CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Tây Ninh: Hòa thượng Minh Thành giảng về Chơn lý “Sanh và Tử” tại khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần thứ 36

Trong khuôn khổ khóa tu Truyền thống khất sĩ lần thứ 36, tại Tịnh xá Trúc Lâm (tỉnh Tây Ninh), ngày 08/12/2024 (08/12/Giáp Thìn), HT. Minh Thành - UVTT HĐTS GHPGVN, Phó Viện trưởng VNCPHVN, Phó ban Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, Trưởng Ban Giáo dục Tu thư PGKS, đã có chuyến thăm và chia sẻ về Chơn lý “Sanh và Tử” đến chư hành giả tham dự khóa tu.

Chơn lý “Sanh và Tử” với 7 phần, đã đưa ra những luận điểm xoay quanh chủ đề “cái biết”. Theo đó, HT. Minh Thành xác định đối tượng cần quán chiếu ở đây chính là “cái biết”, phân tích đặc tính của nó (linh diệu, có nhiều tên gọi) và xem xét nó dưới lăng kính sống chết. Hòa thượng cũng khẳng định: “Tổ sư sử dụng hình thức hỏi đáp giúp cho việc trình bày nội dung trở nên logic và dễ hiểu, đồng thời việc đặt ra câu hỏi và giải đáp như vậy của Tổ là để phù hợp với cách nhìn của chúng sinh và mục đích hóa độ của Ngài”.

Đi sâu vào sự sanh của “cái biết”, mối liên hệ giữa thân và tâm, cũng như sự dịch chuyển của “cái biết”trước và sau khi chết, HT. Minh Thành đã so sánh quan điểm của Chơn lý “Sanh và Tử” với các triết học khác (triết học tư bản, triết học cộng sản) về vấn đề nguồn gốc của con người (tâm hay vật chất có trước). Qua đó, Hòa thượng cho rằng: “Chơn lý ‘Sanh và Tử’ không xem việc lựa chọn quan điểm nào là quan trọng, mà chỉ đơn thuần trình bày những gì Tổ sư quan sát được”.

Đặc biệt ở câu thứ 30 trong Chơn lý “Sanh và Tử”: “Làm thế nào mới thành Phật và sống đời đời?”, Hòa thượng chỉ rõ lộ trình tiến hóa của “cái biết” với 13 phân khúc, tương ứng với 13 phiên bản của “cái biết”, từ phiên bản con thú đến phiên bản của một vị Chánh Đẳng Giác vô dư. Theo đó, lộ trình này có sự ảnh hưởng sâu sắc từ 3 dòng minh triết: Minh Triết Trung Hoa (Nho giáo, Lão Trang), Minh Triết Việt Nam (tư tưởng khai phóng) và Minh Triết nhà Phật.

Hòa thượng cho rằng cái biết trong Chơn lý “Sanh và Tử” không chỉ là nhận thức thuần túy, mà còn bao gồm cả cảm xúc và hành vi: “‘Cái biết’ mà thuộc về phạm vi của nhận thức là “cái biết” mang tính chất định nghĩa trong giáo khoa, trong tự điển mà thôi. Trong khi Chơn lý định nghĩa “cái biết” còn hai phạm vi khác là “cái biết” thuộc về cảm xúc và “cái biết” thuộc về hành vi. Ngoài “cái biết” về IQ (intelligent quotation), chỉ số thông minh, tức thuộc về nhận thức, chúng ta còn có “cái biết” gọi là EQ (emotional quotation), tức là sự thông minh của cảm xúc; và hành vi sanh thức trí, tức là “cái biết” thuộc về hành vi. “Cái biết” thuộc nhận thức, “cái biết” thuộc cảm xúc và “cái biết” thuộc hành vi, hướng đến và mang lại lợi lạc rộng lớn hơn quê hương, xứ sở dân tộc. Cái biết ấy là cái biết tầm quốc gia mà Nho giáo gọi là trị kỳ quốc”.

Bên cạnh đó, Hòa thượng cũng nêu lên các phiên bản tiếp theo bao gồm:

  • Phiên bản thứ 5: Con người chuyển hóa (tu thân) - “cái biết” ở tầng này bắt đầu mang tính chất chuyển hóa, hướng đến lợi ích cho mọi người xung quanh.
  • Phiên bản thứ 6, 7, 8 là sự phát triển của “cái biết”, từ việc sống vì lợi ích cho mọi người nói chung đến việc tập trung vào gia đình, quê hương xứ sở và quốc gia.
  • Phiên bản thứ 9: Con người của toàn nhân loại (bình thiên hạ) - “cái biết” ở đây mong muốn làm lợi ích cho toàn thế giới.
  • Phiên bản thứ 10: con người vươn lên cảnh giới của bậc Thánh - “cái biết” ở tầng này vượt ra khỏi “ngôi nhà nhân loại”, tìm kiếm một cảnh giới cao hơn. “Ngôi nhà nhân loại” là cách Hòa thượng minh họa cho thế giới của con người, với những đặc điểm như danh lợi, ăn ngon mặc đẹp và sự giới hạn trong tầm nhìn.
  • Phiên bản thứ 11: Bồ-tát đắc đạo - “cái biết” ở đây hướng đến việc giáo hóa chư thiên và loài người, khác với việc chỉ đơn thuần mang lại lợi ích như ở phiên bản 10. Qua đó, Hòa thượng cho rằng, trong việc hóa độ chúng sanh, Bồ-tát có thể dùng phương tiện để dẫn dụ, trong khi Thiền sư hướng đến sự giác ngộ trực tiếp.
  • Phiên bản thứ 12: Chánh Đẳng Giác hữu dư - “cái biết” ở đây là của một vị đã giác ngộ, đi giáo hóa khắp nơi cho đến khi có người thay thế thì “nhập định hưu trí”.
  • Phiên bản thứ 13: Chánh Đẳng Giác vô dư - “cái biết” ở đây được mô tả bằng những từ ngữ như “cứng đầy no vui sống mãi”, “trường sanh bất diệt”, “sắc vàng chói rực”, tức 4 phẩm chất của “cái biết”: ánh sáng, miên viễn, tự thể, và phổ độ.

Kết thúc buổi giảng, Hòa thượng sách tấn: “Dẫu hiện tại đang dừng ở, chư hành giả cũng nên phấn đấu, đặt mục tiêu và hướng mình đến phiên bản cao nhất của “cái biết”. Trong đó, việc định vị bản thân trong lộ trình tiến hóa giúp hành giả nhận biết mình cần chuyển hóa ở điểm nào. Cần hiểu rằng, Chơn lý Sanh và Tử đề cao sự bình đẳng, không phân biệt lớn nhỏ sang hèn, ai cũng có thể thành Phật”.

Được biết, chiều cùng ngày, HT. Minh Thành tiếp tục chủ trì buổi pháp đàm, qua đó làm rõ và bổ sung thêm những nội dung đã được trình bày về lộ trình tiến hóa của “cái biết”. Thông qua các cuộc trao đổi, thảo luận, Hòa thượng đã giải đáp nhiều thắc mắc của chư hành giả, cũng như tiếp nhận nhiều đóng góp ý kiến về chủ đề này, chính thức khép lại buổi pháp đàm của ngày tu thứ 6.

 

Một số hình ảnh được ghi nhận:

 

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan