CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

TP.HCM: HT. Giác Pháp thăm và sách tấn chư hành giả khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9

Ngày thứ 5 của khóa BDĐH lần thứ 9, sáng 17/7/2024 (12/6/Giáp Thìn), HT. Giác Pháp - Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng ban Nghi lễ TƯGH, Phó Thường trực Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, Phó ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Tri sự trưởng GĐ.V, đã có chuyến thăm, sách tấn và chia sẻ về những kinh nghiệm tu tập đến chư hành giả khóa tu.

Hòa thượng cho rằng, đồi với quy định của Hệ phái, những vị nào đã trở thành Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, mới được gọi là người xuất gia chính thức, còn nếu chỉ là Sa-di, Sa-di-ni, dù đã tu tập trải qua bao nhiêu năm, nhưng vì chưa thọ đủ giới luật, thì vẫn chỉ được xem là những vị Tập sự, những người tập tu. Do đó, để bước vào đời sống xuất gia chính thức, các vị Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự cần những điều kiện nhất định cùng với sự chuẩn bị đầy đủ để bước vào hàng xuất gia chính thức.

Hòa thượng khẳng định: “Dẫu ở độ tuổi nào, dù là thiếu niên xuất gia, thanh niên xuất gia, trung niên xuất gia, hay lão niên xuất gia, thì khi mới bước chân vào đạo cũng cần đi từ cấp bậc Tập sự, Sa-di, Sa-di-ni. Sau đó, trải qua quá trình 2 năm làm quen, hành trì, thực tập trong giáo pháp căn bản, vị hành giả mới tiến lên Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, làm người xuất gia chính thức. Đây cũng là quá trình một hành giả chuẩn bị hành trang cần thiết trong pháp học lẫn pháp hành, để xác định được đường đi đúng đắn trên lộ trình tu tập khi làm người xuất gia chính thức của mình. Nếu không có sự chuẩn bị, vị hành giả sau khi chính thức đứng trong hàng ngũ Tăng đoàn, sẽ trở nên một vị tu hành thụ động, không mang lại lợi lạc cho con đường giáo pháp của chính mình, cũng chẳng thể phụng sự nhân sinh”.

Do đó, theo Hòa thượng, người xuất gia là người trước hết phải đề cao ý thức trách nhiệm, trọng trách của bản thân trên con đường tầm cầu đạo giải thoát. Điều này nghĩa là phải có sự chuẩn bị các hành trang cần thiết để thăng tiến trong tu tập, ngay từ những buổi đầu nhập đạo. Hành trang ấy là gì? Theo Hòa thượng, một vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni không chỉ có hiểu biết là đủ, mà quan trọng hơn hết còn cần phải biết dung hòa giữa trí và đức, đầy đủ oai nghi phẩm hạnh của một vị Tăng Ni xuất gia. Cụ thể, người xuất gia để trở thành một vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni cần phải trải qua các điều kiện theo thứ lớp sau:

  • Phải có hạnh đức oai nghi.
  • Phải biết thứ bậc để tu tập để tránh sự xáo trộn, loạn động khi hành trì tu tập.
  • Có sự tinh tấn, tinh cần, siêng năng hành trì, tu sửa thói quen, tránh sự biếng nhác.
  • Từ đó, nâng cao nhận thức, trình độ Phật học.

Hòa thượng chỉ rõ, sở dĩ yếu tố “hạnh đức oai nghi” được xếp lên hàng đầu, là vì một vị xuất gia làm Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nếu không có phẩm hạnh và oai nghi giới đức, dù đã chính thức xuất gia bao lâu cũng không khác gì người thế tục, do đó không thể xứng đáng đứng vào hàng Tăng đoàn. Như Tổ Quy Sơn dạy: “Vị am pháp luật, tập liễm toàn vô. Hoặc đại ngữ cao thanh, xuất ngôn vô độ. Bất kính thượng, trung, hạ tọa, Bà-la-môn tụ hội vô thù. Uyển bát tác thanh, thực tất tiên khởi. Khứ tựu quai dác, tăng-thể toàn vô. Khởi tọa chung chư, động tha tâm niệm. Bất tồn ta ta quỹ tắc, tiểu tiểu uy nghi”, tức nói vị tu sĩ chưa quen pháp luật, không chút ràng buộc, hoặc cao tiếng, nói to, nói không chừng mực, không kính bậc trưởng thượng, không khác gì những người Bà-la-môn tụ họp, tức người thế tục hội họp, khi ăn, chén bát chạm nhau thành tiếng. Ăn xong, dậy trước, lui tới trái phép, không còn chi là thể thống của vị Tăng. Ngồi xuống, đứng dậy lăng xăng, động tâm người khác, đó là người không khuôn phép, không biết giữ oai nghi.

Tổ sư Minh Đăng Quang dạy rằng: “Phật dạy, khi Sa-di đúng 20 tuổi, nếu muốn thọ đủ giới, nếu hỏi mà không đáp được tròn bổn phận của Sa-di thì không nên cho thọ giới đủ. Vì người làm Sa-di mà không biết bổn phận Sa-di thì việc Sa-môn rất lớn, e khó làm được. Xin hãy học hạnh cho chín, nghe biết cho đầy đủ, mới nên cho thọ giới đủ”. Theo đó, Hòa thượng nhắc lại những hạnh của Sa-di bao gồm: Môn oai nghi, Mười giới Tập sự Sa-di, Sa-di thờ Thầy, Theo Thầy ra đi, Vào chúng, Theo chúng ăn, Lạy kỉnh, Nghe pháp học kinh, Tiếp chuyện cùng người thế, Làm việc, Vào nhà tắm, Vào nhà tiêu, Nằm ngủ, Ở trong phòng cốc, Đến chùa Ni Cô, Đến nhà Người, Khất thực, Vào xóm đông nhà, Làm việc chớ nên tự ý, Đi các chỗ học đạo, Sa-di phải biết rằng, Những câu chú nguyện.

Đồng thời, Hòa thượng cũng nhấn mạnh: “Như Đức Tổ sư đã dạy rõ, không chỉ học thuộc để biết các hạnh của một vị Sa-di, mà trên hết, hành giả cần phải thực tập hành trì y theo từng hạnh đã được học, lấy đó làm gương sửa mình, tạo nên hạnh đức oai nghi cho người xuất gia. Từ hạnh đức oai nghi với sự thuần thục được thể hiện ra thân tướng, vị xuất gia lúc này mới tự nhiên cảm hóa được người khác, làm tăng lòng kính tin Tam bảo trong hàng cư gia, cũng là làm phát triển cho ngôi nhà đạo pháp. Ngược lại, thiếu oai nghi hạnh đức sẽ như Tổ sư dạy, vị ấy phải chịu bị cư gia bá tánh hủy mạ”.

Đối với thứ bậc tu học, Hòa thượng chỉ rõ, trong 05 năm đầu khi mới bước vào đạo, hành giả cần miên mật tu học về giới luật, 05 năm kế tiếp mới tiến hành thính pháp và tham thiền. Tổ Quy Sơn dạy: “Tỳ-ni pháp tịch tằng vị thao bồi, liễu nghĩa thượng thừa, khởi năng yên biệt”, tức chưa từng tham dự, gần gũi những nơi giảng pháp, giảng luật, những trường Phật học, làm sao phân biệt được liễu nghĩa của kinh giáo thượng thừa? Do đó, khi bước vào xuất gia, bên cạnh việc trau dồi hạnh đức oai nghi của người Sa-di cho thuần thục, hành giả còn phải chuyên trì, đọc tụng, tìm hiểu, nắm vững về giới luật. Nếu không tuân theo như vậy thì như lời Tổ Quy Sơn dạy: “Vị am pháp luật, tập liễm toàn vô”, tức chưa am hiểu giáo pháp và giới luật nên sự chế ngự thân tâm hoàn toàn không có, dẫn đến bị lôi kéo bởi các trần mà xa rời khỏi giáo pháp.

Theo Hòa thượng, giới và luật chính là nền móng để Phật pháp được trường tồn lâu dài, là thọ mạng của Phật pháp, chứ không chỉ nằm ở sự xuất sắc trong học thức, bằng cấp. Như Đức Phật dạy: “Giới luật còn thì đạo Phật còn, giới luật mất thì đạo Phật mất”.

Tổ sư dạy trong Chơn lý: “Nếu kẻ còn quấy ác, hiếu học, thông minh mà luyện tập tư tưởng ắt cũng được linh thiêng, nhưng kẻ ác linh thiêng là không có trí huệ vì tự cao mà sanh ra quỷ quyệt, là tà ác, sái đạo. Vậy nên ai muốn tu chánh định để đến với Niết-bàn thì trước phải tu tập phước thiện nuôi trí, học hạnh chơn lý, mở trí thông minh, tập làm giữ giới, sau lần chắc vững sẽ đi ngay vào trong nhà Phật. Cần nên hiểu biết, sự tu hành là mãi mãi, đời đời, là nơi cuối chót của quảng đường dài mà ta kết thúc, chứ không phải ra vào lui tới thông thường hay là sự kết quả trong một ngày, hai ngày, giây lát, hay lúc làm Phật, lúc lại làm ma. Người ở đời nếu không tu thì khó sống an vui mà tu sái phép thì lại càng khó sống an vui hơn nữa”.

Ở đây, ý pháp của Tổ sư nhằm nhấn mạnh, kẻ ác dẫu có tu được thần thông quả linh, đó cũng chỉ là giả, tự cao sanh ra quỷ quyệt, đó là tà ác, sái đạo. Như vậy, việc cần của người xuất gia là phải học cho thật kỹ lượng, giữ hạnh cho oai nghi, tuân thủ giới và luật cho thật nghiêm mật, nếu không cũng chỉ là người không biết tu, hay tệ hơn là người tu sai đường.

Khi đã có đầy đủ hạnh đức, oai nghi, nghiêm trì giới luật, lấy giới luật phòng hộ thân tâm, Hòa thượng sách tấn hành giả phải tiếp tục tinh tấn, tinh cần, siêng năng hành trì, tránh sự chểnh mảng, sanh tâm tự cao mà lơ là việc tu tập để bị thụt lùi trong giáo pháp. Tổ Quy Sơn nói: “Tích niên hành xử, thốn bộ bất di. Hoảng hốt nhất sinh, tương hà bằng thị. Huống nãi, đường đường Tăng tướng, dung mạo khả quan. Giai thị túc thực thiện căn, cảm tư dị báo. Tiện nghĩ, đoan nhiên củng thủ, bất quý thốn âm. Sự nghiệp bất cần, công quả vô nhân khắc tựu”, tức hàm ý nói tánh lười nhác cho đến nay vẫn vậy, không thay đổi, cứ như vậy kéo suốt một đời lấy gì nương tựa, huống chi là một vị Tăng Ni vốn có nhân lành từ đời trước mà được dung mạo oai nghi tốt lành, hà cớ sao cứ ngồi thẳng khoanh tay mà không biết tiếc từng khắc thời gian. Sự nghiệp mà không siêng năng, cần mẫn, nỗ lực tinh tấn thì làm sao thành tựu đạo nghiệp cho được.

Hòa thượng cũng chỉ rõ, khi bước vào tu tập, hành giả thường vấp phải 5 triền cái, tức những loại ma chướng cản trở, che đậy trí tuệ, làm chướng duyên ngăn đạo. Đó là: Tham dục, sân hận, hôn trầm, phóng tâm, hoài nghi. Tổ sư dạy rõ, thấy sắc mà cho là đẹp chính là nhân sanh tham dục; thấy cảnh nghịch mà cố giận là nhân sanh của sân hận; không vui, lười biếng, không thay đổi oai nghi, tham ăn, giải đãi, là nhân sanh của hôn trầm; lòng không an tịnh là nhân sanh của phóng tâm; sự không xem xét và ghi nhớ là nhân sanh của Hoài nghi. Cần phải nỗ lực hàn phục 5 sự ràng buộc, trói cột, chướng ngại này bằng công phu tu tập, có như vậy mới đi đến sự tinh tấn dõng mãnh trên con đường tu tập.

Cuối cùng, hành giả cần nâng cao nhận thức. Theo Hòa thượng, khế hợp với nhu cầu của thời đại, ngày nay nhiều vị Tăng Ni của HPKS, khi chưa xuất gia hay mới vào xuất gia, đã được cho theo học tại các trường Trung cấp Phật học, lên đến Cao cấp, thậm chí đi nước ngoài du học. Song, vì chưa thấu đạt ý nghĩa thật sự của người Khất sĩ, những hạnh nguyện, nếp sống tu tập, truyền thống và tôn chỉ của Hệ phái, sau thời gian học quay về lại vì kiến thức sở học, vì kiến thức đã có mà sanh tâm coi thường các truyền thống, nếp sống tu tập, đời sống Phạm hạnh thanh bần của Hệ phái.

Khép lại thời khóa, Hòa thượng một lần nữa nhấn mạnh: “Theo lộ trình tu tập, Tổ sư mới dạy rõ cần giữ oai nghi tế hạnh, nghiêm trì giới và luật, tinh cần tu tập, sau khi thuần thục tất cả mới đến việc mở mang nhận thức, kiến thức theo yêu cầu của thời đại, nâng cao sự học của mình. Đó chính là những hành trang, điều kiện để một Tập sự tu tập trở thành một người xuất gia chính thức, có làm được như vậy, vị hành giả ấy mới dung hòa được tài và đức, mới đầy đủ năng lực đi đến sự thành tựu trong giáo pháp Tổ Thầy và phụng sự cho nhân sinh”.

 

Một số hình ảnh tại buổi giảng:

 

 

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan