CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Báo cáo tổng kết khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần thứ 36

BÁO CÁO TỔNG KẾT

KHÓA TU TRUYỀN THỐNG KHẤT SĨ LẦN THỨ 36

TẠI TỊNH XÁ TRÚC LÂM
(Ấp Thạnh Nam, xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh)

(BAN THƯ KÝ KHÓA TU)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
 


 

  • Kính bạch Chư tôn Hòa thượng chứng minh
  • Kính bạch chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái
  • Kính bạch chư Tôn thượng tọa, chư Đại đức Tăng hành giả khóa tu
  • Thưa chư thiện nam, tín nữ Phật tử

Khóa tu truyền thống Khất sĩ ra đời trong tinh thần hoan hỷ của Hệ phái, đã phát triển vững vàng trong suốt 14 năm qua. Để tổng kết lại quá trình tu tập, chúng con xin đại diện cho Ban Thư ký báo cáo quá trình tu tập của khóa tu như sau:

        1. THỜI GIAN VÀ ĐỊA ĐIỂM

Tịnh xá Trúc Lâm nằm tương đối biệt lập với khu dân cư, có vị trí vô cùng hữu tình và thuận lợi cho sự tu tập. Tuy rằng Tây Ninh nắng cháy da người nhưng Tịnh xá có sự bảo hộ và che chở vững vàng của thiên nhiên, đặc biệt là ngọn Đồi 82 - lịch sử nên khí hậu dịu mát, nhiệt độ ôn hòa. Các dãy cốc nép mình dưới những tàng cây xanh mát là nơi ngơi nghỉ tĩnh lặng cho chư Tôn đức và hành giả.

Khóa tu truyền thống Khất sĩ lần thứ 36 do Giáo đoàn VI đăng cai tổ chức, bắt đầu từ ngày mùng 03 đến ngày 13 tháng 11 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 03 - 13/12/2024) tại đạo tràng Tịnh xá Trúc Lâm (thuộc ấp Thạnh Nam, xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh).

Ban Trị sự Giáo đoàn VI đã tổ chức họp bàn và đồng nhất trí chọn nơi đây làm địa điểm tổ chức khóa tu lần này.

          2. BAN CHỨC SỰ KHÓA TU

2.1. Ban Chứng minh:

- Trưởng lão HT. Giác Tường – UVTT HĐCM GHPGVN, Chứng minh HPKS.

- Trưởng lão HT. Giác Giới – Phó Thư ký HĐCM GHPGVN, Chứng minh HPKS.

- Trưởng lão HT. Giác Tuấn – Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN Quận 6, Phó trưởng Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, Trị sự Trưởng Giáo đoàn VI.

2.2. Ban tổ chức

- Trưởng ban: HT. Giác Toàn – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái.

- Phó trưởng ban kiêm Giám luật: HT. Giác Pháp – Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng ban Nghi lễ T.Ư GHPGVN, Phó Thường trực Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, Trị sự trưởng Giáo đoàn V.

- Phó ban: HT. Minh Bửu – UVTT HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái.

- Phó ban: HT. Giác Điệp – Giáo phẩm Hệ phái, Trị sự phó Giáo đoàn VI.

2.3. Thiền chủ: HT. Giác Giới – Phó Thư ký HĐCM GHPGVN, Chứng minh Hệ phái.

2.4. Hoá chủ: TT. Giác Nhuận – Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Phó Trị sự trưởng Giáo đoàn VI.

2.5. Phó ban Giám luật: HT. Giác Nhân – Ủy viên HĐTS, Giáo phẩm Hệ phái; HT. Giác Phùng – Giáo phẩm Hệ phái, Trị sự phó Giáo đoàn III.

2.6. Giám Thiền: HT. Giác Điệp, TT. Giác Minh

2.7. Kiểm soát: ĐĐ. Minh Y là Trưởng ban cùng chư Tôn đức đại diện các Giáo đoàn.

2.8. Điển lễ: TT. Giác Khánh

2.9. Hộ khoá: ĐĐ.  Minh Dẫn

2.10. Trực kẻng: ĐĐ. Minh Toàn

2.11. Thư ký: TT. Giác Hoàng – Ủy viên HĐTS, Chánh Thư ký Hệ phái.
Trợ lý thư ký: ĐĐ: Minh Sĩ, ĐĐ. Minh Đăng, ĐĐ. Giác Thống.

3. HÀNH GIẢ THAM DỰ

    Tổng cộng: 108 vị

- Giáo đoàn 1: 10 vị (02 Hòa thượng, 02 Thượng tọa, 06 Đại đức, 02 Tỳ-kheo)

- Giáo đoàn 2: 11 vị (10 Đại đức, 01 Sa-di)

- Giáo đoàn 3: 33 vị (01 Hòa thượng, 23 Đại đức, 08 Tỳ-kheo, 01 Sa-di)

- Giáo đoàn 4: 13 vị (11 Đại đức, 02 Tỳ-kheo)

- Giáo đoàn 5: 14 vị (03 Hòa thượng, 08 Đại đức, 02 Tỳ-kheo, 01 Sa-di)

- Giáo đoàn 6: 27 vị (02 Hòa thượng, 02 Thượng tọa, 15 Đại đức, 06 Tỳ-kheo, 02 Sa-di)

4. THỜI KHÓA TU TẬP

Một ngày tu tập được bắt đầu vào lúc 03g30, chuông ngân lên như thúc giục chư hành giả chuẩn bị một ngày tu mới. Sau 30 phút vệ sinh cá nhân, đại chúng hội tụ nơi thiền đường, lễ Tam bảo, rồi cùng nối gót theo chân Hòa thượng dẫn lối thiền hành từ 04g00 ~ 04g30. Sau đó, chư hành giả thiền tọa một tiếng đến 05g30.

Từ 05g30 ~ 06g00 là thời gian chấp tác, công quả. Sau đó, đại chúng tập trung vào Trai đường dùng điểm tâm. 07g30 chư hành giả thiền hành đến 08g00. Sau thời gian nghỉ giải lao, thời pháp buổi sáng bắt đầu từ lúc 08h30 đến 10g00. Vào lúc 10g30 toàn thể chư Tăng đắp y, ôm bát lãnh cơm và độ ngọ hòa chúng đến 12g00.

Sau khi thọ trai, đại chúng được chỉ tịnh hơn 1 tiếng đồng hồ. Chuông báo thức ngân lên lúc 13g30 và đại chúng câu hội thiền đàm từ 14g00 ~ 15g30. Sau khi, nghỉ giải lao, đại chúng tập trung thiền hành từ 16g00 ~ 16g30. Từ 18g00, chư hành giả thiền tọa và thiền hành đến 19g30. Cuối cùng vân tập tại Thiền đường để cùng tham dự thời sám hối diễn ra từ 20g00 ~ 21g00. Đây cũng là thời điểm kết thúc một ngày tu.

5. NỘI DUNG TU HỌC

Ngày thứ 1: Buổi sáng, trước khi chính thức bước vào lễ khai mạc khóa tu, chư hành giả trì bình khất thực hóa duyên theo truyền thống, dưới sự hướng dẫn của HT. Giác Pháp. Chiều cùng ngày, Trưởng lão HT. Giác Toàn – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, Trưởng ban Tổ chức khóa tu, đã trùng tuyên lại một số ý pháp của Đức Tổ sư. Qua đó, Hòa thượng khẳng định: "Chư hành giả vân tập về đây sống chung tu học, vị nào tâm còn vọng động, sống trong chúng, tuân theo giờ giấc, khép mình trong nội quy chung, thường tham thiền, nghe pháp, học hỏi kinh nghiệm tu tập lẫn nhau trong tinh thần cầu thị và đoàn kết, xuyên suốt 10 ngày tu chung như vậy, ắt thân sẽ được yên tịnh. Như Đức Tổ sư dạy: Cái sống là phải sống chung, cái biết là phải học chung, cái linh là phải tu chung".

Thông qua lời dạy của Tổ sư Minh Đăng Quang, Hòa thượng cũng đưa ra phương pháp thực hành nếp sống chung tu học rất rõ ràng và đặc sắc, trong đó nhấn mạnh việc chư hành giả phải tập trung vào giữ gìn thân - khẩu - ý trong sạch: "Giữ thân trong sạch ấy là xứ Phật. Giữ miệng trong sạch ấy là pháp Phật. Giữ ý trong sạch là con Phật. Giữ tâm trong sạch ấy là Đức Phật".

Ngày thứ 2: HT. Giác Giới – Phó Thư ký HĐCM GHPGVN, Chứng minh Hệ phái, Thiền chủ khóa tu, đã dành thời pháp thoại, nói về phương pháp và kinh nghiệm tu học, đến chư hành giả tham dự khóa tu. Hòa thượng nhấn mạnh: "Trong lối sống tu tập hiện tại, việc tìm lại chính mình là điều cần thiết. Chúng ta thường chạy theo vọng cảnh bên ngoài để rồi quên mất chính bản thể trong suốt vắng lặng trong ta. Thân thể này là nguyên nhân của khổ đau, nhưng cũng là con đường đến Niết-bàn". Thông qua nhiều ví dụ minh họa, từ câu chuyện người đàn bà trộm cắp đến câu chuyện khúc gỗ trôi trên sông Hằng, hay câu chuyện về người đàn ông nhặt được con chuột chết, Trưởng lão Hòa thượng đã diễn giải về sự khổ đau, bắt nguồn từ chấp trước vào hiện tượng bên ngoài thay vì nhận ra hạnh phúc nội tại.

Ngày thứ 3: HT. Giác Pháp – Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng ban Nghi lễ T.Ư GHPGVN, Phó Thường trực Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, Trị sự trưởng Giáo đoàn V, Phó trưởng ban kiêm Giám luật khóa tu, đã ôn lại công hạnh của Hòa thượng Giác Huệ - Vị khai lập Giáo đoàn VI. Ngài cũng cho biết Hòa thượng Giác Huệ là một trong những vị Pháp sư lỗi lạc thời bấy giờ. Dù tuổi trẻ nhưng ý chí xuất trần của Hòa thượng Giác Huệ vô cùng hùng dũng, trượng phu. Những điều này được thể hiện rõ qua từng dòng thơ của Ngài.

Đặc biệt, trong khuôn khổ buổi pháp thoại, HT. Giác Pháp đã giới thiệu đến chư hành giả 04 bài thơ: Chiến thắngHai người chiến sĩ và Đáp bức thư tâm sựĐời Khất sĩ như những ví dụ sống động về tư tưởng đại hùng, đại lực của Hòa thượng Giác Huệ.

Đối với bài thơ Chiến thắng, thông qua hình ảnh người chiến sĩ, Hòa thượng Giác Huệ đã ví người tu hành cũng như một chiến sĩ, luôn phải chiến đấu với “ma quân”, ở đây không gì khác hơn là tam độc: tham lam, sân giận, lười biếng. Chiến thắng được tam độc này, người xuất gia mới vượt qua được “ải Niết-bàn”, cũng như chiến sĩ, phải vượt qua kham khổ, đánh bại ma quân, mới dành được chiến thắng vẻ vang.

Ngày thứ 4: HT. Minh Bửu – UVTT HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, Phó BTC khóa tu, chia sẻ về khái niệm "Lục căn" trong Chơn lý của Đức Tổ sư. Hòa thượng nói, chúng ta sử dụng lục căn hàng ngày mọi lúc, mọi nơi và Ngài cũng nhấn mạnh: “Những thứ này luôn luôn hiện hữu trong tâm trí con người một cách không ngừng nghỉ và nó chính là gốc rễ của phiền não. Bởi, khi lục căn tiếp xúc với lục trần, tâm ý khởi sinh vọng tưởng, dẫn đến sự phát khởi của tham - sân - si, là nhân tạo thành nghiệp chướng, trói buộc con người trong vòng luân hồi sinh tử”.

Ngang qua bài giảng, Hòa thượng cũng chia sẻ một số ý pháp về các câu chuyện thiền của Ngài Lục Tổ Huệ Năng và Ngài Huyền Giác, hay Nam Nhạc Hoài Nhượng và Đạo Nhất…

Ngày thứ 5: HT. Giác Giới – Phó Thư ký HĐCM GHPGVN, Chứng minh Hệ phái, Thiền chủ khóa tu, tiếp tục chia sẻ về duyên khởi của các khóa tu Truyền thống Khất sĩ và những câu chuyện buổi đầu hành đạo của Hệ phái, để các vị hành giả hiểu rõ về giáo pháp và hành trạng lịch sử của Hệ phái. Đồng thời, Hòa thượng kể lại cho đại chúng nhiều câu chuyện trong các bài kinh thuộc hệ Nikaya như Kinh Thánh cầu, Kinh Ví dụ lõi cây... Từ các ý kinh, Hòa thượng đã triển khai chi tiết lộ trình tu tập và mong muốn các vị hành giả trong đời này phải thành tựu Chánh tri kiến để biết đường đi và tu tập cho có kết quả...

Khép lại thời khóa trong ngày tu thứ 5, HT. Giác Giới sách tấn chư hành giả: “Vì mục tiêu của người xuất gia là tu tập để đoạn tận khổ đau, đạt đến Niết-bàn, cho nên mỗi hành giả cần phải hiểu rõ, ái dục là nguyên nhân của khổ đau, ái diệt thì khổ diệt. Hành giả phải tinh tấn tu tập, hướng đến mục tiêu đạt được chánh tri kiến (sơ quả nhập lưu) vì chánh tri kiến là nền tảng vững chắc cho việc tu tập. Muốn như vậy, chư hành giả cần buông bỏ mọi việc thế sự mà tập trung vào việc học pháp và hành thiền. Đặc biệt nên lưu ý, nên học kinh điển Phật dạy, những lời luận giải chỉ nên tham khảo và xác lập mục tiêu gần nhất là đạt được chánh tri kiến, chứng quả nhập lưu”.

Ngày thứ 6: HT. Minh Thành  UVTT HĐTS GHPGVN, Phó Viện trưởng VNCPHVN, Phó ban Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, Trưởng Ban Giáo dục Tu thư PGKS, đã chia sẻ cho đại chúng Chơn lý “Sanh và Tử”. Chơn lý “Sanh và Tử” với 7 phần, đã đưa ra những luận điểm xoay quanh chủ đề “cái biết”. Theo đó, HT. Minh Thành xác định đối tượng cần quán chiếu ở đây chính là “cái biết”, phân tích đặc tính của nó (linh diệu, có nhiều tên gọi) và xem xét nó dưới lăng kính sống chết. Hòa thượng cũng khẳng định: “Tổ sư sử dụng hình thức hỏi đáp giúp cho việc trình bày nội dung trở nên logic và dễ hiểu, đồng thời việc đặt ra câu hỏi và giải đáp như vậy của Tổ là để phù hợp với cách nhìn của chúng sinh và mục đích hóa độ của Ngài”.

Đi sâu vào sự sanh của “cái biết”, mối liên hệ giữa thân và tâm, cũng như sự dịch chuyển của “cái biết” trước và sau khi chết, HT. Minh Thành đã so sánh quan điểm của Chơn lý “Sanh và Tử” với các triết học khác (triết học tư bản, triết học cộng sản) về vấn đề nguồn gốc của con người (tâm hay vật chất có trước). Qua đó, Hòa thượng cho rằng: “Chơn lý ‘Sanh và Tử’ không xem việc lựa chọn quan điểm nào là quan trọng, mà chỉ đơn thuần trình bày những gì Tổ sư quan sát được”.

Ngày thứ 7: HT. Giác Minh – Chứng minh BTS GHPGVN huyện Châu Phú - tỉnh An Giang, Tri sự Phó Giáo đoàn I, chia sẻ đề tài “Công lý võ trụ”. Mở đầu bài giảng, Hòa thượng phân tích ba cấp độ của đạo Phật:

  • Đạo Phật là con đường hướng tới giác ngộ, vượt xa khỏi khuôn khổ tín ngưỡng tôn giáo.
  • Phật giáo là hệ thống giáo lý nhằm hướng dẫn con người sống tốt đẹp hơn.
  • Tổ chức Phật giáo là sự cụ thể hóa giáo lý qua các hoạt động cộng đồng.

Qua đó, Hòa thượng nhấn mạnh sự khác biệt giữa việc sống theo đạo Phật với việc chỉ đơn thuần là một tín đồ Phật tử. Theo Hòa thượng, thực hành đạo Phật, hay thực hành tu tập, không chỉ dừng lại ở hình thức, mà cần thâm nhập vào chiều sâu của sự hiểu biết và chuyển hóa nội tâm.

Chiều cùng ngày, TT. Giác Nhuận  Trị sự Phó GĐ.VI, Hóa chủ khóa tu, đã chủ trì buổi pháp đàm, tiếp tục xoay quanh đề tài “Công lý võ trụ” trong Chơn lý của Tổ sư Minh Đăng Quang.

Đồng thời, Thượng tọa đã giới thiệu bài Chơn lý “Võ trụ quan” như một phương tiện nền tảng để hiểu rõ hơn về Chơn lý “Công lý võ trụ”. Theo Thượng tọa, Chơn lý “Võ trụ quan” do Tổ sư trình bày cũng như Tứ diệu đế mà Đức Phật thuyết cho 5 anh em Kiều Trần Như. Song, cách tiếp cận của Chơn lý “Võ trụ quan” và Tứ diệu đế có sự khác biệt. Nếu Tứ đế tập trung vào khổ - tập - diệt - đạo, thì Chơn lý “Võ trụ quan” lại nhấn mạnh sự tiến hóa, tính tự nhiên và “cái biết”.  

Ngày thứ 8: HT. Giác Đăng  Giáo phẩm hệ phái, Trụ trì Tịnh xá Vạn Đức (Tiểu bang California, Hoa Kỳ), đã có thời pháp đàm đến hành giả tham dự khóa tu xoay quanh chủ đề Chơn lý “Thập nhị nhân duyên”.

Thập nhị nhân duyên, hay 12 nhân duyên là giáo pháp quan trọng, là cách trình bày đặc biệt của giáo lý “duyên khởi” (Paticcasamuppada). Giáo lý này do chính Bồ-tát Tất Ðạt Ða (Siddhartha) thể chứng dưới cội bồ đề sau 49 ngày tư duy thiền định, từ đó Ngài trở thành một bậc Giác ngộ hoàn toàn. Xuyên suốt thời gian này, Đức Phật đặc biệt xoay quanh việc liên hệ tới hai vấn đề: nhân duyên và nhân quả.

Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, với Chơn lý “Thập nhị nhân duyên”, cũng đã đề cập đến vấn đề này. Theo đó, Hòa thượng đã giải thích về bản chất của các pháp trên thế gian là vô thường và cách con người có thể nhận thức được sự vô thường đó thông qua trải nghiệm thực tế. 

Hòa thượng đặc biệt nhấn mạnh về “vô minh”, là việc con người không thấu suốt được bản chất của các pháp, dẫn đến những hành động tạo tác nghiệp. “Vô minh là nền tảng của hành động (hành). Hành là hành động tạo tác qua thân, khẩu, ý. Mỗi hành động tạo ra một vòng tròn nghiệp, vòng tròn này di chuyển cho đến khi kết thúc và tạo ra kết quả. Con người bị chi phối bởi nghiệp, dù có tin vào Phật pháp hay không”.

Ngày thứ 9: Là ngày pháp đàm của chư hành giả khóa tu dưới sự chứng minh của HT. Giác Phùng và HT. Giác Đăng - Giáo phẩm Hệ phái. Chư hành giả đã có một số chia sẻ về những vấn đề, những quan điểm hay những thắc mắc chưa được sáng tỏ trong thời gian tu học. Chư Hòa thượng chứng minh đã hết lòng giảng giải cho các vấn đề được sáng tỏ, giúp chư hành giả có một tư lương tốt trên con đường giác ngộ giải thoát của mình.

Ngày thứ 10: HT. Giác Nhân – Ủy viên HĐTS, Giáo phẩm Hệ pháiPhó ban Giám luật khóa tu, đã chia sẻ cho đại chúng chủ đề: “Suy nghĩ về ý pháp Thuyền bát nhã Tổ sư Minh Đăng Quang chứng ngộ”. Theo Hòa thượng: bát nhã là trí huệ, phải chăng thuyền bát nhã tức là thuyền trí huệ mà Tổ sư đã mô tả ý pháp lập giáo qua bài kệ Thuyền trí huệ.

“Thuyền trí huệ ngược dòng rẽ sóng
Đèn quang minh rạng bóng soi đời”

Như chiếc thuyền vượt qua những đợt sóng nhấp nhô ngoài biển cả, Ngài dụ cho bể khổ trầm luân mà chúng sanh đang hụp lặn. May thay gặp được ánh đuốc Quang Minh soi sáng. Giáo pháp mà Tổ sư đã chứng ngộ là con đường Khất sĩ. Chư Phật ba đời cũng là Khất sĩ. Chỉ có con đường Khất sĩ mới có khả năng đưa chúng sang từ bờ mê qua bến giác.

Chiều cùng ngày, ĐĐ. Minh Nhật hành giả khóa tu, đã chia sẻ với đại chúng xoay quanh vấn đề về chánh niệm tĩnh giác, điều phục tâm ý của một người tu hành thông qua những lời dạy của Đức Thế Tôn. Sau đó, đại chúng tiếp tục thời pháp đàm.

6. NHẬN XÉT CHUNG

- Sự thành công của khóa tu là nhờ vào sự nỗ lực tinh cần của chư hành giả xuyên suốt thời khóa tu tập và nội quy của Ban Tổ chức đề ra.

- Khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần thứ 36 do Giáo đoàn VI đăng cai tổ chức, được thành tựu viên mãn, là do sự nỗ lực của chư Tôn đức trong Giáo đoàn đã tạo mọi điều kiện tốt, đầy đủ phương tiện, cơ sở vật chất đáp ứng khóa tu.

- Sự phát tâm hộ trì sớt bát cúng dường của Phật tử các miền tịnh xá gần xa trong suốt khóa tu, góp phần cho thành tựu khóa tu truyền thống.

- Nhìn chung, khoá tu lần thứ 36 này có số lượng hành giả tương đối ổn định. Tinh thần “sống chung tu học” đang tiếp tục phát huy.

- Mười ngày tu học đã nhanh chóng trôi qua trong tịnh lạc, hoan hỷ, an bình. Mỗi hành giả đều được sức khỏe ổn định. Nơi ở yên tịnh hỗ trợ cho chư hành giả tu tập tốt, ít bị lỗi sám hối.

- Chư Tăng và cư sĩ hộ khóa đã làm tương đối tốt công việc mình đã phát nguyện và được giao. Nhưng do khuôn viên của tịnh xá tương đối rộng, nhân sự khá ít nên ban Ban ngoại hộ và các ban hộ trì khóa tu đã cố gắng hết sức trong quá trình phục vụ cho khóa tu nhưng vẫn còn một số sơ xuất nhỏ.

7. KẾT LUẬN

Tóm lại, 10 ngày tu tập trong không khí yên bình của khu tĩnh tu Tịnh xá Trúc Lâm đã thực sự đem đến cho Tăng chúng một nguồn hạnh phúc lớn. Nguồn hạnh phúc này khơi dậy từ sức mạnh tinh tấn, qua sự khép mình sống chung tu học theo lời dạy của Tổ sư “Nên tập sống chung tu học”, nhờ vậy các tạp niệm được giảm thiểu tối đa và chánh niệm được tăng trưởng rõ rệt. Từ đây, hình ảnh Đức Tôn sư, chư Đức Thầy và Tăng đoàn Khất sĩ Y Bát chơn truyền sống dậy trong Tăng chúng. Khóa tu truyền thống lần thứ 36 đã diễn ra tương đối thành công từ công tác chuẩn bị ngày đầu tiên cho đến buổi cuối cùng. Đây là thành quả của sự lãnh đạo sáng suốt từ chư Tôn đức lãnh đạo Hệ phái và sự phát tâm tu tập của toàn thể chư hành giả. Thành quả này xin nguyện hồng ân Tam bảo, Đức Tổ sư và chư vị Đức Thầy, thùy từ chứng giám để các khóa tu nối tiếp được thành công tốt đẹp.

Chúng con thành kính tri ơn chư Tôn Giáo phẩm lãnh đạo Hệ phái, Ban Chức sự khóa tu và các ban cùng toàn thể chư hành giả. Cầu nguyện chư Tôn đức pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, đạo quả chóng viên thành.

Xin được tri ơn các cấp chính quyền lãnh đạo địa phương đã tạo mọi kiện cho khóa tu diễn ra thành công tốt đẹp. Cuối cùng xin cầu nguyện Tam bảo chứng minh công đức phát tâm của toàn thể chư thiện nam, tín nữ Phật tử cúng dường khóa tu. Kính chúc quý vị vô lượng an lạc, vô lượng kiết tường.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan