CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

HT. Giác Điệp có buổi thuyết giảng thứ 3 tại trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang

Buổi thuyết giảng với chủ đề “Chánh kiến trong Bát chánh đạo, được HT. Giác Điệp - Giáo phẩm Hệ phái, Tri sự phó Giáo đoàn VI truyền đạt đến chư hành giả an cư tại trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang, sáng ngày 26/07/2023 (nhằm mùng 09/06 Quý Mão).

 

Thời pháp bắt đầu bằng những lời sách tấn sâu sắc của Hòa thượng về góc nhìn giữa người không biết tu tập và sau khi biết tu tập. Lấy ví đụ về điều đó, Hòa thượng chia sẻ câu chuyện khi vua Ba-Tư-Nặc đến thăm Đức Phật và thấy một vị Sư rất trẻ đẹp. Bấy giờ, nhà vua bắt chuyện hỏi vị Sư:

Vua: Bạch Đại đức khi mình tu đẹp Tăng tướng, khi gặp người nữ thì sao?

Đại đức: Ông nói rằng do giới luật của Phật dạy, nhìn người nữ chỉ phớt qua thậm chí không nhìn.

Vua: Nếu cần phải nhìn, Đại đức làm sao?

Đại đức: Phật dạy nhìn người nữ nên nhìn chân thôi.

Vua hỏi: Nếu cần tiếp xúc nữa thì thái độ Đại đức sao?

Đại đức: Thì xem người đó như mẹ của mình.

Qua đó cói thể thấy, đây cũng là một cách tu không bị bên ngoài cám dỗ. Ở đời, nhiều người khi không thể chịu đựng được đau khổ liền chọn cách tự tử và bị rơi vào vòng luân hồi, phần lớn bởi những dục vọng, luyến lưu với người nữ. Do vậy, Đức Phật, Tổ sư dạy, muốn chấm dứt luân hồi là phải dứt đoạn ái dục. Đại chúng phải cẩn thận đừng giống như một người tu ở trên núi 20 năm, Thầy dẫn xuống núi, vì thấy con cọp ở chợ đẹp quá mà mơ tưởng đến hoài không dứt. Ái dục là thứ khiến con người rơi vào luân hồi không dứt đoạn và đeo theo mình nhiều đời nhiều kiếp, chớ xem thường sự nguy hiểm của ái. Nhiều vị Sư vì không có chánh kiến mà cái thấy dẫn đi sai đường, ví như mới nhìn giống như chim sơn ca nhưng khi mang về nhà thành chim đại bàng.

 

Hòa thượng chia sẻ câu chuyện về một vị Sư và cô gái trên đò. Khi qua đò cô gái đòi tiền vị Sư gấp đôi, vì Sư tu mà cứ chăm chú nhìn cô. Khi về Sư không nhìn nhưng vẫn bị đòi tiền gấp đôi vì Sư nhìn cô dưới nước. Lần thứ ba lên đò cô gái lại đòi tiền gấp ba, vì Sư nhìn cô ở trong tâm. Do đó, Hò thượng chỉ rõ, nếu mình nhìn đối tượng mà người kia biết tâm niệm của mình thì đó cũng là pháp tu.

Đức Phật dạy ông Ba-da: “Cái nhìn chỉ là cái nhìn”, không có phân tích, đây cũng là một cách để đại chúng học hỏi để tu, nhìn không phân biệt, chấm dứt không tạo nghiệp.

Bên đại thừa, cái nhìn các vị Tổ dạy cũng không phân biệt. Ví dụ pháp tu của HT. Thanh Từ, không chạy theo vọng tưởng, ta nhìn nhưng không khởi lên tưởng tượng, thấy vọng không theo, đây cũng là pháp tu. Nhìn bình hoa thì biết bình hoa, không có hoa hồng hay hoa vàng, đẹp xấu, mắt tiếp xúc nhãn trần sanh ra nhãn thức, nên biết. Cái biết đó là cắt đứt ngay nhãn thức, thấy nhưng không theo. Đây cũng thuộc phần chánh kiến.

Chánh kiến là cái mà khi có sự quan sát, nhìn thấy, sẽ phát khởi sự giác ngộ. Điều này khác với cái nhìn bình thường của thế tục, tức chỉ nhìn, quan sát mà không có gì thay đổi, không có sự suy nghĩ, liên tưởng, nhìn nhận để đi đến giác ngộ. Như cảnh thái tử Sĩ-Đạt-Ta khi đi dạo cổng thành, vì thấy cảnh già bệnh chết mà Ngài giác ngộ, ngộ mình cũng già bệnh chết. Đây chính là một pháp tu. Mọi hoàn cảnh khi con mắt có dịp tiếp xúc thì nên phát khởi sự giác ngộ. Khi giác ngộ trong tâm sẽ khởi lên tri kiến, tưởng tri, nếu phát triển thành hệ thì trở thành tuệ tri, đây là cái nhìn của bậc A-la-hán, thấy được ngay cái khổ và hết khổ (thuộc Tứ Diệu Đế).

 

Hòa thượng chỉ rõ, khi có chánh kiến, sẽ dẫn đến có được huệ nhãn. Đối với một người tu tập thì những lậu hoặc sẽ dần được hạ thấp và từ từ biến mất, khi có huệ nhãn thì phiền não không có dịp phát sanh, gọi là vô sanh. Mắt các vị Bồ-tát có pháp nhãn, thấy được các pháp như bố thí, không thấy người cho người nhận và không thấy cách thức để bố thí. Các vị Bồ-tát sẵn sàng hy sinh để cứu độ chúng sanh. Chánh kiến là phải thấy được hướng để đi tới.

Khi tu tập, một số hành giả mang tâm cầu được thần thông để giáo hóa chúng sanh dễ dàng. Đó là sự sai lầm lớn, làm tăng vọng tưởng, không thể có định. Qua đó, đại chúng phải giữ tâm đi đúng đường. Trong chánh kiến, có những pháp tu khác như Lục Tổ Huệ Năng dạy “Ta cũng thấy và không thấy”.

Đệ tử hỏi: Thế nào là thấy và không thấy?”

Lục tổ Huệ Năng: Thấy là thấy lỗi của mình. Không thấy lỗi của người.

Như vậy, nếu ta không thấy lỗi mình nghĩa là không phải đang tu tập. Người tu cần phải thấy lỗi, từ sự thấy biết ấy mới chịu sửa, sửa bằng nhiều cách như giới-định-huệ. Cứ nhìn mãi ra bên ngoài thì phiền não sanh khởi, làm nghiệp sanh tử lớn mạnh. Ví như sống chung tu học, song chỉ nhìn thấy lỗi của huynh đệ  thì tâm tự khắc sanh khởi bực tức, khó chịu, chỉ làm cho bản thân phát sinh thêm phiền não.

Trong nhà Phật có câu “Thấy Phật chém Phật, thấy Tổ chém Tổ”. Nghĩa là không chấp. Ví như ngài Đơn Hà đến chùa xin nghỉ đêm. Trời lạnh, Trụ trì mang củi ra đốt, do mưa nên không đủ củi. Ngài thấy lửa gần tắt bèn nói Trụ trì mang củi ra thêm. Ngài Trụ trì liền nói hết củi. Đơn Hà hỏi tượng Phật làm bằng gì? Trụ trì đáp bằng gỗ. Vậy là ngà Đơn Hà nói mang xuống đốt, chẻ ra đốt. Ngay sau đó, vị Trụ trì ngộ đạo. Có nhiều người do kính Phật thành ra chấp niệm, nếu ta kính mà không kẹt trong chấp niệm thì đó là kính của các vị Bồ-tát, Phật.

Qua đó, Hòa thượng nhắc nhở mỗi hành giả tu tập cần tự quán sát thân tâm, nếu trong tâm có bất kỳ sự chấp niệm nào thì đó không phải là chánh kiến, liền phải chặt bỏ. Người tu là người luôn hướng tâm vào bên trong thay vì chăm chú ra bên ngoài. Thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe… thì nên cắt đứt ngay tại đó, đây mới chính là việc làm của chánh kiến.

 

Thân ngũ uẩn đều là vô thường như bài kinh Vô Ngã Tướng, Đức phật dạy Sắc là vô thường, nếu ta hiểu vô thường thì sẽ không còn khổ khi già chết, nhờ vô thường để biết chơn thường. Đức Phật dạy vô thường không phải là chán nản theo hướng tiêu cực mà để dạy con người tìm chơn thường trong ngũ uẩn.  

Khép lại buổi giảng, Hòa thượng sách tấn: “Chánh kiến là cái thấy của mắt cũng là cái thấy của tâm, cái thấy của kiến tinh. Thấy cái tâm của bản thân không phải thấy cái bên ngoài, mà là thấy cái tánh chính mình. Chánh tri kiến, chánh biến tri, tri kiến Phật, bát nhã… là những tên gọi khác nhau khi thành tựu chánh kiến. Chánh kiến rất quan trọng. Cái thấy Như Lai tức là thấy được các pháp vốn không, thấy ngũ uẩn là không, đó mới thật sự là cái thấy thật. Học Phật là phải học trong tâm mình, chánh kiến là thấy được tâm mình chính là Phật. Hòa thượng sách tấn đại chúng hãy chọn cho mình pháp tu phù hợp thông qua các thời pháp để có những bước tiến trong việc tu tập”.

 

Một số hình ảnh tại buổi thuyết giảng:

 

 

 

 

 

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan