CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

HT. Giác Pháp có buổi thuyết giảng “Quy Sơn Cảnh Sách” thứ 4 tại Pháp viện Minh Đăng Quang

Chiều ngày 14/7/2023 (nhằm ngày 27/5 Quý Mão), HT. Giác Pháp - UV HĐTS, Phó Trưởng ban Nghi lễ T.Ư GHPGVN, Phó Thường trực Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, Phó BTS GHPGVN TP.HCM, Tri sự trưởng Giáo đoàn V, đã quang lâm và thuyết giảng buổi thứ 4 cho hành giả an cư về “Quy Sơn Cảnh Sách”, tại trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang.

Tiếp nối những buổi trước trong “Quy Sơn Cảnh Sách” là lời nhắc nhở của chư Tổ: Hà nãi tài đăng giới phẩm, tiện ngôn ngã thị Tỷ-kheo” – có nghĩa mới được thọ giới pháp đã xưng là Tỳ-kheo, như vậy là tâm cao ngạo. Hòa thượng diễn giải, đáng lẽ là nỗ lực tu tập bên trong, bên ngoài nhằm xa lìa dục nhiễm để tâm được an tịnh, ngược lại thì đi khoe khoan, tự mãn là Tỳ-kheo. Qua đó nhấn mạnh: “Mình có bình đẳng với các Tỳ-kheo khác chăng? Sao bằng được. Người đã giữ giới và hơn mình một năm tu tập, cũng có ít công đức lại sao nói bằng được”.

Hòa thượng giảng:

Dùng của thí chủ, ăn của thường trụ, không biết xét nghĩ cho kỹ những thứ ấy từ đâu mà có, lại nói bừa rằng hiến cúng như vậy là lẽ tất nhiên đúng pháp”.

Chúng thọ dụng thực phẩm hằng ngày mà lại không suy nghĩ món ăn này từ đâu mà có, có quán thấy sự vất vả của người nông dân, sự nhịn bớt của ngon vật lạ, sự tiêu pha cá nhân để cúng dường và tỏ sự thành kính chư Tăng mà chúng ta lại nghĩ đó là lẽ hiển nhiên. “Thảo lòng, nhịn miệng kỉnh thành, kính dâng

Bát cơm tín chủ biết bao công. Đức hạnh đầy vơi tự xét lòng”.

Chúng ta thọ dụng phẩm vật cúng dường và thử suy xét có đủ đức hạnh và cảm thấy xứng đáng chăng? Tự mãn với Tỳ kheo đã rồi nên chẳng biết tiết kiệm, lại tiêu dùng một cách phung phí, trong khi tu tập thì chểnh mãn. Vậy nên, trong Tam đề Ngũ quán theo truyền thống Bắc truyền, tương quan với bài Thọ bát của Hệ phái, là sự nhắc nhở đại chúng biết thọ dụng phẩm thực đúng Chánh pháp.

Nhứt kế công đa thiếu, lượng bi lai xứ. Nhị thổn kỷ đức hạnh, toàn khuyết ứng cúng. Tam phòng tâm ly quán: Tham đẳng vi tôn”.

Con tầm ăn dâu thì nhả tơ, còn chúng ta thọ dụng thì cũng phải lo tu tập, chuyển hóa tham, sân, si thì mới xứng đáng với sự cúng dường của tín chủ. Nếu không được vậy thì con dao được mài trên đá thì càng bén, chúng ta thì càng ngày càng tối, chẳng tỏa sáng điều gì. “Món vay món trả phải đồng. Người dâng vật quý là mong phước lành”. Do đó, Hòa thượng dạy rằng khi thọ thực là để ngăn trừ tâm tham, chứ không phải thỏa mãn việc ăn ngon miệng, nuôi thân cho đẹp hay để vui đùa.

Ngăn tham quyến, không sanh lòng quấy / Dứt lỗi lầm chẳng thấy miếng ăn

Lẽ nào tập tánh khó khăn / Chiều theo khẩu nghiệp tự trăn trói mình”.

Hòa thượng dẫn chứng cuộc sống đi khất thực của chư Tăng trước năm 1975, đó là đàn na tín thí cho gì thì người Khất sĩ ăn đó, không hề có sự đòi hỏi. Song, hiện nay, cuộc sống đã sung túc hơn, mà còn đòi ăn ngon, ngủ êm thì sao là phẩm cách của người xuất gia.

Cơm như món thuốc linh chữa bịnh / Ta người đau phải tính phương châm

Tạm dùng nhưng chẳng luyến tâm / Đã không tham nhiễm nào lâm tội tình”.

Cũng giống như ở chùa món ăn được gọi là dược thực, chỉ như món thuốc chữa lành cơn đói, để nuôi thân mà lo tu tập, có gì mà ham thích quá vật chất bên ngoài. “Ngũ vị thành đạo nghiệp ưng thọ thử thực”. Chẳng ai phải có trách nhiệm nuôi bản thân mình, chỉ vì sự mến đạo, lo cho chư Tăng yên tâm tu học mà Phật tử hộ trì Tam bảo “Phải chăng vì người mến đạo lành. Thương ai chín chắn tu hành”.

Vậy mà, khi thọ dụng xong lại tụ tập nói chuyện phiếm, bàn luận chuyện thế gian mà chẳng lo học Kinh, nghe pháp hay trao đổi về Phật pháp. Lại không biết “một thuở đua vui, không biết vui ấy là nhân của khổ. Nhiều kiếp theo trần, chưa từng tỉnh lại”. Tâm tán loạn, phóng dật thì lấy gì phước báu cho chúng sanh, ngay chính mình đã là phiền não, vì còn ô nhiễm như vậy nên mới còn ở đây, còn luân hồi triền miên. Như vậy mà chưa tỉnh ngộ, Tổ đã giáo huấn.

Hòa thượng phản tỉnh thêm cho đại chúng, hằng ngày đọc bài Thọ bát thì phải tác ý và suy ngẫm để thay đổi chính mình và lo tu: “Khi ăn, lúc nói, đứng, đi, ngồi, nằm. Đừng cho vọng ý phóng tâm” (kệ Ý). Kinh Kim Cang thì dạy rằng đừng thả trôi tâm theo ngoại cảnh, mà hãy chánh niệm, tỉnh giác trong mọi lúc: “Bất ưng trụ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”.

Cũng vậy, “Đấng Đạo sư có lời dạy, răn nhắc Tỳ-kheo: Tiến đạo nghiêm thân, ba việc thường chớ đủ. Người nay phần nhiều mê đắm không thôi, ngày lại tháng qua thoạt nhiên đầu bạc”.

Chất chứa càng nhiều chỉ để giữ gìn thân huyễn, mà thân huyễn thì sẽ hoại diệt. Vậy có đáng để ta bận tâm? Do đó, phải tam thường bất túc, có như vậy mới dễ tấn tu đạo nghiệp, còn mê say, chìm đắm trong ăn, mặc, ngủ thì chỉ cho mập thân mà tâm thức không tiến bộ. Cho đến khi bạc đầu thì cũng tâm thức vậy, cũng sân si, phiền não. Vậy có đáng là người xuất gia?

Cuối lời, Hòa thượng khuyên bảo đại chúng hãy cố gắng, quyết chí tu tập, chuyển hóa bản thân để báo ơn cha mẹ, công của thầy và trả ơn đàn na tín chủ cúng dường. Đừng để tháng ngày trôi qua vô ích thì chỉ mang nợ nghiệp chồng chất.

Giờ thọ thực nhắc mình tinh tiến / Lập đạo thành chí nguyện mới thành

Độ rồi cả thảy chúng sanh / Cũng như thọ hưởng phước lành hôm nay”.

 

Một số hình ảnh tại buổi thuyết giảng:

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan