CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Gia Lai: ĐĐ. Giác Tuyên đề cao vấn đề "đạo đức trong Chơn lý của Tổ sư" tại khóa tu Ni giới GĐ.III

Nhân khóa tu của Ni giới GĐ.III tại TX.Ngọc Túc (tỉnh Gia Lai), xoay quanh tôn chỉ "Sống chung tu học", chiều 06/9/2024 (04/8/Giáp Thìn), ĐĐ. Giác Tuyên - Phó Thư ký GĐ.III, Trụ trì Tịnh xá Ngọc Y (Cam Ranh, Khánh Hòa), đã nêu lên vấn đề về đạo đức, trong đó đề cao "khái niệm đạo đức trong Chơn lỳ của Tổ sư".

Điểm sơ về khái niệm đạo đức, Đại đức đã trình bày sự so sánh dựa trên 3 quan điểm chính khi nói về "đạo đức". Theo đó, Tây phương đặt ra khái niệm "đạo đức" để chỉ về nhân cách của con người, với những nguyên lý chế ngự, làm ảnh hưởng đến hành vi của con người, từ đó hình thành nên phong tục tập quán là những thói quen sống, sinh hoạt, ứng xử của họ.

Đối với phương Đông, lấy Trung Hoa, với nền văn hóa được cho là cổ đại nhất, Đại đức cho rằng, khái niệm này được hiểu dựa trên luồng tư tưởng lớn từ Khổng – Mạnh, cho đến Lão – Trang. Nếu "đạo đức" của Khổng Tử chủ yếu qua thuyết "chính danh" nhằm mục đích chính trị và ổn định xã hội; thì "đạo đức" theo Lão – Trang là quy luật tự nhiên, có thiên hướng khám phá mối quan hệ tự nhiên và con người, và tìm cách thuận theo những quy luật tự nhiên, không quá coi trọng về đạo đức tri thức, chú trọng đạo đức thực tiễn.

Tuy nhiên, khác với hai khái niệm trên, đạo đức theo quan niệm Phật giáo là chấp nhận luật nhân quả - nghiệp báo làm định luật chi phối hành vi thiện ác của mình. Nói một cách khác, con người tự chủ động hành vi của mình, và chịu trách nhiệm đối với cuộc sống hiện tại và tương lai của mình, không quy trách nhiệm cho thần Thánh hay bất cứ một lực lượng siêu nhiên nào. Chỉ có con người và con người mà thôi là chịu phần trách nhiệm về cuộc sống hạnh phúc hay đau khổ của bản thân mình.

Từ đây, Đại đức nêu bật khái niệm về "đạo đức" dựa trên Chơn lý của Tổ sư Minh Đăng Quang, có sự khế hợp với khái niệm đạo đức trong quan điểm Phật giáo. Cụ thể, theo ĐĐ. Giác Tuyên, khái niệm đạo đức trong Chơn lý của Tổ sư được hiểu qua 7 điểm sau:

1. Quy luật nhân quả
2. Biệt giải thoát giới, là Giới bổn
3. Giáo lý Trung đạo Chánh đẳng Chánh giác
4. Con đường Khất sĩ, con đường tấn hóa
5. Công lý Võ trụ
6. Sự sống
7. Sinh thể Võ trụ

Theo đó, Trong Chơn lý “Sanh và Tử”, Đức Tổ sư trả lời câu hỏi: Sau khi chết rồi, cái biết sẽ đi đâu? Đáp: Nó đi theo cái nghiệp của nó, cũng như kẻ sống đây có khác gì? Cờ bạc đến chỗ cờ bạc, uống rượu đến chỗ uống rượu, ác đến chỗ ác, thiện đến chỗ thiện, đạo đức đến chỗ đạo đức… mà kết quả của nó là sự yên vui hay rối khổ, định hay là loạn vậy.

Đại đức chỉ rõ: "Như vậy, chỉ có hành động là quan trọng vì chính nghiệp mới đem lại kết quả tốt đẹp hay không tốt đẹp cho con người, và con người mới thật là chủ nhân của nghiệp, tác thành ra nghiệp và khi nghiệp đã làm rồi thời không thể nào trốn tránh kết quả của nghiệp".

Bên cạnh đó, trong Trong Chơn lý “Nam và Nữ”, Tổ sư dạy: “Nên hãy thâu hẹp các giáo lý minh mông cuồng quẩn mà đi ngay thẳng đến một đường thiện tránh ác, lánh khổ tìm vui, để giữ gìn giới luật, đua chen giới luật, nâng cao đạo đức tinh thần. Có tôn kính bậc trọn lành, giới nhiều hơn giới ít, mới đem lại cho chúng ta sự kết quả yên vui được. Chỉ có giới luật mới phải là giai cấp thiện, là pháp trừ giặc dục, là pháp giải hòa diệt tránh, để đem cõi đời trở lại chánh chơn tịnh định”.

"Như vậy, sự khẳng định của Tổ sư cũng là khẳng định của đức Phật, sự Trú giới là đứng vững trên đất giới. Chỉ có người thực sự thành tựu trọn vẹn giới, mới được gọi là "trú giới". Cho nên câu này có nghĩa: trú giới do thành tựu viên mãn giới. Người là một hữu tình. Vậy Đạo đức theo Tổ sư còn có nghĩa là Giới bổn đưa đến thanh tịnh thân tâm, vượt qua triền phược", Đại đức nhận định.

Đại đức cũng chỉ rõ, Trong Chơn lý “Chánh Đẳng Chánh Giác”, Đức Tổ sư cũng từng dạy rằng: "Thế nên kêu đạo đức là chủ, căn bổn, hay chúa tể, cha lành, thầy chung đó vậy. Đạo đức là đường cái, hay bờ đập để ngăn nước sông to, như núi cao để che gió bão, như bức tường hàng rào bao bọc chúng sanh, hoặc như miếng đất trong sạch trên cao hơn hết, mà quỉ ma ác thú không tìm lên tới, nên người hiền mới sống".

Hay trong Chơn lý “Chư Phật”, Tổ nói rõ: “Đạo đức là Trung đạo Chánh đẳng Chánh giác, là sự sống bình an như thường, không thái quá bất cập, là cái sống hiền lành trong sạch. Đó chính là con đường Thánh Tám ngằn: Chánh Kiến, Chánh Tuy duy, Chánh ngũ, Chánh Nghiệp, Chánh mạng, Chánh Tinh tấn, Chánh Niệm và Chánh định”.

Tương tự với những khái niệm còn lại, Đại đức đều trích dẫn từ Chơn lý của Tổ sư, qua đó phân tích và chỉ rõ sự khế hợp, cũng như tương quan chặt chẽ giữa quan niệm "đạo đức" của Tổ sư và quan niệm "đạo đức" của Phật giáo nói chung.

Chia sẻ cùng chư hành giả Ni tại khóa tu lần này, Đại đức khẳng định: "Đạo đức dù ở khái niệm nào cũng là một tiêu chí không thể thiếu để hoàn thiện và xây dựng giá trị đời sống cá nhân nói riêng, đời sống Tăng đoàn nói chung. Gìn giữ và phát triển đạo đức chính là con đường tu tập thiết thực nhất mà Tổ sư Minh Đăng Quang đã nhiều lần đề cập qua Bộ Chơn lý. Gìn giữ đạo đức cũng là cách chúng ta gìn giữ và phát huy nếp sống Tăng đoàn trong sự hòa hợp đoàn kết".

 

Một số hình ảnh tại buổi giảng:

 

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan