Báo cáo tổng kết khóa Bồi dưỡng đạo hạnh GĐ III lần 13
- TKN. Hoa Liên
- | Thứ Năm, 00:33 29-09-2016
- | Lượt xem: 3282
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Kính bạch chư Tôn thiền đức,
Thưa chư Tăng Ni và tập sự tham dự khóa tu,
Thưa chư Thiện nam Tín nữ,
Hôm nay nhân ngày mãn khóa “Khóa bồi dưỡng đạo hạnh” dành cho hàng Sa-di, Sa-di-ni và tập sự lần thứ 13 được tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Lai thị trấn Iakha, huyện Iagrai, tỉnh Gia Lai từ ngày 17 - 27/08/ Bính Thân (nhằm ngày 17 - 27/09/2016). Để tổng kết lại quá trình tu tập, chúng con đại diện Ban Thư ký, kính trình lên quý Ngài chương trình và nội dung tu học trong 10 ngày qua.
Thưa đại chúng,
Khóa tu “Bồi dưỡng đạo hạnh” lần thứ 13 này được khai mạc vào sáng ngày 17 tháng 08 năm Bính Thân tại đạo tràng Tịnh Xá Ngọc Lai, Thị Trấn IAKha, Huyện IAGrai, Tỉnh Gia Lai.
Ban Chứng minh và Ban Tổ chức gồm có:
BAN CHỨNG MINH
- HT. Giác Hùng - Chứng minh Giáo đoàn III: Đệ nhất chứng minh
- HT. Giác Tần – Chứng minh Giáo đoàn III: Đệ nhị chứng minh
- HT. Giác Phương - Chứng minh Giáo đoàn III: Đệ tam chứng minh
BAN TỔ CHỨC
- Trưởng ban: HT. Giác Trí - Tri sự phó Giáo đoàn, Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni Giáo đoàn III.
- Đồng Trưởng ban: HT. Giác Thành - Tri sự phó, kiêm Trưởng Ban Tăng sự và Trưởng ban Kinh tế Tài chánh Giáo đoàn III.
- Phó ban kiêm Chánh Thư ký: ĐĐ. Giác Hoàng - Phó Thường trực Ban Giáo dục Tăng Ni Giáo đoàn III.
- Phó ban: NT. Hiệp Liên - Trưởng Quản sự Ni chúng Giáo đoàn III.
BAN QUẢN CHÚNG & ĐIỀU HÀNH
- Trưởng ban: ĐĐ. Giác Phổ - Phó Ban Hoằng pháp Giáo đoàn III.
- Phó ban: ĐĐ. Giác Nhường - Phó Thư ký Giáo đoàn III, và NS. Lãnh Liên, NS. Hạnh Liên.
- Thư ký: ĐĐ. Giác Khiêm và SC. Hoa Liên.
- Ngoại hộ: ĐĐ. Giác Liêm (trụ trì).
- Ủy viên Quản chúng: ĐĐ. Giác Nguyệt và NS. Luật Liên, NS. Chuyên Liên.
SỐ LƯỢNG HÀNH GIẢ
Khóa bồi dưỡng đạo hạnh lần này gồm có 95 vị , bên Tăng có 44 vị, bên Ni có 50 vị (trong đó bên Tăng có 1 vị tân Tỳ-kheo, 18 vị Sa-di, và 26 vị Tập sự nam, bên Ni có 4 vị Thức-xoa, 30 vị Sa-di-ni và 16 vị Tập sự nữ), thuộc 41 ngôi tịnh xá, tịnh thất trực thuộc Giáo đoàn III.
THỜI KHÓA TU TẬP
Cũng như các khóa trước. Thời khóa tu học bắt đầu từ lúc 3g30 và kết thúc lúc 21g30 với nội dung tu học như sau: Tụng kinh, Thiền tập, Thiền hành, Học pháp, Khảo bài “Luật nghi khất sĩ”, Trùng tụng Chơn lý, Khất thực nhận thực phẩm trong khuôn viên tịnh xá và cuối ngày là thời sám hối lục căn vào lúc 20g00 đến 21g30. Trong khóa tu này, trong giờ sám hối hành giả còn được chư Tôn đức trong ban Quản chúng hướng dẫn tu tập Pháp rải tâm từ đến những người thân sơ để tâm hành giả giảm bớt phiền não và có sự an lạc nơi tự thân.
Vào buổi sáng ngày khai mạc và ngày bế mạc khóa tu, trước khi bước vào khóa tu chính thức, chư Tôn đức và hành giả dành hơn một tiếng đồng hồ thực hành hạnh khất thực hóa duyên tại thị trấn IAKha. Những bước chân nhẹ nhàng trong màu huỳnh y rực sáng của chư Tôn đức đã làm nức lòng người dân nơi thị trấn IAKha này. Vì nơi đây huyện mới, Hệ phái Khất sĩ mới thành lập nên hình ảnh một Tăng đoàn uy nghi như thế này là lần đầu tiên nhìn thấy, niềm kính tin Tam bảo tràn ngập nơi tâm thức người dân.
NỘI DUNG GIẢNG DẠY
Trong buổi lễ khai mạc, HT. Giác Thành - Giáo phẩm chứng minh Giáo đoàn ban đạo từ đến hội chúng và còn khuyến tấn chư Tăng Ni tinh tấn tu tập, giữ gìn bổn nguyện ban đầu của mình để tiến tu trên con đường giải thoát.
Buổi chiều cùng ngày, Hòa thượng chia sẻ đến chư hành giả những ý Pháp xoay quanh việc bồi dưỡng đạo hạnh cho các vị Sa-di, Sa-di-ni và tập sự để hiểu được những việc cần làm của vị mới vào đạo. Hòa thượng đi sâu giảng rõ những bài học căn bản của vị Sa-di qua lời dạy mộc mạc, uyên áo của đức Tổ sư, để các vị nhận ra rằng: Mình vô cùng hạnh phúc, được hữu duyên sống trong chánh pháp của đức Thế Tôn và được đức Tổ sư khai sáng, vì thế chúng ta chính là những hạt giống được gieo trồng trong ruộng pháp của đức Tổ sư. Thế nên, bổn phận chúng ta là phải giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp này.
Mượn ví dụ vàng lẫn lộn trong đá, muốn có được vàng ta phải mài xay đá, lọc, nấu kỹ mới thành vàng mười được, không dễ tự nhiên mà có được vàng. Qua đó, Hòa thượng nhấn mạnh: Các khóa tu mở ra hàng năm như thế này, đây chính là môi trường đào tạo, các vị được dạy dỗ, được rèn luyện để hoàn thiện phạm hạnh của vị sa môn, mới có khả năng tế độ chúng sanh, đền ơn Thầy Tổ.
Ngày thứ hai, Đại đức Giác Hoàng trình bày về truyền thống pháp phục của Hệ phái Khất sĩ, đó là y và bát. Hai tư cụ này chính là Pháp khí gắn liền với người tu chúng ta, giống như đôi cánh của con chim vậy. Thế nên, chúng ta phải tôn trọng giữ gìn bản sắc truyền thống mà Thầy Tổ đã trao truyền cho chúng ta.
Đại đức còn đề cập đến đời sống phạm hạnh của người xuất gia ban sơ là phải tập tôn kính, lễ phép, khiêm cung, phải học hạnh biết ơn và đền ơn, vì lễ nghi là cửa lễ nhà hạnh. Đây chính là lý do chư Tôn đức mở khóa bồi dưỡng đạo hạnh đến lớp Sa-di, Sa-di-ni và tập sự.
Đại đức còn khuyến khích đại chúng nên có tâm cần cầu giáo pháp học thuộc chơn lý. Tuy hiện tại chưa hiểu thấu ý nghĩa xâu xa lời dạy của đức Tổ sư, nhưng nếu được xông ướp thường xuyên thì dần dần sẽ được thấm đẫm.
Ngày tiếp theo, với phương pháp dạy bằng bảng đen phấn trắng, giúp hành giả dễ hiểu dễ nhớ, Đại đức Giác Phổ đã đến với đại chúng đề tài “Ý nghĩa xuất gia” nhằm giúp các vị Sa-di, Sa-di-ni, tập sự hiểu rõ bước đi đầu tiên của mình khi vào chốn thiền môn. Ở đây xuất gia có ba nghĩa là: Xuất thế tục gia, xuất phiền não gia và xuất tam giới gia. Đại Đức đã đưa hành giả trở về với đời sống thực tế để nhận diện sự phiền não những ràng buộc ở thế gian mà buông bỏ.
Bên cạnh ba ý nghĩa đó Đại đức nhắc nhở hành giả phải thực hành đầy đủ tư cách phạm hạnh của một vị Sa-môn, người thay mặt cho Phật hoằng dương chánh pháp.
Ngày thứ tư, Đại đức Giác Viễn đã trình bày 2 bài kinh: “Tôn giả Nakapala” và kinh “Ngọn lửa” trong kinh Trung Bộ. Với bốn điều căn bản trong kinh, Đại Đức đã phân tích rõ bản chất của sự vô thường, để đại chúng nhận diện, quán chiếu, ứng dụng vào việc tu tập. Đại Đức nhấn mạnh về sự cháy của căn trần thức, cụ thể con mắt đang cháy với ngọn lửa tham, sân, si, cháy với ngọn lửa sầu, bi, khổ, ưu, não. Bài kinh còn dạy phương pháp quán chiếu như thật để thấy rõ các pháp là vô thường - khổ - vô ngã mà tinh tấn tu tập.
Ngày kế tiếp Đại đức Giác Nguyệt mượn bài kinh “Tất cả lậu hoặc” trong kinh Trung bộ, để trình bày 7 phương pháp phòng hộ tâm, đoạn diệt các lậu hoặc đang trói buộc chúng ta. Qua những ví dụ cụ thể thiết thực Đại đức đã giúp các vị Sa-di hiểu rằng việc tu là phải kham nhẫn chịu đựng vượt qua những trở ngại của thân và tâm, dần dần an lạc sẽ đến với chúng ta.
Đại đức nhấn mạnh việc phòng hộ lục căn để mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, khẩu và ý dần dần được thanh tịnh. Bởi vị Sa-di mới bước chân vào đạo các căn chưa thuần thục nên phải như lý tác ý để phòng hộ các căn được tốt. Điều quan trọng là phải tu tập vì có tu tập phiền não mới lắng xuống, tâm thanh tịnh hiện bày và như vậy quả lành mới tăng trưởng được.
Ngày thứ sáu Ni trưởng Hiệp Liên - Trưởng ban Quản sự Ni chúng giáo đoàn đã khuyến tấn đại chúng là người tu phải sẵn sàng chịu đựng những gian nan, vượt qua mọi thử thách khó khăn để rèn luyện lòng mình, không nên thối chí nản lòng trước nghịch cảnh. Điều quan trọng là phải giữ vững niềm tin để đi hết đoạn đường mình đã chọn và phải cố gắng thu thúc lục căn đừng để lục trần chi phối, nhất là các vị trẻ tuổi nên lưu tâm, đừng để thời gian vào những chuyện không đâu, như vậy sẽ đánh mất thời gian quý báu của mình. Vì vậy Ni trưởng khuyên đại chúng cố gắng tinh tấn tu tập, không nên lần lữa ngày qua ngày, vô thường đến có muốn tu cũng không còn kịp nữa.
Ngày thứ bảy, ĐĐ. Giác Khiêm trình bày bài kinh “Đoạn Tận Ái” trong kinh Trung bộ. Đại đức phân tích rõ 4 pháp quán mà bất cứ gặp hoàn cảnh nào, hành giả đều tu tập được và tâm trở nên thanh tịnh, phiền não không sanh khởi, chứng được Niết-bàn.
Chúng ta thường hay đổ lỗi, do cái này tôi tu không được, do cái kia tôi tu không được, mà người tu là không thiên vị một pháp nào, dù thuận, dù nghịch, dù không thuận, không nghịch. Đại đức nhấn mạnh, thường chúng ta biết pháp, thọ trì pháp nhưng không làm, cứ làm theo thói thường của thế gian. Giống như vị Thiên chủ Saka trong Kinh, có nghe pháp, có biết, nhưng không hành trì, chỉ thích xây dựng những lầu các, hưởng thụ dục lạc và ưa tranh đấu thắng thua.
Ngày thứ tám, nhằm giúp chư vị tân học hiểu được vị trí của mình, ĐĐ. Giác Nhường đã trình bày những oai nghi tế hạnh, những điều cần làm và phải làm của một vị Sa-di. Đại đức nhấn mạnh, người mới vào đạo chỉ nên học những điều bình thường phù hợp với lớp học mình đang học, không nên học những điều cao siêu vượt quá bài học của mình. Bởi những điều bình thường chính là yếu tố cho những điều phi thường.
Đại đức còn chia sẻ thêm bài kệ “Giới” trong Luật nghi Khất sĩ. Đại đức đã phân tích bài thơ và còn nhắc nhở đại chúng nên học hạnh khiêm cung nhẫn nhịn, cố gắng tu tập đừng nhìn lỗi người, vì có những việc rất nhỏ ta không để ý nhưng lại là chướng ngại con đường tu của chúng ta.
Ngày tiếp theo, Ni trưởng Cảnh Liên, Phó ban Quản sự Ni chúng giáo đoàn. Ni trưởng chia sẻ những ý pháp xoay quanh vấn đề giới luật, đạo hạnh, oai nghi của một vị Sa-di. Ni trưởng nhấn mạnh, khóa tu này chính là khóa huấn luyện thân, khẩu, ý cho chư vị Sa-di được vững vàng để phiền não không sinh khởi. Đồng thời dựa vào sự giáo giới của Đức Thế Tôn đối với tôn giả La-hầu-la và chư Tỳ-kheo trong Kinh, Ni Trưởng phân tích rõ mười giới trong Môn oai nghi để đại chúng thấy được tầm quan trọng của giới mà trân quý giữ gìn.
Ngày cuối cùng, Hòa thượng Giác Phương khuyến tấn chư hành giả phải có niềm tin sâu sắc nơi Tam bảo. Phải học hỏi, lắng nghe, tư duy những lời dạy của Phật để ứng dụng trong sự tu tập hằng ngày. Hòa thượng dạy chúng ta nên chọn pháp môn phù hợp căn cơ của mình tu tập cho tốt, không nên tu pháp môn này lại bài bác pháp môn kia, những lời Phật dạy đều không sai, chỉ vì ta chưa hiểu hết đó thôi. Hòa thượng còn phân tích bài kệ “Ý” trong Luật nghi khất sĩ, giúp chư hành giả hiểu rõ hơn về những cặp phạm trù đối đãi như: buồn vui, mừng giận, thương ghét, v.v... Đây chính là những vọng niệm luôn có mặt trong tâm thức chúng ta. Chính vì thế, các pháp tu tập như: phương pháp tu thiền, pháp môn niệm Phật đều là những phương pháp xua tan áng mây vô minh phiền não để chơn tâm Phật tánh dần dần hiển lộ.
BAN HỘ KHÓA
Đại đức trụ trì và Phật tử Tịnh xá Ngọc Lai hộ trì khóa tu rất chu đáo, mặc dù tịnh xá cách xa phố thị nhưng với sự nhiệt tâm hộ trì Tam bảo chư vị trong Ban không ngại khó khăn, thức khuya dậy sớm chịu khó mua thực phẩm từ xa để lo cho khóa tu. Ngoài ra, còn có Ban Y tế cúng dường thuốc và túc trực cả ngày để chăm sóc sức khỏe chư Tôn đức và chư vị hành giả, nhờ vậy mà chư hành giả có đủ sức khỏe để tu tập.
NHẬN XÉT
Khóa tu dành cho Sa-di, Sa-di-ni và tập sự mùa thu năm nay cũng đã đến ngày kết thúc. Qua mười ngày, chư hành giả đã khép mình trong khuôn khổ giới luật, chấp hành theo tinh thần nội quy của khóa tu. Mặc dầu những ngày đầu chư vị chưa ổn định, nhưng nhờ sự hướng dẫn và chỉ dạy tận tình của chư Tôn đức, các vị dần dần đi vào nề nếp và tu tập tốt.
Tịnh xá Ngọc Lai mới hình thành cách đây không lâu nên công trình xây dựng còn đang dang dở, thế nhưng vì tinh thần phụng sự Phật Pháp, vì tương lai đàn hậu học, Đại đức trụ trì đã cố gắng xây dựng thêm những công trình cần thiết để phục vụ cho khóa tu được tốt nhất. Tuy Tịnh xá xây dựng chưa hoàn chỉnh, nhưng nơi đây với khoảng không gian rộng, thoáng và hết sức yên tĩnh, có nhiều cây xanh, có lối thiền hành quanh tịnh xá, đây là điểm lý tưởng thích hợp cho việc mở các khóa tu.
Và cao nguyên mùa này đang là mùa mưa, những làn khí lạnh đôi lúc thổi đến, chư hành giả từ các nơi trở về tu chưa quen khí hậu nên cũng có vài vị bị cảm ho, sổ mũi nhưng vì tinh thần tu học các vị đã vượt qua trở ngại này và tiếp tục tu học tốt. Có vài vị vì bệnh duyên và bận Phật sự nơi trú xứ nên đã đến muộn mấy hôm, nhưng rồi các vị cố gắng hòa vào chúng và tu tập rất tốt trong những ngày còn lại.
Để giúp các vị Sa-di, Sa-di-ni và tập sự học và hiểu sâu ý Pháp của đức Tổ sư, thẩm thấu mà tu tập, Ban Quản chúng đã dành một thời vào buổi chiều để khảo bài trong Luật nghi Khất sĩ và khích lệ các vị Trùng tụng Chơn lý. Kết quả trả bài tương đối tốt vì có vị thuộc bài rất kỹ nhưng cũng có vị mới bước chân vào đạo nên học chưa được nhiều. Về việc trùng tụng Chơn lý, đây là việc đáng khích lệ và tán thán vì trong các vị đọc Chơn lý có vị đã lớn tuổi nhưng lại đọc rất tốt. Điều này đã giúp các vị trẻ tuổi nhìn lại mình và phấn đấu hơn nữa.
KẾT LUẬN
Nhìn chung, khóa tu “Bồi dưỡng đạo hạnh” lần này diễn ra tốt đẹp. Các vị giáo thọ đã giảng dạy đúng theo lich trình đã được phân công. Sự tu tập của đại chúng có phần tiến bộ. Tuy nhiên, nếu đủ duyên lành, chư Đại đức và Quý Ni sư trong Ban Quản chúng ở trọn thời gian hoặc Đại đức Giác Phổ và Đại đức Giác Hoàng luân phiên trực trong suốt 10 ngày, chắc chắn kết quả tu tập của Đại chúng sẽ tốt hơn.
Kính nguyện hồng ân Tam bảo gia hộ quí Ngài pháp thể khinh an.
Kính chúc chư vị Tăng Ni tham dự khóa tu tinh tấn dõng mãnh.
Kính chúc Ban Hộ khóa và nam nữ Phật thân khỏe tâm an.
NAM MÔ HOAN HỶ TẠNG BỒ TÁT MA HA TÁT
Các bài viết liên quan
- Khóa Bồi dưỡng Đạo hạnh tại Trường hạ Ngọc Phương - Thứ Hai, 12:12 24-08-2020 - xem: 4086 lần
- Kết thúc khóa Bồi dưỡng Đạo hạnh Hệ phái Khất sĩ lần thứ 6 - Thứ Bảy, 14:35 01-08-2020 - xem: 5086 lần
- Nói với hàng xuất gia trẻ tuổi trong khóa Bồi dưỡng đạo hạnh - Ngày thứ 3 - Thứ Bảy, 01:31 01-08-2020 - xem: 4838 lần
- Thăm viếng chư hành giả khóa Bồi dưỡng Đạo hạnh - Ngày thứ 2 - Thứ Năm, 12:04 30-07-2020 - xem: 4027 lần
- Sách tấn chư hành giả khóa Bồi dưỡng Đạo hạnh – Chiều ngày tu đầu tiên - Thứ Năm, 11:10 30-07-2020 - xem: 4713 lần
- Khai mạc khóa Bồi dưỡng Đạo hạnh Hệ phái Khất sĩ lần thứ 6 - Thứ Tư, 13:38 29-07-2020 - xem: 2947 lần
- Báo cáo khóa tu Bồi dưỡng đạo hạnh lần 19 của GĐ. III - Thứ Ba, 06:57 01-10-2019 - xem: 2554 lần
- Giáo đoàn III: Bế mạc khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 19 - Thứ Sáu, 09:12 27-09-2019 - xem: 3041 lần
- Đêm thắp nến tri ân Tổ Thầy - Thứ Sáu, 07:17 27-09-2019 - xem: 4052 lần
- Thí phát xuất gia - Thứ Tư, 15:16 18-09-2019 - xem: 3933 lần
- Giáo đoàn III: Khai mạc khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 19 - Thứ Hai, 17:32 16-09-2019 - xem: 3795 lần
- Khai mạc Khóa Bồi dưỡng Đạo hạnh lần thứ 5 tại Trường hạ Ngọc Phương - Chủ Nhật, 08:22 04-08-2019 - xem: 2855 lần