Báo cáo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do hệ phái tổ chức
- Ban Thư ký Khoá tu
- | Thứ Sáu, 08:33 23-08-2024
- | Lượt xem: 686
BÁO CÁO
KHÓA BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH LẦN 9
DO HỆ PHÁI TỔ CHỨC
Địa điểm: Pháp viện Minh Đăng Quang
Số 505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, Q.2, TP. Thủ Đức
Từ ngày mùng 8 đến 18/6 Giáp Thìn (13 đến 22/7/2024).
1. BAN QUẢN CHÚNG
2. LỊCH GIẢNG CỦA BAN GIÁO THỌ
3. THỜI KHÓA BIỂU
4. NỘI QUY
5. SỐ LƯỢNG KHÓA SINH
6. NỘI DUNG HỌC TẬP
7. KẾT QUẢ TRẮC NGHIỆM KIẾN THỨC
8. KẾ HOẠCH KHÓA 10
9. KẾT LUẬN
Biên tập: Ban Thư ký
BAN QUẢN CHÚNG
1. Trưởng ban: TT. Giác Hoàng.
2. Phó ban: TT. Giác Nhường
3. Thư ký:
ĐĐ. Minh Sơn, ĐĐ. Minh Nhật, ĐĐ. Minh Điệp, NS. Hòa Liên (III)
4. Ủy Viên:
- Đặc trách Sinh hoạt (ăn, mặc, ở, bệnh):
ĐĐ. Giác Thống, SC. Thu Liên
- Đặc trách Giám thiền:
ĐĐ. Minh Tuế, ĐĐ. Giác Ảnh, NS. Hòa Liên (III)
- Đặc trách Giám học:
ĐĐ. Giác Tuyên, ĐĐ. Minh Giáo, SC. Phước Liên
- Đặc trách Hành đường:
ĐĐ. Giác Thống, SC. Thu Liên (IV), SC. Như Liên
- Đặc trách Chấp tác:
ĐĐ. Minh Sơn, SC. Nghiêm Liên (IV)
- Đặc trách Điển lễ:
ĐĐ. Minh Nhật, ĐĐ. Giác Ảnh
- Truyền thông:
NS. Hòa Liên (III), SC. Trí Liên, PT. Thiện Thành
LỊCH GIẢNG CỦA BAN GIÁO THỌ
Sáng mùng 8 (Thứ bảy, 13/07/24):
Khai mạc (MC: ĐĐ. Minh Điệp)
HT. Giác Giới: pháp thoại “Ý nghĩa Tam bảo”
Chiều mùng 8 (Thứ bảy, 13/07/24):
HT. Giác Toàn: pháp thoại “Khơi nguồn tâm đạo”
Sáng mùng 9/ 6 (Chủ nhật, 14/07/24):
HT. Minh Thành: “Rèn luyện kỹ năng chánh niệm”
Chiều mùng 9/6 (Chủ nhật, 14/07/24):
Hướng dẫn oai nghi (Ban Quản chúng)
Sáng mùng 10 (Thứ hai, 15/07/24):
TT. Giác Nhường: “Pháp hành trì cho người mới xuất gia”
Chiều mùng 10 (Thứ hai, 15/07/24):
Dò bài (Ban Quản chúng)
Sáng 11 (Thứ ba, 16/07/24):
ĐĐ. Minh Nhật: “Những gương hạnh của bậc xuất gia”
Chiều 11 (Thứ ba, 16/07/24):
Trùng tụng Chơn lý (Ban Quản chúng)
Sáng 12 (Thứ tư, 17/07/24):
HT. Giác Pháp: pháp thoại “Luật nghi tinh yếu”
Chiều 12 (Thứ tư, 17/07/24):
ĐĐ. Giác Tuyên: “Những đức tánh cần có của người Sa-di học Phật.”
Quét dọn bảo tháp “Hồng Ân” (Ban Quản chúng)
Sáng 13 (Thứ năm, 18/07/24):
ĐĐ. Minh Tuế: “Khiêm cung, đức tính không thể thiếu của người xuất gia”
ĐĐ. Giác Thống: “Pháp vi tế của người học trò Khất sĩ”
Chiều 13 (Thứ năm, 18/07/24):
Trùng tụng Chơn lý (Ban Quản chúng)
Sáng 14 (Thứ sáu, 19/07/24):
ĐĐ. Minh Chuyển: “Các chi pháp xem xét việc khuyết phạm 10 giới Sa-di”
Chiều 14 (Thứ sáu, 19/07/24):
Trắc nghiệm kiến thức (ĐĐ. Minh Điệp soạn câu hỏi)
Viết cảm tưởng, viết thư dâng Phật
Sáng 15: (Thứ bảy, 20/07/24):
ĐĐ. Minh Sơn: “Nết hạnh người tập sự”
ĐĐ. Giác Ảnh: “Oai nghi thực hành”
Chiều 15: (Thứ bảy, 20/07/24):
Trả bài trắc nghiệm (ĐĐ. Giác Ảnh & ĐĐ. Minh Điệp)
Sáng 16: (Chủ nhật, 21/07/24):
Đọc thư dâng Phật & đọc cảm tưởng (Ban Quản chúng)
Chiều 16: (Chủ nhật, 21/07/24):
Bế mạc (MC: ĐĐ. Minh Giáo)
Sáng 17 (Thứ hai, 22/07/24):
Về kính viếng đức Nhị tổ
THỜI KHÓA BIỂU
BUỔI SÁNG
03.45 : Thức chúng
04.00 – 05.00 : Tụng kinh & Thiền tọa
05.00 – 05.30 : Tập thể dục & Chấp tác
05.30 – 06.15 : Điểm tâm
07.30 – 09.30 : Học pháp
09.30 – 10.15 : Hành đường / Học bài
10.30 – 12.00 : Thọ trai
BUỔI CHIỀU
02.00 – 03.30 : Học pháp
03.30 – 04.00 : Giải lao
04.00 – 05.00 : Dò bài / Trùng tụng Chơn Lý
05.00 – 06.00 : Vệ sinh
BUỔI TỐI
06.00 – 06.45 : Thiền tọa
07.00 – 07.45 : Tụng kinh
08.15 – 09.30 : Sám hối
10.00 : Chỉ tịnh
NỘI QUY
Nhằm giữ gìn trang nghiêm và thanh tịnh cho toàn thể Đại chúng, yêu cầu tất cả khóa sinh nghiêm túc thực hành triệt để các điều quy định sau:
1. Không được sử dụng điện thoại và các thiết bị điện tử. Nếu có việc cần liên lạc với Bổn sư hay Trụ trì tại trú xứ thì phải xin phép với Ban tổ chức.
2. Không được nói chuyện lớn tiếng, gây ồn ào. Nếu có việc cần hỏi, trình thưa thì phải thưa với chư Đại đức trong Ban Quản chúng đúng thời.
3. Không được ra khỏi khuôn viên tịnh xá và những khu vực không nhiệm vụ và ngủ nghỉ đúng nơi Ban Tổ chức sắp xếp. Nếu vì một lý do nào phải rời khỏi trú xứ, phải đảnh lễ trước đại chúng và tác bạch lý do cụ thể.
4. Tuyệt đối tuân thủ thời khóa và theo sự chỉ dạy của chư Tôn đức.
5. Giữ vệ sinh chung và tiết kiệm tịnh vật của Đại chúng Tăng.
6. Không được ăn vặt, nhai kẹo, uống trà, uống cà phê trong thời gian diễn ra khóa tu.
Nội quy khóa tu này gồm 6 điều. Nếu khóa sinh phạm một trong 6 điều trên thì phải bị chịu xử phạt theo quy định sau:
- Lần thứ nhất: Sám hối trước đại chúng.
- Lần thứ hai: Quỳ hương.
- Lần thứ ba: Không cho phép tiếp tục tham gia khóa tu (Nếu là giới tử thọ giới thì không được phép thọ Tỳ-kheo giới).
Kính chúc đại chúng nghiêm trì giới luật để thọ mạng Phật pháp được trường tồn, giáo pháp được xương minh, để tự thân được lợi lạc và tha nhân cũng được an lạc, hạnh phúc.
TM. BAN TỔ CHỨC
TRƯỞNG BAN
HT. Thích Giác Toàn
DANH SÁCH KHÓA SINH
1. Khóa sinh Tăng - Giáo đoàn I: 13 vị - Giáo đoàn II: 6 vị - Giáo đoàn III: 44 vị - Giáo đoàn IV: 17 vị - Giáo đoàn V: 10 vị - Giáo đoàn VI: 6 vị ________________________ 96 vị
2. Khóa sinh Ni: - Ni giới Giáo đoàn I: 8 vị - Ni giới Giáo đoàn III: 24 vị - Ni giới Giáo đoàn IV: 5 vị - Nữ tịnh nhơn: 7 vị __________________________ 44 vị
Tổng cộng: 140 khóa sinh
|
NỘI DUNG HỌC TẬP
- Ngày thứ nhất (Thứ bảy, 13/07/2024)
Vào lúc 8g.00, chư Tôn đức lãnh đạo HPKS đã trang nghiêm khai mạc Khóa Bồi dưỡng Đạo hạnh (BDĐH) lần thứ 9 tại Pháp viện Minh Đăng Quang (TP.Thủ Đức, TP.HCM), với sự hiện hiện của 140 vị Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự trực thuộc các Giáo đoàn HPKS tham dự. Lễ khai mạc được đặt dưới sự chứng minh của HT. Giác Giới, HT. Giác Toàn, HT. Giác Pháp, HT. Minh Thuấn, HT. Minh Hóa, HT.Minh Thành. ĐĐ. Minh Sơn - Chánh Thư ký, đã báo cáo số lượng hành giả tham dự. Theo đó, khóa tu lần này có sự hiện diện của 140 hành giả gồm: 03 tân Tỳ-kheo-ni, 08 Thức-xoa, 46 vị Sa-di, 05 Sa-di-ni, 43 tập sự nam, 21 tập sự nữ và 15 cư sĩ. TT. Giác Hoàng - Trưởng ban Quản chúng khóa tu, đã tuyên đọc Nội quy và Thời khóa biểu sinh hoạt của khóa BDĐH lần 9. HT. Giác Toàn đã có lời đạo từ chứng minh cho lễ Khai mạc.
Sau giờ giải lao, HT. Giác Giới đã quang lâm giảng đường để sách tấn các khóa sinh. Hòa thượng đã trích dẫn nhiều đoạn kinh văn để làm sáng tỏ ý pháp của Tổ sư khế hợp lời Phật dạy. Buổi học này đã mang đến cho khóa sinh nhiều nhận thức đúng đắn về pháp và luật để việc định hướng cho con đường tu hành hết nghi ngờ. Từ đó, chư hành giả tinh tấn tu tập làm tam nghiệp trong sạch, trao dồi trí tuệ trên định hướng của mình mà đạt nhiều lợi ích an lạc.
Vào buổi chiều, HT. Giác Toàn sách tấn chư hành giả về đạo tâm của bậc xuất gia. Đặc biệt là những vị sơ cơ xuất gia, nếu đã có tâm đạo mạnh mẽ, cần tiếp tục gìn giữ và vun bồi cho tâm đạo ấy ngày càng phát triển, bằng cách giữ gìn thân - khẩu - ý cho thanh tịnh. Tổ sư dạy trong Chơn lý “Tu và Nghiệp”: “Thân trong sạch ấy là xứ Phật, miệng trong sạch ấy là pháp Phật, ý trong sạch ấy là con Phật, tâm trong sạch chính là Đức Phật”. Theo đó, Hòa thượng sách tấn chư hành giả trẻ phải siêng năng ôn nhuần, nghiền ngẫm Bài kinh cúng dường, kệ Thân, kệ Khẩu, kệ Ý, kệ Pháp, kệ Giới, kệ Huệ, kết hợp ban ngày học pháp, về đêm ngồi thiền tập quán chiếu, có như vậy mới mau chóng điều phục được tam nghiệp thân - khẩu - ý, không để tâm tán loạn theo vui - buồn - hờn - giận của thế tục, thăng tiến trên con đường đạo pháp.
- Ngày thứ hai
Vào buổi sáng, HT. Minh Thành đã có thời pháp hướng dẫn chư hành giả về cách “Rèn luyện kỹ năng sống chánh niệm”. Theo đó, Hòa thượng cho biết, để rèn luyện kỹ năng chánh niệm, trước hết cần có sự tham chiếu từ cuốn Luật nghi Khất sĩ. Bởi bên cạnh những nội dung về Luật dành cho người xuất gia theo Hệ phái Khất sĩ, còn có những nhận thức rất sâu xa. Đơn cử như khi nói đến đạo Phật, người ta thường nói về 3 yếu tố chính: Giới-Định-Tuệ, và khi nói đến Luật nghi là thường nhấn mạnh yếu tố Giới là chính. Song, khi đọc Luật nghi Khất sĩ sẽ thấy quan điểm này là đúng mà chưa đủ, vì trong đó không chỉ có Giới mà còn tồn tại hai yếu tố quan trọng khác là Định và Tuệ. Như vậy, một vị hành giả dù cho sơ cơ bước đầu vào đạo, vào ngôi nhà Khất sĩ, hay dẫu đã có những tuổi hạ nhất định, thậm chí đi gần hết con đường tu tập, chỉ cần hành trì miên mật và chắc lọc trí tuệ từ quyển Luật nghi Khất sĩ cũng đã đầy đủ.
Vào buổi chiều, Ban Quản chúng (BQC) đã hướng dẫn các khóa sinh thực tập phép ăn hòa chúng và cách thức lễ lạy theo đúng khuôn mẫu của Tổ thầy. Cách đắp y, mang túi bát, trải và xếp tọa cụ cũng được hướng dẫn cụ thể.
- Ngày thứ ba
Vào buổi sáng, TT. Giác Nhường đã chia sẻ đến các vị hành giả tham dự khóa tu về “Pháp hành trì cho người mới xuất gia”. Thượng tọa chỉ rõ, là người xuất gia theo truyền thống Khất sĩ vừa phải học giáo pháp trong kinh điển, nhưng đồng thời vẫn cần thực hành và am hiều về truyền thống tu tập của HPKS, thông qua việc tìm hiểu, nghiên cứu, suy ngẫm, đọc Chơn lý “Luật Khất sĩ” với những lời huấn từ trực tiếp của Đức Tổ sư. Đây là những pháp hành trì cơ bản, không chỉ dành cho những vị mới xuất gia mà còn là nền tảng để người Khất sĩ, người xuất gia an trú. Ngài đã trích dẫn rất nhiều bài kinh căn bản từ kinh tạng Nikaya để làm sáng tỏ nhiều ý pháp sâu sắc. Kết thúc buổi giảng, Thượng tọa cũng nhắc nhở chư hành giả, khi bước vào tu tập dẫu có sự ưa thích trong tu tập, vui thích trong đoạn tận và trang nghiệm được oai nghi chánh hạnh tự thân, thì cũng tuyệt đối không nên sinh tâm khen mình mà khinh chê sự hành trì tu tập của người khác.
Vào buổi chiều, BQC đã chia các khóa sinh ra từng nhóm theo từng cương giới và thứ lớp tuổi xuất gia để trả bài luật nghi, kinh kệ.
- Ngày thứ tư
Vào buổi sáng, ĐĐ. Minh Nhật đã thuyết giảng đề tài: “Gương hạnh của các bậc xuất gia”. Nhân vật cao quý được tuyển chọn giảng dạy chính là Tôn giả Raṭṭhapāla từ Kinh Trung Bộ số 82. Vượt qua biết bao trở ngại của sự ngăn cản từ cha mẹ, gia đình, Tôn giả đã xuất gia vào Tăng đoàn dưới sự hướng dẫn của chính đức Thế Tôn. Khi vua Koravya đã đến thăm Tôn giả Raṭṭhapāla tại Lộc Uyển đã trình bày 4 sự suy vong, nhân đó Tôn giả đã thuyết pháp giáo hóa nói lên nhiều ý pháp cao thượng. Cuộc đời và hạnh tu của bậc Thánh Tăng này xứng đáng là một tấm gương mô phạm cho bao thế hệ xuất gia nương mình soi bước.
Vào buổi chiều, BQC thân lâm hội trường chứng minh cho các khóa sinh đăng ký trùng tụng Chơn lý của đức Tổ sư Minh Đăng Quang. Việc trùng tụng lời Tổ dạy như là một truyền thống thuộc lòng kinh tạng mà bao đời nay Tăng đoàn luôn giữ gìn và kế tục.
- Ngày thứ năm
Vào buổi sáng, HT. Giác Pháp đã quang lâm thuyết giảng nhiều ý pháp sâu xa. Hòa thượng cho rằng, đối với quy định của Hệ phái, những vị nào đã trở thành Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, mới được gọi là người xuất gia chính thức, còn nếu chỉ là Sa-di, Sa-di-ni, dù đã tu tập trải qua bao nhiêu năm, nhưng vì chưa thọ đủ giới luật, thì vẫn chỉ được xem là những vị Tập sự, những người tập tu. Do đó, để bước vào đời sống xuất gia chính thức, các vị Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự cần những điều kiện nhất định cùng với sự chuẩn bị đầy đủ để bước vào hàng xuất gia chính thức. Cụ thể, người xuất gia để trở thành một vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni cần phải trải qua các điều kiện theo thứ lớp sau:
-
Phải có hạnh đức oai nghi.
-
Phải biết thứ bậc để tu tập để tránh sự xáo trộn, loạn động khi hành trì tu tập.
-
Có sự tinh tấn, tinh cần, siêng năng hành trì, tu sửa thói quen, tránh sự biếng nhác.
-
Từ đó, nâng cao nhận thức, trình độ Phật học.
Vào buổi chiều, ĐĐ. Giác Tuyên đã giảng giải về “Những đức tánh cần có của người Sa-di học Phật”, qua đó góp phần giúp hành giả nâng cao ý thức về sự trau dồi oai nghi tự thân, làm dẹp hơn đời sống Phạm hạnh Tăng đoàn Khất sĩ. Đại đức khẳng định, mỗi người khi xuất gia đều đã tự lựa chọn, xác định cho mình một con đường đi và tự nguyện cam kết đưa bản thân mình vào nếp sống của đời sống xuất gia để hướng đến bậc Thánh, thâu nhiếp ma quân, trên đền bốn ân, dưới cứu khổ ba cõi. Song, để làm được như vậy, bất cứ hành giả nào cũng đều cần rất nhiều thời gian để tự tu sửa, huân tập chính mình, khép mình vào nếp sống Tăng đoàn cho hòa hợp.
- Ngày thứ sáu
Vào buổi sáng, ĐĐ. Minh Tuế đã thuyết giảng đề tài: “Khiêm cung, đức tính không thể thiếu của người xuất gia”. Đại đức đã ân cần nói về công lao tiền nhân, không chỉ gìn giữ, trao truyền giáo pháp mà còn là đối diện khó khăn của xã hội, kiến lập tịnh xá… để hôm nay đạo tràng được trang nghiêm, tố hảo. Do vậy, Đại đức mong các tu sĩ trẻ cần phải biết trân trọng, biết ơn, nỗ lực hơn nữa để báo đáp thâm ân đó.
Liên tiếp theo đó, ĐĐ. Giác Thống đã thuyết giảng đề tài về: “Năm Pháp cái” trong Pháp vi tế của Luật Nghi Khất Sĩ. Năm Pháp cái còn được gọi là Năm Triền Cái vốn năm sự ngăn che thiền tập. Cần phải tìm hiểu nguyên nhân và pháp đoạn trừ từng chi pháp được Đại đức giảng rõ. Điểm chung của nó là phải trì giữ giới luật mới là cốt lõi của pháp đoạn trừ. Như trong kệ Giới đã nêu rõ: Giới là nguồn cội của đạo Phật, giới còn thì đạo Phật còn, giới mất thì đạo Phật phải mất. Do đó, đại chúng Tăng Ni cần phải tuân thủ giới luật, khéo léo thọ trì không để phát sanh một tội lỗi nào. Có như vậy, bản thể Tăng bảo mới phát sanh, góp phần làm chấn hưng Phật pháp, ngăn chặn các ác pháp vốn dễ xâm nhập vào chốn thiền môn trong thời đại này.
Vào buổi chiều, Ban Quản chúng thân lâm hội trường tiếp tục chứng minh cho các khóa sinh đăng kí trùng tụng Chơn Lý của đức Tổ sư Minh Đăng Quang.
- Ngày thứ bảy
ĐĐ. Minh Chuyển “Các chi pháp xem xét việc khuyết phạm 10 giới Sa-di”. Trong khuôn khổ khóa tu, Đại đức đã diễn giải cặn kẽ đến chư hành giả về “Các chi pháp khuyết phạm 10 giới”. Theo đó, giới pháp Sa-di và Sa-di-ni gồm 10 giới, 4 y pháp, mặc bộ tam y, dùng bình bát đất, xuất gia làm con trò của chư Khất sĩ, tập hạnh Khất sĩ để trở thành bậc Khất sĩ chân chính sau này. Giới pháp Sa-di và Sa-di-ni có 10 giới: Như vậy, Đại đức nêu rõ, khi hội đủ các chi pháp sau đây, có nghĩa vị Tập sự, Sa-di, Sa-di-ni này bị khuyết giới, phạm giới. Đức Thế Tôn dạy rằng: “Có ý nghĩa không hối tiếc, có lợi ích không hối tiếc”. Đại đức chỉ rõ, khi vô tình làm khuyết một trong 10 giới trọng của Sa-di, Sa-di-ni, trạng thái tâm đầu tiên của vị ấy sau khi khuyết giới, đó chính là “hối tiếc”. Như vậy, Đức Phật dạy, người biết gìn giữ các thiện giới, tâm sẽ không sanh khởi sự hối tiếc, từ đó thân được “hân hoan, có lợi ích hân hoan”, tức được yên ổn.
Buổi chiều: Các khóa sinh tham gia phần thi trắc nghiệm kiến thức. Bài thi gồm 100 câu hỏi, phần lớn là giáo lý được học xuyên suốt trong các ngày BDĐH. Phần còn lại là một số kiến thức kinh luật căn bản mà hàng Sa-di tập sự phải thông hiểu.
- Ngày thứ tám
ĐĐ. Giác Ảnh và ĐĐ. Minh Sơn - đồng Thành viên Ban Quản chúng đã có buổi chia sẻ về kinh nghiệm tu tập đến chư hành giả.
Nói về ý nghĩa của việc xuất gia tu tập, ĐĐ. Giác Ảnh khẳng định: “Con đường tu là một con đường cao thượng, khác hẳn với những con đường mà thế nhơn thường lựa chọn đi. Vì vậy, không thể tránh khỏi nhiều điều lạ lẫm, nhưng không kém phần vi diệu. Song, để đi đến được chỗ vi diệu ấy, hành giả khi bước trên con đường tu tập, phải dụng công làm những điều mà người thế tục hay ngay chính bản mình khi còn là người thế tục, thường không đặt tâm đến để làm, đó là ‘sửa chữa bản thân, thay đổi thói quen, tập khí của mình’.”
Dịp này, ĐĐ. Minh Sơn cũng đã dành nhiều chia sẻ đến chư hành giả tại khóa tu, trong đó nhấn mạnh đến nền tảng căn bản của việc tu hành. Theo Đại đức, đối với người xuất gia hay cư sĩ tại gia, đều cần lấy Giới - Định - Tuệ làm nền tảng tu tập, trong đó, giới luật là nền tảng căn bản nhất mà người mới xuất gia cần đặc biệt lưu tâm.
Như trong Luật nghi Khất sĩ bài Kệ giới, Tổ sư dạy rõ, Đạo Phật được bảo tồn lâu dài là nhờ giới luật, các Sư được tôn trọng sùng bái cũng nhờ giới luật, ở xứ nào mà con người có giữ giới thì dân chúng khắc được bình an, không có tai nạn phiền hà. Người tu mà thiếu đi giới ấy không phải người tu, vì không có giới luật, vị ấy sẽ làm sai, nói sai, suy nghĩ sai, không đúng theo chánh pháp.
- Ngày thứ chín
Vào buổi sáng, lần lượt các khóa sinh đều lần lượt đọc cảm tưởng và đọc “Thư dâng Phật” nói lên cảm xúc của mình trong suốt những ngày tu. Sau khi lắng nghe tâm tư hành giả gửi gấm qua những dòng xúc cảm, BQC đã giảng trạch và khơi gợi nhiều thiện pháp, cũng như gieo vào tâm thức chư hành giả những hạt giống an lành.
NỘI DUNG CÁC GIỜ TU
- Tụng kinh
Trong mười ngày tu, BQC hướng dẫn các khóa sinh tụng niệm các bài kệ trong Luật Nghi Khất Sĩ và Nghi Thức Tụng Niệm và một số bài kệ quen thuộc trong 2 thời công phu sáng và tối. Đây là bản kinh có từ thời Tổ sư. Về sau, các vị đệ tử lớn của Tổ đã trước tác và sưu tập thêm những nghi thức cùng các bài kinh được thi hóa và các bài kệ khác in hoàn chỉnh thành.
- Hành thiền
Trong khóa BDĐH này, các khóa sinh được hướng dẫn thiền Tứ niệm xứ: niệm thân, niệm thọ, niệm tâm và niệm pháp. Trong phạm vi thời gian được quy định trong ngày, đại chúng được học các bước căn bản nhất trong cách sử dụng tâm tập trung vào đề mục, duy trì chánh niệm và ghi nhận mọi vấn đề phát sinh nơi thân cũng như tâm khi chúng xuất hiện. Nhờ có pháp tu rõ ràng như vậy nên các khóa sinh đạt được tiến bộ tích cực trong giờ thiền tập mỗi ngày vào sáng sớm và chiều tối. Đặc biệt, các bước thực tập thiền hành từ cách giở chân, đặt chân tương hợp với các đề mục hít thở cũng được hướng dẫn chit tiết.
- Cúng ngọ
Mỗi ngày các khóa sinh được hướng dẫn nghi thức cúng ngọ và thọ trai tại thiền đường. Trong khi thọ trai, đại chúng dùng cơm theo pháp ăn hòa chúng. Phép ăn của người Khất sĩ là phép ăn hoà chúng. Tất cả phải ngồi ngay thẳng, chú ý theo dõi từng muỗng cơm đều đặn và ghi nhận tâm sinh khởi như thế nào? Nếu tâm ấy ưa thích hay bực bội phải nhiếp phục và xả ly chúng. Phải biết rằng thọ thực là duy trì mạng sống để hoàn thành Phạm hạnh của bậc Thánh. Do thường suy niệm về mục đích này nên người xuất gia chánh niệm đoạn trừ tham sân si trong khi thọ thực.
- Sám hối
Sám hối có hàm nghĩa ăn năn, hối hận vì những lỗi lầm trong quá khứ, bất luận là lâu mau và bây giờ cho đến về sau, mình nguyện là không tái phạm nữa. Sau một ngày tu học, để cho chư hành giả được trong sạch lỗi lầm, BQC dành một giờ 15 phút để chứng minh và giáo giới cho những trường hợp sai phạm. Trong tinh thần tùy hỷ tùy theo những lỗi thô hoặc tế mà BQC khéo léo nhắc nhở, chỉ dạy những điều đúng sai để chư hành giả rút ra bài học kinh nghiệm cho mình. Ngoài việc sám hối, các khóa sinh cũng thưa hỏi các điểm còn nghi vấn trong việc tu hành trong thời gian này để BQC nắm bắt và giảng giải thêm.
KẾT QUẢ
I. TRÙNG TỤNG CHƠN LÝ
1. Thức-xoa Liên Thụy, Bổn sư: SC. Hồng Liên, trú xứ TX. Ngọc Nghĩa TP. Gia Nghĩa, Đăk Nông, Giáo đoàn III, tụng 2 bài Chơn Lý: Chánh Đẳng Giác và Trường Đạo Lý.
2. Thức-xoa Liên Ngọc, Bổn sư: NT. Hiệp Liên, trú xứ TX. Ngọc Trung, thị xã An Khê, Gia Lai, Giáo đoàn III, tụng Chơn Lý: Quan Thế Âm.
3. Tập sự Mỹ Ân, Bổn sư: NT. Mai Liên, trú xứ TX. Ngọc Lâm, Long Hải, Bà Rịa Vũng Tàu, tụng 2 bài Chơn Lý: Bát Chánh Đạo và Khất Sĩ.
4. Tập sự Huệ Trí, Bổn sư: ĐĐ. Giác Tuyên, trú xứ TX. Ngọc Y, Cam Ranh, tụng Chơn Lý: Hòa Bình 1.
5. PT. Ngọc Hồng, Bổn sư: ĐĐ. Giác Thống, Trú xứ TX. Ngọc Huy, Ninh Hòa, Khánh Hòa, Giáo đoàn III, tụng Chơn Lý: Học Chơn Lý.
II. TRẮC NGHIỆM KIẾN THỨC
1. Khóa sinh Tăng
- Hạng nhất: SD. Giác Đăng Trọng, thế danh Nguyễn Tiến Thông, Giáo đoàn I, số điểm 98/100.
- Hạng nhì: 2 vị.
SD. Giác Đăng Lạc, thế danh Tiêu Minh Bảo Khang, Giáo đoàn I, số điểm 95/100.
SD. Minh Không, thế danh Nguyễn Văn Hòa, Giáo đoàn VI, số điểm 95/100.
- Hạng ba: 3 vị
SD. Minh Tĩnh, thế danh Lê Khả Vinh, Giáo đoàn II, số điểm 94/100
SD. Giác Đăng Tiến, thế danh Phạm Hữu Phương, Giáo đoàn I, số điểm 93/100.
SD. Giác Minh Triệu, thế danh Lê Hữu Nhân, Giáo đoàn III, số điểm 92/100.
- Khuyến khích: 4 vị
SD. Minh Viên, thế danh Nguyễn Hoàng Khải, Giáo đoàn V, số điểm 91/100.
SD. Minh Chơn, thế danh Diệp Thế Hải, Giáo đoàn II, số điểm 91/100.
SD. Giác Đăng An, thế danh Lê Hoàng Tuấn, Giáo đoàn IV, số điểm 91/100.
SD. Giác Minh Giải, thế danh Nguyễn Đình Tín, Giáo đoàn III, số điểm 90/100.
2. Hội chúng Ni
- Hạng nhất: Sa-di-ni Liên Phú, thế danh Đỗ Lệ Thủy, Phân đoàn Ni giới Giáo đoàn I, số điểm 97/100.
- Hạng nhì: Thức-xoa Liên Khiết, thế danh Nguyễn Thùy Linh, Phân đoàn Ni giới Giáo đoàn I, số điểm 92/100.
- Hạng ba: Thức-xoa Liên Hữu, thế danh Dương Kim Yến, Phân đoàn Ni giới Giáo đoàn I, số điểm 84/100.
- Khuyến khích: 3 vị.
Tỳ-kheo-ni Liên Đạo, thế danh Hồ Thị Thu Hiền, Phân đoàn Ni giới Giáo đoàn III, số điểm 83/100.
Thức-xoa Liên Ngọc, thế danh Nguyễn Thị Duy, Phân đoàn Ni giới Giáo đoàn III, số điểm 83/100.
Sa-di-ni Liên Thuyết, thế danh Nguyễn Thị Thanh Hương, Phân đoàn Ni giới Giáo đoàn III, số điểm 82/100.
3. Hội chúng Tập sự
Tập sự nam
- Hạng nhất: 2 vị đồng hạng nhất
TS. Huệ Nhật, thế danh Triệu Gia Huy, Giáo đoàn III, số điểm 90/100.
TS. Giác Đăng Ân, thế danh Ngô Minh Tâm, Giáo đoàn I, số điểm 90/100.
- Hạng nhì: TS. Huệ Lộc, thế danh Phạm Văn Lầu, Giáo đoàn III, số điểm 87/100.
- Hạng ba: 2 vị
TS. Đăng Phúc, thế danh Nguyễn Ngọc Huy, Giáo đoàn VI, số điểm 85/100.
TS. Thiện Bảo, thế danh Võ Hoàng Sang, Giáo đoàn III, số điểm 80/100.
Tập sự nữ
- Hạng nhất: 2 vị
Liên Tuyển, thế danh Đặng Thị Hoài Hiếu, Giáo đoàn 3, số điểm 88/100
Ngọc Duy, thế danh Nguyễn Thị Anh Phương, Giáo đoàn 3, số điểm 88/100
- Hạng nhì: Ngọc Bảo, thế danh Trần Thị Dung, Giáo đoàn 3, số điểm 85/100
- Hạng ba: Ngọc Đức, thế danh Nguyễn Thị Mai Hoàn, Giáo đoàn 3, số điểm 82/100.
- Khuyến khích:
Mỹ Dương, thế danh Võ Nguyễn Huyền Trang, Giáo đoàn 3.
Mỹ San, thế danh Nguyễn Thị Kiều Dung, Giáo đoàn 3.
Tuệ Nhã, thế danh Võ Hoài Yến Nhi, Tịnh thất Giác An, Gia Lai.
4. Cư sĩ
- PT. Ngọc Hồng, thế danh Trần Thị Hồng Phước, Giáo đoàn 3, số điểm 90/100.
- PT. Hiếu Ngọc, thế danh Nguyễn Thị Nga, Giáo đoàn 4, số điểm 89/100.
- PT. Ngọc Hiền, thế danh Trương Thị Nhật Thảo, Giáo đoàn 3, số điểm 85/100.
- PT. Bích Ngọc, thế danh Lê Thị Hồng Hạnh, Giáo đoàn 6, số điểm 80/100.
5. Phần thưởng thuộc bài tại lớp
1. Thức-xoa Liên Thụy
2. Thức-xoa Liên Ngọc
3. Tập sự Ngọc Độ
4. Tập sự Huệ Thiện – GĐ. 3
5. Tập sự Tịnh Mãn
6. Phật tử Diệu Hằng
7. Phật tử Ngọc Hồng
KẾ HOẠCH KHÓA BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH LẦN X
Để khóa “Bồi dưỡng đạo hạnh” được vươn dài sức sống làm nơi y cứ cho lớp Sa di – Tập sự Tăng Ni trong Hệ phái, nhằm để củng cố giới hạnh và đọa tào thế hệ tại đức kế thừa thế hệ Tổ thầy, nên chư Tôn Giáo phẩm Hệ phái dự kiến sẽ tổ chức khóa “Bồi dưỡng đạo hạnh” lần thứ X vào mùa An cư Kiết hạ PL. 2569 – DL. 2025.
Thời gian: dự kiến trong tháng 7 năm Ất Tỵ - 2025.
Địa điểm: Khóa tu có thể sẽ diễn ra tại cũng tại Pháp viên Minh Đăng Quang. Thời gian và địa điểm cụ thể sẽ được thông báo trong các phiên họp định kì của Hệ phái
KẾT LUẬN
Kính bạch chư Tôn Hòa thượng Giáo phẩm chứng minh,
Kính bạch chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái,
Kính bạch chư Tôn đức ban Quản chúng và chư huynh đệ tăng ni,
Kính thưa quý Phật tử,
Sau 9 ngày tu học, các khóa sinh đã trải qua thời gian sống chung an lạc dưới bóng mát của Tổ thầy. Đây là một phước báu hy hữu cho chúng con trong thời đại vật chất tiến bộ nhưng tinh thần đạo đức đang xuống cấp.
Với những kết quả đã đạt được trong khóa “Bồi dưỡng đạo hạnh” dành cho Sa di – Tập sự lần đầu tiên này chúng con xin kính trình lên chư Tôn Giáo phẩm lãnh đạo Hệ phái chứng minh. Thông qua bản báo cáo, kính mong chư Tôn đức chỉ đạo và đóng góp ý kiến để xây dựng khóa tu ngày càng hoàn bị hơn. Với những ưu điểm chúng con sẽ có gắng phát huy, còn những khuyết điểm chúng con sẽ cố gắng khắc phục.
Nam mô Chứng Minh Sư Bồ tát Ma ha tát tác đại chứng minh.
Các bài viết liên quan
- Báo cáo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do hệ phái tổ chức - Thứ Sáu, 08:33 23-08-2024 - xem: 686 lần
- TP.HCM: Khai mạc Khóa tu Bồi dưỡng Đạo hạnh lần thứ 8 tại trường hạ Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương - Thứ Hai, 08:16 05-08-2024 - xem: 247 lần
- TP.HCM: Bế mạc Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 9 tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Chủ Nhật, 21:40 21-07-2024 - xem: 495 lần
- TP.HCM: “Pháp vi tế của người học trò Khất sĩ” được giảng tại khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 - Thứ Sáu, 20:46 19-07-2024 - xem: 417 lần
- TP.HCM: ĐĐ. Giác Ảnh và ĐĐ. Minh Sơn chia sẻ tại ngày tu thứ 8 của khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 - Thứ Bảy, 16:07 20-07-2024 - xem: 459 lần
- TP.HCM: Chư hành giả khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 trang nghiêm thực hiện bài trắc nghiệm củng cố kiến thức - Thứ Sáu, 23:46 19-07-2024 - xem: 366 lần
- TP.HCM: Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 nhấn mạnh về "Khiêm cung - đức tính không thể thiếu của người xuất gia" - Thứ Sáu, 21:59 19-07-2024 - xem: 600 lần
- TP.HCM: ĐĐ. Minh Chuyển nói về "Các chi pháp khuyết phạm 10 giới" tại khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 - Thứ Sáu, 17:08 19-07-2024 - xem: 344 lần
- TP.HCM: “Những đức tính cần có của người Sa-di học Phật” được nêu bật tại khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 - Thứ Tư, 23:35 17-07-2024 - xem: 526 lần
- TP.HCM: HT. Giác Pháp thăm và sách tấn chư hành giả khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 - Thứ Tư, 15:08 17-07-2024 - xem: 214 lần
- TP.HCM: Trang nghiêm hình ảnh thời khóa hành trì của chư hành giả tại khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 - Thứ Ba, 23:51 16-07-2024 - xem: 475 lần
- TP.HCM: Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 ôn lại “Những gương hạnh của bậc xuất gia” - Thứ Ba, 13:37 16-07-2024 - xem: 404 lần