CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Tây Ninh: Chơn lý “Công lý võ trụ” được đàm luận sôi nổi tại khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần thứ 36

Sáng 09/12/2024 (09/12/Giáp Thìn), chủ trì thời pháp ngày thứ 7 của khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần thứ 36, HT. Giác Minh - Chứng minh BTS GHPGVN huyện Châu Phú - tỉnh An Giang, Tri sự Phó Giáo đoàn I, đã có buổi chia sẻ về khái niệm “Công lý võ trụ” trong Chơn lý, gắn kết các giáo lý Phật pháp với thực tại cuộc sống, giúp hành giả hiểu rõ hơn về mối tương quan giữa con người và vũ trụ bao la.

Mở đầu bài giảng, Hòa thượng phân tích ba cấp độ của đạo Phật:

  • Đạo Phật là con đường hướng tới giác ngộ, vượt xa khỏi khuôn khổ tín ngưỡng tôn giáo.
  • Phật giáo là hệ thống giáo lý nhằm hướng dẫn con người sống tốt đẹp hơn.
  • Tổ chức Phật giáo là sự cụ thể hóa giáo lý qua các hoạt động cộng đồng.

Qua đó, Hòa thượng nhấn mạnh sự khác biệt giữa việc sống theo đạo Phật với việc chỉ đơn thuần là một tín đồ Phật tử. Theo Hòa thượng, thực hành đạo Phật, hay thực hành tu tập, không chỉ dừng lại ở hình thức, mà cần thâm nhập vào chiều sâu của sự hiểu biết và chuyển hóa nội tâm.

“Đối với hàng Tăng sĩ, chúng ta phải khẳng định được mình đang trên con đường đạo Phật. Nghĩa là chúng ta đang đi trên con đường tới ‘cái biết’ toàn diện, đi trên con đường mà khai sáng chính ‘cái biết’ đó trong nội tâm chính mình. Đó mới là chúng ta có khác hơn Phật giáo hay là giáo lý Phật, chúng ta khác hơn tổ chức Phật giáo. Cho nên ở đây chúng ta thấy rằng, chúng ta sẽ gần gũi với ‘cái biết’ toàn diện. Đó là điều cần thiết mà mỗi một chúng ta đang thực hiện với đời sống hôm nay”, Hòa thượng chỉ rõ.

Dẫn lời dạy của Tổ sư Minh Quang và Đức Phật, Hòa thượng nêu lên tầm quan trọng của “thoại đầu” (đề mục thiền) trong việc quán chiếu và giác ngộ.

Phân tích về “Công lý võ trụ”, trong đó, “công lý” được định nghĩa là lẽ công bằng, không thêm bớt, tương đồng với “chân lý” hay “chánh đẳng chánh giác”, và “cái biết” chính là yếu tố then chốt của “công lý”, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

Theo đó, “công lý võ trụ” được Hòa thượng chia thành bốn khía cạnh chính:

  • Thể của công lý: Vô lượng, vô biên, không cố chấp, vượt ra khỏi mọi giới hạn, không thể đo lường hay so sánh.
  • Tướng của công lý: Hiển hiện qua hình tướng của vạn vật, hiển hiện ở khắp mọi nơi, thông qua các giác quan.
  • Dụng của công lý: Là những quy luật vận hành vũ trụ và giáo lý nhân quả, vốn có thể thích ứng với mọi hoàn cảnh.
  • Lý của công lý: Tự nhiên vắng lặng, thanh tịnh, không phân biệt, là bản chất tột cùng của mọi sự vật.

Liên hệ đến khái niệm và minh họa “công lý võ trụ” qua hình ảnh nguyên tử, quả địa cầu và các lực hấp dẫn giữa các hành tinh, Hòa thượng khẳng định: “Sự tồn tại của con người, dù nhỏ bé, cũng chứa đựng tất cả những yếu tố của vũ trụ, tức mỗi người đều mang trong mình thể, tướng, dụng, lý của công lý. Liên hệ ‘công lý võ trụ’ với các trạng thái tâm lý và xã hội của con ngườicó thể thấy, sự biến thiên trong cuộc sống chỉ là biểu hiện của các pháp, nhưng thể và lý của công lý là bất biến, luôn dẫn dắt con người đến với sự giác ngộ. Tương tự sự cân bằng tuyệt đối của các yếu tố tự nhiên như đất, nước, lửa và gió, bất chấp mọi biến động vậy”.

Đi sâu vào ý nghĩa “thể của chân như” – bản chất thực tại vượt ngoài sự phân biệt thời gian và không gian, Hòa thượng chỉ ra rằng, sự tồn tại của “thể” không có điểm đầu hay điểm cuối, mà dung chứa mọi hiện tượng của vũ trụ. Hòa thượng lưu ý: “Hãy đặt tâm vào câu ‘sự ẩn hiện của nó chẳng đồng đều hoặc đã có, hoặc đang có, hoặc chưa có, tức là cái có đã tự bao giờ, không đầu đuôi, chính giữa, nên gọi là thể của chơn như một mực’. Đây chính là điểm then chốt để quán chiếu và đạt đến thanh tịnh”.

Hòa thượng phân tích ý nghĩa của câu: “Xưa nay có một động tịnh vốn không hai. Lý sự có đổi dời, bánh xe lăn xây có lui tới, có khổ có vui, có sống có chết có giặt giả có thái bình. Nhưng trong này có kia, trong kia có này. Từ tinh thần vật chất, thân tâm ta người, hôm nay ngày mai thảy đều có chứa đựng lẫn nhau”. Qua đó nhấn mạnh sự dung hòa, tương quan, và bình đẳng của tất cả các pháp.

“Tất cả các pháp, từ tinh thần đến vật chất, đều tương quan, tương dung. Điều này đồng nghĩa với việc mọi khổ đau, niềm vui, sống chết, hay hưng suy đều có sự liên hệ mật thiết và chính sự hiểu biết này dẫn đến trạng thái giác ngộ”, Hòa thượng khẳng định.

Cuối buổi giảng, Hòa thượng so sánh lục đạo (Niết-bàn, thiên đường, nhân loại, A-tu-la, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục) với các trạng thái tâm lý của con người, Hòa thượng chỉ rõ: “Sự giác ngộ không đến từ bên ngoài, mà từ sự thấu hiểu và chuyển hóa chính bản thân. Mỗi người đều mang trong mình những yếu tố của ‘công lý võ trụ’, chỉ cần biết khai mở và sống đúng với bản chất thanh tịnh đó, chứ không phải từ việc tìm kiếm bất cứ yếu tố nào bên ngoài”.

 

*****

Chiều cùng ngày, TT. Giác Nhuận – Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Phó trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN Quận 6, Tri sự Phó GĐ.VI, Hóa chủ khóa tu, đã chủ trì buổi pháp đàm, tiếp tục xoay quanh đề tài “Công lý võ trụ” trong Chơn lý của Tổ sư Minh Đăng Quang.

Tập trung vào việc làm rõ khái niệm “công lý võ trụ”, kết hợp với định hướng tu tập dựa trên sự tiến hóa của vũ trụ, tính tự nhiên và “cái biết”, Thượng tọa khẳng định, đây là một chủ đề quan trọng giúp hành giả nhận thức rõ hơn về sự vận hành của vũ trụ và vai trò của mình trong đó.

Đồng thời, Thượng tọa đã giới thiệu bài Chơn lý “Võ trụ quan như một phương tiện nền tảng để hiểu rõ hơn về Chơn lý “Công lý võ trụ. Theo Thượng tọa, Chơn lý “Võ trụ quan do Tổ sư trình bày cũng như Tứ diệu đế mà Đức Phật thuyết cho 5 anh em Kiều Trần Như. Song, cách tiếp cận của Chơn lý “Võ trụ quanTứ diệu đế có sự khác biệt. Nếu Tứ đế tập trung vào khổ - tập - diệt - đạo, thì Chơn lý “Võ trụ quan lại nhấn mạnh sự tiến hóa, tính tự nhiên và “cái biết”.

03 cách tiếp cận này được Thượng tọa giải thích có sự liên hệ với tam vô lậu học (Giới - Định - Tuệ). Cụ thể: Tiến hóa là sự phát triển tự nhiên của vạn vật, tương ứng với Giới trong tam vô lậu học; Tính tự nhiên là sự vận hành tự tại của vũ trụ, không bị ép buộc, tương ứng với Định; “Cái biết” là yếu tố giác ngộ, tương ứng với Tuệ.

Qua đó, Thượng tọa nhấn mạnh: “03 yếu tố này không chỉ tồn tại trong vũ trụ mà còn là kim chỉ nam cho hành giả trên con đường tu tập, giúp mỗi người đạt đến sự giác ngộ và thanh tịnh. Trong đó, ‘cái biết’ là yếu tố cốt lõi trong tu tập, nó không chỉ là nhận thức thông thường mà là khả năng thấy rõ bản chất của vạn pháp, vượt qua mọi khái niệm nhị nguyên”.

Tại buổi pháp đàm, Thượng tọa cũng dành thời gian giải đáp các câu hỏi của đại chúng, mang lại nhiều giá trị thực tiễn cho hành giả trên con đường tu tập. Đồng thời, Thượng tọa đã tán thán tinh thần tu học của đại chúng, nhấn mạnh ý nghĩa của sự thực hành giáo pháp để trở về với bản thể thanh tịnh, khép lại buổi pháp đàm.

 

Một số hình ảnh được ghi nhận trong ngày tu thứ 7 của khóa tu:

 

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan