CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

TP.HCM: “Pháp vi tế của người học trò Khất sĩ” được giảng tại khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9

Đây là đề tài chia sẻ của ĐĐ. Giác Thống - giáo thọ khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9, đang diễn ra tại Pháp viện Minh Đăng Quang (TP.Thủ Đức, TP.HCM), trong sáng 18/7/2024 (13/6/Giáp Thìn).

Theo đó, ĐĐ. Giác Thống trong buổi nói chuyện thuộc khuôn khổ khóa tu, đã chia sẻ cùng các vị tu sĩ trẻ về 5 pháp cái, được Đức Tổ sư Minh Đăng Quang dạy trong Chơn lý “Pháp vi tế”, thuộc Luật nghi Khất sĩ.

Đại đức nhấn mạnh về ham muốn và 6 phép đoạn trừ đã được Đức Phật dạy, bao gồm: phải học phép thiền định về vật bất tịnh, phải chăm chỉ tưởng nhớ vật bất tịnh, phải thu thúc lục căn, phải tiết chế ăn uống, phải thân cận cùng các bậc thiện tri thức, phải hằng nói lời dịu ngọt.

ĐĐ. Giác Thống qua đó chỉ ra nguyên nhân của ham muốn chính “thấy sắc mà cho là đẹp”. Trong 6 cách đoạn trừ tham dục, Đại đức nhấn mạnh đến việc thân cận các bậc thiện tri thức và hằng nói lời dịu ngọt. Gần bậc đáng kính sẽ giúp mình trưởng dưỡng đạo tâm, học hỏi và được ảnh hưởng bởi các vị ấy. Điều này cũng được Đức Phật dạy trong kinh Phước đức, “Cung kính bậc đáng kính/ Là phước đức lớn nhất”. Các bậc đáng kính, đó có thể là thầy, là bạn, là những vị miên mật học pháp, hành pháp… Lời dịu ngọt (tức ái ngữ) cũng là một pháp hành giúp thân tướng đoan nghiêm, nội tâm từ ái. Từ lý đến sự là một thể viên dung, y báo, chánh báo nương nhau biểu hiện.

Về sân hận, “thấy cảnh nghịch mà cố giận là nhân sanh oán hận”. Về 6 phép đoạn trừ sân hận, gồm phải học đề mục về lòng bác ái, phải cố gắng niệm đề mục thiền định về lòng bác ái, phải xem xét cho tỏ rõ, tất cả chúng sinh đều có nghiệp báo riêng, phải tinh tấn xem xét cho tường mấy điều kể trên và đặc biệt, 2 phép đoạn trừ cuối, cũng giống như cách thức đoạn trừ ham muốn là phải thân cận cùng các bậc thiện tri thức, phải hằng nói lời dịu ngọt.

Đối với 3 pháp cái còn lại, gồm: hôn trầm, phóng tâm, hoài nghi, 6 phép đoạn trừ, đều có chung 2 điều kiện: phải thân cận cùng các bậc thiện tri thức, phải hằng nói lời dịu ngọt.

Từ đó, Đại đức kết luận giá trị to lớn của việc “ăn cơm có canh, tu hành có bạn”, tức là nương tựa, học hỏi thầy, bạn tốt trên bước đường tu cũng như việc thực hành ái ngữ, tránh khẩu nghiệp dắt dẫn mình đi vào chỗ tối tăm, phiền não.

Dịp này, Đại đức cũng chia sẻ về kinh Trung bộ 46 - Đại kinh pháp hành được Đức Phật thuyết giảng tại tịnh xá Kỳ Viên cho các vị Tỳ-kheo. Để thực hành kinh này, theo Đại đức giáo thọ, đối với các bậc thánh, chân nhân cần phải thân cận, thuần thục pháp và tu tập pháp của các vị ấy. Đại đức nhấn mạnh: “Khi biết rõ pháp thì hành giả sẽ nhận diện được đối tượng thân cận để thân cận, đối tượng phục vụ để phục vụ và ngược lại”.

Qua bản kinh, Đại đức cũng chia sẻ về 2 hạng người, một là “vô văn phàm phu” - do thiếu trí tuệ nên không nhận biết và thực hành việc thân cận bậc thánh, ngược lại là bậc đa văn thánh đệ tử.

Qua bài chia sẻ, Đại đức khuyến hóa các vị tu sĩ trẻ cần tu tập thất giác chi (niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, xả), “bảy giác chi được tu tập sẽ đưa đến đoạn tận các pháp có khả năng sanh kiết sử” (theo kinh Tương ưng bộ). Bên cạnh đó nỗ lực tu tập bát chánh đạo (chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định), tứ niệm xứ (quán thân, thọ, tâm, pháp).

 

Một số hình ảnh tại buổi giảng:

 

 

 

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan