CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Tu học trong khóa tu Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 14

Hôm nay, đại chúng bước vào ngày thứ 5 của khóa tu Bồi dưỡng đạo hạnh cho Sa-di, Sa-di-ni lần thứ 14 được tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Chơn, thị trấn Buôn Hồ, Đăk Lăk. Suốt bốn ngày qua, hơn 70 hành giả và các vị giáo thọ quản chúng tinh tấn làm tròn phận sự của mình. Mỗi ngày có 2 thời tụng kinh (90 phút), 2 thời thiền tọa (90 phút), 2 thời thiền hành (60 phút), 2 thời học pháp (180 phút), 60 phút ôn Giới luật – Oai nghi, và 90 phút sám hối và giải nghi. Giờ giấc tu học liên tục, các hành giả tân học chưa quen ngồi nhiều, chân đau, uể oải, song tất cả đều ý thức, phát tâm nỗ lực tu tinh tấn trong 10 ngày nên trong các thời tu, đại chúng tham gia đông đủ và thực tập trang nghiêm.

Trong các giờ học pháp chư Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Giáo thọ nhấn mạnh đến việc học thuộc giới luật oai nghi buổi đầu và vâng giữ đúng như thế. Ngoài ra, quý Ngài còn nhắc nhở tiếp sức cho nguồn năng lượng cho các tân hành giả “hảo tâm xuất gia” dõng mãnh hơn, bước đi vững chãi trên con đường ngược chiều đời vốn nhiều gian nan, trong giai đoạn khởi hành lại còn lắm gian nan thử thách hơn.

Giờ học pháp ngày đầu tiên, Hòa thượng Giác Trí chỉ điểm cho đại chúng pháp hành Chánh niệm vô cùng quan trọng đối với người xuất gia cầu học giáo pháp, hướng đến chứng đắc quả vị chánh đẳng chánh giác. Chánh niệm làm cho thân, miệng, ý, tâm trong sạch mà -

Thân trong sạch chính là xứ Phật,

Miệng trong sạch chính là pháp Phật,

Ý trong sạch chính là con Phật,

Tâm trong sạch chính là đức Phật.

Chánh niệm giúp hành giả tỉnh thức trong mọi điều kiện sống và tỉnh thức có muôn vàn phép lạ.

Mí mắt chân trời mỏi

Đầu núi nghiêng nghiêng tìm gối tựa

Đêm về thơm giấc cỏ hoa

Ảo hóa

Bàn tay gió dậy

Ngân hà nến ngọc lung linh

Khung cửa lưng đồi bỏ ngỏ

Sao băng vụt cháy lời kinh

Vạn kiếp xoay quanh vòng mộng mị

Đêm nay chợt thấy chân hình.

(Ảo hóa – Thiền sư Nhất Hạnh)

Buổi sáng ngày tu thứ 2, Hòa thượng Giác Minh giảng cho đại chúng nghe có bốn cách thuần phục ngựa. Đây cũng nói lên những cách tôi luyện cho hành giả mới vào nhà đạo. Người đệ tử cần có trí sáng để học giáo pháp và thực hành đúng đắn làm lợi ích cho chính mình, cho cuộc đời. Người thầy cần có trí sáng để làm tròn trách nhiệm dẫn dắt đệ tử tu học. Hòa thượng cảnh tỉnh cho đại chúng rằng nếu không có trí sáng, người xuất gia từ bỏ gia đình phiền toái đời thường, sống đời không gia đình giải thoát, tưởng chừng đã viễn ly, nhưng thật sự chưa viễn ly được gì lại còn ràng buộc nhiều hơn. Hòa thượng nhắc đại chúng phải học thuộc giới luật oai nghi dành cho người mới vào đạo và hãy thực hành chúng cho rốt ráo. Trong quân đội, quân lệnh hết sức nghiêm nhặt cốt để thành lập quân uy và quân lực hùng mạnh hữu ích cho đất nước khi lâm nguy. Còn người mới xuất gia, nếu không được rèn luyện như thế, chỉ dễ duôi, tu qua ngày thế thì cơm đàn na tín thí làm sao trả hết, chí nguyện tu tập đẹp đẽ ban đầu sẽ bị thui chột dần.

Buổi chiều Hòa thượng Giác Phương sách tấn cho đại chúng để lại trong lòng mọi người ấn tượng sâu sắc. Hòa thượng năm nay 86 tuổi vậy mà không quản ngại đường xa, ngồi xe mỏi mệt đến thăm nom đàn con trẻ. Nền tảng giới luật phải nghiêm trì không được lơi lỏng là điều Hòa thượng nhấn mạnh cho đại chúng. Như ông trọc phú bảo người làm nhà cho ông nhưng chỉ xây hai tầng trên cho thật đẹp mà không xây tầng dưới làm gì cho rườm rà, mất thời gian; ngôi nhà như thế, không có người thợ xây tài ba nào làm được cả. Tầng nền ấy là giới luật căn bản, nếu không có tầng giới này, còn nói gì đến việc tu định, tu tuệ. Chư Tôn đức ngày nay đang trăn trở vô cùng trước hiện trạng Tăng Ni chú trọng cái gọi là tu định, tu tuệ mà quên mất nền tảng giới này. Tăng Ni học nhiều trường lớp Phật học, thế học, bằng cấp rất nhiều, rất cao, đi tu thiền nước này nước nọ, nhưng không có oai nghi, hạnh đức thấp kém,… Ôi! Định ấy, Tuệ ấy từ đâu phát sinh đây!

Ngày thứ 3, Thượng tọa Giác Hành, Trụ trì Tịnh xá Ngọc Quy tuy Phật sự khá dày song vẫn vượt qua hơn bảy giờ đồng hồ ngồi xe về đến Tịnh xá Ngọc Chơn để viếng thăm các hành giả và trao đổi kinh pháp. Với lòng thương mến hàng hậu tấn, trong vai trò của người Sư huynh, Thượng tọa khuyến nhắc đại chúng cố gắng tu tập vì tất cả chúng ta là những người đại duyên đại phước. Nhớ năm xưa, trước tháp trà tỳ đức Phật ở thành Kusinagar, Ngài Huyền Tráng đảnh lễ bạch Phật trong nước mắt rằng:

Phật tại thế thời ngã trầm luân,

Kim đắc nhân thân Phật nhập diệt,

Áo não tự thân đa nghiệp chướng

Bất kiến Như Lai kim sắc thân”…

Tạm dịch:

Thế Tôn hiện hữu cõi đời

Thì con nặng kiếp luân hồi trầm luân

Bao áo não nghiệp chất chồng

Khó thay gặp Phật lúc thân làm người. (LH tạm dịch)

Nay dẫu cách xa thuở Phật tại tiền song chúng ta vẫn còn được gặp giáo pháp, được xuất gia đứng trong hàng Tăng Bảo, được chư Tôn đức thùy từ quan tâm nâng đỡ chỉ dạy, đó là một thiện duyên rất lớn.

Thượng tọa đã giới thiệu và giảng giải bài Kinh Bẫy Mồi, số 25 trong Trung Bộ Kinh để đại chúng có thêm tư lương kinh nghiệm trong việc tu học trước sự cám dỗ mãnh liệt của thế giới vật chất muôn màu ngày nay.

Buổi chiều, Đại đức Giác Phổ đảm trách thời học pháp. Bằng những lời giảng dí dỏm nhưng vô cùng sâu sắc, pháp âm của Đại đức đánh động nhận thức của các hành giả.

Mỗi ngày, sau khi thọ thực xong, chúng ta chắp tay cầu nguyện: Nguyện cầu cả thảy chúng sinh, đồng đặng đủ đầy tròn xong phận sự (hay Phật sự)?

Câu hỏi được Đại đức bất ngờ đưa ra trở thành đề tài chính cho buổi học pháp. Xã hội đặt để, mặc định cho chúng ta nghiệp vụ - tu sĩ. Thế nên, người xuất gia không làm tròn phận sự xuất gia sẽ không thể được gọi là người tu. Và phận sự của người tu là gì? Chính là thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh. Nói cách khác là người xuất gia tinh cần giữ giới, oai nghi, tu thiền định, tu tuệ, trải rộng lòng thương yêu giúp đỡ chúng sinh muôn loài. Đức Phật là bậc trí tuệ, bậc tỉnh thức, những ai giữ tâm tỉnh thức mọi lúc ấy là một vị Phật giáng sinh. Phận sự của Phật hay còn gọi là thời khắc Niết-bàn rất giản dị, thanh tịnh gồm sáu thời: 5g-6g: Thiền định, 8g-9g: Khất thực, 11g-12g: Ngọ thời, 1g-3g: Thuyết pháp, 6g-7g: Thiền định, 11g-12g: Thiền định. Để thành Phật, làm công việc Phật, người xuất gia cần phải hoàn tất phận sự của tự thân trong mọi lúc vậy.

Ngày thứ 4, Đại đức Giác Tuyên từ Cam Ranh sắp xếp thời gian đến chia sẻ kinh nghiệm tu tập với đại chúng. 3 tiếng đồng hồ thoáng qua, song đại chúng đã học rất nhiều từ những lời chia sẻ chân tình mà hết sức uyên bác của Đại đức. Đại đức nhắc đi nhắc lại hạnh tôn kính, khiêm cung là yếu tố quan trọng vô cùng cho mỗi hành giả bước vào con đường tu tập giáo pháp giải thoát của chư Phật ba đời. Chính hai hạnh này đốn gãy ngọn cờ kiêu mạn và làm nên những công đức căn bản, giúp người xuất gia đi trên đạo lộ giải thoát dễ dàng, thênh thang hơn. Đại đức phân trạch đường lối Khất sĩ mà Tổ sư đã khai sáng chính là sự tiếp nối, truyền thừa mạch pháp của đức Phật Bổn sư Thích-ca Mâu-ni. Những điều tưởng chừng rất quen, rất thường tuy nhiên qua tài hùng biện phân tích của Đại đức, đại chúng mới chợt nhận ra đâu đây ý pháp vi diệu ngập tràn.

Mỗi tối, sau giờ tụng kinh, từ 8 đến 9h30, đại chúng quây quần nhìn lại một ngày tu học đã hoặc chưa làm được việc gì. Những lỗi lầm đã lỡ phạm, các hành giả can đảm quỳ lên xin sám hối trước chư Tôn đức và đại chúng để một lần nữa tuyên thệ quyết từ bỏ bất thiện pháp, nguyện tinh cần vâng hành thiện pháp.

Được sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của chư Tôn đức trong Ban Giáo thọ và các vị quản chúng, hộ trì khóa tu, đại chúng càng tinh tấn tu, quên mỏi mệt. Lại nữa, mỗi tâm sự, trăn trở, hoài nghi của hàng tân học đểu được các bậc Thầy, sư huynh đệ lắng nghe chia sẻ nên quý Sư, quý Ni trẻ cảm thấy ấm áp, tự tin hơn.

Nhìn đại chúng trẻ tuổi chừng đôi mươi miệt mài tu tập, Phật tử và mọi người đều khởi lòng quý mến. Điều gì đã khiến họ sớm cắt mái tóc xanh, lìa bỏ mái ấm tình thương gia đình, đời sống vật chất tiện nghi của xã hội bước vào hành trình giải thoát lắm gian nan? Đó chính vì lòng quyết tâm dõng mãnh không gì ngăn nổi, chính vì tâm buông xả, tâm từ bi đã được hàm dưỡng trong họ từ bao kiếp, và căn bản là đã đến lúc hạt giống Phật trỗi dậy.

14 1

Hòa thượng Giác Phương khuyến tấn đại chúng

14 2

Đại đức Giác Tuyên đang chia sẻ kinh pháp cùng đại chúng

14 3

14 5

Thời thiền hành

14 6

Phật tử về tu tập ngày cúng Hội

14 7

Thời ôn Giới luật – Môn oai nghi

14 8

14 9

14 10

14 11

Ni sư Tỉnh Liên khích lệ tinh thần tu học cho các tập sự Ni

14 12

Thời thiền tọa buổi chiều

14 13

14 15

14 15A

Thời tụng kinh tối

14 16

Thời Sám hối – Giải nghi

14 17

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan