Lời tri ân của hành giả Ni khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 7
- Hành giả khoá tu
- | Thứ Bảy, 20:13 30-07-2022
- | Lượt xem: 1940
Lời tri ân của hành giả Ni khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 7
Khóa tu Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 7 tổ chức tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Xa Lộ Hà Nội, P. An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) từ ngày 18 - 27/7/2022 (20 - 29/6/Nhâm Dần) đã khép lại trong niềm tri ân vô hạn của chư hành giả đối với chư Tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo Hệ phái, chư Tôn đức Tăng Ni trong Ban Quản chúng và quý Phật tử hộ trì khóa tu. Dưới đây là những dòng tri ân, bày tỏ lòng biết ơn, nhớ ơn, đền ơn và phát nguyện tu học của chư hành giả Ni.
Thức-xoa Liên Bình, GĐ IV, phân đoàn 2
Trú xứ: Tx. Ngọc Ban, Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật
Kính bạch chư Tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo Hệ phái,
Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni trong Ban Quản chúng,
Thưa quý Phật tử,
Con thành kính tri ân chư Tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni đã chăm sóc giáo dưỡng cho chúng con 10 ngày qua. Con đã gặt hái được nhiều kinh nghiệm qua 10 ngày tu học này. Nhờ tham gia khóa tu, con nhận ra rất nhiều điều cần thiết mà một người xuất gia cần phải hoàn thiện chính mình. Quý ngài đã hết lòng vì chúng con, đã dạy cho chúng con nhiều điều nhỏ nhặt chi tiết mà trước đây con chưa từng được nghe. Con cũng nhận ra từ chính mình có một chút tiến bộ hơn trong oai nghi đi đứng nằm ngồi, lễ lạy, thiền hành. Con nguyện sẽ tiếp tục thực hành lời dạy của quý ngài không ngừng nghỉ để đền ơn Tổ Thầy và chư Tôn đức. Con cũng tri ân quý Ni sư, Sư cô trong Ban Quản chúng đã dìu dắt, dạy bảo chúng con từng lời nói, cử chỉ, ý tứ. Quý Ni sư, Sư cô chỉ nói nhẹ nhàng nhưng chúng con rất kính phục. Xin tri ân quý Phật tử đã lo từng bữa ăn nước uống. Kính chúc quý ngài, quý Ni sư, Sư cô, đại chúng và tất cả nam nữ Phật tử dồi dào sức khỏe, tâm luôn an lạc.
Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật
Thức-xoa Liên Phát, GĐ IV, phân đoàn 1
Trú xứ: Tx. Ngọc Văn, Củ chi, TP. HCM
CẢM đức sâu dày của Tổ sư
NIỆM lòng tinh tấn học pháp nhủ
KHÓA lại căn, trần thêm sáu thức
TU học sống chung chẳng riêng tư
BỒI đắp xây nền giới định huệ
DƯỠNG nuôi thiền định không suy tư
ĐẠO tâm chánh niệm mãi từ bi
HẠNH lành trí sáng lý thật hư
LẦN hồi sống chung Bát chánh đạo
BẢY, tám, chín, mười cũng như như
SỐNG hành pháp thiện, trì giới luật
CHUNG lo xây dựng bỏ tánh hư
TU đọc Chơn lý lời Tổ dạy
HỌC mãi từ đây sẽ chơn như
TẠI tâm trong sạch là đức Phật
PHÁP bảo hành theo Tứ niệm xứ
VIỆN chủ ban cho pháp sống chung
Minh chiếu hòa quang ngộ đạo từ
ĐĂNG đèn trí huệ thuyền Bát-nhã
QUANG minh tỏ rạng đức Tổ sư.
Thức-xoa Liên Nguyện, GĐ IV, phân đoàn 2
Trú xứ: Tx. Ngọc Chung, Hóc Môn, TP. HCM
Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật
Cứ đến mỗi mùa Hạ, mùa cấm túc an cư 3 tháng của chư vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, chúng con – những Sa-di, Sa-di-ni, Thức-xoa và Tập sự nam lại chờ đợi thông báo để tham dự khóa Bồi dưỡng đạo hạnh. Hai năm qua vì dịch bệnh, năm 2020, khóa tu bị dang dở, chỉ mới 3 ngày vừa bắt đầu đã vội kết khóa; năm 2021 thì không thực hiện được. Khóa tu lần thứ 7 năm nay, bản thân con thật là hạnh phúc khi được tham dự 6 khóa. Mỗi lần tham gia, trong con lại có những cảm xúc khác nhau.
Nhớ năm nào con chỉ là một Tập sự mới vào chùa, được Sư phụ cho đi tham dự khóa tu đầu tiên. Nhờ vào đó mà con thấy được sự mới mẻ và oai lực của đại chúng thật là mạnh. Từ đó, những bài học, bài pháp, các thời trùng tụng Chơn lý của các vị đã tiếp sức cho con trong việc tu học và giữ vững tâm đạo đến bây giờ.
Với khóa tu lần này, chúng con không chỉ học được những bài pháp do quý Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức giảng dạy mà còn được quý ngài chỉ cho từng cử chỉ, cách đi, đứng, ngồi, quỳ, lễ lạy… nhờ đó, thân tướng chúng con được trang nghiêm hơn. Quả thật, nếu hỏi rằng “con có luôn an lạc trong suốt khóa tu không” thì con xin được trả lời thành thật là “không ạ.” Vì bởi có thể do thói quen hằng ngày ở nơi trú xứ của mình, do phóng túng buông lung nên khi vào một khuôn khổ với thời khóa dày kín thì ban đầu con cảm thấy rất an lạc, hăng say trong tu tập như một đứa trẻ tò mò thế giới bên ngoài, nhưng càng về sau, sự hăng say đó được thay thế bằng những cơn đau lưng, đau chân, nhức mỏi, chỉ trông hết giờ tu để được về phòng ngả lưng, nghỉ ngơi.
Nghĩ lại con thật là hổ thẹn khi chư Tôn đức, quý Ni sư, Sư cô và cả những vị tu lớn tuổi hơn mình còn kham nhẫn được, “tại sao mình lại dở như thế, không khắc phục được mình?” Con tự rầy mình. Đặc biệt trong các bài giảng pháp khóa tu này, chúng con được nghe rất nhiều công hạnh của chư vị đệ tử của Tổ sư và quý hơn nữa là quá trình tu tập của Hòa thượng trụ trì trực tiếp giảng. Con nghĩ: “Sao quý ngài hay quá!” Con suy xét tự thân, thấy mình sức tu của mình còn quá yếu kém, không biết nếu ở thời của các ngài, mình có giữ vững đạo tâm hay không huống chi là hành đạo.
“Buổi tiệc nào cũng có lúc tàn” và khóa tu cũng đã đi qua đến ngày cuối. Lời nói thì nhiều nhưng không thể nào nói cho hết được. Kỉnh trọng ân đức của quý ngài, nhất là chư Tôn đức Tăng Ni trong Ban Quản chúng đã theo sát chúng con trong 10 ngày tu tập. Cầu nguyện cho quý ngài được sức khỏe dồi dào để dìu dắt hàng hậu học chúng con tiến lên, trở thành một vị tu sĩ đúng nghĩa trong Hệ phái Phật giáo Khất sĩ. Con cũng tỏ lòng biết ơn đối với quý vị cư sĩ ở Pháp viện Minh Đăng Quang đã hộ trì trong 10 ngày qua, lo cho chúng con từng bữa cơm, nước uống, mong các vị luôn giữ vững và tăng trưởng lòng tin nơi Phật pháp. Con cũng xin nguyện rằng những gì được học tại khóa tu, con sẽ cố gắng áp dụng vào đời sống tâm linh của bản thân mình.
Lời cuối, con xin có một ước nguyện nhỏ nhoi là kính xin Ban Tổ chức khóa tu có thể mở rộng phạm vi thành phần tham gia cho các vị tân Tỳ-kheo, tân Tỳ-kheo-ni được không ạ.
Mỗi năm tổ chức một lần,
Cho chư hành giả tinh cần siêng năng,
Là nơi nuôi dưỡng búp măng,
Trang nghiêm thân tướng thẳng đàng tiến tu.
Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật
Thức-xoa Liên Hiên, GĐ III
Trú xứ: Tx. Ngọc Hưng, Vạn Ninh, Khánh Hòa
Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni và toàn thể đại chúng
Sắp đến ngày cuối của khóa tu, trong tâm của con khởi lên sự nuối tiếc những ngày ở đây. Tuy trong thời gian mấy ngày nhưng con cảm thấy thất gần gũi và thân thiết trong pháp hành và bạn đồng tu. Con còn nhớ trước ngày tham dự khóa tu, tâm con cũng hướng đến và mong chờ được tới ngày này, bởi vì con cảm nhận được, khóa tu rất lợi ích, giúp chúng con phát triển trong lộ trình tu học và còn hơn thế nữa.
Kính bạch chư Tôn đức! Hai ngày đầu con cũng chưa đủ sức khỏe nên việc tu học thấy khó khăn, nụ cười cũng không có trên môi, sắc mặt rất khổ, quý Ni sư Ban Quản chúng đã thăm hỏi con: “Con có khỏe không? Có điều gì khó khăn cho con không mà trông con rất buồn khổ?” Ngày thứ ba, con cố gắng thực tập, sức khỏe ổn định dần, tinh thần cả con phấn chấn hơn. Ngay đó con nhận ra rằng nhờ con thực tập đúng nên con đã thay đổi, không giống con người con lúc đầu nữa.
Hôm nay con viết những dòng chữ này kính tri ân đến quý ngài ở nơi đây, từ chư Hòa thượng Ban Tổ chức, chư Thượng tọa, Đại đức, Ni sư, Sư cô Ban Quản chúng cùng các Phật tử thí chủ công quả đã tạo điều kiện cho chúng con hưởng được pháp vị tu hành. Chúng con có phước duyên lớn được về đây nghe quý ngài hướng dẫn, chỉ vẽ đường lối tu hành. Chúng con, như cây khô gặp nước, như khát được uống, được tưới tẩm, được hiểu rõ lối tu, biết cách giải quyết phiền não, biết phòng hộ sáu căn, không để thất niệm.
Tấm lòng của chư vị dành cho chúng con quá lớn, chúng con rất trân quý. Quý ngài tận tình chỉ bảo mong chúng con tiến bộ trong đạo hạnh và pháp tu. Lời nói, hình ảnh của chư vị đã in sâu vào tâm trí của con. Con thật hạnh phúc được nếm thưởng món ăn tinh thần này. Con thường khởi nghĩ trong tâm: “Sao tấm lòng quý ngài cao thượng thế!” Con không biết dùng ngôn từ gì để bày tỏ sự kính trọng và biết ơn đối với quý ngài, chỉ biết ý thức rõ rằng trong lòng con tràn ngập niềm biết ơn và ngưỡng phục.
Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật
Sa-di-ni Liên Ngọc, GĐ III
Trú xứ: Tx. Ngọc Khương, TP. Pleiku, Gia Lai
Đạo hạnh giới luật tinh nghiêm,
Khóa tu Bồi dưỡng nói theo Phật Thầy.
Ngày thứ nhất, Minh Thành Hòa thượng,
Nêu chủ đề nguồn gốc sinh ra,
Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam,
Giá trị “danh-tướng” thật là quý thay.
Danh – Khất sĩ du phương khất thực,
Tướng – xuất trần phong cách uy nghi,
Từng thời kỳ trả qua biến chuyển,
Hóa thân thành ánh sáng quang minh.
Hòa vào chư Phật mười phương,
Y vàng bình bát vân du độ đời.
Một hoài bão con đường hướng đến,
Mang tinh hoa giáo lý Phật-đà,
Từ bi, trí tuệ ban ra,
Rải khắp nhân loại đại đồng nơi nơi.
Không phân biệt người thương kẻ ghét,
Giống da nào cũng trọn tình thương,
Thuyền Bát-nhã nơi người xuất bến,
Hướng lên bờ giác ngộ thuần lương,
Khuyên người tu niệm sớm trưa,
Vượt qua nghịch cảnh khổ đau ta-bà.
Ngày thứ hai, qua bài “Thọ bát”.
Truyền thống trong Khất sĩ Tổ Thầy.
Giác Pháp Hòa thượng giảng đôi lời.
Đoan nghiêm chánh hạnh khi ngồi thọ trai.
Từng miếng ăn là công thí chủ,
Thọ nhận rồi làm chủ thân tâm,
Tam đề, Ngũ quá, Lục hòa,
Ba điều ghi nhớ của hàng xuất gia.
Tam đề: Việc ác nên dứt,
Nguyện làm việc lành,
Độ tận chúng sanh.
Ngũ quán: Bát cơm công sức tròn đầy,
Xét lòng đức hạnh nơi mình đáng không,
Lòng tham vị nên thôi từ bỏ,
Phương thuốc lành tu đạo chân tâm.
Chánh pháp ngày một viên tròn,
Lục hòa, sáu ý nên hành cho xong,
Thân hòa hợp, miệng không tranh,
Ý ưa nhau, giới luật cùng tu học,
Kiến thức riêng chỉ giải,
Tứ sự đồng cùng chia.
Ngày thứ ba, Kinh Pháp cú lời vàng Phật dạy,
Hòa thượng Minh Hóa đôi lời tỏ phân,
Siêng hành trì càng thêm đạo quả,
“Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng không rời hình.”
(Trích Kinh Pháp cú)
“Hãy lắng nghe tiếng thở của thời gian rất khẽ,
Kiếp vô thường lặng lẽ trôi nhanh,
Để cho ta biết sống yêu thương,
Thời gian đâu, tham lam, sân hận.”
Vô sắc, sắc sắc rồi lại vô,
Thường thường, vô thường cũng lại ra vô thường,
Sanh qua tử lại nằm dài,
Sống nay mai chết hỏi mình là ai?
“Người ưa ăn ngủ lớn,
Nằm lăn lóc qua lại,
Khác nào heo no bụng,
Kẻ ngu nhập thai hoài.”
(Trích Kinh Pháp cú)
Hãy gấp rút tu mau kẻo trễ,
Lẽ vô thường có đợi ai đâu,
Thân thì tật bệnh, tâm thì lăng xăng,
Đất, nước, gió, lửa tạo thành,
Mai kia mốt nọ hòa chung bụi trần.
Thân, khẩu, ý chớ buông lung,
Dứt tham, sân, si dứt luân hồi tử sanh.
“Như bông hoa tươi đẹp,
Có sắc nhưng không hương,
Cũng vậy lời khéo nói,
Không làm không kết quả.
Như bông hoa tươi đẹp,
Có sắc lại thêm hương,
Cũng vậy lời khéo nói,
Có làm có kết quả.”
(Trích Kinh Pháp cú)
Ngày thứ tư, Thượng tọa Giác Phổ,
Nêu gương xưa để tỏ sửa mình,
Cuộc đời Phạm hạnh thanh lương,
Không màng ngũ dục của người trần gian.
Ba bảy tuổi, ngài nương cửa Phật,
Chí xuất trần thượng sĩ du phương,
Đức Nhị Tổ tấm gương công hạnh,
Đóa liên hoa nở giữa cõi ta-bà,
Bụi trần chẳng nhiễm, hồng trần chẳng mang.
“Thân trong sạch ấy là xứ Phật,
Miệng trong sạch ấy là pháp Phật,
Ý trong sạch ấy là con Phật,
Tâm trong sạch tức là đức Phật.”
(Trích Chơn lý “Tu và nghiệp”)
Qua ngày năm, Hòa thượng Giác Toàn,
Những đặc sắc Chơn lý Tổ sư,
Oai nghi đi đứng nằm ngồi,
Nụ cười đoan chánh của người xuất gia.
“Miệng ta là cánh hoa sen,
Một khi hé nở một phen thơm lừng.
Tiếng ta là gió mùa xuân,
Một cơn thổi nhẹ, muôn dân mát lòng.”
(Trích bài kệ “Khẩu”)
Tu rốt ráo tu đi tới bến,
Bến đò chiều đợi kẻ chơn tu,
Hành theo Chánh pháp, nối truyền Thích-ca.
“Phải cho khéo tập khéo gìn,
Thì phần phước trọn mặc tình thảnh thơi.”
(Trích Phật ngôn)
Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật
Chúng con thật là hữu duyên khi được tham gia khóa tu Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 7 tổ chức tại Pháp viện Minh Đăng Quang. Gặp lại nhau sau hơn 2 năm do dịch bệnh, điều quý giá nhất là chúng con được nghe những lời chỉ dạy, sách tấn từ chư Hòa thượng, Thượng tọa và chư Tôn đứcTăng Ni để chúng con làm hành trang trên con đường tu học. Những lời pháp rất hay, rất ý nghĩa, giản dị và gần gũi cho hàng hậu học chúng con dễ áp dụng trong cuộc đời tập tu của mình. Con nghĩ rằng, quý hành giả và huynh đệ mong muốn khóa tu diễn ra thêm 10 ngày nữa. Để chúng con tiếp tục cùng nhau sống chung, cùng nhau tu chung, cùng nhau hiểu biết chung và được nghe nhiều bài giảng, lời hay ý đẹp tỏ rõ sửa đổi tâm tánh của mình cho sạch hơn, thơm hơn.
Riêng bản thân con thấy thật là tiếc, đến khi gần kết thúc khóa tu thì con mới thích nghi được với lịch trình tu học, quen biết với nhiều huynh đệ, hiểu rõ hơn về cuộc sống tại mỗi trú xứ.
Hướng về ngôi chùa lặng trong tiếng thở,
Những bức tường mang màu cổ,
Nơi đây lời thì thầm của loài hoa cỏ,
Miền hơi ấm mang màu mắt Phật,
Lời thì thầm của gió và mây.
Nơi âm vang những câu kinh kệ,
Tiếng Ca-lăng pháp âm của Phật,
Thức tỉnh lòng xả bỏ niềm mê,
Lời thì thầm giữa những đàn chim,
Tiếng chuông chiều siêu pháp giới,
Đưa căn trần về nơi thanh tịnh,
Chắp tay lòng thành niệm Phật ngộ Ba-la.
Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật
Sa-di-ni Liên Thịnh, GĐ IV, phân đoàn 2
Trú xứ: Tx. Ngọc Đức, Gò Dầu, Tây Ninh
Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật
Thời gian thấm thoát thoi đưa, mới ngày nào con được tụ hội về đây để tham gia khóa tu mà nay đã đến ngày nói lời chia tay, trong lòng con bỗng dâng lên biết bao nhiêu là cảm xúc.
Con còn nhớ ngày Sư phụ thông báo cho con biết sắp tới đây Pháp viện Minh Đăng Quang sẽ mở khóa tu Bồi dưỡng đạo hạnh để Sa-di, Tập sự chúng con tu tập, rèn luyện thân tâm của mình, trong lòng con khởi lên bao niềm cảm xúc vui mừng nhưng cũng xen lẫn bao điều lo lắng sợ hãi. Không biết mình sẽ như thế nào đây? Có tham gia được hay không? Vì con vốn là một đứa thích chạy nhảy và hay nói nhiều. Con sợ tính đó sẽ làm phiền tới mọi người. Nhưng con đã được Sư phụ khuyên nên con suy nghĩ lại và quyết định sẽ đăng ký tham gia vì biết đâu, đó cũng là cơ hội môi trường tốt để cho con nhìn nhận lại thân tâm của mình.
Rồi ngày đó cũng đã đến, con được Sư phụ dẫn về Pháp viện Minh Đăng Quang tham gia khóa tu. Ngày đầu mới đến con cũng lo sợ và hồi hộp lắm vì đây là lần đầu tiên con xa thầy lâu đến vậy. Khi bước chân vào phòng, con thấy quý chị đã tới trước con rồi, nhưng ai nấy đều chào đón con bằng một nụ cười tươi thắm nên con cũng cảm thấy bớt lo lắng và hồi hộp. Từ từ con cũng làm quen được với quý chị trong phòng. Ai nấy đều rất vui vẻ và dễ hòa đồng, dễ thương. Chúng con tuy khác tịnh xá nhưng ai nấy đều coi nhau như chị em một nhà.
Mỗi người mỗi nước mỗi non
Bước vào cửa đạo như con một nhà.
Thậy vậy, mỗi người tuy tiếp xúc, sống trong môi trường sống khác nhau nhưng khi tụ hội về đây, chúng con coi nơi này như là nhà của mình. Chúng con cùng nâng đỡ, bảo ban nhau cùng tu tập, cùng ăn, cùng sinh hoạt, nghe pháp và tụng kinh chung với nhau.
Mỗi ngày chúng con được nghe quý chư Tôn đức thuyết pháp, thúc liễm thân tâm mình và được nghe, tìm hiểu thêm về tiểu sử của đức Tổ Thầy trong các Giáo đoàn đã thành lập và hành đạo như thế nào, làm cho chúng con càng thêm yêu quý lý tưởng xuất gia mà con đã chọn, yêu quý con đường mà con đã đi cao quý biết bao nhiêu. Con cảm thấy mình thật hạnh phúc khi được làm người con Khất sĩ, khoác lên mình tấm y giải thoát và tiếp nối con đường mà chư Tôn đức Tổ Thầy đã đi qua - Nối truyền Thích-ca Chánh pháp Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam.
Bên cạnh đó, con cũng đước quý ngài trong Ban Quản chúng quan tâm nhắc nhở, chỉ bảo tận tình cho từng oai nghi tế hạnh, sửa những lỗi nào mà con chưa đúng để có được những oai nghi đúng với người xuất gia, bỏ bớt đi những thói hư tật xấu chưa tốt, chưa hay nơi chính mình mà con đã bị thâm nhiễm khi còn ở ngoài đời làm cho càng ngày càng tốt hơn. Quý ngài giống như những người cha, người mẹ, luôn quan tâm tới đàn con của mình. Mỗi ngày chúng con có giờ ngồi thiền để tâm của chúng con được định lại, lắng đọng những ưu tư phiền não và nhờ đó có thêm trí tuệ quán chiếu mọi điều, phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai để sửa cho mình được hoàn thiện hơn. Mỗi buổi tối cuối ngày, chúng con còn có giờ sám hối để có thể nhìn nhận lại bản thân của mình xem trong một ngày vừa qua mình có những lỗi lầm nào để rồi được chư Tôn đức có những lời khuyên nhắc cho chúng con gột rửa thân tâm của mình tốt đẹp hơn.
“Bước đầu bổn phận làm trò,
Cả thân tâm trí dâng cho người thầy,
Mặc người uốn nắn chuyển xoay,
Đặng mình diệt hẳn riêng tây ý xằng.”
Ngoài ra còn có giờ trùng tụng Chơn lý và trả bài để cho chúng con có thể ngồi lại gần nhau hơn, cùng nhau lắng nghe lại những lời dạy của đức Tổ sư Minh Đăng Quang và lấy đó làm bài học cho cuộc đời của mình.
Ngày nào Tăng chúng hiệp đoàn,
Siêng năng hội họp luận bàn pháp môn,
Kính tôn Trưởng lão hạ cao,
Vâng lời Quản chúng nâng cao giáo quyền.
Đúng là ngày nào còn ngồi lại chung với nhau, cùng nhau chia sẻ giáo pháp thì ngày đó Tăng chúng còn có sự hòa hợp, đoàn kết. Cùng nhau sống trong tinh thần lục hòa thì ngày đó giới luật còn được bảo tồn, đạo pháp còn được hưng thịnh, như lời đức Tổ sư đã chỉ dạy: “Nên cùng sống chung tu học.” Qua đó, chúng con mới có thể nhìn nhận lại bản thân mình xem còn những điểm nào chưa tốt, chưa hay thì sẽ khuyên răn nhau để cùng nhau khắc phục, chỉnh sửa lại bản thân mình cho tốt hơn đặng xứng đáng là người con ngoan của dòng họ Thích, là người xuất gia chân chánh đi theo con đường mà đức Tổ Thầy đã đi.
Giờ đây sắp tới ngày kết thúc khóa tu, chúng con sắp sửa phải nói chia tay. Nhớ lại những hồi ức kỷ niệm trong những ngày qua, con thấy mình thật hạnh phúc rằng mình còn được ở cùng huynh đệ, cùng nhau sách tấn, cùng nhau tu học và được Ban Quản chúng ân cần chỉ dạy, bảo bọc chúng con để trở thành một người con Khất sĩ chân chánh. Con xin chân thành tri ân những lời dạy của chư vị Hòa thượng, Thượng tọa, chư Tôn đức Tăng Ni trong Ban Quản chúng cùng chư huynh đệ. Con nguyện sẽ tinh tấn tu học theo lời dạy của quý ngài và thực hiện theo chí nguyện hoằng pháp lợi sanh của chư Phật, chư Tổ Thầy ngày xưa “hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh chi bổn hoài” để mang ánh sáng giáo pháp đến mọi người, nhất là những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, giúp mọi người thức tỉnh cùng học giáo pháp nhiệm mầu, giác ngộ cho tự thân và tha nhân.
Cuối cùng, con xin nguyện cầu mười phương chư Phật gia hộ chư Tôn Hòa thượng, chư Tôn đức trong Ban Quản chúng có thật nhiều sức khỏe để mãi mãi là cội cổ thụ cho chúng con được nương tựa và con cũng xin kính chúc toàn thể đại chúng luôn luôn tinh tấn tu học để sau này có thể lèo lái con thuyền Bát-nhã cứu vớt bao người đang trôi lăn trong vòng sanh tử, tìm cầu nơi nương tựa. Xin chân thành tri ân các vị Phật tử hảo tâm đã phát tâm gieo duyên lành ủng hộ chúng con trong những ngày tu học vừa qua. Ân đức cao cả ấy không biết lấy gì có thể đền đáp được, con chỉ biết cố gắng nỗ lực tinh tấn tu học cho thật tốt, giữ gìn oai nghi tế hạnh để có thể đền đáp được phần nào ân đức cảo cả của quý ngài dành cho cúng con.
“Trên đường đạo không gì bằng tinh tấn,
Không gì bằng chí nguyện của đời ta,
Sống điêu linh trong kiếp sống ta-bà,
Chỉ tinh tấn là vượt qua tất cả.”
Với thân Ni lưu nhỏ bé thường tình, con không dám mơ ước cao xa, chỉ xin nguyện đem tấm thân này hiến dâng cho đạo pháp, cho quê hương và cho tất cả chúng sanh muôn loài giúp tất cả đều biết đến Phật pháp để có được cuộc sống an lạc mãi mãi.
“Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn đạo pháp cho tình quê hương.”
Tập sự Ngọc Tiên, GĐ III
Trú xứ: Tx. Ngọc Định, Bình Định
Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật
Thắm thoát đã gần hết khóa tu Bồi dưỡng đạo hạnh dành cho Sa-di, Tập sự lần thứ 7 rồi. Ngày đầu tiên con đến cũng còn bỡ ngỡ lắm mặc dầu đây là lần thứ 2. Lần thứ nhất mới học được 3 ngày là phải giải tán vì dịch Covid bùng phát. Ôi! Thật là sung sướng vì lần này khóa tu diễn ra suôn sẻ, trong bầu không khí vô cùng hân hoan.
Trải qua mấy ngày đầu, thời gian hơn căng, nhưng bài giảng của quý Hòa thượng, quý Thượng tọa, Đại đức càng nghe càng thấy thấm thía. Qua lời giảng của quý ngài, con cảm thấy con suy nghĩ không sai. Như vậy là con phải cố gắng để thực hành đúng lời chỉ dạy của chư vị Giảng sư thông qua lời dạy của đức Phật, lời dạy của đức Tổ sư, của các đức Thầy (trong đó có lời dạy của Sư phụ của con nữa). Ngày trước, khi con ở ngoài đời, con suy nghĩ cuộc sống đơn giản lắm, mình không bon chen, không ganh đua, mình cứ sống bình thường, không làm tổn thương ai là được. Ngày nay vô chùa rồi, nghe Sư phụ dạy lại được đi khóa tu Bồi dưỡng đạo hạnh này, con thấy mình thật là may mắn; nên con tự nhủ thầm với lòng mình là mình đi đúng đường rồi đấy, khó khăn gian khổ mình phải vượt qua!
Với nhưng lời giảng pháp về thân, về ý, về tâm của quý ngài Giảng sư, con thấy mình “sao hư quá vậy, sao mình phạm nhiều lỗi quá ta!” Con nhìn lại thời gian ba năm con xuất gia, con chỉ sửa đổi được chút xíu hà! Thật là khó! Tâm uế trược của mình ghê thật! Đôi khi mình muốn thay đổi nhưng tâm sân mạnh quá, nó quật con ngã liền.
Qua lời dạy của HT. Giác Toàn, HT. Giác Pháp, con xác định lý tưởng của con đã chọn: “Đi tu phải tự sửa bản thân mình, lo tu, lo học. Tu là sửa. Học là phải hành.”
“Giữ thân trong sạch ấy là xứ Phật.
Giữ miệng trong sạch ấy là đức Phật.
Giữ ý trong sạch ấy là con Phật.
Giữ tâm trong sạch ấy là đức Phật.”
Để đến được những nơi có chữ “Phật” ấy thật không phải dễ! Nhưng khi đã xác định lý tưởng sống của mình rồi thì bằng mọi cách mình phải cố gắng, tu là sửa, mình phải sửa đổi khi mình biết điều đó là sai. Trong bài oai nghi “Vào chúng” câu “chẳng đặng vì sự nhỏ lớn, hơn thua mà tranh cãi, phải nhịn tất cả.”
Xem qua những bài viết, những hình ảnh của các vị Tổ Thầy nơi tháp Hồng Ân, con thật là xúc động và thấy mình thật là nhỏ nhoi, thấp kém. Con tự nhủ với lòng là mình phải cố gắng nhiều lên, qua pháp học và pháp hành ứng dụng vào thực tế con thấy mình còn non kém quá.
Bài giảng cuối khóa của TT. Giác Nhường nói về công đức thờ thầy làm con bừng tỉnh: “À! Thì ra lâu nay con u mê quá, con đã làm Sư phụ con phiền lòng mà không biết”, qua những lời phân tích của Thượng tọa, con thấy mình cần phải sửa đổi nhiều hơn. Ngoài những giờ học lý thuyết có những giờ thực hành khiến tụi con cũng thư giãn, thoải mái. Qua khóa tu lần này, con xin nguyện cố gắng sửa đổi để hoàn thiện mình tốt hơn.
Trong phòng con, các vị đồng tu dễ thương lắm, thiện cảm và hòa đồng vui vẻ. Quý chư Đại đức Ni trong Ban Quản chúng thật hiền hòa. Con mong rằng có thêm nhiều khóa tu Bồi dưỡng đạo hạnh này để chúng con được bồi dưỡng, được tu sửa tư cách ngày một tốt hơn.
Con kính xin ơn trên Tam bảo từ bi gia hộ cho chư Hòa thượng, Thượng tọa, chư Đại đức trong Ban Giảng sư, chư vị Đại đức Tăng Ni trong Ban Quản chúng luôn luôn dồi dào sức khỏe, luôn luôn là nhưng cây cao bóng cả cho chúng con nương tựa. Và con cũng không quên các cảm ơn các Phật tử đã hết lòng tận tụy hộ trì khóa tu về thức ăn, nước uống đầy đủ chất bổ dưỡng.
Các bạn đồng tu ơi, chỉ còn vài giờ nữa thôi ai nấy về lại trú xứ của mình rồi. 10 ngày thế mà cũng nhanh các bạn nhỉ? Hẹn gặp lại các bạn ở khóa tu sau. Chúc các bạn về trú xứ của mình luôn mạnh khỏe và tu cho tốt nhé!
Mô Phật, nếu khóa tu Bồi dưỡng đạo hạnh có tổ chức, con xin phép được tiếp tục tham gia.
Tập sự Mỹ Ân, GĐ IV, phân đoàn NT. Mai Liên
Trú xứ: Tx. Ngọc Lâm, Long Hải
Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật
Thời gian thắm thoát lặng lẽ đã trải qua sau hai năm đại dịch Covid-19, nay Sư phụ của con là Ni trưởng Thích Nữ Mai Liên nghe sắp có Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh do Hệ phái Khất sĩ tổ chức lần thứ 7 tại Pháp viện Minh Đăng Quang nên Sư phụ đã dạy bảo và cho phép con đi tham dự khóa tu. Khi nghe như thế con rất sợ vì nghe mọi người nói: “Ban Quản chúng khó lắm, lên đấy ráng học nghen!” Nhưng khi con lên đến đây, những nụ cười hiền hòa và những câu hỏi ấm áp như con tên gì, con bao nhiêu tuổi, v.v… của chư Tôn đức làm con vơi đi nỗi lo sợ lúc ban đầu. Vào ngày tu học thứ nhất HT. Minh Thành đã giảng dạy cho chúng con với đề tài “Căn cước của Hệ phái Khất sĩ ”, giá trị của danh và tướng, căn cước là hoài bão và yếu tố con người đưa ta đi đến bến bờ giải thoát để trừ dứt khổ đau. Ngày thứ hai, HT. Giác Pháp giảng cho chúng con về môn oai nghi, bài Theo chúng ăn, do đó chúng con hiểu được ý nghĩa của bài học là khi nghe tiếng chuông, phải sửa y phục, khi ăn thì phải chú nguyện cung kính, không được chê đồ ăn ngon dở và phải biết ơn những người tạo ra bát cơm này để chúng con được no đủ… Ngày thứ ba TT. Giác Phổ đã giảng giải cho chúng con hiểu biết thêm về những điểm đặc sắc và tiểu sử của đức Nhị Tổ Giác Chánh, Thượng tọa khuyên răn chúng con nên noi gương những bậc Tôn túc xưa và cố gắng hành trì. HT. Giác Toàn chỉ dạy cho chúng con biết thêm về những đặc sắc của Chơn lý Hệ phái Khất sĩ. Cuối buổi giảng người nói sơ lược về tiểu sử của người. Hòa thượng dạy chúng con tu là từ bỏ tánh đời, tập tánh đạo, phải giữ thân-khẩu-ý trong sạch theo lời Tổ dạy.
“Thân trong sạch ấy là xứ Phật,
Khẩu trong sạch ấy là pháp Phật,
Ý trong sạch ấy là con Phật,
Tâm trong sạch tức là đức Phật.”
Có những lúc trong giờ hành thiền con thường bị đau chân và ngủ gục, nhưng khi được TT. Giác Hoàng cùng chư Tôn đức Ni trong Ban Quản chúng hướng dẫn và giúp đỡ con dần thức tỉnh và đỡ đau chân nhiều hơn. Nhị vị ĐĐ. Minh Sơn và ĐĐ. Minh Nhật đã chia sẻ cho chúng con về ý tưởng của người xuất gia, ĐĐ. Minh Nhật kể về chuyện lúc Đại đức xuất gia khi mới 11 tuổi và khuyến tấn hàng Tăng Ni khóa sinh chúng con phải tinh tấn trên con đường mà chúng con đã chọn. Được sự chỉ dạy của Thượng tọa Trưởng ban Quản chúng, chư Tôn đức Tăng Ni trong Ban Quản chúng, quý ngài thay phiên nhau giảng dạy cho chúng con. Chúng con không biết nói gì hơn, chỉ xin “Y giáo phụng hành” và cố gắng làm theo những gì quý ngài chỉ bảo và giảng dạy cho hàng Tăng Ni khóa sinh chúng con.
Muốn Phật pháp được trường tồn, hưng thịnh lâu dài, người tu chúng con noi gương ngài Ưu-ba-ly, dùng giới luật chế ngự các sự phóng dật để trở thành người tu hành có phẩm hạnh, đạo đức, đủ tư cách của người đệ tử xuất gia theo dấu chân Phật bước vào đạo tu học. Vì chúng con nhận thấy rằng sức mạnh của đạo Phật, dựa vào đạo lý, mà đạo lý dựa vào những bậc xuất gia tu hành chân chính có giới đức. Ở thời đại nào có những bậc chân tu xuất hiện thì đạo Phật được hưng thịnh. Như vậy mạng mạch của Phật pháp được nuôi dưỡng từ những người xuất gia tu hành chân chính có đạo đức, có giới hạnh trang nghiêm. Cho nên Phật dạy: “Nơi nào có người giữ gìn giới luật thanh tịnh thì nơi đó Phật pháp sẽ được hưng thịnh trường tồn.”
Ngày nay, chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng, Ni nhận thức được tầm quan trọng lớn lao của giới luật và cũng để cho ngọn đèn chánh pháp được truyền lưu đời đời, quý ngài luôn luôn nghĩ đến sự nghiệp đào tạo Tăng, Ni, Sa-di và Tập sự chúng con, vun bồi hạt giống trí tuệ cho hàng hậu tấn chúng con tiếp nối mạng mạch Phật pháp đã khai mở. Thế nên, Hệ phái Khất sĩ đã mở khóa Bồi dưỡng đạo hạnh để cho chúng con được tu học và nghe quý ngài hoằng truyền giới pháp y theo như lời đức Phật đã dạy “Các thầy sau khi Như Lai diệt độ, các thầy phải trân trọng, tôn kính giới luật như người mù tối được mắt sáng, nghèo nàn mà được vàng ngọc. Phải biết giới luật là bậc thầy cao cả của các thầy. Như Lai ở đời thì cũng không khác gì giới luật vậy.” Như vậy, để Phật pháp trường tồn lan tỏa đi khắp mọi nơi, tất cả hành giả chúng con đều có giới luật tu hành thì cuộc đời sẽ được an vui hạnh phúc. Người xuất gia chúng con tâm nguyện đời đời thắp sáng ngọn đèn chánh pháp, khơi sâu đạo lý từ bi, quyết tâm xây ngôi nhà Phật pháp bằng giới luật, bằng oai nghi, dõng mãnh tinh tấn tu hành để đạo Phật mãi mãi được hưng thịnh phát triển trên đời này.
Cuối lời, con xin tri ân chư Tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng, Đại đức Ni và con xin tri ân Sư phụ đã cho con đi tham dự khóa tu, để con được mở mang thêm kiến thức và hiểu biết giá trị hạnh đức oai nghi. Kính chúc quý ngài được pháp thể khinh an, Phật sự viên thành và luôn là cội đại thọ để che chở cho hàng hậu học chúng con được đi trên đường đạo vững chắc. Và con không quên cám ơn quý cô chú trong Ban Hậu cần đã lo cho chúng con từng bữa cơm, từng ly nước uống. Cầu xin chư Phật gia hộ cho quý vị được năm điều như ý là sống lâu, sắc tốt, yên vui, sức mạnh và trí huệ, để luôn luôn hộ trì Phật pháp ngày một xương minh.
Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
Tập sự Ngọc Tánh, GĐ III
Trú xứ: Tx. Ngọc Khương, TP. Pleiku, Gia Lai
Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật
Con có phước duyên tham dự khóa tu bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 7 tại Pháp viện Minh Đăng Quang. Trong những ngày qua, con đã được nghe nhiều bài pháp và giảng giải của chư Tôn đức Tăng Ni trong Ban Quản chúng, con rất hoan hỷ. Con thành kính tri ân các bậc Hòa thượng đã trao cho con những lời quý báu. Con không biết lấy gì đền đáp công ơn của quý ngài và các chư Tôn đức Tăng Ni trong Ban Quản chúng. Con chỉ nguyện với tâm con sẽ cố gắng tinh tấn, trau dồi đức hạnh, trì giới luật và giữ oai nghi, gắng tu gắng học, vâng lời dạy Sư phụ. Con ngưỡng nguyện hồng ân Tam bảo gia hộ cho quý Hòa thượng và chư Tôn đức Tăng Ni trong Ban Quản chúng thân khỏe, trí tuệ sáng suốt, mãi là bóng mát che chở cho chúng con nương nhờ.
Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật
Tập sự Mỹ Anh, GĐ III
Trú xứ: Tx. Ngọc Khương, TP. Pleiku, Gia Lai
Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật
Nay con viết cảm tưởng để tri ân các vị Hòa thượng, Thượng tọa và Quý Ni sư, Sư cô và đại chúng. Khóa tu Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 7 được diễn ra trong 10 ngày qua và con đã học được nhiều điều hay từ quý Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức. Quý ngài đã chỉ dạy cho chúng con từ li từng tí từ oai nghi của một người tu và những bậc đức hạnh, của các vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức. Những ngày qua, con đã được học rất nhiều điều bổ ích cho thân tâm, những oai nghi cử chỉ, đến giờ sám hối con còn có thể được học thêm những lời hay ý đẹp của các vị, con biết được cái nào đúng sai cho con và còn hiểu biết thêm nhiều hơn, được tìm hiểu thêm những đức hạnh của các bậc Tổ sư. Những lúc ở cùng với đại chúng con còn có thể học được rất nhiều điều hay từ các vị, những lúc làm công quả như ở tòa tháp Hồng Ân, đã cho con những kiến thức về những đức hạnh của các vị lớn, những tiểu sử của từng giáo đoàn. Các vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức đã cho chúng con làm một bài giáo lý để cho con thêm nhiều kiến thức trong việc tu học và đó cũng là hành trang để con bước vào con đường tu học chín chắn hơn.
Con tri ân chư vị Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni trong Ban Quản chúng đã thương xót và lo lắng cho chúng con, như trong đại chúng có vị bị đau hay mệt mỏi, chính các vị đã lo lắng và hỏi thăm đại chúng, các vị luôn ở bên cạnh, chỉ dạy cho chúng con từng chút một, như đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc, nói, làm, các vị đã chỉ dạy cho con nhiều điều hay và lẽ sống. Khi con có lỗi hay đôi lần làm phiền quý Ni sư, Sư cô trong Ban Quản chúng, chính quý Ni sư, Sư cô không la mắng con và cũng không phạt con mà quý Ni sư chỉ nhắc nhở và chỉ dạy cho con hiểu biết thêm. Quý Ni sư là một người mẹ hiền của con. Từ việc ngủ hay trong một ngày tu học đã xong, quý Sư cô thường hỏi thăm các con có mệt không, có mỏi không và khuyên chúng con cố gắng lên, cố gắng hơn nữa. HT. Giác Toàn đã chỉ dạy và nhắc nhở cho chúng con cách ăn uống lịch sự và oai nghi hơn. TT. Giác Nhường đã cho con biết cách hầu thầy như thế nào và còn rất nhiều vị Thượng tọa, Đại đức chỉ cho con nhiều điều hay khác. ĐĐ. Minh Tuệ đã chỉ cho chúng con từng bước chân nhẹ nhàng và ĐĐ. Minh Nhật đã chỉ dạy cho chúng con là người xuất gia như thế nào và đức hạnh một người xuất gia ra sao. Ngày đầu tiên khóa tu, con chỉ muốn 10 ngày trôi qua thật nhanh để con có thể về chùa, kề bên Sư phụ của mình. Nhưng tới ngày thứ 8 con đã ngồi lại suy nghĩ, thấy thời gian qua sao nhanh quá, con chưa muốn hết khóa tu, con muốn thời gian chậm lại để con có thể tu học cùng đại chúng, để những gì con chưa làm được thì sẽ được các ngài và quý Ni sư, Sư cô chỉ dạy nhiều hơn cho con, để con gom hết những bài học tốt đẹp này làm hành trang trên con đường tu học của con.
Nay con viết bài cảm tưởng này để tri ân các ngài đã chỉ dạy cho con và tri ân Sư phụ đã chăm sóc, lo cho con từ lúc bé. Con đã xin Sư phụ cho con đi khóa tu để được các ngài Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức chỉ dạy cho con, để con hiểu biết nhiều hơn. Nhờ đi khóa tu, con suy xét lại nhiều lúc con đã làm cho Sư phụ buồn, con xin sám hối Sư phụ. Con tự nhắc mình phải tinh tấn tu học để đền đáp công ơn quý ngài đã chỉ dạy cho con. Sư phụ hay nói với con “măng non phải uốn từ lúc bé, chớ khi già đi sẽ rất khó uốn”, khóa tu này là một khóa uốn nắn nhưng búp măng như tụi con.
Thời gian tu học trôi đi thật nhanh, mới ngày đầu tiên con bước vô đây để tu học mà giờ đã là ngày cuối khóa và sắp phải về lại chùa, con ước gì khóa tu sẽ được nhiều ngày hơn để con được sống chung tu học cùng đại chúng và con mong các vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức sẽ mở nhiều khóa tu như vầy để con được tu học có thêm nhiều kinh nghiệm, bài học trên con đường tu học của chính bản thân.
Và lời cuối cùng con xin kính chúc quý Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni trong Ban Quản chúng được nhiều sức. Kính mong quý ngài hoan hỷ cho con, có gì sai sót mong quý ngài và đại chúng thông cảm cho con, vì lần đầu tiên con viết nên có nhiều chỗ con viết sai hoặc chưa đúng chỗ.
Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
Tập sự Liên Yến, GĐ IV, phân đoàn 1
Trú xứ: Tx. Ngọc Bình, Dĩ An, Bình Dương
Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật
Được sự cho phép của Ban Tổ chức, hôm nay con xin mạn phép viết lên vài dòng cảm tưởng.
Thời gian thắm thoát, mới đó đã 9 ngày của khóa tu Bồi dưỡng đạo hạnh lần 7 trôi qua. Kể từ ngày đầu tiên mới bước chân vào tham dự, con trò còn e dè, bỡ ngỡ trước hội chúng trang nghiêm thanh tịnh trên 150 vị. Nhưng dần qua các buổi học pháp, thiền tọa, chấp tác, tụng kinh,… con dần dần thuần thục theo từng oai nghi tế hạnh của người xuất gia, sáng tỏ hơn trong từng ý pháp, chánh niệm hơn trong từng cử chỉ đi, đứng, nằm, ngồi, ý thức, trách nhiệm hơn trong các công việc chấp tác, định tâm trong từng hơi thở vào hơi thở ra trong các giờ thiền tập.
Con trò kính biết tất cả những gì chúng con có đủ duyên thọ nhận để an tâm học đều do sự chỉ đạo của Hòa thượng Trưởng ban Tổ chức và sự tận tâm điều phối của Thượng tọa Trưởng ban Quản chúng cùng sự quan tâm sâu sắc của chư Tôn đức trong Ban Quản chúng nói chung và Ban Quản chúng Ni nói riêng qua việc ăn, mặc, ở, bệnh,… Quý ngài luôn nhỏ nhẹ, tận tình hướng dẫn, nhắc nhở chỉ dạy, giải thích các thắc mắc của chúng con. NS. Duyên Liên, NS. Hòa Liên luôn quan sát chỉnh sửa lại các tư thế tọa thiền của chúng con, giúp chúng con tập trung quán sát về thâm tâm của mình, hóa giải những nội kiết tiềm ẩn trong tâm, chấp tay ngay thẳng trang nghiêm, đứng trong tư thế ung dung đỉnh đạt, trang nghiêm khi lễ lạy, nói năng nhỏ nhẹ, khiêm cung,… Trong khi đó, SC. Thu Liên, SC. Phước Liên chỉ dạy chúng con cách sắp xếp bát khi hành đường, phân thực phẩm một cách khoa học, đẹp mắt tươm tất. SC. Ngọc Liên thì hướng dẫn chúng con dọn dẹp vệ sinh thiền đường, liêu phòng các nơi vô cùng nhịp nhàng, uyển chuyển.
Ngày qua ngày, chúng con dần chuyển hóa bớt các tập khí không tốt, đoạn trừ tham sân si chướng ngại, trở thành những hành giả nói ít hành nhiều, công phu tu tập tinh cần, một lòng hướng đến giác ngộ giải thoát. Kính bạch quý ngài, là một học trò nhỏ mới tham dự khóa tu lần đầu, chúng con thật xúc động và bùi ngùi trước sự thương yêu chỉ dạy, quan tâm tận tình của chư Tôn đức Tăng Ni trong Ban Quản chúng. Cảm thông trước các lỗi sơ thất, giải nghi và lắng nghe giải quyết mọi vấn đề trong sinh hoạt của chúng con, giúp chúng con an tâm tu học trọn vẹn trong các thời khóa, nắm vững các nguyên tắc thực hành để phòng hộ các căn, giữ tâm tỉnh thức mọi lúc mọi nơi, rèn luyện tâm tánh thuần thục. Nếu dùng ngôn ngữ để kể thì không sao kể hết được tấm lòng từ bi bác ái của quý Ni sư, Sư cô trong Ban Quản chúng.
Sau cùng, chúng con xin được gửi lời thành kính niệm ơn Hòa thượng Trưởng ban Tổ chức và Thượng tọa Trưởng ban Quản chúng cùng chư Đại đức Tăng Ni trong Ban Quản chúng. Ngưỡng nguyện quý ngài thân tâm an lạc, Phật sự viên thành, Phật quả viên mãn, luôn là ánh đuốc thiêng soi sáng con đường tu học của chúng con. Bên cạnh đó, chúng con cũng xin được tri ân các mạnh thường quân, các Phật tử gần xa đã nhịn nhường cơm áo để chúng con có ẩm thực trong sinh hoạt hằng ngày. Kính chúc đại chúng tham dự khóa tu luôn tinh chuyên trên lộ trình hành trì và hẹn gặp lại lần sau.
Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật
Tập sự Mỹ Thuyết
Trú xứ: Tx. Ngọc Lương, Bình Thuận
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật
Có được chút duyên lành nên khi nghe có khóa tu tại Pháp viện Minh Đăng Quang vào thời gian con được nghỉ hè nên Sư phụ đã chỉ dạy con tham gia khóa tu. Những ngày vừa qua tham gia khóa tu, con được nghe chư Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Ni sư, Sư cô giảng dạy, chỉ bảo cho con nhiều điều từ cách đi, đứng, ngồi, nằm cho đến cách ngồi thiền, tu học,… Nhờ tham gia khóa tu mà con có những người bạn mới, học hỏi nhau, cũng nhắc nhở nhau tu học.
Mỗi ngày có mỗi vị giảng dạy mỗi chủ đề khác nhau. Ngày đầu tiên, HT. Minh Thành đã chỉ rõ những thông tin mang tính chất cốt lỗi của Đạo Phật Khất Sĩ, giá trị danh và tướng, chỉ ra căn cốt Khất sĩ là một hoài bão và phải triển khai hoài bão ấy vào hiện thực cuộc sống như thế nào, thuyền Bát-nhã và yếu tố con người.
Ngày thứ hai và ngày thứ bảy, HT. Giác Pháp chỉ dạy cho chúng con phải hướng tâm và phải làm như thế nào khi “theo chúng ăn” và khi “đi các chỗ học đạo”, phải thực hành như thế nào mới đúng, nên tiếp xúc với những người bạn nào, “ngũ đức” mà người xuất gia có được để chúng con vững tin hơn đối với Phật pháp. Ngày thứ ba, HT. Minh Hóa chỉ cho chúng con thấy được sanh tử vô thường, khuyên chúng con nên mau tu kẻo trễ, phải lo giữ thân, khẩu, ý trong sạch, thanh tịnh. Ngày thứ tư, TT. Giác Phổ dạy cho chúng con biết một số đặc sắc của đức Nhị Tổ Giác Chánh để chúng con thấy được những công hạnh cao đẹp của ngài.
Ngày thứ năm, HT. Giác Toàn cho chúng con biết lịch sử của Hệ phái Khất sĩ. Từ lúc Tổ vắng bóng, các Giáo đoàn được các vị Trưởng lão thành lập và ngài cũng kể lại một ít lịch sử của ngài khi xưa để chúng con noi theo. Ngày thứ sáu, buổi sáng của ĐĐ. Minh Sơn và ĐĐ. Minh Nhật truyền dạy cho chúng con “lý tưởng của người xuất gia” để chúng con biết đường đi, hướng đến những phương trời cao rộng, ý thức được cuộc đời giả tạm, mong cầu giải thoát; cho chúng con biết năm nhân duyên để được tu học. Buổi chiều, ĐĐ. Giác Ảnh và ĐĐ. Giác Kỉnh dạy cho chúng con biết được “hạnh đức của người xuất gia” như thế nào, học pháp và hành pháp ra sao để ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày ngày càng tươi đẹp hơn.
Chiều ngày thứ bảy, ĐĐ. Minh Tuế dạy cho chúng con biết ý nghĩa và lợi ích của việc thiền hành. Đại đức không chỉ nói lý thuyết mà còn chỉ chúng con thực hành từng chút một. Ngày thứ tám, buổi sáng có TT. Minh Đạo chia sẻ về “hạnh công quả” (còn gọi là hạnh phụng sự). Người tu phải có tinh thần phụng sự, hiến tặng sức khỏe của mình khi còn có thể, chuyển hóa cả tâm tính của mình sao cho ngày càng tốt đẹp hơn, hiền thiện hơn, phụng sự hy sinh chứ không nên tính toán. Buổi chiều, có TT. Giác Hoàng và ĐĐ. Minh Phú chỉ dạy cho các vị sắp thọ giới phải vô chỗ khảo bài như thế nào mới có oai nghi, ví dụ như cách xếp tọa cụ, túi bát thế nào mới đúng, lạy làm sao cho đồng đều nhau,…còn nhiều điều nhỏ nhặt khác nữa. Ngày thứ chín, TT. Giác Nhường chia sẻ về công đức thờ Thầy, có bao nhiêu cách hầu Thầy, trong những năm làm Tập sự, Sa-di, tâm ý mình phải như thế nào để vững chãi con đường tu.
Vào những giờ sám hối buổi tối, các hành giả lên sám hối trước chúng từ lỗi nhỏ đến lỗi lớn, các ngài đều từ bi tha thứ và còn ca ngợi cho sự thành tâm, dõng mãnh sám hối khi biết mình có lỗi. Các ngài không la rầy mà chỉ ôn tồn chỉ dạy cho chúng con. Mỗi một lỗi các ngài đều đưa ra cho chúng con những lời chỉ dạy quý báu. Dù đôi khi chúng con còn quậy phá, chưa nghe lời, quý ngài vẫn từ bi tha thứ cho chúng con.
Chúng con rất kính ơn quý ngài đã từ bi chỉ dạy cho chúng con. Con cũng rất biết ơn Sư phụ đã chỉ dạy cho con tham gia khóa tu này. Con chúc mong quý ngài sức khỏe, an lạc, từ bi hỷ xả mà chỉ dạy cho chúng con nhiều điều hơn nữa. Năm sau nếu con có đủ duyên, con sẽ tiếp tục tham gia khóa tu để được quý ngài rèn giũa để chúng con thấm nhuần trong giáo pháp ngày càng tốt đẹp hơn.
Kính cảm ơn quý ngài và đại chúng đã lắng nghe.
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật
Tập sự Mỹ Hào, GĐ III
Trú xứ: Tx. Ngọc Đạo, Eavy, Eahleo, Đăk Lăk
Trong cuộc sống chúng ta ai ai cũng muốn tìm nơi nào đó để sưởi ấm tâm hồn mình. Có người đến nơi phồn hoa đô thị để tìm những thú vui mà họ cho là hạnh phúc. Có người tìm hơi ấm nơi vòng tay kẻ khác. Còn con, một tiểu Ni nhỏ bé đặt chân nơi phố thị, đến Pháp viện Minh Đăng Quang, nơi diễn ra khóa tu Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 7 cho các Sa-di, Sa-di-ni, Tập sự nam nữ, tìm hơi ấm nơi giáo pháp, nơi đại chúng tinh tấn. Pháp viện dù ở nơi đông dân, kẻ đi qua người đi lại mà chẳng bị quấy nhiễu bởi sự ồn ào. Bởi lẽ, nơi ấy có những bậc chuyên tu, sự hiện diện của các bậc Tôn túc làm ai nấy ở trong mô trường này cũng cảm nhận được sự bình yên, trở về tâm mình một cách dễ dàng. Nơi đây thật sự giúp con quay về với chính mình, nhen nhóm lòng từ bi trong tâm hồn con. Về nơi đây tu học đã không còn gì xa lạ, cũng chẳng phải ngóng trông từng ngày mà chỉ biết đó là bổn phận của một học trò nhỏ phải làm.
Kính bạch chư Tôn đức! Bản thân con nghĩ rằng: “Có lẽ mình đã từng gieo một chút duyên lành nào đó trong nhiều đời nên bây giờ con mới được làm một người con Khất sĩ. Ngày 19/6al, con được về Pháp viện Minh Đăng Quang để tham dự khóa Bồi dưỡng đạo hạnh cùng chư huynh đệ. Được về nơi đây, con cảm thấy mình thật hạnh phúc khi được sống chung tu học cùng mọi người. Và được nghe những lời pháp thoại, những lời dạy quý báu mà các vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức đã ban truyền cho chúng con. Ngoài ra, cũng không thiếu sự sách tấn chỉ dạy của các vị Tôn đức Tăng Ni trong Ban Quản chúng làm hành trang cho chúng con bước vào con đường tu vững vàng.
Ngày đầu tiên của khóa tu, con được học thời pháp của HT. Minh Thành. Ngài đã dạy: “Mỗi người chúng ta ai cũng cũng nên có một hoài bão, một ước mơ làm điểm đích mà chúng ta cần phải hoàn thành, để chúng ta có một chỗ dựa chặt chẽ cho bản thân. Xuất gia là một lý tưởng rất cao đẹp, đưa chúng ta hướng đến phương trời cao rộng mà mỗi người chúng ta đã và đang đạt được.
Trong ngày giảng thứ ba, HT. Minh Hóa đến với các câu Pháp cú: “Với gậy người chăn bò // Lùa bò ra bãi cỏ // Cũng vậy già và chết // Lùa người đến mạng chung.”
Thật vậy, sự sanh tử luân hồi sanh ra rồi diệt làm cho con người ta phải khổ đau mãi “nên ta phải cần tu như lửa cháy đầu, như cá cạn nước.” NS. Hòa Liên luôn nhắc nhở con rằng: “Con cố gắng tu! Con có thấy không người đời lăn lộn với đời thật là khổ?” Ni sư bảo được đi tu là một hạnh phúc lớn và dạy con ráng luyện tâm, kiên nhẫn chịu cực chịu khó. Những lời nhắc bảo của Người, con kính cẩn tri ân và sẽ cố gắng “y giáo phụng hành.”
“Gương trong là để soi hình
Gương xưa là để soi mình lâu nay.”
ĐĐ. Minh Đẳng dạy chúng con phải biết lắng nghe tâm mình. Con người ai cũng có lúc đúng lúc sai nhưng phải biết nhìn lại mà sửa đổi.
“Bước đầu bổn phận làm trò,
Cả thân tâm ý dâng cho người thầy.
Mặc người uốn nắn chuyển xoay,
Đặng mình diệt hẳn riêng tây ý xằng.”
Đây là lời mà TT. Giác Nhường nhắc đi nhắc lại trong giờ học pháp. Tập sự mới vào tu tâm còn buông lung nên cần phải nghe lời thầy để mà đi đúng đường. Con cảm thấy bản thân thật may mắn khi gặp được “Sư phụ” của con. Người thương, người dạy bảo, làm nơi nương tựa cho con.
TT. Giác Hoàng cũng luôn khuyên nhủ: “Con phải ngoan ngoãn vâng theo lời Sư phụ, phải hiếu thảo với thầy, siêng năng mà công phu, công quả, thế mới là trò giỏi.” Đường tu dài như vậy, con nguyện cố gắng tập tâm sửa tánh.
Trong đời mỗi người ai cũng phải xây dựng cho mình một ước mơ riêng, một lý tưởng cao cả nào đó để cố gắng phấn đấu đạt được. Nội dung ấy đã được ĐĐ. Minh Sơn và ĐĐ. Minh Nhật giảng giải với chủ đề: “Lý tưởng người xuất gia.” ĐĐ. Minh Sơn nói rằng: “Dù có bao nhiêu chông gai thử thách thì chúng ta cũng ráng mà vượt qua vì chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể từng bước đến gần con đường giải thoát.” Viết đến đây, con cảm thấy thật hổ thẹn khi mong muốn có được thú vui không đáng để rồi bỏ lỡ những điều tốt đẹp quanh mình. Con nhớ đến câu nói của một vị thiền sư rằng: “Sở dĩ con người ta đau khổ là bởi những sai lầm.” ĐĐ. Minh Nhật cũng dạy rằng: “Con đường của mình thì mình phải tự đi chớ không ai đi thay mình.” Thật vậy, nếu họ có đi cũng chỉ là đi cho họ thôi chứ không có ích lợi gì cho mình. Lời dạy của Đại đức như một ngọn đèn sáng, soi rọi và thúc đẩy cho con tu tập tinh tấn.
“Thân này chưa biết ra chi,
Của kia lại có chắc gì mà ham,
Bao nhiêu cho thỏa lòng tham,
Cang thâu càng đắm càng làm càng say.”
Câu kệ này đã được HT. Giác Toàn trích giảng trong ngày tu thứ 5. Ngài dạy chư hành giả quán xác thân bất tịnh, giả tạm này, cố gắng rèn tâm luyện tâm mình, cái sai quấy thì phải bỏ.
Bài giảng tiếp theo chúng con học được là “Hạnh đức của một vị xuất gia” do ĐĐ. Giác Ảnh và ĐĐ. Giác Kỉnh chia sẻ. Đại đức dạy chúng con: “Mỗi người xuất gia ai cũng nên có hạnh khiêm cung, cung kính các bậc trưởng thượng, sống một đời sống Phạm hạnh.” Chúng con xuất gia là để mong cầu sự giải thoát, lìa xa mọi khổ đau của cuộc đời giả tạm, mỗi người xuất gia phải xác nhận được lý tưởng của mình. Khi xuất gia ta phải biết cái thân chỉ là phương tiện để cho chúng ta tập tu học theo lời dạy của đức Tổ Thầy. Chúng ta phải chấp nhận mọi thử thách mà mọi người đưa ra, không những vậy chúng ta phải tập hạnh mỉm cười, hạnh hoan hỷ bỏ qua hết tất cả lỗi lầm mà người khác gây ra cho mình. Chúng ta phải biết phụng sự Tam bảo phải biết tôn kính bậc bề trên mình.
“Phải xem thầy như Phật” mà phụng sự và chúng ta cần phải học ở thầy mình nhiều hơn để sau này trở thành một người tiếp nối theo con đường của thầy “hoằng dương chánh pháp, hóa độ quần sanh.” Mỗi chúng ta ai cũng có chướng ngại riêng mình nhưng nếu ta biết quán chiếu chướng ngại, từ đó mình có cách vượt qua và rồi dễ dàng đi trên con đường hạnh phúc thật sự.
Ngoài những lời giảng, những lời sách tấn, TT. Giác Phổ và ĐĐ. Giác Phước đã cho chư hành giả chúng con ôn lại những công hạnh của chư vị Trưởng lão, đồng thời khuyên răn chúng con học theo gương hạnh của quý ngài. Dù thời gian cứ trôi đi, con vẫn không quên được giờ hành thiền, vì thương tưởng đến chúng con ĐĐ. Minh Tuế và ĐĐ. Minh Phú khởi thân tận tình dạy cho chúng con cách đi như thế nào, con không quên được hình bóng trang nghiêm ấy.
Khóa tu Bồi dưỡng đạo hạnh như một khóa bảo trì và sửa chữa những thói hư tật xấu của chúng con. Thay vào đó là thêm vào những chất liệu hoàn thiện hơn để chúng con tiếp tục cuộc hành trình tốt hơn. Thời gian cứ thế lẳng lặng trôi đi, bây giờ đã là ngày cuối cùng của khóa. Chỉ còn những phút giây ngắn ngủi được ngồi cùng chư Tôn đức, ngồi cùng đại chúng, nghe những lời nhắc nhở tận tình: “Các trò ráng mà tu, mà học để sau này đem lại lợi ích cho mọi người, làm cho ‘tốt đời đẹp đạo’. Các trò sau này sẽ là tấm gương sáng dẫn dắt Tăng chúng với hạnh nguyện ‘Nối truyền Thích-ca Chánh pháp’, tương lại của Khất sĩ ở nơi các trò.”
“Thân như bóng chớp chiều tà,
Cỏ cây tươi tốt thu qua rụng rời,
Xá chi suy thịnh cuộc đời,
Thịnh suy, suy thịnh sương rơi đầu cành.”
Vì biết cuộc đời này vô thường như thế con nguyện ráng cố gắng “giờ giờ phút phút phải thường soi tâm.” Khóa tu kết thúc, con thành kính tri ân và kính cẩn ghi nhớ những lời giảng dạy của chư Tôn đức Giáo thọ đã hết lòng thương tưởng đến hàng hậu học chúng con mà đã ban tặng suối nguồn sữa pháp vô cùng quý giá. Quý ngài đã thắp sáng trong tâm con một niềm tin giải thoát, dẫn dắt chúng con trên con đường giác ngộ giải thoát. Con kính niệm ân chư Tôn đức trong Ban Quản chúng đã không quản khó nhọc, đã tạo điều kiện, tạo mọi thắng duyên để dắt dẫn chúng con bước vào nẻo thiện.
“Bát cơm ai sắm cực lòng,
Ta ăn phải nhớ tấm công ơn người.”
Con thầm tri ân đến quý thiện nam tín nữ đã vì lòng kính tin Tam bảo mà “thảo lòng nhịn miệng” hỗ trợ thực phẩm cho khóa tu 10 ngày qua. HT. Giác Pháp dạy: “Bát cơm của tín chủ nặng như núi Tu-di vậy”, bởi hiểu thế nên con cố gắng tinh tấn tu học từng giờ từng phút.
Sau cùng, con kính chúc chư Tôn đức luôn được mạnh khỏe, mãi là những vị thuyền trưởng chèo lái “con thuyền Bát-nhã.”
Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
Tập sự Ngọc Tuyển, GĐ III
Trú xứ: Tx. Ngọc Túc, Đăk Pơ, Gia Lai
Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật
Sau khi tham dự khóa tu Bồi dưỡng đạo hạnh 10 ngày dành cho Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự, con kính trình lên chư Tôn đức Tăng Ni những cảm tưởng của con. Đầu tiên con kính lời tri ân sâu sắc đến Hòa thượng, Thượng tọa và chư Tôn đức Tăng Ni trong Ban Quản chúng và đặc biệt là sự cho phép, trợ duyên của Sư phụ và Ni chúng ở Tịnh xá Ngọc Túc cho con được tham gia khóa tu này. Quý ngài với hạnh nguyện cao đẹp thương tưởng đến đoàn hậu tấn chúng con đã tổ chức khóa tu này để con có môi trường tu học. Những lời chỉ dạy đầy yêu thương, nghiêm hiền về công hạnh hầu thầy, về oai nghi tế hạnh, công quả và cách sống trong chúng sao cho lục hòa, đã cho con quá nhiều bài học. Vỏn vẹn trong 10 ngày, mà ngày qua ngày những lời chỉ dạy, những bài chia sẻ pháp, kinh nghiệm tu học dung dị, chân thật, sống động và sâu sắc như dòng sữa lành tưới tẩm trâm trí con.
HT. Giác Toàn chỉ dạy cho chúng con tập tu sống chung theo đường lối của Tổ Thầy sao cho mục đích và lý tưởng của người xuất gia luôn giữ được sự cao đẹp và cao thượng. HT. Giác Pháp lại chỉ dạy cho chúng con rằng “cha mẹ cho ta sanh mạng, còn cho ta huệ mạng là bằng hữu” được viết trong Quy Sơn cảnh sách và trong Kinh đại hạnh phúc nói phước đức của việc thân cận với người hiền đức. Nhờ sự đức độ lòng từ bi của những người thầy, người bạn mà lâu dần những chủng tử không tốt được chuyển hóa, những hạt giống yêu thương hạnh phúc nảy nở. Hòa thượng cũng chỉ dạy cho chúng con tu tập sao cho đúng pháp, chỉ rõ những sai lầm hiện tại dễ mắc phải, kinh nghiệm cải sửa và định hướng tu tập để chúng con dần dần phát triển, vững mạnh trong giáo pháp của đức Thế Tôn.
Qua những câu chuyện của TT. Giác Hoàng kể khi ngài có dịp thân cận với đức Đạt-lai Lạt-ma, một bậc vĩ đại của Phật giáo thế giới, khi tiếp đón chư Tăng Ni Việt Nam đã gọi thị giả lấy y để đắp cho giống các Tăng Ni Việt Nam. Câu chuyện trong bệnh viện, HT. Giác Toàn hỏi mượn Thượng tọa 5 triệu đồng để cho một người không quen biết. Chỉ qua lời kể của Thượng tọa mà con cảm nhận được ánh mắt hiền hòa, nụ cười ấm áp cùng sự yêu thương và lòng từ bi của quý ngài.
Những buổi tối trong thời sám hối, với những lỗi con cho là nhỏ nhặt nhưng với lời chỉ dạy của Thượng tọa và chư Tôn đức Tăng Ni trong Ban Quản chúng đầy bao dung, thấu hiểu đã chỉ cho con thấy những lỗi này sẽ ảnh hưởng như thế nào nếu còn mắc phải. Và cũng còn nhiều bài học quý báu của quý ngài khi chia sẻ những trải nghiệm trên con đường tu hành, những lúng túng, sai sót lúc mới đầu tu và cách để vượt qua. Và còn nữa, sự nhiệt huyết, tận tâm của quý Đại đức, Sư cô, ĐĐ. Minh Nhật, ĐĐ. Minh Phú, ĐĐ. Giác Ảnh, NS. Hòa Liên,… Và từ đâym sau khi rời khỏi nơi này, những lời chỉ dạy ấy, những hình ảnh mô phạm của các bậc thầy mãi là hành trang cho con trên con đường tu tập chuyển hóa đến bến bờ giác ngộ giải thoát.
Lời cuối cùng, với tất cả lòng thành kính và biết ơn sâu sắc nhất dâng lên quý ngài, con nguyện hồng ân Tam bảo gia hộ cho quý ngài thân khỏe, tâm an, mãi là bóng mát che chở cho đoàn hậu tấn chúng con.
Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật
Tập sự Ngọc Hựu, GĐ III
Trú xứ: Tx. Ngọc Túc, Đăk Pơ, Gia Lai
Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật
Con thành kính đảnh lễ các bậc Tôn túc Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni trong Ban Quản Chúng, cùng đại chúng đồng tu học.
Nay kết thúc hóa tu Bồi dưỡng đạo hạnh 10 ngày, con xin có đôi lời tác bạch với tâm thành kính dâng lên Ban Tổ chức, Ban Quản Chúng và đại chúng.
Khóa tu học Bồi dưỡng đạo hạnh chỉ có 10 ngày nhưng với con rất có ý nghĩa, đưa vào và đọng lại trong tâm trí con thật là sâu sắc những tấm gương, những bài học đáng trân quý. Đó sẽ luôn là hành trang trong suốt chặng đường tu tập của con mang theo.
Thời gian tu học 10 ngày, con đã có nhân duyên và phước báo được học, được lắng nghe từ các bậc Tôn túc, Thượng tọa, Đại đức Tăng - Ni trong Ban Tổ chức và Ban Quản chúng của khóa tu và các vị đồng tu từ Thức-xoa, Sa-di-ni, Tập sự ở các nơi về cùng tu tập. Con được nghe giảng về các pháp, được chỉ dạy giữ gìn oai nghi đi, đứng, ngồi, cách ăn uống, cách hầu thầy,… phương pháp thiền tọa, thiền hành, lễ lạy,… Tuy thời gian có hạn nhưng với sự đồng thuận, sự hòa hợp, lòng nhiệt tâm và trí tuệ, cách giảng dạy, giúp người sơ cơ mới vào Đạo như con cũng dễ thâm nhập, thấu hiểu và thấm nhuần dần dần giáo pháp của Phật, Chơn lý của Tổ - Thầy qua sự hành trì và hoằng dương chánh pháp. Kiến thức của con hôm nay thu nhặt được nhưng vài chiếc lá nhỏ so với rừng cây lớn Phật pháp, nhưng chỉ với bấy nhiêu của buổi ban đầu tu học cùng sự dẫn dắt của các bậc đại thiện trí thức cũng giúp cho con rất nhiều, ví như áng sương mù được xóa dần và sẽ tan biến khi ánh mặt trời bắt đầu tỏ rạng.
Ngang qua khóa tu, từ giáo lý của Phật đã rất lâu xa đi qua nhiều thế kỷ được trí tuệ cao siêu của đức Tổ sư Minh Đăng Quang trải nghiệm và đúc kết để lại trong Chơn lý với tâm nguyện xiển dương Nối truyền Thích-ca Chánh pháp, cho đến hôm nay qua khóa tu học này, con được nghe - hiểu - biết thêm về có một Hệ phái Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, lấy “trí tuệ” làm sự nghiệp, lấy “từ bi” làm lẽ sống, giữ gìn đời sống Phạm hạnh, tu tập theo “giới - định - tuệ”, sống “thiểu dục tri túc”, chỉ tam y - nhất bát tùy thân, ngày một ngọ muối dưa đạm bạc, nêu cao việc giáo hóa độ sinh hướng thiện làm lành.
Ngang qua khóa tu, hình ảnh qua cuộc đời, đạo nghiệp của đức Tổ sư và đức Nhị Tổ Giác Chánh với đức hạnh, trí tuệ đã khắc ghi vào tâm trí con những cây cao bóng cả. Trong các bài giảng của Tôn đức, con có thể hình dung những hình ảnh Tăng sĩ, đoàn Du Tăng Khất sĩ áo vàng khoát y mang bát, chân trần khoan thai có thể gặp bất cứ nơi đâu, đi trên đường từ làng mạc thôn quê ra thành thị, thể hiện người Khất sĩ giới thể trang nghiêm, thanh thoát xa trần tục. Mỗi vị Tôn đức chia sẻ kinh nghiệm tu học mà mình đã trải nghiệm trong nhiều chục năm qua, đó là những bài học giá trị đáng để nói cho nhau nghe, đáng nhớ và đáng để thực hành theo.
Ngang qua khóa tu, con lại thấy được những tấm lòng của người Phật tử áo trắng, những cô chú phục vụ nước cả ngày, các cô sớm chiều chăm chút phần ẩm thực luôn nhiệt tâm, hòa ái phụng sự. Thật đáng kính quý! Lại nữa, trưa ngày 25/6/2022 dl, thật là xúc động! Nhóm Phật tử cúng dường Ngọ trai tụng kinh trong niềm xúc cảm nấc nghẹn khi nghĩ tưởng đến bậc Tôn túc cố Hòa thượng Giác Lai. Trong cuộc sống đời thường, họ bị thất bại, nản chí, mất phương hướng nhưng lúc đó họ được sự động viên, khuyến khích từ cố Hòa thượng và chư Tôn đức Tăng, nên không quên tu tập, bố thí, cúng dường hành thiền để được thay đổi đời mới hạnh phúc như hôm nay.
Người con Khất sĩ theo bước chân của đức Tổ sư vừa tu tập vừa giáo hóa chúng sinh là điểm tựa cho chúng sinh. Con tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm trong khóa Bồi dưỡng đạo hạnh trong 10 ngày này tuy không nhiều vì đây là lần đầu con được tham gia nhưng cũng giúp cho con có phương hướng tu tập sẽ tốt đẹp hơn. Con nguyện luôn cố gắng học thật tốt và hành với những gì con được tiếp thu để rồi con sẽ dần dấn từng bước tiến lên các lớp trên, xứng đáng không phụ thâm ân Tam bảo, chư Tổ Thầy truyền trao giáo pháp, như ý nghĩa của một đoạn trong bài Chơn lý “Khất sĩ” mà con tâm đắc nhất:
“Đạo Khất sĩ là chơn lý chánh pháp của trường võ trụ, là đạo Bát chánh Niết-bàn, không bậc Hiền Thánh nào dám khinh rẻ, không kẻ quỷ ma nào được thấu đạt, chánh giáo cao siêu hơn hết. Kẻ hành đúng sẽ thành Phật, người hành trật sẽ làm ma. Thật là quý nhứt trong đời. Tuy lý sự hiển nhiên như mọi bữa, mà ít ai lưu tâm trụ ý nghĩ soi nhìn, cùng dám hy sinh hành đạo. Vậy nên nay bằng sớm mà ta hiểu được, đến chiều có thác dạ cũng vui mừng. Dầu người đã tuổi hơn trăm, may mặc được áo Khất sĩ giải thoát trong một thời cũng là duyên may mắn cho bước chân ngàn đời, nay đã định. Áo giải thoát mà vua quan Trời Thần không thể có, mặc nó vào nhẹ tợ lông hồng, trôi bay khắp võ trụ non sông, ai mà lại chẳng mong cầu ước muốn?”
Con thành tâm kính ngưỡng và tri ân đến các bậc Tôn túc, các bậc đại thiện tri thức luôn là những cây cao bóng mát thọ trường để chúng con nương tựa. Cuối lời, con xin kính cầu chúc Ban Tổ chức, Ban Quản chúng có nhiều sức khỏe, kính chúc các vị đồng tu luôn an lạc, tăng tiến trên đường hành đạo.
Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật
Phật tử Ngọc Được
Trú xứ: Tx. Ngọc Phật, Khánh Hòa
Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật
Con xin có đôi lời cảm tưởng và tri ân ngắn kính dâng lên quý ngài. Trong thời gian tu học qua, con đã vô cùng cảm kích tấm lòng Bồ-tát sâu rộng và công đức vô lượng mà quý ngài dày công tổ chức cho chúng con tu học.
Mô Phật! Quả đúng như vậy, bao nhiêu năm lăn lộn ngoài đời, tranh đua cho lẽ sống thế gian, cõi ta-bà đầy uế trược, con thấm thía với chữ “khổ.” Dù gặp bao nhiêu ngang trái, khổ sở nhưng con chỉ biết chịu đựng hoặc vùng vẫy yếu ớt, đôi lúc làm được việc gì cũng có tự mãn một chút nhưng rồi vẫn thấy mình quá nhỏ bé, bơ vơ muốn tìm điểm tựa mà chao ôi, thật mịt mù!
Mỗi ngày, sớm tối dâng kinh lễ Phật, con rất kính phục tôn sùng đức cả bao la của chư Phật, của đức Tổ sư nên đã phát tâm: “Nguyện hộ pháp với tận sức mình.”
Đến khóa tu này nhờ có phước duyên nên niềm tin và sự nhận thức rõ ràng. Việc học pháp con biết mình còn non yếu, pháp Phật thâm sâu vi tế lắm nhưng tâm con xốn xang, hân hoan như người bệnh được cam lồ, như tối gặp ánh sáng. Cũng nhờ 10 ngày tu tập ở đây, con cũng phá tan được một chút vô minh, tập khí xấu xa, giúp con thành người hoàn thiện hơn. Con thật mừng!
Được nghe các vị đạo hạnh sâu dày chỉ dạy, con vẫn cố gắng tập theo. Ở đây, hôm nay và mãi về sau, xin khắc ghi những lời vàng ngọc và nguyện cố công tu học tinh tấn hơn, đồng luôn cầu nguyện cho chư Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức lèo lái con thuyền Chánh pháp, đưa chúng sanh đến bờ an vui. Cầu mong quý Phật tử hộ trì khóa tu luôn khỏe mạnh, tinh tấn tu tập và phụng sự.
Đồng thời trong thời gian vừa qua vì chưa biết nhiều, cùng sức khỏe không tốt, nên không sao tránh khỏi lỗi lầm, con xin thành tâm sám hối, kính xin trên Tam bảo cùng đại chúng từ bi hỷ xả cho con, con nguyện khắc phục và tri ân.
Phật tử Ngọc Được thành tâm lễ tạ.
Phật tử Ý Ngọc
Trú xứ: Pháp viện Minh Đăng Quang
Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật
Ngày hôm nay được học hỏi đạo hạnh
Gặp những tiểu còn thơ ngây trong sáng
Dám bỏ đời để theo đường cao cả
Phủi tóc xanh để làm người xuất gia
Để sống đời Khất sĩ Du Tăng-già
Làm Khất sĩ tu hành chuyên khất thực
Lấy khất thực để nuôi sống thân tâm
Để đánh dẹp cái tâm kiêu căng
Để đánh tan tham sân si mê lầm
Vì do đâu mà đến nỗi như vậy
Do nhiều kiếp trả vay đều không biết
Do ngạo mạn kiêu căng từ vô thỉ
Do vô minh không tin lý nhân quả
Mượn của người mà không chịu trả lại
Cứ lần hồi mãi không chịu buông tay
Để vô thường tới rồi thì đã muộn
Có kêu la van xin thì còn gì
Chính vì vậy ngay khi được thân người
Thêm đầy đủ các căn và mọi thứ
Phải quý trọng từng giây phút trôi qua
Phải quý trọng những gì mình đang có
Đừng phí phạm để mai này hối hận
Dành thời gian để tu tâm học Phật
Dành thời gian để nghe thầy giảng pháp
Dành thời gian để thực tập cùng chúng
Đừng nhìn người mà suy xét này nọ
Mà nhìn người để mà học mà hành
Đừng khinh khi hay rêu rao chê bai
Đặng mà để sửa đổi tâm tánh mình
Để trở thành người hoàn thiện ích đời
Như tiểu đây với nụ cười vô tư
Hôm nay đây con đã được phước duyên
Nghe minh sư thuyết trong giờ tu học
Lớp bồi dưỡng đạo hạnh hàng xuất gia
Dạy chúng con những bài học hữu ích
Những công ơn từ Tổ Thầy khai sáng
Đến những vị Trưởng lão bước Du Tăng
Đi khắp nơi để hoằng dương chánh pháp
Thâu đệ tử lập tịnh xá nơi nơi
Để tất cả mọi người được gần đạo
Cho những ai yêu thích đạo thiện lành
Không phân biệt màu da và dân tộc
Không phân biệt xứ sở và ngôn ngữ
Không phân biệt người già hay trẻ nhỏ
Chỉ cần bạn phải làm được điều này
Là tin tưởng, ham học và tinh tấn
Là buông bỏ tất cả ngoài nhân thế
Là kham nhẫn chịu cúi đầu hạ mình
Là dẹp bỏ cái tôi đầy ngạo nghễ
Là dẹp bỏ sự tốt đẹp giàu sang
Là sống đời Khất sĩ và Du Tăng
Với châm ngôn đầu trần chân không dép
Mặc y vàng ôm bát mà khất thực
Xin bát cơm của nghìn nhà xa lạ
Không buồn vui khi cơm ngon hay dở
Mà chỉ cần đặng no lòng tu học
Để mai sau trở thành người tiếp bước
Như Tổ Thầy ngày xưa đã tạo dựng
Để chúng con hậu thế chẳng dám sai
Xin y giáo phụng hành mà tiếp nối
Tạm biệt nhé khóa bồi dưỡng đạo hạnh
Khóa tu hành trau dồi đạo thêm nhiều
Bồi công đức để con thêm vững chắc
Dưỡng tinh thần vững cho tương lai
Đạo trong tâm thân lớn khỏe mai sau
Hạnh chuyên cần dồi mài không ngừng nghỉ.
Các bài viết liên quan
- TP.HCM: Khai mạc khóa Bồi dưỡng Đạo hạnh lần thứ 7 tại Trường hạ Tịnh xá Ngọc Phương - Thứ Năm, 08:32 24-08-2023 - xem: 161 lần
- Cảm niệm khóa tu Bồi dưỡng đạo hạnh Hệ phái Khất sĩ, lần thứ 8, của hành giả Ni - Thứ Năm, 08:38 10-08-2023 - xem: 266 lần
- Cảm niệm khóa tu Bồi dưỡng đạo hạnh Hệ phái Khất sĩ, lần thứ 8, của hành giả Tăng - Thứ Hai, 16:00 07-08-2023 - xem: 331 lần
- Bế mạc khóa tu Bồi dưỡng đạo hạnh Hệ phái Khất sĩ lần thứ 8 - Thứ Bảy, 07:20 05-08-2023 - xem: 352 lần
- Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh Hệ phái Khất sĩ lần thứ 8, ngày thứ 9 - Thứ Sáu, 08:23 04-08-2023 - xem: 309 lần
- Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh Hệ phái Khất sĩ lần thứ 8, ngày thứ 8 - Thứ Tư, 18:36 02-08-2023 - xem: 290 lần
- Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh Hệ phái Khất sĩ lần thứ 8, ngày thứ 7 - Thứ Ba, 19:04 01-08-2023 - xem: 362 lần
- Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh Hệ phái Khất sĩ lần thứ 8, ngày thứ 6 - Thứ Hai, 09:33 31-07-2023 - xem: 437 lần
- Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh Hệ phái Khất sĩ lần thứ 8, ngày thứ 5 - Thứ Hai, 09:11 31-07-2023 - xem: 287 lần
- Khóa tu bồi dưỡng đạo hạnh Hệ phái Khất sĩ lần thứ 8, ngày thứ 4 - Chủ Nhật, 09:13 30-07-2023 - xem: 302 lần
- Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh Hệ phái Khất sĩ lần thứ 8, ngày thứ 3 - Thứ Sáu, 10:21 28-07-2023 - xem: 650 lần
- Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh Hệ phái Khất sĩ lần thứ 8, ngày thứ 2 - Thứ Năm, 07:54 27-07-2023 - xem: 695 lần