CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

HT. Giác Điệp thuyết giảng tại trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang

Sáng ngày 28/6/2023 (nhằm 11/5 Quý Mão) HT. Giác Điệp – Giáo phẩm Hệ phái, Tri sự phó Giáo đoàn VI, đã quang lâm về Tịnh nghiệp đạo tràng của Hệ phái, có bài thuyết giảng về “Ngũ uẩn” cho hành giả an cư PL.2567 – DL.2023.

Mở đầu buổi giảng, Hòa thượng lược sử quá trình Phật giáo cho biết, sau khi Đức Phật thành đạo thì bài pháp đầu tiên thuyết cho năm anh em Kiều Trần Như là Tứ Diệu Đế, trong đó chỉ có Kiều Trần Như là vô sơ quả. Những ngày sau đó, mọi người chia nhau đi khất thực để duy trì sự sống, Đức Phật lại giảng bài kinh Vô Ngã Tướng cho từng nhóm, cuối cùng năm vị đắc quả Thánh.

“Đại chúng đã quá quen với bài Ngũ uẩn, được học đi học lại mà sao vẫn phải dạy nữa?”, Hòa thượng nói. “Bởi vì, chúng ta chưa chứng Thánh quả nên phải nghe, thẩm thấu, chiêm nghiệm và quán chiếu để in sâu vào tâm thức khi nào thanh tịnh tâm là việc làm đã xong”.

Như vậy, thì việc “Hạnh phúc thay tứ chúng đồng tu” (Kinh Pháp cú) trong mùa hạ là cơ hội lành, thiện pháp để huynh đệ trải nghiệm sâu về mặt thực hành giáo pháp. Ba tháng chúng ta không phải lo lắng, bận rộn việc chùa, Phật sự tại địa phương mà chuyên tâm trưởng dưỡng tâm trí. Đôi khi có sự bắt buộc như vậy mới giúp chúng ta tinh tấn, nỗ lực tu tập. Hòa thượng lấy ví dụ như cây kiểng bonsai thì phải cắt, tỉa, gọt... mới ra tác phẩm hoàn mỹ, kiệt tác. Cũng vậy, mỗi người cũng phải được rèn luyện trong đại chúng để bỏ đi tính buông lung, phóng dật theo tự ngã khi ở một mình.

Thế nào là sắc uẩn: “Này các Tỷ-kheo, phàm có sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; đây gọi là sắc uẩn.” (Tương Ưng bộ kinh – Phẩm Tự Mình Làm Hòn Đảo, Kinh Các Uẩn).

Hòa thượng dạy rằng, sắc uẩn là nhóm, tụ, họp của nhiều yếu tố, gồm sắc bên trong là cơ thể mình (tứ đại: đất, nước, lửa, gió) và sắc bên ngoài: bê tông, gạch, đá, đất… vì nó là nhóm tụ lại nên khi nhìn thấu chỉ là da, xương, nhìn sâu hơn là những tế bào luôn vận động, vậy có gì là ta, là của ta; đại chúng nên quán chiếu sắc uẩn như vậy.

Sắc thô, tế, quý, tiện. Sắc bên trong, bên ngoài

Sắc tam thế cận, viễn. Cũng chỉ là sắc thôi

Nhìn sắc thay đổi liên tục, không nắm giữ được, như vậy không có gì để bám víu, thỏa thích, hay khoe khoan.

Con đường quán chiếu ngũ uẩn để đưa đến ly tham, đoạn diệt, an tịnh được Đức Phật dạy rất nhiều trong Đại Tạng Kinh. Con người thường si mê, không thấy rõ sự thay đổi, biến hoại theo thời gian nên dễ bám víu để rồi khổ đau. Hòa thượng dẫn chứng lời HT. Giác Giới giảng, luôn hướng đến quả Dự lưu là định hướng tối thượng, lộ trình ấy là phải không chấp thân kiến, nghĩa là cái thấy vô ngã của thân và tâm, không có gì đam mê hay dính mắc.

Việc học thì không bao giờ là đủ, khi ta chưa nếm được vị của sự giác ngộ, cũng như mặc áo chưa phải là bản chất thực của người tu chân chính khi tâm chưa học được sự nhu hòa, nhẫn nhục, trí sáng, lòng từ bi vô lượng, Hòa thượng nhấn mạnh. Trong Chơn lý Tổ sư cũng dạy: “Thế nên sự thờ phượng tạm của chúng ta là nên phải đơn giản thanh tịnh một lúc đầu thôi, rồi thì lo tu giải thoát làm Tăng, chớ chẳng nên cố chấp lắm, nhứt là sự thờ phượng phải cung kỉnh trang nghiêm, chẳng nên giữ tại chốn lợi danh phiền rộn, để phải mất sự tấn hóa giải thoát về sau” (Chơn Lý Thờ Phượng, 51).

Mặc chiếc Y Tỳ-kheo thì dễ, nhưng đừng dừng lại ở đó mà tự hào, phải vào nhà Như Lai, mặc được áo Như lai, ngồi tòa Như lai mới xứng đáng là người đệ tử Phật. Vậy thì phải tin được Phật bên trong mình, học được Pháp đưa đến giải thoát chứ không phải pháp tục đế, tin Tăng thì hạnh phải ngay thẳng, chánh trực và khéo léo, tinh tế.

Việc xác định điều nào là chính trên con đường xuất thế, cũng được Hòa thượng đưa ra cho đại chúng nhận định. Chùa, Tịnh xá là của bá gia bá tánh đóng góp, xây dựng, mình chỉ trông coi, duy trì ngôi Tam bảo, đừng biến Tịnh xá thành của mình để mà khổ đau, phiền não. Bởi vì, mọi sắc bên ngoài đều luôn biến hoại và thay đổi.

Việc loại trừ vô minh là cả một cuộc hành trình dài mà mỗi chúng ta phải luôn tỉnh thức mọi lúc. Đừng sợ vô minh, chỉ cần chúng ta thắp sáng trí tuệ bên trong (minh) thì bóng tối sẽ biến mất. Cũng vậy, ý niệm thân này đẹp, mong cầu lâu dài, đam mê thỏa sức... chỉ làm dày thêm sở tri chướng. Hòa thượng lấy ví dụ, cũng như chưa đói mà đòi ăn là ăn trong tâm tham, còn đói ăn, mệt ngủ liền là nhu cầu thực tế, hai điều khác nhau. Tập buông bỏ ý niệm chấp giữ sẽ làm cho thân khỏe, tâm yên, đừng để việc chết ngay trước mắt mới chịu buông xả thì không hay, lời đúc kết của Hòa thượng cho buổi giảng đầu tiên.

 

Một số hình ảnh tại buổi giảng:

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan