CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Tây Ninh: Ngày tu thứ hai “Sống chung tu học” - lần thứ 6

4g sáng nay, ngày 23/11/2024 nhằm 23/10/Giáp Thìn, chư tôn đức Tăng Ni các miền tịnh xá trực thuộc Giáo đoàn VI vân tập về giảng đường Giác Đức, tịnh xá Ngọc Như, ấp Cầu Trường, xã Hảo Đước, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh cùng tụng giới

Theo thời khóa một ngày có 4 thời thiền hành, thiền tọa lúc 4g15 sáng; 7g30; 15g30; 19g và 2 thời thính Pháp; Chấp tác ...

9g sáng nay, tại khu rừng thiền Minh Nhân, Thượng tọa Giác Nhuận tiếp tục chia sẻ với chư hành giả phần 2 trong 3 phần “Sống chung tu học”. Theo Chơn Lý Hòa Bình Tổ Sư có nói về sống chung tu học, cái sống là phải sống chung, cái biết là phải học chung, cái linh là phải tu chung. Tổ cũng đã nhấn mạnh từ “Phải” để khẳng định chúng ta cần phải. Đó là một động từ bắt buộc chúng ta cần phải sống – tu - học chung với nhau. Một cái tinh thần đoàn kết, nó sẽ tạo thành một sức mạnh. Hòa thượng Giác Huệ cũng có nói, một chiếc đũa thì ta sẽ dễ bẻ gãy, nếu buộc chung một bó thì không thể nào bẻ gãy được. Trong tu tập cũng vậy, chư hành giả cần có đời sống tu tập chung với nhau, cùng sống chân thiện mỹ, tinh thần lục hòa để dẫn đến việc tu học tốt hơn.

14g cùng ngày, Thượng tọa Giác Minh đã chia sẻ với chư hành giả chủ đề Saṅkhāra. Ngài cho biết sự vận hành của Saṅkhāra là như thế nào? Làm sao để chấm dứt sự vận hành của Saṅkhāra?

Thượng tọa cho biết thông thường có 3 loại Saṅkhāra mà chúng ta thường hay tạo ra.

Loại thứ 1: như lằn vạch trên nước, vừa vạch xong, nó bị mất ngay.

Loại thứ 2: như lằn vạch trên cát, cũng mau bị xoá (sáng vạch, chiều mất).

Loại thứ 3: như một lằn khắc ghi trên đá, phải mất nhiều năm mới có thể xóa đi được.

Loại thứ ba này rất nguy hiểm, đây là loại mà chúng ta vẫn thường tạo ra khi chúng ta luôn lặp đi lặp lại sự yêu thương, ham thích, ghét bỏ, tức giận, oán hận, đam mê, sợ hãi, lo lắng, bâng khuâng, chán nản... Chúng ta luôn lặp lại những bất tịnh này, càng ngày chúng càng sâu hơn, như vết khắc trên đá và kết quả của chúng cũng sâu không kém. Loại thứ 3 này tạo ra nhiều khổ đau hơn hai loại đầu.

Chính vì thế hành giả chúng ta cần loại bỏ càng nhiều Saṅkhāra cũ thì ta càng hưởng được nhiều hạnh phúc hơn, niềm hạnh phúc của sự thoát khổ. Nếu tất cả các Saṅkhāra trong quá khứ bị diệt trừ thì ta sẽ được hưởng hạnh phúc vô biên của sự giải thoát hoàn toàn.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan