CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

HT. Bửu Chánh thuyết giảng tại trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang

Chiều ngày 26/6/2023 (nhằm 9/5 Quý Mão), HT. Bửu Chánh - UVTT HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN, Phó Trưởng Ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai, Trụ trì Thiền viện Phước Sơn đã quang lâm về trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang, thuyết giảng cho chư hành giả an cư về bài “Kinh Thừa Tự Pháp” trong Kinh Trung bộ (Pali – Việt – Anh – Hán đối chiếu).

Tại buổi thuyết giảng, 5 bộ kinh Nikaya được xem là tài liệu cổ xưa về lời Phật dạy được biên chép, so với các truyền thống Phật giáo khác, đã được Hòa thượng giới thiệu.

Hòa thượng nêu lý do soạn bài Kinh trong việc đối chiếu các ngôn ngữ thông qua lời nói đầu trong tác phẩm Ngài soạn. Theo đó, trong thời gian học Kinh Trung bộ với HT. Hộ Giác tại chùa Nam tông (1980), HT. Bửu Chánh đã khởi lên suy nghĩ sẽ thực hiện công trình Pali – Việt đối chiếu từng từ, từng nhóm từ, từng câu trong Tam tạng Thánh điển Pali, để tự mình tìm hiểu những lời dạy cổ xưa của Đức Phật. Đồng thời, công trình này cũng lưu lại cho hậu thế một ít tư liệu Phật pháp quý giá, thậm thâm vi diệu.

Hòa thượng nhận định, việc học chữ Pali mang tính ứng dụng cao, nhất là đối với người học Phật: “Hiểu biết tiếng Pali nghĩa là có thể hiểu sâu sắc hơn lời Phật dạy, có thể giúp ích và lan tỏa cho người khác, còn nếu không thì Phật pháp sẽ suy đồi, chỉ còn lại đền chùa, thập phương vô thắp nhang, cúng mà thôi. Vậy nên, trí tuệ phải được truyền cho người này người kia, không chỉ giúp cho chúng ta có trí tuệ mà còn giúp cho Phật giáo được duy trì”.

Xưa không có các Ngài kiết tập những bản kinh này thì sao mà còn cho chúng ta học, công lao của HT. Thích Minh Châu cũng đã nỗ lực dịch thuật công trình đồ sộ Tam Tạng là đáng để hàng hậu thế tri ơn vô bờ bến.

Đối với Hán - Việt cũng phổ biến ở Việt nam, mọi người cũng sử dụng nhiều, và có những trường hợp sử dụng mang sự tôn trọng và kính mến. Hòa thượng lấy ví dụ việc dùng từ: “mời sư dùng cơm” khác với câu “thỉnh sư độ ngọ”.

Học kinh Phật, Hòa thượng nhấn mạnh nếu người nào thừa tự chùa, của cải tài sản mà không thừa tự Pháp thì chỉ làm cho Chánh pháp tổn giảm. Dù chết chứ không bỏ chánh niệm, không bỏ Bát chánh đạo thì đó là thừa tự pháp. Nếu thừa tự tài vật, theo Hòa thượng chỉ mang đến khổ đau, phiền não tăng thêm, còn khi thừa tự Pháp đem đến an vui, bình yên.

Y cứ vào lời dạy của đức Phật, Hòa thượng lấy ví dụ như rơi xuống biển, nếu bám được vào phao thì sống. Vậy nên, Hòa thượng khuyên phải siêng học Kinh pháp để trao dồi văn tuệ, chứ không cố xây chùa cả đời để đời sau có thể đập bỏ, còn nếu thừa tự pháp thì không thể phai mờ, mà luôn duy trì lâu dài, không bị mai một lời Phật dạy.

Cuối bài giảng đầu tiên, Hòa thượng nhấn mạnh, thừa tự pháp là từ bỏ 16 pháp thì chưa đủ, phải hành Bát chánh đạo và hướng đến Niết bàn an vui. Cũng như, khi nghe được pháp sẽ biết Tư tuệ và sẽ hướng đến Tu tuệ, đó là con đường chân chính của người xuất gia. Mục đích của người tu không phải để được làm trụ trì một ngôi chùa, được người đời cúng dường và cung kính, mà nhằm tầm cầu con đường tâm linh, hướng đến các giá trị nội tại, làm giàu đẹp đời sống và phẩm hạnh của mình và duy trì con đường giác ngộ và giải thoát mà đức Phật đã để lại trong kinh điển.

Một số hình ảnh tại buổi giảng:

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan