CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Báo cáo tổng kết khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần thứ 35

BÁO CÁO TỔNG KẾT

KHÓA TU TRUYỀN THỐNG KHẤT SĨ LẦN THỨ 35

TẠI DI TÍCH ĐẮC ĐẠO TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG
(P. PHÁO ĐÀI - TP.HÀ TIÊN - TỈNH KIÊN GIANG)

(BAN THƯ KÝ KHÓA TU)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 


 

  • Kính lạy chư Phật - Pháp - Tăng mười phương ba đời chứng minh,
  • Kính lạy đức Tổ sư Minh Đăng Quang – Vị Tổ khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam chứng minh,
  • Kính bạch chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái, chư Tôn đức Giáo phẩm các Giáo đoàn cùng chư vị hành giả Khóa tu,
  • Kính thưa chư Thiện nam tín nữ Phật tử,
  • Kính bạch chư Tôn đức,
  • Kính thưa toàn thể quý liệt vị.

Để tổng kết quá trình tu tập trong mười ngày qua, Ban Thư ký chúng con kính trình chư Tôn đức một số điểm cương yếu về hành trình và nội dung của khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần thứ 35 như sau:

  1. THỜI GIAN VÀ ĐỊA ĐIỂM

Khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần thứ 35 do Giáo đoàn IV phát tâm đăng cai tổ chức tại Di tích Đắc đạo Tổ sư Minh Đăng Quang (Phường Pháo Đài, TP.Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang), diễn ra từ ngày 05 đến ngày 15/10/2024 (nhằm ngày mùng 03 đến ngày 13/9/Giáp Thìn).

Nơi này, cách đây 80 năm, Tổ sư đã thiền quán, chiêm nghiệm vạn pháp, chơn tâm hiển bày và tỏ ngộ lý pháp “Thuyền Bát Nhã”, ngược dòng đời cứu độ chúng sanh. Cũng từ đó, bánh xe pháp được Ngài vận hành tại các tỉnh miền Đông và đồng bằng sông Cửu Long với đường lối y bát Khất sĩ.

Hôm nay, cũng tại mảnh đất Mũi Nai – Hà Tiên, khóa tu truyền thống Hệ phái được diễn ra trong thời gian 10 ngày, nhằm tu bồi Giới - Định - Tuệ, phát huy sức mạnh lục hòa, tăng trưởng uy đức Tăng đoàn trên tinh thần “Nên tập sống chung tu học”.


 

  1. SỐ LƯỢNG THAM DỰ

Với 96 vị hành giả là chư Tôn đức Tăng trong 6 Giáo đoàn Khất sĩ, khóa tu lần này hầu hết đều có các vị lãnh đạo cũng như đại diện của từng giáo đoàn về tham dự, khích lệ, sách tấn chư hành giả. Số lượng hành giả tham dự cụ thể của mỗi Giáo đoàn như sau:

Giáo đoàn I: có 11 vị tham dự, gồm:

  • Hòa thượng: 01
  • Thượng toạ:  01
  • Đại đức: 06
  • Tỳ kheo: 03

 Giáo đoàn II: có 10 vị tham dự, gồm:

  • Đại đức: 09
  • Sa-di: 01

 Giáo đoàn III: có 23 vị tham dự, gồm:

  • Hòa thượng: 01
  • Đại đức: 17
  • Tỳ-kheo: 05

 Giáo đoàn IV: có 33 vị tham dự, gồm:

  • Hòa thượng: 02
  • Đại đức: 19
  • Tỳ-kheo: 08
  • Sa-di: 04

 Giáo đoàn V: có 11 vị tham dự, gồm:

  • Hòa thượng: 03
  • Đại đức:06
  • Tỳ-kheo: 02

 Giáo đoàn VI: có 8 vị tham dự, gồm

  • Hoà thượng: 01
  • Thượng toạ: 01
  • Đại đức: 03
  • Tỳ-kheo: 03


 

  1. BAN TỔ CHỨC

Trước ngày khai mạc khóa tu, chư Tôn đức đã có phiên họp trù bị vào lúc 19g00 để ổn định hội chúng, đồng thời cung thỉnh chư Tôn đức vào Ban Tổ chức cũng như thông qua thời khóa tu tập, nội quy và một số vấn đề liên hệ khác. Ban Tổ chức khóa tu lần này gồm có 3 ban chính:

BAN CHỨNG MINH

  • Trưởng lão HT. GIÁC TƯỜNG  Ủy viên Ban Thường trực HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái: Đệ nhất Chứng minh .
  • Trưởng lão HT. GIÁC GIỚI Phó Thư ký Ban Thường trực HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái: Đệ nhị Chứng minh.
  • Trưởng lão HT. GIÁC NGỘ Thành viên HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái, Tăng trưởng Giáo đoàn IV: Đệ tam Chứng minh.

 BAN TỔ CHỨC

  • HT. GIÁC TOÀN Phó Chủ tịch HĐTS, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trưởng ban Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái: Trưởng Ban Tổ chức.
  • HT. GIÁC PHÁP Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng ban Nghi Lễ Trung ương, Phó trưởng BTS GHPGVN TP.HCM, Phó Thường trực Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, Tri sự trưởng Giáo đoàn V: Phó Thường trực Ban Tổ chức.
  • HT. MINH BỬU Ủy viên Ban Thường trực HĐTS, Chứng minh BTS Phật giáo tỉnh Kiên Giang, Phó Trưởng ban Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, Trưởng ban Tăng sự Phật giáo Khất sĩ: Phó ban Tổ chức.
  • HT. MINH HÓA – Ủy viên BTS Phật giáo TP.HCM, Phó trưởng BTS GHPGVN TP.Thủ Đức, Trưởng ban Quản lý Di tích Đắc đạo Tổ sư: Phó ban Tổ chức.
  • TT. GIÁC HOÀNG – Ủy viên HĐTS, Phó trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, Chánh Thư ký Hệ phái: Chánh Thư ký.

BAN ĐIỀU HÀNH

  • HT. GIÁC PHÁP Giám luật.
  • HT. GIÁC ĐIỆP  Phó Giám luật
  • HT. MINH BỬU Giám thiền.
  • TT. GIÁC MINH – Phó Giám thiền
  • HT. MINH HÓA Hóa chủ.
  • TT. GIÁC KHÁNH Trưởng ban Kiểm soát.
  • TT. GIÁC PHƯỚC  Phó ban Kiểm soát.

Cùng quý Đại đức trong ban: ĐĐ. GIÁC KHƯƠNG, ĐĐ. MINH HÀNH, ĐĐ. MINH LUẬN, ĐĐ. MINH THUẬN.

  • ĐĐ. MINH SƠN, ĐĐ. GIÁC THỐNG  Phó Thư ký.
  • ĐĐ. MINH NGHI Trưởng ban Ngoại hộ.
  • TT. GIÁC KHÁNH  – Điển lễ.
  • ĐĐ. MINH HẰNG – Chấp lệnh.


 

4. NỘI DUNG TU HỌC

Về pháp học: Mỗi ngày đều có 2 thời giảng vào buổi sáng và buổi chiều, buổi sáng là pháp thoại, buổi chiều là pháp đàm; mỗi thời 1 tiếng ba mươi phút.

Buổi chiều ngày khai mạc, HT. Giác Toàn – Trưởng ban Tổ chức, đã triển khai đề tài “Hãy tìm lại chính mình: TÂM THỨC ĐOÁ SEN THIÊNG”. Hoà thượng sách tấn hành giả khoá tu và mong mỏi huynh đệ Khất sĩ nên thấy rõ đường lối tu tập của Tổ thầy, quay lại chính mình, thừa hưởng gia tài của Tổ sư để tiếp nối sứ mạng “Nối truyền Thích Ca Chánh Pháp”. Ngang qua ý kinh Đại Bát Niết-bàn: “Đoá hoa hy hữu trong chánh pháp là biết nhớ ơn và đền ơn”, Hoà thượng nhắc nhở các thế hệ môn hạ kế thừa tư tưởng chủ đạo của Tổ sư “Nên tập sống chung tu học” để trưởng dưỡng tâm thức, tinh tấn vươn lên, giác ngộ tự thân. Từ đó, tự mình thắng phục chính mình, thành tựu lý tưởng và chu toàn sứ mạng thiêng liêng của người Khất sĩ trước thời duyên, cảnh ngộ.

Ngày thứ hai và thứ ba của khoá tu, Trưởng lão HT. Giác Giới – Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái, thăm viếng và sách tấn hội chúng qua các bài kinh Trung Bộ, Trường BộChơn lý của Tổ sư. Trưởng lão Hoà thượng đã nhắc lại mục đích của khoá tu theo lời Tổ dạy “người Khất sĩ có 3 pháp tu vắn tắt là Giới - Định - Huệ”, nếu Khất sĩ chỉ giữ giới mà không tu định huệ thì không thể gọi là Khất sĩ. Qua đó, Ngài triển khai chi tiết ý pháp trong kinh Thánh Cầu, Kinh Xóm Ngựa, Kinh Đại Bát Niết-bàn… nhằm định hướng tu tập cho các hành giả Tỳ-kheo phải vào sơ quả nhập lưu, thành tựu các pháp tác thành Sa-môn theo lộ trình tu tập có thứ lớp: có tàm quý, an trú trong các học giới, hộ trì các căn, nuôi mạng chơn chánh, chú tâm cảnh giác, chánh niệm tỉnh giác… đoạn trừ 5 triền cái, chứng thiền, thành tựu đạo và quả. Trong các thời Pháp đàm do Ngài chủ toạ, nhiều câu hỏi được các hành giả đưa ra liên hệ đến Pháp học và Pháp hành đều được Trưởng lão Hoà thượng trạch pháp rõ nét, y theo lời dạy của Đức Phật và Tổ sư, ngang qua kinh nghiệm tu tập hơn 60 năm của chính bản thân Ngài. Đại chúng vô cùng hoan hỷ khi được thọ lãnh những lời dạy cao quý từ Trưởng lão Hoà thượng.

Sáng ngày thứ tư, HT. Giác Pháp – Giám luật Khoá tu, đã có thời pháp trọn một ngày đến hội chúng. Trước tiên, Hoà thượng đã khái quát về sự hình thành và phát triển của Hệ phái để các vị hành giả thấy được công ơn sâu dày của Tổ Thầy. Bên cạnh đó, Ngài còn nhấn mạnh những nét đặc thù và nội dung tu học chính yếu để chư vị hành giả nhận thức được lời dạy của Tổ Sư, không nên phân biệt Giáo đoàn mà chỉ thể hiện tinh thần “Nên tập sống chung tu học”, giữ gìn truyền thống tốt đẹp của Tông phong. Truyền thống tốt đẹp ấy được thể hiện qua chương trình tu tập hằng ngày như: thiền toạ, thiền hành, ăn hoà chúng, học pháp... Hoà thượng đã triển khai một cách chi tiết về ba pháp tu học vắn tắt của người Khất sĩ là Giới - Định - Tuệ ngang qua các bài kinh như Tiểu kinh Người chăn bò, hay bài kinh Ví dụ tấm vải. Ngài đã nhắc nhở hội chúng nên ứng dụng các bài kinh này để tự hoàn thiện chính mình trong quá trình tu tập và cẩn thận với lời nói khi sống trong chúng. Với thời pháp thoại và pháp đàm do Hoà Thượng chủ toạ, mọi người được lắng nghe nhiều câu chuyện xưa của các vị Khất sĩ trong niềm hoan hỷ, tịnh tín.

Ngày thứ năm, HT. Giác Nhân thăm và chia sẻ với các vị hành giả qua đề tài “Những điểm tương đồng trong Kinh Nghiệp Tương ƯngChơn lý 'Sanh và Tử'. Từ nội dung tổng quát cũng như các ví dụ trong kinh Nghiệp Tương Ưng: “Chúng sanh thuộc cảnh giới nào thì tương ưng hoà hợp với cảnh giới ấy”, nghĩa là người thiện thì đi chung với người thiện, người bất thiện thì giao du với kẻ bất thiện, Ngài đã đối chiếu qua Chơn lý "Sanh và Tử" của Tổ sư để giúp các hành giả hiểu rõ hơn về tiểu phẩm Chơn lý này.

Ngày thứ sáu, HT. Minh Thành – Giáo thọ của khóa tu, đã đến thăm và chia sẻ với hội chúng về đề tài: “Ngũ uẩn - Pháp học và pháp hành”, qua đó cung cấp cho hành giả có cái nhìn vừa truyền thống, vừa mới mẻ về "uẩn". Năm uẩn trong Chơn lý có sự kết nối duyên sinh như: mối liên kết hình cầu hay hình khối. Thậm chí, chúng còn là mối liên kết tuyến tính, nghĩa là có vạch xuất phát, có chỗ đến, có chỗ cuối cùng, rốt ráo cuộc hành trình của kiếp nhân sinh. Ngài đã hỗ trợ cho hành giả hoàn thành lộ trình của cái biết qua Chơn lý "Ngũ uẩn". Đồng thời, Hoà thượng nhấn mạnh, để thành tựu trí tuệ hành giả cần phải từ từ thông qua 13 bước như kinh Kitagiri (KTB 70): có lòng tin, sự kính lễ, lóng tai, nghe pháp, thọ trì pháp, suy tư ý nghĩa pháp, chấp thuận, ước muốn sanh khởi, nỗ lực, cân nhắc, tinh cần, chứng được sự thật tối thượng và trí tuệ thể nhập.

Ngày thứ bảy, HT. Giác Minh – Giáo thọ khoá tu, đã đến thăm và chia sẻ đến hội chúng các ý pháp từ tiểu phẩm Chơn lý "Chánh đẳng Chánh giác". Trung đạo Chánh đẳng Chánh giác cũng như sự sống của trái tim điều hòa, không mau chậm, như hơi thở có ra vào, như chiếc xe có máy chạy đằm đằm, là sự không thái quá bất cập của tương đối. Chánh đẳng Chánh giác cũng là tự nhiên chơn như, không vọng động rối loạn, bởi sự Chánh đẳng là từ bi, sống chung, hòa hiệp và chánh giác là trí huệ, dứt bỏ điều sái quấy, nên mới được ngủ yên nghỉ khỏe, không điều xao xuyến bận lòng.

Ngày thứ tám, HT. Minh Bửu – Giám thiền khoá tu, có thời pháp chia sẻ đến hội chúng qua tiểu phẩm Chơn lý "Lục căn". Trong võ trụ không gian và thời gian chỉ có ba pháp là: trần, thức, căn. TRẦN là tứ đại, của cải, các pháp, chất nuôi sống; THỨC là sự sống biết, là chúng sanh và CĂN là thể tướng hình dạng của mỗi chúng sanh. Cho nên nói rằng: Trong võ trụ có một cái cây, trần vật chất là đất, nước, lửa, gió phía dưới, căn là rễ ăn trong trần để nuôi thức, thức là thân cây, tưởng là nhánh cây, pháp là lá cây, trí như hoa, giác như vỏ trái, tánh như hột, chơn lý như thịt cơm. Cây ấy tức là đạo của chúng sanh vậy. Đạo ấy vốn từ nơi trần mà ra, quả ấy là quả giác kêu là Phật. Qua sự trình bày của Hoà thượng, các hành giả thấy được tầm quan trọng của việc tu tập lục căn để thành tựu hột giống tánh.

Ngày thứ chín, HT. Minh Hoá chia sẻ đến hội chúng về tiểu sử của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang qua các thánh tích quan trọng liên quan đến cuộc đời của Ngài. Đặc biệt là di tích đắc đạo của Tổ sư, một trong tứ thánh tích quan trọng, nơi chư vị hành giả đang tu tập. Hoà thượng đã kể lại chi tiết tiến trình lúc Tổ sư sinh ra, lớn lên, tầm đạo, đắc đạo và hoằng dương Phật Pháp. Đồng thời, Hoà thượng chia sẻ tiểu sử các vị trưởng lão và lịch sử hình thành các giáo đoàn Tăng Ni một cách tường tận.

Ngày thứ mười, HT. Giác Pháp, HT. Minh Bửu và HT. Giác Điệp đồng chủ toạ, nhằm ôn lại tất cả các bài giảng của chư Tôn đức Giáo thọ trong chín ngày qua. Quý Hoà thượng đã giảng trạch thêm những điểm quan trọng trong các bài giảng và dừng lại tại những chi tiết cần thiết để giúp cho các hành giả hướng đến sự thành tựu pháp học, củng cố pháp hành cũng như sớm thành tựu được lý tưởng giác ngộ, giải thoát.

Trong khoá tu lần này, các vị Thượng toạ, Đại đức có tâm với giáo pháp Tổ Thầy như: TT. Giác Phước, ĐĐ. Minh Chuẩn, ĐĐ. Giác Thống, ĐĐ. Giác Ảnh, đã được chư Tôn Hoà Thượng chứng minh, chỉ dạy chia sẻ tri kiến về pháp học và pháp hành cho các huynh đệ đồng phạm hạnh, để cùng yểm trợ cho nhau trong quá trình tu học. Đại chúng vô cùng hoan hỷ với những thời trợ giảng của quý Thượng toạ, Đại đức.

            Về pháp hành: Chư Tôn đức và hành giả đều tuân thủ theo thời khóa tu tập thiền định một ngày đêm gồm có:

  • Hai thời thiền tọa, mỗi thời một tiếng và bốn thời thiền hành, mỗi thời nửa tiếng.
  • Một giờ sám hối ba nghiệp thân - khẩu - ý từ 08g00 đến 09g00 tối để chư Tăng tự kiểm điểm lại những lầm lỗi, kém khuyết xảy ra trong một ngày, từ đó phát lồ sám hối trước đại chúng để thân tâm được trong sạch. Kế đến, đại chúng được thọ nhận lời giáo huấn của Hòa thượng Giám luật để thúc liễm tam nghiệp, gìn giữ bốn oai nghi trong mỗi lúc.
  • Khất thực, độ ngọ: hàng ngày vào lúc 10g30, chư Tôn đức đều đắp y, mang bát đi khất thực trong khuôn viên Di tích, vô cùng trang nghiêm thanh tịnh.

Đặc biệt, sáng ngày khai mạc và bế mạc khóa tu, toàn thể chư Tôn đức đã khất thực hóa duyên tại khu vực trung tâm TP.Hà Tiên, tái hiện lại hình ảnh chư Phật và Tăng đoàn thuở xưa, tạo duyên lành cho phật tử hữu duyên phát khởi tín tâm, đảnh lễ cúng dường Tam bảo và hiện tiền chư Tôn đức. Hình ảnh này đã để lại ấn tượng vô cùng tốt đẹp trong lòng cư gia bá tánh tại địa phương. Và đây cũng là phương pháp thiết thực đưa đạo vào đời.


 

  1. NHẬN ĐỊNH CHUNG

Nhận thức được thời gian 10 ngày sống chung tu học trôi qua nhanh, cộng với không khí mát mẻ trong lành nên chư hành giả tham dự khóa tu đều nỗ lực tinh tấn tu tập, thúc liễm thân tâm, trau dồi Giới - Định - Tuệ, đúng như tinh thần, tên gọi của khóa tu mà Hệ phái đặt ra. Trong sự gia hộ của mười phương Tam bảo, cùng với sự hướng dẫn tận tình của chư Tôn đức Giáo phẩm nên Khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần thứ 35 được diễn ra trang nghiêm và thành công tốt đẹp.

Tuy nhiên, với khuôn viên giới hạn và một vài sự cố quá tải về điện nước, nên việc vận hành trong sinh hoạt của khoá tu không sao tránh khỏi những thiếu sót. Đồng thời, với thời tiết thay đổi bất chợt đã làm thay đổi lộ trình thiền hành cũng như một vài trường hợp cảm sốt, ảnh hưởng đến việc tu tập của các hành giả.

Nhìn chung, suốt thời gian khóa tu diễn ra các hành giả đều thực hiện tốt nội quy của Ban Tổ chức, chấp hành thời khóa tu học, tập sống nghiêm túc theo Tứ y pháp Trung đạo, tự giác thúc liễm thân tâm, giữ sự yên lặng và chánh niệm tỉnh giác trong bốn oai nghi. Trong mười ngày tu tập thiền định, hành giả luôn cảm nhận được sự an lạc và yên tịnh, được chư Tôn đức Giáo thọ truyền trao những ý pháp của Đức Phật và lời dạy quý báu của Tổ sư. Đó là tài sản pháp bảo vô giá mà hành giả được thọ nhận từ nơi chư Tôn đức. Đồng thời, mỗi buổi tối, vào giờ sám hối chư hành giả luôn ý thức được những điều kém khuyết của mình trong một ngày tu tập, trình bạch với Hòa thượng Giám luật cùng thiền đường đại chúng để quý Ngài chứng minh, xả đọa lỗi lầm, nhờ đó mà thăng tiến trên con đường giác ngộ giải thoát.


 

  1. KẾT LUẬN

Kính bạch chư Tôn đức,

Kính thưa quý liệt vị,

Khoá tu Truyền thống Khất sĩ lần thứ 35 diễn ra thành công trong phương diện tổ chức và trong phương pháp tu tập hành trì. Thành tựu này, trước tiên chúng con xin thành kính đảnh lễ tri ân chư Tôn đức Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái, chư Tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo Hệ phái, chư Tôn đức Ban Tổ chức khóa tu. Đặc biệt, chư Tôn đức Giáo đoàn IV - đơn vị đăng cai, đã thương tưởng đến hàng hậu học, tổ chức khóa tu này để chư vị hành giả được thắp sáng tâm linh nơi giáo pháp của Đức Phật và đường lối tu tập hành trì của Tổ thầy. Thứ đến, xin được niệm ân sự cố gắng nỗ lực tu tập của hành giả, sự ngoại hộ chu đáo của chư Tăng đơn vị đăng cai, sự cho phép tổ chức khóa tu của các cơ quan chức năng cùng sự phát tâm cúng dường tứ sự của quý Phật tử các đạo tràng tịnh xá gần xa. Nhờ vậy, khóa tu mới được thành công mỹ mãn.

Thành công này còn có sự chung tay góp sức của NT. Chánh Liên, NS. Nguyệt Liên, cùng quý Sư cô và Phật tử công quả phải thức khuya dậy sớm phụ trách nhà trù, lo trai soạn cũng như hành đường để có những thực phẩm phong phú đa dạng, đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo sức khoẻ để hành giả an tâm tu học.

Kính nguyện hồng ân Tam bảo thùy từ gia hộ chư Tôn đức pháp thể khinh an, Phật sự viên thành, mãi là chỗ dựa vững chắc cho chúng con và chúng sanh trên lộ trình giác ngộ, giải thoát. Kính chúc chư hành giả nỗ lực cùng nhau thực hành chánh pháp để đạo nghiệp chóng viên thành. Chúc quý Phật tử được nhiều sức khỏe, bồ đề tâm tăng trưởng.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan