CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

TP.HCM: Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 ôn lại “Những gương hạnh của bậc xuất gia”

Sáng 16/7/2024 (11/6/Giáp Thìn) ngày thứ 4 của khóa BDĐH lần thứ 9, toàn thể hội chúng đã được lắng nghe chia sẻ về “Những gương hạnh của bậc xuất gia”, dưới sự chủ trì của ĐĐ. Minh Nhật - Thành viên Ban Quản chúng, đảm trách hướng dẫn chư hành giả khóa tu về ngồi thiền, tụng kinh và một số kinh nghiệm tu tập khác.

Nói đến vấn đề gương sáng của đời sống xuất gia, tức nói đến sự oai nghi tế hạnh, sự nghiêm trì giới - định - tuệ, đức tính từ bi, sự nkham nhẫn - nhẫn nại, hạnh vị tha cũng như tinh thần phụng sự nhân sinh… ĐĐ. Minh Nhật khẳng định: “Tất cả những điều này đều là nếp sống tu tập mà người xuất gia cần phải hành trì và là những nếp sống rất đẹp của đạo Phật, đã được thực chứng qua hình ảnh của Tăng đoàn thời Đức Phật nói chung và hình ảnh của các bậc Đức Thầy tiền nhiệm cùng chư Tôn đức hiện tại của HPKS nói riêng. Từ những gương hạnh ấy có thể giúp hành giả, đặc biệt là các vị mới xuất gia củng cố hơn nữa đức tin và xác định đường đi, ‘đặt đúng hướng’.

Như Phật dạy trong kinh Tăng chi rằng, nhờ vị đã xuất gia đi trước đặt đúng hướng, hành giả mới xuất gia sau, nhất định sớm hay muộn cũng sẽ thành tựu được sự giác ngộ, dứt trừ các khổ đau. Theo Đại đức, một hành giả khi đã quyết định xuất gia nương nơi Phật - Pháp - Tăng mà tu tập cầu giải thoát, tức bước đầu đã có đặt niềm tin mạnh mẽ nơi Đức Phật. Tuy nhiên, nếu chỉ tin vào Phật mà chưa thực sự am hiểu giáo pháp, tức lời dạy của Ngài, chưa thực sự noi theo sự chỉ dạy của bậc Thầy đi trước, kính trọng Tăng bảo, thì lòng tin ấy dù mạnh mẽ vẫn rất mơ hồ, là lòng tin chưa chân thật.

Trong bài kinh số 82 thuộc kinh Trung bộ - Kinh Ratthapàla, kể về vị Ratthapàla con trai độc nhất trong một gia đình giàu có, nghe tiếng đồn tốt đẹp về Đức Thế Tôn rằng: “Đây là đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Ngài với thắng trí tự thân chứng ngộ thế giới này cùng với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, các loài Trời và Người”, đã cùng những vị Bà-la-môn khác tìm tới nghe pháp của Đức Phật. Sau đó, vì sự cảm mến và thấu ngộ lời dạy của Đức Phật mà phát khởi tâm nguyện mạnh mẽ, thà chết vẫn xin gia đình cho đi xuất gia theo Đức Phật. Cuối cùng, dưới sự chỉ dạy phạm hạnh của Đức Thế Tôn, không bao lâu, vị Ratthapàla này thành tựu được quả vị Thắng Trí, thành tựu được đời sống phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, đó là Thánh đạo quả A-la-hán.

Thông qua những mẩu chuyện trong quá trình tu tập và hình ảnh đức hạnh của Tôn giả Ratthapàla, Đại đức khẳng định: “Đừng tìm gương hạnh, gương sáng ở bất kỳ đâu xa xôi, mà hãy nhìn ngay trong mỗi bài kinh chư hành giả được học, hay ngay trong đời sống của mình. Như bài trên, dẫu vị Ratthapàla đã thành tựu đạo quả nhất định, song khi muốn quay về nhà độ cha mẹ mình, vị này vẫn đến thưa trình với Đức Thế Tôn, xin Ngài cho phép và nếu được phép mới quay về. Hay, dẫu có xuất thân giàu có, khi quay về vị Ratthapàla vẫn nghiêm trì oai nghi của người xuất gia, không tiếp nhận và xa lìa của cải, sắc dục. Ngang qua đó có thể thấy được gương hạnh của những bậc thành tựu giản đơn như thế nào. Sự giản đơn ấy xuất phát từ ngay những lễ giáo, oai nghi trong sinh hoạt thường nhật của chư hành giả. Do đó, noi theo gương hạnh nghĩa là mỗi người chúng ta nên tự trau dồi, tu sửa, nếp sống sinh hoạt tu tập của mình, đó cũng chính là sự rèn dũa giới đức của chính mình”.

Theo Đại đức, giới có được đẹp hay không là do bởi đời sống phạm hạnh nội tâm của mỗi hành giả xuất gia. Trong đời sống thực tế ngày nay, con người có xu hướng thích được vuốt ve, chiều chuộng, coi trọng và công nhận. Đó là những đặc tính của sự tham ái, chấp ngã, sân hận, cần được nhận diện, hiểu rõ và chuyển hóa để loại bỏ trong đời sống tu tập. Tổ sư cũng dạy rõ trong Chơn lý rằng, bước vào xuất gia, điều trước nhất là phải bỏ đi tánh chấp ngã, dâng trọn tâm ý cho vị Thầy Bổn sư, từ đó vâng theo để nghiêm trì tu tập thân - khẩu - ý cho oai nghi, chớ dễ vui mới giữ được tâm định tĩnh, làm chủ được chính mình, xả bỏ các ái dục, tham chấp.

Khép lại thời khóa, Đại đức chỉ rõ: “Mỗi tối, vào cuối thời khóa, chư hành giả thường thực hành sám hối, sự sám hối ấy nhằm để mỗi hành giả tự có sự ghi nhận, quán xét những hành vi trong sinh hoạt của mình. Đồng thời, không chỉ dừng ở sự ghi nhận, phát lời sám hối một cách hình thức, mỗi hành giả cần có sự phân tích, nhìn nhận mức độ tốt xấu, đúng sai trong mỗi hành vi ấy, đi đến phát nguyện thay đổi và phải có sự chuyển biến, sửa đổi ngay tức thời. Đó mới gọi là người xuất gia tu tập, với tâm cầu đạo một cách thiết tha. Như một vị Thiền sư từng nói: ‘Trí tuệ đến với những người luôn luôn tỉnh giác. Vị đó cần phải tỉnh giác từ lúc thức dậy cho đến khi nằm ngủ’, ý chỉ sự tỉnh giác phải liên tục không gián đoạn như vậy hành giả mới không rời bỏ chính mình, không để cho các phiền não, nhiễm ô có khoảnh khắc xen tạp vào”.

Bên cạnh đó, Đại đức cũng sách tấn chư hành giả, những người mới bước chân vào đạo, nên hạn chế lời nói để tránh tâm bị phóng dật, nâng cao sự tập trung bằng việc trau dồi kiến thức Phật học, tìm đọc, suy ngẫm Chơn lýLuật nghi Khất sĩQuy Sơn cảnh sáchBát đại chánh giác, làm trưởng dưỡng nguyện lực, tăng cường sự vững chãi của tín lực - định lực - nguyện lực, sau mỗi thời khóa.

 

Một số hình ảnh tại buổi giảng:

 

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan