Khóa BDTT PL.2569: Hòa thượng Giác Pháp chia sẻ về “Sứ mạng của người trụ trì trong mọi thời đại”

Mở đầu khóa BDTT PL.2569 tại Pháp viện Minh Đăng Quang (TP.HCM), chiều 5/7/2025 (11/6/Ất Tỵ), HT. Giác Pháp – Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng ban Nghi lễ TƯGH, Phó Thường trực Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, Phó ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Tri sự trưởng GĐ.V PGKS, đã có thời pháp đầu tiên đến khóa học với chủ đề: “Sứ mạng của người trụ trì trong mọi thời đại”.

Buổi giảng đặc biệt dành cho chư Tăng Ni hiện đang đảm nhiệm vai trò trụ trì tại các Tịnh xá trong Hệ phái PGKS, với tinh thần trao đổi, học hỏi và soi chiếu lại hành trình hoằng hóa của người trụ trì trong bối cảnh lịch sử. Từ đó định vị vai trò, trách nhiệm của người trụ trì trong thời đại hiện nay.

Mở đầu, HT. Giác Pháp điểm lại hoàn cảnh đất nước và Phật giáo trước năm 1944, thời kỳ trước khi Tổ sư Minh Đăng Quang xuất hiện, cũng là giai đoạn đầu tiên của Phật giáo Việt Nam. Đó là thời kỳ thực dân – phong kiến, đời sống nhân dân lầm than, Phật giáo bị xem nhẹ, chỉ còn mang tính hình thức. Người dân ít được tiếp cận giáo lý, chùa chiền phần lớn do người thế tục cai quản và truyền thừa. Giáo lý chỉ tồn tại qua kinh điển Hán – Pali, chưa phổ biến bản tiếng Việt. Cũng bởi vậy mà việc hoằng pháp gần như bị gián đoạn.

Hòa thượng cũng đồng thời ôn lại giai đoạn Tổ sư Minh Đăng Quang hành đạo (1944–1954). Tổ sư xuất gia sau biến cố mất con, quyết chí tìm lại con đường chân lý của Đức Phật Thích Ca xưa. Theo đó, trong khoảng 8 năm hành đạo, Tổ sư đã thiết lập mô hình Tăng đoàn Khất sĩ với hai hình thức đặc trưng: Tăng hành xứ – chuyên đi hoằng pháp và Tăng trụ xứ – ở lại giữ gìn đạo tràng. Chư Tăng sống đời khất thực thanh bần, không nhà bếp, không tích trữ, không cố định một trú xứ. Mỗi vị được luân chuyển sau 6 tháng để không bám chấp, không sở hữu, luôn giữ tâm thanh thoát. HT. Giác Pháp nhấn mạnh, đây là thời kỳ mô hình trụ trì còn đơn giản, chú trọng giữ gìn đạo phong, lấy giới đức làm nền tảng.

Sang giai đoạn thứ ba (1954–1981), sau khi Tổ sư vắng bóng, Tăng đoàn tiếp tục phát triển với hai hình thức như trước, nhưng vai trò của người trụ trì dần được mở rộng và nâng cao. Trụ trì không chỉ giữ gìn đạo tràng, mà còn phải chăm lo đời sống Tăng chúng, hướng dẫn Phật tử, quán xuyến việc cúng hội, xây dựng và bảo tồn cơ sở vật chất. Đặc biệt sau năm 1975, trong hoàn cảnh xã hội biến động, nhiều trụ trì phải vất vả lo mưu sinh, sản xuất tự túc để duy trì sinh hoạt cho tịnh xá. HT. Giác Pháp thẳng thắn chia sẻ, đây là giai đoạn người trụ trì “vất vả và thử thách nhất”.

Khép lại buổi giảng, HT. Giác Pháp khẳng định: “Khóa Bồi dưỡng trụ trì là dịp quý báu để các vị trụ trì cùng ôn lại lý tưởng ban đầu, thấy rõ sứ mạng của mình trong từng hoàn cảnh lịch sử, đặc biệt là giai đoạn thứ ba – tức hiện tại. Từ tinh thần và mô hình mà Tổ sư để lại, người trụ trì hôm nay cần tạo dựng hạnh thanh tịnh, lực nội tại và tánh giác ngộ, nhằm trang nghiêm Tăng đoàn và Giáo hội, đưa Chánh pháp lan tỏa, mang lại an vui, hạnh phúc cho số đông”.

 

Một số hình ảnh được ghi nhận: