CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Gia Lai: HT. Giác Trong sách tấn chư hành giả Ni - "Chân lý cùng tột của đời người xuất gia là học và tu"

Chiều 10/9/2024 (08/8/Giáp Thìn), khép lại chuỗi 07 ngày của khóa "Sống chung tu học" lần thứ 19 do Ni giới GĐ.III tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Túc (tỉnh Gia Lai), HT. Giác Trong - Tri sự Phó kiêm Trưởng ban Hoằng pháp GĐ.III, Trụ trì TX.Ngọc Phước (Khánh Hoà), đã có chuyến thăm và sách tấn chư hành giả Ni cũng như dành thời pháp thoại đến Phật tử tham dự.

Ban Tổ chức khóa tu xin trích dẫn một phần bài giảng của Hòa thượng như sau:

"Trong 07 ngày qua, chư Tôn đức Ni đã ở trong Phật, đã ở trong Pháp, đã ở trong Tăng, có mặt mình trong Phật, trong Pháp, trong Tăng, trong sự thường trực của ý thức. Vì sao? Bởi trong 07 ngày qua, chư vị đã sống trong Giới, sống trong Định, sống trong Huệ. Cần hiểu rằng, sự sống của mình đã sống ở trong Phật, tức là Giới; sự sống của mình đã sống ở trong Định, đó chính là sự bất động và sự sống của mình ở trong Huệ, tức là sự trí tuệ quang minh sáng suốt. Nơi nào có Giới, có Định, có Huệ thì nơi đó có Phật ra đời. Nơi nào có Giới, có Định, nơi đó có Phật thành đạo; nơi nào có Giới, có Định, nơi đó có Đức Phật chuyển pháp luân; và, nơi nào có Định, có Huệ, nơi đó có Phật Đại-niết-bàn.

Là những người con của Phật, chúng ta sanh ra từ trong Phật, lớn lên từ trong Phật, trưởng thành từ trong Phật và chúng ta đang đại trang nghiêm ở trong Phật. Chúng ta cũng đang ăn cơm của Phật, uống nước của Phật, mặc áo của Phật, ở trong ngôi nhà của Phật. Trước khi Đức Phật nhập Niết-bàn, Ngài đã để lại cho chúng ta tám muôn bốn nghìn pháp vị cam lồ để nuôi sống được thân Phật của chính mình.

Trong Chơn lý, Tổ sư đã dạy, mỗi người đều có thân Phật, mỗi người đều có tâm Phật, mỗi người đều có trí Phật và mỗi người đều sẽ thành Phật, bình đẳng với mười phương ba đời chư Phật, bình đẳng với mười phương thế giới tất cả chúng sanh. Nhưng sở dĩ chúng ta không được đầy đủ tướng tốt trang nghiêm của Phật là vì chúng ta không ăn cơm Phật. Và vì không ăn cơm Phật cho nên thân Phật của chúng ta không được no đủ, dẫn đến tướng tốt của Phật không thể hiện đầy đủ.

07 ngày qua phải nói rằng, chư Tôn đức Ni đã an trú trong Phật và hiện giờ đang thọ dụng cam lồ pháp vị của chư Phật, tức tám muôn bốn nghìn món cơm của Phật, cũng chính là tám muôn bốn nghìn pháp môn tu hành mà Phật đã dạy từ khi chứng đạo ở Bồ-đề Đạo Tràng cho đến khi nhập Đại-niết-bàn. Trong 49 năm, với lòng đại từ bi của Phật, Ngài đã nấu cho chúng ta những món cơm trong pháp vị của Đại Pháp Vương để chúng ta thọ dụng. Đã là con của Phật thì không ai có thể thiếu món cơm này, chỉ là chúng ta có ăn nó hay không.

Cơm Phật đã có sẵn, thức ăn của Ngài cũng có sẵn chúng ta chỉ cần cố gắng dụng công thọ dụng. Một khi đã ăn được cơm Phật, cơm Phật đi vào trong sự sống của chúng ta, nuôi mắt của chúng ta thành mắt của Phật thì cái thấy của Phật hiện tiền; nuôi tai của chúng ta thành tai của Phật để rồi cái nghe của Phật hiện tiền; nuôi mũi của chúng ta thành mũi của Phật thì diệu hương chiên-đàn của Phật hiện tiền; nuôi lưỡi của chúng ta thành lưỡi của Phật thì cam lồ pháp vị trong Pháp vương cam lồ vĩ đại của Phật hiện tiền; nuôi thân của chúng ta thành pháp thân thanh tịnh trang nghiêm, pháp thân đại thanh tịnh cũng như báo thân đại trang nghiêm để quy vào tướng Phật. Và để nuôi cho ý thức của chúng ta thành ý thức của Phật, một niệm tận tri tam thế quá khứ-hiện tại-vị lai, nếu cơm ấy thật sự chúng ta ăn, hằng ngày chúng ta ăn, hằng đêm chúng ta ăn, đi-đứng-nằm-ngồi trong tất cả thời, tất cả chỗ, tất cả nơi, tất cả sự, nếu chúng ta luôn luôn ăn cơm của Phật thì pháp vị cam lồ của Phật sẽ đầy ở trong mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-khẩu-ý của chúng ta.

Nếu được như vậy, chúng ta luôn luôn sống trong cảnh giới của Phật, có trong cảnh giới của Phật. Cũng có nghĩa là sẽ được Đức Phật khai thị. Lời khai thị đầu tiên khi ra đời là trên trời, dưới đất, không ai bằng các con. Nếu như chúng ta sống được sự sống như lời Phật dạy thì không ai có thể hơn được sự sống của chúng ta. Nếu như chúng ta nói được như lời Phật dạy thì không ai có thể nói hơn được tiếng nói của chúng ta. Nếu như chúng ta làm được việc làm của Phật thì không ai có thể hơn được việc làm của chúng ta.

Rõ ràng, khi Đức Phật ra đời, Ngài đã định vị cho mình chỗ đứng là chỗ đứng của Phật, chỗ đi là chỗ đi của Phật, chỗ nằm là chỗ nằm của Phật, chỗ ngồi là chỗ ngồi của Phật. Đức Phật đã định vị cho chúng ta sự sống ở trên trời dưới đất không ai bằng. Cho nên hôm nay, chúng ta là con của Phật, thừa hưởng gia tài vô tận của Ngài, không thiếu điều gì trong tám muôn bốn nghìn pháp môn ấy cả, cũng như tám muôn bốn nghìn món ăn để nuôi dưỡng thân Phật của chúng ta. Tám muôn bốn nghìn pháp môn của Phật chính là tám muôn bốn nghìn nước đại hải cam lồ để chúng ta uống. Tám muôn bốn nghìn pháp môn của Phật là tám muôn bốn nghìn Pháp Y vô thượng Bồ-đề của ba đời chư Phật.

Nếu như chúng ta tư duy, quán sát, có mặt trong từng giờ, từng phút, từng giây trong tám muôn bốn nghìn pháp môn của Phật như vậy, sự sống của chúng ta trên trời dưới đất, như lời Phật dạy: “Không ai bằng các con!”. Nhưng sở dĩ hôm nay chúng ta vẫn lang thang, lạc loài, vẫn đi trong đồng không rộng lớn của mê đồ sanh tử, lang thang đủ mọi ngõ ngách ở trong cuộc đời sanh tử, ấy là vì chúng ta không định vị được chính mình trong pháp vị đại cam lồ của tám muôn bốn nghìn pháp vị mà Phật đã để lại.

Nếu là người con của Phật, chúng ta xác định rằng mình là con của Phật, không thiếu bất cứ gì để phải đi khắp nơi để tìm kiếm. Và rồi dẫu đi tìm cùng khắp, đi đến tận đâu cũng không bằng những gì Phật đã để lại cho chúng ta.

Như đại chúng đã biết, hiện nay chúng ta ăn cũng được đầy đủ, mặc cũng được đầy đủ, thở cũng được đầy đủ, sống cũng được đầy đủ, song, dẫu ở bất kỳ pháp phái nào, cả xuất gia cả tại gia, đều thiếu một thứ, đó là thiếu sự tu tập tinh tấn. Mà thiếu cái tu tập tinh tấn là thiếu tất cả. Chỉ có một sự tu tập tinh tấn là bao hàm đầy đủ tất cả. Nhìn vào đại chúng có thể nói rằng, người con Phật dường như đang thiếu ăn. Thiếu ăn ở đây không phải là không có thức ăn của Phật, thức ăn của Ngài đầy khắp ba ngàn đại thiên thế giới, khắp tất cả mười phương, nhưng bởi tại chúng ta không ăn, cho nên ngay trong chúng ta không thể tồn tại năng lượng của Phật, không thể tồn tại sự sống của diệu pháp.

Một khi năng lượng của Phật - Pháp - Tăng, của Giới - Định - Huệ, không có trong chúng ta mới dẫn đến việc chúng ta đói khát. Chính từ sự đói khát này mà chúng ta không hiện hành, ứng xử được như những gì mà Phật đã dạy. Hôm nay, chúng ta đang ở trong chiến trường của sanh tử, sống trong đó rồi dựa phiền não, dựa ác, dựa khổ, dựa chúng sanh, dựa Phật... từng phút từng giây, chiến trường đó luôn luôn soi rọi. Nhưng vì người đệ tử, người con Phật không trang bị được sức khỏe nên cuối cùng bị thất bại.

Những gì là sự thất bại trong đời sống tu hành? Đó chỉ là vì chúng ta không được no đủ pháp vị cam lồ của Phật. Nếu no đủ được cam lồ pháp vị của Phật thì sẽ đầy đủ được sức mạnh của Phật. Khi đã đầy đủ sức mạnh của Phật trong ý thức, trong lời nói, việc làm, ý nghĩ, sự sống, thù khi ta sống giữa chúng sanh, năng lượng sống của Phật hiện về. Một khi năng lượng sống của Phật được hiện về thì sự sống của chúng ta sẽ chiến thắng được sự sống của sân hận. Trong miệng chúng ta, khi chúng ta nói, nếu có năng lượng của Phật, tiếng nói đó sẽ là tiếng nói của Phật. Tiếng nói của Phật một khi đã có mặt rồi thì sẽ chiến thắng được tiếng nói của sanh tử. Chúng ta làm việc làm mà trong việc làm đó có Phật, hiện hữu trong Phật, Phật có mặt trong việc làm đó, thì đó sẽ là việc làm của Phật và chỗ đó chúng ta sẽ chiến thắng được việc làm của sanh tử. Chúng ta có ý nghĩ từng giờ, từng phút, từng giây, nếu ý nghĩ đó được hiện hữu trong ý thức đại giác của Phật, đầy đủ Giới - Định - Tuệ, lúc nào cũng thường trực, thì khi niệm sinh tử khởi lên, niệm giác của Phật nhận biết và năng lượng giác ngộ sẽ hoá giải được niệm sanh tử của chúng sanh, ngay lúc đó sanh tử chấm dứt. Cần hiểu rằng, sanh tử từ tâm niệm mà có.

Khi chúng ta có mặt trong niệm Phật, niệm sanh tử không thể nào xen lẫn được trong đó, biến mình thành việc của chúng sanh được. Nhưng hôm nay, rõ ràng chúng ta đang thất bại và sẽ còn thất bại dài dài trong từng việc làm vì trong việc làm đó không có đủ năng lượng của Phật, không hiển bày được việc làm của Phật qua việc làm của chúng ta. Chúng ta thất bại trong lời nói vì trong chiến trường của âm thanh, tiếng nói Phật của chúng ta quá yếu ớt, không đủ lấn át được âm thanh của chúng sanh. Sự thất bại này là do đâu? Đó là do chúng ta thiếu đi sự nuôi dưỡng ý thức, việc làm, lời nói của mình theo lời dạy của Phật.

Như vậy, suốt 07 ngày qua, chư Tôn đức miên mật tu tập, nghĩa là đã phần nào nuôi dưỡng được việc làm của mình trong việc làm của Phật, để rồi khi quay về nơi trú xứ, việc làm của chúng ta sẽ là việc làm của Phật. Người nào làm được việc làm của Phật thì người đó được đầy đủ thân tướng trang nghiêm của Phật. Người nào trong lời nói mà hiện bày được lời nói của Phật, người đó đã trổ được niệm âm bát-nhã của Phật. Người nào ở trong sự sống mà sống được sự sống của Phật, người đó đã có sự sống đại giác ở trong sự sống của chúng sanh. Cuối cùng, trong ý thức của mình, nếu luôn luôn ý thức Phật, thường trực Phật từng niệm, thì niệm chúng sanh không thể xen vào được, và như vậy, niệm Phật luôn luôn che chở cho ý thức của chúng ta không bị sanh tổn với ý thức của phiền não. Làm được như vậy là chúng ta đã hiểu được chân thân pháp giới hạnh thâm của Phật ở trong ý thức của mình. Điều này như Tổ sư Minh Đăng Quang đã dạy: “Thân trong sạch đó là xứ Phật, ngữ trong sạch đó là pháp Phật, ý trong sạch đó là con Phật và tâm trong sạch đó là Đức Phật”.

Trong đời sống tu tập của chúng ta chỉ quanh quẩn trong hai việc là tu và học. Vạn pháp đều là những bài học và tất cả chúng ta đều đang học không ngừng với từng bài học của riêng mình. Như vậy, chúng ta học như thế nào để gọi là bậc siêu việt? Như trong Chơn lý, Tổ sư dạy, chân lý như mặt trời, chân lý như mặt trăng và các giáo lý chỉ như ngọn đèn của đom đóm, trần thế là bóng đêm, cho nên học Chơn lý là học cùng hết tất cả, học Chơn lý là cùng tận của sự học, học Chơn lý là đến cùng chỗ đến của sự học, học Chơn lý là đi vào tận cùng biên giới của sự học. Học ở đây là tập làm việc làm của Phật, nghĩ suy nghĩ của Phật, nói tiếng nói của Phật, sống sự sống của Phật, trong nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm liên tục tinh tấn không ngừng nghỉ. Nếu đã đưa toàn thân tâm mình vào thân Phật, nghĩa là mình đã biến thân mình thành thân Phật, tâm mình thành tâm Phật, sự sống của mình thành sự sống của Phật, ý nghĩ của mình thành ý nghĩ của Phật, cũng là cùng tột được sự học của mình".

Được biết tối cùng ngày, Hòa thượng cũng đã dành thời pháp thoại, sách tấn và tán thán công đức hàng Phật tử, chư thiện nam tín nữ tại gia, đã dốc lòng hỗ trợ tịnh tài tịnh vật, chu toàn về điều kiện tu học cho chư hành giả Ni yên tâm tinh tấn tu học tại khóa tu "Sống chung tu học" lần thứ 19 lần này.

 

Một số hình ảnh được ghi nhận:

 

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan