CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

HT. Bửu Chánh thuyết giảng chủ đề “Người thay đổi đời tôi: Chánh niệm”

Nhân mùa an cư kiết hạ PL.2657 – DL.2023, chiều ngày 10/7 (nhằm 23/5 Quý Mão), HT. Bửu Chánh - UVTT HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN, Phó Trưởng Ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai, Trụ trì Thiền viện Phước Sơn, đã quang lâm về trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang, thuyết giảng chủ đề "Người thay đổi đời tôi: Chánh niệm" thông qua bài “Kinh Thừa Tự Pháp” trong Kinh Trung bộ (Pali – Việt – Anh – Hán đối chiếu).

Hòa thượng dạy: “Người thực hành Chánh niệm trên hơi thở và các đề mục về tiểu oai nghi sẽ thay đổi cuộc đời, như thay máu toàn bộ cơ thể con người. Từ đó, đem lại cho mình sự hạnh phúc, niềm an lạc, sự từ bỏ, mát mẻ, sự tha thứ, lòng tri ân. Khi một người có chánh niệm liên tục, như ánh sáng chiếu rọi rõ ràng mọi thứ bên trong căn phòng tối, giúp ta nhìn thấu rõ tâm thức”.

Trong Kinh Thừa Tự Pháp có đề cập Thánh Đạo Tám Ngành, trong đó có chánh niệm. Việc học và đọc Pali liên tục sẽ giúp ta tập trung vào việc học, giúp ta có sự an vui, mát mẻ, có định cao là do duyên chánh niệm liên tục. Hòa thượng khuyên chư hành giả phải học đọc Pali để thâm nhập kinh, để có vốn từ Pali, phải miệt mài, càng học càng thấm như ăn gạo lức phải nhai kỹ và lâu. Hòa thượng nhấn mạnh: “‘Dù người phàm hay kẻ tu hành. Vẫn phải đi lên từ những điều rất nhỏ. Bởi vậy khi thuyết pháp phải ‘nói có sách mách có chứng’, nghĩa là nói điều gì đó xác thực, có chứng cứ rõ ràng, có thể kiểm chứng được”.

Nếu có thể để nỗi buồn ngoài cửa. Giữ tâm an rồi hãy bước vào nhà”. Hòa  thượng chia sẻ làm sao có thể bỏ xuống, làm sao giữ tâm an, trong khi tâm thức không có chánh niệm hằng ngày, ngày giờ, phải có cái gì để thay thế. Trong kinh dạy Thánh Đạo Tám Ngành sẽ diệt trừ 16 ác pháp, trong đó có phẫn nộ, hiềm hận, giả dối, xảo trá, não hại, tật đố, phóng dật…

Hòa thượng dạy: “Hãy nhận biết hơi thở như là người yêu của mình, như là chồng, là vợ của mình. Yêu hơi thở cũng vậy, có đánh cũng không bỏ, lúc nào cũng nhớ tới nó. Không phải một ngày, hai ngày mà nhiều tháng, nhiều năm liên tục”.

Định trong thiền chỉ là đưa đến sự vắng lặng, yên ổn. Còn niệm trong tứ niệm xứ là quán sát: thấy một cách rõ ràng khi đi đứng, ngồi, nằm, hơi thở, ăn uống (niệm thân)… thấy rõ vui, buồn (niệm thọ); tâm cao thượng hay không cao thượng (niệm tâm); căn trần tiếp xúc sanh tâm tham, nhận biết rõ tâm đang tham (niệm pháp). Tu tập liên tục thì sự kỳ diệu mới có, nếu không thì chúng ta sẽ thấy người mình thích – nắm giữ, người mình không thích – loại bỏ. Khi tu tập chánh niệm thì không phân biệt nhiều: thích hay không thích, giàu hay nghèo... đều như nhau, không khác nhau mấy, vì nó chỉ là phụ, việc chính là chánh niệm có mặt hay không.

Chúng ta phải có sự chú tâm trên đề mục, pháp học tam tạng kinh điển, để có sự chú tâm, không phóng túng, giúp thay đổi cách suy nghĩ, trong Thất Thánh Tài có văn tài là vậy. Pháp hành thì chánh niệm phải thường trực, không gián đoạn để tâm không hướng ra ngoài tìm cầu thỏa mãn giác quan, địa vị, danh dự.

Người thực hành chánh niệm liên tục thì trí tuệ sanh, thấy tất cả chỉ là bóng mờ sương khói, không quan trọng. Lúc đó tâm thức sẽ không khởi ganh tỵ, sân hận với người xung quanh khi so sánh ít hay nhiều lợi dưỡng, được hay mất, tâm sẽ hoan hỷ với mọi việc. Người trí tuệ sẽ hiểu rằng nhân quả luôn công bằng, chấp nhận sự thật như vậy thì sẽ hoan hỷ, không ganh ghét với người xung quanh.

Thay đổi cái nhìn, cuộc đời sẽ thay đổi, không than thân trách phận. Hòa thượng dạy rằng: “Bàn tay phải rộng mở, cứu rỗi, thương mọi người hơn (tâm từ)  khi thực hành chánh niệm, chứ không vì ích kỷ với bàn tay chiếm hữu, bàn tay tham lam”

Tất cả mọi thứ đều không quan trọng, chỉ có thất niệm hay chánh niệm không mà thôi. Thất niệm như bóng tối, chánh niệm như ánh sáng. Khi có ánh sáng nghĩa là trí tuệ sẽ sanh, có trí tuệ các ác pháp sẽ đoạn trừ, sẽ đem lại an yên cho bản thân và bình yên cho mọi người, sẽ biết nên làm gì và không nên làm gì để đoạn trừ khổ đau.

Tu Thiền, trí tuệ sanh, Bỏ Thiền, trí tuệ diệt.
Biết con đường hai ngả
. Ðưa đến hữu, phi hữu,
Hãy tự mình nỗ lực,
Khiến trí tuệ tăng trưởng.”

(Kinh Pháp Cú 282)

 

Một số hình ảnh tại buổi giảng:

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan