làm đẹp cho mình tức làm đẹp cho người. Làm đẹp cho người tức làm đẹp cho mình. Thành thử, vấn đề trách nhiệm đối với cơ sở là quan trọng không kém phần tự thân. Vì tự thân, hoàn cảnh không tách rời nhau. Do đó, cần làm cho Thiền môn nghiêm tịnh, sinh hoạt phù hợp Chánh pháp, với những điều quy định của Hiến chương, Nội quy Tăng sự và Luật pháp hiện hành. Như Thủy Am Đại sư huấn thị: “Bao năm bồi đắp chốn chùa chiền/ Ngói sỏi biến thành Thích Phạm Thiên/ Quả phúc đã tròn nay để lại/ Tay rung gậy trúc dạo Tam thiên”.

3. Trách nhiệm với Giáo hội

Dù thời Phật còn tại thế hay không còn tại thế, thì khái niệm lãnh đạo vẫn còn là một quy tắc chung. Do đó, sự tôn trọng Giáo hội các cấp là tôn trọng tập thể lãnh đạo, tôn trọng biểu tượng cao đẹp và miên viễn trong bất cứ thời đại nào. Bởi vì sống không có tổ chức, thì không có định hướng cho hành động và ước vọng mai sau. Do đó, có tổ chức lãnh đạo, có định hướng, có chủ trương và đường lối rõ ràng thì con đường về thường chắc chắn không sai lầm, không lạc lối và không thất vọng, trái lại sẽ đạt được mục đích. Do đó, Giáo hội các cấp, từ Tăng Ni mà ra và trở lại phục vụ cho Tăng Ni. Phục vụ cho Tăng Ni, cho cơ sở Tăng Ni quản lý, bảo vệ quyền lợi và nguyên tắc cơ bản cho Tăng Ni sinh hoạt. Vì thế, Tăng Ni cần có trách nhiệm với Giáo hội các cấp, trách nhiệm ấy không gì khác hơn là tôn trọng Giáo hội các cấp, các truyền thống Sơn môn Pháp phái, phục tùng Giáo hội, tuân thủ những quy định Giáo hội đã ban hành như Hiến chương, Nội quy Tăng sự và các quy định, Nghị quyết khác, góp phần làm cho Giáo hội ngày càng phát triển trang nghiêm. Giáo hội phát triển trang nghiêm như là vườn hoa muôn sắc có nhiều loại hoa. Mỗi cơ sở, mỗi Tăng Ni, mỗi truyền thông Sơn môn Pháp phái là một loại hoa góp phần cho vườn hoa muôn sắc thêm tươi đẹp. Và vườn hoa muôn sắc ấy là tổng thể của các loại hoa, tách rời hai khái niệm này thì hoàn toàn không có gì để xác lập. Mà một khi đã có, thì được xác lập trên mối hỗ tương tác động, tương quan, tương duyên với nhau, như Cổ đức nói:

“Non cao nhờ có nhiều cây

Thành công nhờ sự góp tay nhiều người

Duyên sinh chân lý muôn đời,

Sáng soi Pháp giới, rạng ngời sử xanh”.

Tóm lại, Giáo hội mạnh, Giáo hội phát triển thì Đạo pháp mạnh và phát triển, cũng có nghĩa là cơ sở, Tăng Ni phát triển và vững mạnh. Tăng Ni, cơ sở phát triển trang nghiêm vững mạnh thì Giáo hội, Đạo pháp phát triển, trang nghiêm vững mạnh huy hoàng trong lòng dân tộc. Quả thật: “Hoa đời hoa đạo đua nhau nở/ Mãi mãi ngàn sau vẫn ngát hương”.

4. Trách nhiệm đối với Đạo Pháp

Như Cổ đức nói: “Đạo Pháp được lưu truyền rộng rãi là do Tăng già hoằng hóa”. Nói như thế có nghĩa là: Đạo Pháp hưng suy, phát triển hay không là do chư Tăng, Ni chịu trách nhiệm. Do đó, cần phải có trách nhiệm đối với Đạo Pháp. Trách nhiệm ấy không gì khác hơn là thực học, thực tu, thực truyền. Vì thế đối với chư Tăng Ni phải thông hiểu hai Pháp là Tri Pháp và Tri Nghĩa. Đó là, biết pháp là biết giáo lý; biết nghĩa là biết nghĩa lý của từng loại giáo lý (Kinh Thất Tri). Biết rồi phải tu hành, thực hiện theo như Kinh Pháp cú nói: “Ví như hoa tươi đẹp/ Có sắc lại thêm hương/ Lời nói hay cũng thế/ Do làm có kết quả” (PC. 51). Biết rồi phải hoằng truyền, phổ biến cho tất cả mọi người đều hiểu biết. Do đó cần mở cửa các trường Phật học, các lớp giáo lý, đào tạo Tăng Ni tài đức kế thừa, tiếp Tăng độ chúng (điều 28, 31, 32 NQTS) hướng dẫn tín đồ Quy y Tam bảo, đáp ứng yêu cầu tu học cho Phật tử qua các Đạo tràng, các lớp Tu bát Quan trai, Một ngày An lạc, Thiền quán, Phật thất, thuyết giảng vào những ngày sám hối, sóc vọng, các ngày Lễ vía, chủ nhật hằng tuần. Làm được như thế thì Phật pháp trường tồn, ngày càng hưng thịnh, chúng sinh được lợi ích. Quả thật: “Tỳ kheo vui Chánh pháp. Tu học theo Chánh pháp. Suy tư về Chánh pháp. Không từ bỏ Chánh pháp. Làm lợi lạc quần sanh. Ấy là hạnh Sa môn” (Kinh Pháp Cú, 364).

Ngoài ra, còn nhiều hình thức khác như in ấn, phát hình kinh sách Phật giáo, sang băng, sang đĩa các bài giảng, báo chí, tài liệu Phật học v.v… được phổ biến đến các vùng sâu, vùng xa, tận hang cùng ngõ hẻm đều được có điều kiện học tập, xem Kinh, xem sách, nghe băng, nghe đĩa thuyết giảng của các Pháp sư, Giảng sư v.v… thì giáo pháp không những được truyền bá ở một khu vực, một địa điểm mà trái lại lan rộng khắp nơi. Đây chính là một trách nhiệm vô cùng lớn lao mà người đệ tử Phật, người đang quản lý cơ sở có đủ điều kiện thực hiện, góp phần phát huy trí tuệ tự thân, tha nhân, mà trí tuệ có thì sự giác ngộ giải thoát mới có cơ sở đạt được. Vì có trí tuệ thì mới biết nhân ác mà tránh, nhân thiện nên làm, tránh ác làm lành, tu nhân đoạn trừ phiền não, vô minh thì nhất định được giác ngộ, giải thoát. Vì sao? Vì “Nơi nào có trí tuệ, thì nơi đó hết khổ đau. Vì nguyên nhân của khổ đau là tham dục đã bị đoạn trừ” (Kinh Trung A Hàm).

5. Trách nhiệm đối với xã hội

Sự hiện hữu của con người là sự hiện hữu trong tương quan sinh tồn, trong cộng đồng dân tộc và xã hội do dân tộc ấy định hình. Nói cách khác, xã hội là phần biểu trưng, dân tộc là phần nội hàm. Do đó cùng tính chất, một môi trường như nhau, dù có sai biệt trên hiện tượng, nhưng bản chất và sự hiện hữu của môi trường ấy là một. Nên Ca dao Việt Nam có câu:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

Từ những ý niệm ấy, người con Phật chúng ta phải thương yêu, bảo vệ lẫn nhau. Không phân biệt màu da, chủng tộc, địa phương. Trái lại, luôn luôn trung thành với Tổ quốc, với dân tộc và xã hội thân yêu. Như Toàn Nhật đại sư nói:

“Lưng mang bức tượng Di Đà

Chữ trung chữ hiếu việc nhà vẹn phân

Dù cho đi trọn đường trần

Đạo Tâm há để một lần phôi pha”.

Do đó, người con Phật chúng ta cương quyết bảo vệ nền độc lập dân tộc, đất nước Việt Nam thân yêu và một xã hội phồn vinh, ổn định, hạnh phúc lâu dài.

Mặt khác, các công tác xây dựng và bảo vệ đất nước càng được phát huy nhân rộng. Các công tác từ thiện xã hội, phúc lợi nhân sinh càng được nhân lên, để đem lại an lạc hạnh cho con người, cho xã hội, góp phần xây dựng nhân gian tịnh lạc. Như Cổ đức nói: “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật, trang nghiêm cho thế gian là trang nghiêm tịnh độ chư Phật”. Tóm lại, xã hội là một tổng thể, phần tử là những tế bào của tổng thế ấy. Tế bào đó chính là con người, là Tăng Ni chúng ta. Do đó, tế bào lành mạnh, đầy đủ sinh tố, thì cơ thể xã hội sẽ lành mạnh, đạo đức, phát triển tốt đẹp, hạnh phúc an vui. Vì tất cả đều do con người, do chúng ta tạo nên, như Khế kinh nói: “Con người có hai khả năng thù thắng, một là chứng quả Vô thượng Bồ-đề, hai là làm cho xã hội được an vui hạnh phúc, thăng hoa tiến bộ” (Kinh Anh Lạc) (50 NQTS).

C. TẠM KẾT LUẬN

Qua một vài khái niệm cơ bản trên, tạm rút ra một số nhận định:

Trách nhiệm đối với tự thân, tự tâm rất quan trọng. Vì bản thân có đạo đức, có mô phạm gương mẫu, thì mới hướng dẫn người khác đi theo mình và có đủ khả năng, đức độ cảm hóa và duy trì cơ sở. Đối với cơ sở là một phần phó sản của chung. Bằng thái độ vô ngã, thanh tịnh xả ly tất cả, để được tất cả trong tinh thần làm tất cả, nhưng không thấy gì hết. Đối với Giáo hội, thì chỉ có Giáo hội duy nhất là Giáo hội Phật giáo Việt Nam do 09 tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo Việt Nam hợp thành làm một tổ chức đại diện cho Tăng Ni Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước. Đối với Đạo pháp cần phát huy truyền bá sâu rộng, có kế hoạch truyền bá phát huy lâu dài và bền vững. Đối với xã hội cần có sự dung thông, hội nhập, vì nó là toàn bộ cơ thể của con người, là môi trường của chúng ta đang sống và đang hành đạo từ đời này cho đến khi giác ngộ, giải thoát, thành Phật. Như Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Phật pháp tại thế gian, không tách rời thế gian mà có sự giác ngộ. Tách rời thế gian, mong cầu quả vị Bồ Đề, như tìm lông rùa, sừng thỏ, không bao giờ có được”./.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn

Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN

Bài giảng khóa Bồi dưỡng trụ trì năm 2018
tại PV. Minh Đăng Quang

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan