CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Gia Lai: NT. Đền Liên chia sẻ cùng chư hành giả khóa "Sống chung tu học" lần thứ 19

Sáng 07/9/2024 (05/8/Giáp Thìn), NT. Đền Liên - Phó ban Quản sự Ni giới GĐ.III, Phó ban kiêm Trưởng ban Giám luật khóa tu, đã có dành thời pháp thoại chia sẻ nhiều điều thiết thực cùng chư hành giả Ni, nhân ngày thứ 4 của khóa "Sống chung tu học" lần thứ 19, tại Tịnh xá Ngọc Túc (tỉnh Gia Lai).

Theo đó, Ni trưởng đã nêu lên ý nghĩa thiêng liêng của việc xuất gia và tầm quan trọng của sự tu học, tự sửa đổi chính mình, thông qua ý nghĩa của ba tháng An cư kiết hạ (ACKH), nguồn gốc của Ni đoàn và những lời di huấn của Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni trong kinh Đại Bát Niết-bàn trước khi Ngài nhập diệt.

Nhắc lại về lý do Phật giáo quy định Tăng Ni phải thực hiện ba tháng an cư hằng năm, Ni trưởng cho biết: "ACKH có nguồn gốc từ thời kỳ ở Ấn Độ, vào khoảng tháng 4 đến tháng 7, thời tiết mưa dầm, nên chư Tăng không thể đi trì bình khất thực, phải trú ngụ một chỗ để an cư. Trong ba tháng cư ngụ để ACKH như vậy, các Ngài miệt mài thúc liễm thân tâm, dồi mài trí tánh và sám hối những nghiệp chướng của mình".

Ni trưởng cũng chỉ rõ, hai thời điểm để sám hối như Đức Phật dạy, đó là tác pháp sám hối và thủ tướng sám hối. Trong đó, tác pháp sám hối nghĩa là, khi hành giả có lỗi lầm với những bậc Tăng Ni, đại chúng, tự nhận biết lỗi lầm ấy, phát lồ sám hối. Xuyên suốt ba tháng an cư, vừa phải tụng giới, vừa phải thường xuyên nhận biết lỗi lầm và sám hối trước hội chúng. Sự sám hối này có thể là tự mình nhận biết lỗi lầm mà sám hối, hoặc hội chúng biết hành giả có lỗi lầm mà từ bi chỉ rõ để hành giả sám hối.

"'Sám' là chừa bỏ, 'hối' là không tái phạm. Đó mới gọi là sám hối, còn nếu sám hối mà tội vẫn giữ nguyên thì không gọi là sám hối. Một khi đã sám hối thì phải cố gắng chừa bỏ, ngăn ngừa, không để tái phạm thì tội đó mới dần được tiêu trừ", Ni trưởng sách tấn.

Mặt khác, nói về thủ tướng sám hối, Ni trưởng cho biết, là khi hành giả làm một điều gì trái quấy, tác ý nghĩ đến những điều xấu ác mà không ai biết, chỉ có chư Phật biết, người sám hối đến trước bàn Phật, bàn Tổ, Đức Thầy để phát lồ sám hối.

Ni trưởng chia sẻ: "Chúng ta, những người xuất gia, ai cũng mong muốn mình diệt trừ hết tội nghiệp, ai cũng là người muốn giải thoát khỏi sanh tử luân hồi, ai cũng muốn mình đi tìm thấy chân lý để cùng nhau thực hành. Do đó, mỗi người cần thành tâm sám hối, hay tụng kinh, lạy Phật, nhằm tiêu trừ bớt chướng nghiệp. Như vậy, khi sám hối phải buông bỏ phiền não, hoan hỷ, không câu kết thêm bực tức hờn giận, thành tâm sửa sai và thay đổi. Đặc biệt trong ba tháng an cư, nếu thành tâm sám hối thì sẽ đạt được một thành quả, có được một quả đạo, phước đức nhất định cho riêng mình".

Theo Ni trưởng, trong 3 tháng an cư, hành giả tích trữ được những hạnh lành, những hạnh đức tu tập quý báu. Nhờ đó, hành giả có đầy đủ nghị lực và đức hạnh, đủ để có được chìa khóa mở toang tất cả những cửa địa ngục, giúp cho các vong linh được sớm siêu thoát, trong đó có cả cửu huyền thất tổ của chư hành giả.

"Qua đó, chúng ta thấy rõ ý nghĩa lớn lao của ba tháng ACKH. Không chỉ để hàng Tăng Ni thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, mà riêng Tăng Ni còn có trọng trách cứu giúp, phổ độ cho cửu huyền thất tổ, thập loại cô hồn, được nương nơi oai lực tu tập của hành giả mà siêu thoát. Do đó, ACKH có ý nghĩa quan trọng và thiêng liêng chứ không đơn giản, tầm thường là vậy", Ni trưởng nói.

Nhắc lại nguồn cội mà Ni đoàn được thành lập, cũng như nhưng lời di huấn của Đức Phật trước khi nhập Niết-bàn, được Ngài A-nan lưu truyền lại, Ni trưởng một lần nữa nhấn mạnh về sự thiêng liêng của việc xuất gia tu tập. Trong đó, Ni trưởng đề cao sự từ bi và tự sửa đổi chính mình, để hướng đến con đường giác ngộ, toàn giác, cũng như làm lợi lạc cho chúng sinh hữu hình và vô hình.

Khép lại buổi chia sẻ, Ni trưởng ban lời huấn từ, sách tấn chư hành giả: "Chúng ta, dẫu là phàm Tăng, phàm Ni, nhưng một khi đã có nguyện lực mạnh mẽ thì bậc Thánh Tăng sẽ chứng minh và gia hộ cho chúng ta. Nói năng, ý nghĩ, hành vi, đừng làm người khác vì mình tổn thương. Là người xuất gia, đặc biệt là một người Ni thuộc Tăng đoàn Khất sĩ, mỗi vị chúng ta cần đề cao sự từ bi, dùng tâm từ cảm hóa người khác và chúng sinh, phải biết tự chuyển hóa, sửa đổi mình, tu thì phải xét lỗi mình, tự mình sửa đổi chớ nhìn lỗi ai".

 

Một số hình ảnh được ghi nhận:

 

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan