CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

ĐĐ. Giác Hoàng thăm và chia sẻ pháp hạ trường Ni giới GĐ. III

Trong 2 ngày mùng 3, 4/ 6 (nhuần) Đinh Dậu (nhằm ngày 25,26/7/2017), dù bận khá nhiều Phật sự, ĐĐ. Giác Hoàng đã dành thời gian thăm viếng và chia sẻ pháp tại hạ trường Ni giới GĐ.III Hệ phái Khất sĩ.

Buổi sáng, sau khi thăm hỏi sức khoẻ Ni trưởng trú trì và gần 70 hành giả đang khép mình tu học, Đại đức đã có thời chia sẻ đầu tiên với bài kinh “Ví dụ tấm vải” - số 7 Trung bộ kinh - bản kinh tương đương trong Trung A-hàm là kinh “Thuỷ tịnh phạm chí (93)”.

Bằng sự uyển chuyển và ngôn ngữ giản dị, Đại đức giúp hành giả nhận rõ tâm ví như tấm vải, nhuộm đẹp hay không là tuỳ thuộc vào chất lượng vải. Người tu cũng vậy, muốn hướng đến thánh quả cần phải tu tập đoạn trừ các cấu uế của tâm; cần tịnh hoá tâm từ hành động, lời nói, ý niệm. Sau khi đoạn trừ các cấu uế, hành giả sẽ thành tựu niềm tin tuyệt đối vào Phật Pháp Tăng. Khi tâm trong sạch, không cấu uế thì vị ấy đi tái sanh vào cõi tốt hay xấu tuỳ thuộc vào chất liệu của tâm, nghĩa là hành động, lời nói và ý niệm tốt hay xấu.

Buổi chiều, Đại đức đến với hội chúng qua bài kinh Trung bộ số 2 “Tất cả lậu hoặc”. Đây là 7 cách tu hay 7 phương pháp đoạn trừ lậu hoặc làm cho các pháp ác đều được tiêu trừ. Tất cả pháp lành ngày càng tăng trưởng vì thường tu thiện, đoạn ác nên luôn luôn được an lạc, không bị khổ đau.

“Mỗi ngày nên tích lũy

Thiện pháp nơi ba nghiệp

Cõi cao thượng đang chờ

Người trí đạt thánh vị”.

Sáng ngày mùng 4, bằng cả tấm lòng của người con khất sĩ, Đại đức đã trao trọn niềm tin đến hành giả qua bài kinh Trung bộ số 3 “Thừa tự pháp” (bản kinh tương đương trong Trung A-hàm là kinh Cầu pháp số 88).

Nhà sư mong mỏi ngày nay dù hoàn cảnh có khác, không gian có đổi thay, nhưng chí nguyện của người xuất gia vẫn là bản hoài cầu giác ngộ giải thoát. Hành giả không để dính mắc vào vật chất, sống quá đầy đủ, lười biếng, bỏ rơi gánh nặng, sống viễn ly. Phải luôn thừa tự Pháp bảo mà Đức Thế Tôn đã vì chúng sanh rời bỏ cung vàng điện ngọc tìm đường giải thoát, tuỳ học viễn ly đưa đến diệt trừ các ác pháp khiến cho hành giả có cái nhìn chân chánh, có sự hiểu biết chơn chánh hướng đến thanh tịnh, viễn ly, giác ngộ. Tổ sư thường cảnh tỉnh “tinh thần không chật, vật chất không hao, sự của lý là có, lý của nó là không”. Ý của Tổ muốn hàng xuất gia hãy vì lợi ích chung bước đầu khép mình trong khuôn khổ giới luật để thuần hoá thân tâm của mình vốn đã từ lâu như ngựa rong chơi ngoài đồng nội và chúng ta đã từng thọ học, hành lời Phật dạy “hãy thừa tự Pháp bảo hơn là thừa tự tài vật”. Đối với người con Phật, Pháp bảo chính là nguồn tài sản cao quí hơn mọi thứ tài sản trên đời.

Những tháng ngày an cư thật sự buông bỏ những lo âu phiền muộn, tứ chúng đồng tu có thêm niềm tin chánh tín và trí tuệ sáng suốt, giữ gìn truyền bá chánh pháp mạnh mẽ lợi lạc rất nhiều. Giá trị ánh sáng của Phật pháp được duy trì, đạo Phật càng phát triển sâu rộng, niềm hạnh phúc an lạc lan tỏa khắp nhân gian không thể nghĩ bàn.

DDHoang 11

DDHoang 1

DDHoang 12

DDHoang 13

DDHoang 3

DDHoang 2

DDHoang 4

DDHoang 5

DDHoang 6

DDHoang 7

DDHoang 9

DDHoang 10

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan