CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

HT. Giác Pháp thăm và thuyết giảng “Quy Sơn Cảnh Sách” tại Pháp viện Minh Đăng Quang

Chiều ngày 17/6/2023 (30-4 Quý Mão), tại Trường hạ Hệ phái Khất sĩ - Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Xa Lộ Hà Nội, P. An Phú, TP.Thủ Đức - TP.HCM), HT. Giác Pháp - UV HĐTS, Phó Trưởng ban Nghi lễ T.Ư GHPGVN, Phó Thường trực Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, Phó BTS GHPGVN  TP.HCM, Tri sự trưởng Giáo đoàn V, đã có buổi thuyết giảng đầu tiên cho chư hành giả an cư.

Mùa An cư trong ba tháng là thời gian tốt nhất để phát huy phẩm chất đời sống nội tâm của chư Tỳ-kheo, hướng đến sự đoạn trừ lậu hoặc. Do đó, Hòa thượng đã chọn “Quy Sơn Cảnh Sách” để nhắc nhở, khuyến tấn đại chúng tu học miên mật, tư duy và còn phải tìm hiểu thêm những tài liệu khác để làm sáng tỏ lời Phật, ý Tổ. Đây cũng là cơ hội cho chúng Sa-di học tập và có thể thọ giới Pháp Tỳ-kheo thông qua 4 bộ Luật Tiểu. Trong thời gian đầu học làm Sa-di, đều phải học thuộc lòng ba quyển gọi là Phật Tổ Tam Kinh: Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Kinh Di Giáo, Qui Sơn Cảnh Sách.

Nói về “Quy Sơn Cảnh Sách”, Hòa thượng giới thiệu là một quyển luận của Thiền sư Linh Hựu. Do Ngài ở tại núi Quy, người đương thời nể trọng đức hạnh không dám gọi tên, nên dùng tên núi để gọi Ngài; vì vậy Ngài có tên là Quy Sơn.

Theo đó, “Cảnh sách” nghĩa là thúc đẩy, động viên, khích lệ, khuyến tấn các hành giả nỗ lực, tinh tấn hơn. Người xuất gia tuy đã phát tâm tầm cầu học đạo, song còn mê say trong dục lạc, thường quên lãng việc tu hành, nên Ngài dùng phương tiện đánh thức hành giả nhớ lại bổn phận và trách nhiệm của người xuất gia để nỗ lực tiến tu, đó là cảnh. Sách nghĩa là roi da - thường người cỡi ngựa muốn cho ngựa chạy nhanh, dùng roi da tróc tróc cho nó chạy. Cũng vậy, tông chỉ của bộ luận này, chủ yếu của Tổ là đánh thức người tu nỗ lực tiến tới nơi cứu cánh của người xuất gia.

Hòa thượng trình bày cho đại chúng tiểu sử của Tổ thông qua cốt cách, đạo phong từ lúc nhỏ đến lúc xuất gia, hành đạo thể hiện bậc long trượng kế thừa của đời thứ 4 sau Lục Tổ Huệ Năng.

Đi vào chánh: “Phù nghiệp hệ thọ thân , vị miển hình lụy”,  Hòa thượng chỉ rõ: “Cần nhận thức đúng về khổ không phải là có thân, để rồi nhàm chán mà sinh ra tự tử. Thân này là do nghiệp buộc và chi phối, nếu biết tu hành đúng đắn thì sẽ chuyển Nghiệp. Lấy ví dụ: cũng như vắt chanh bỏ vỏ, nghĩa là bỏ đi bất thiện, nhỏ mọn, hẹp hòi... nước cốt chanh thì bỏ thêm đường và đá thành ly nước chanh thơm, ngon. Cũng như vậy, có thân thì hãy làm tất cả thiện sự, cống hiến hết mình trong khả năng của mình thì thời gian sẽ chuyển Nghiệp xấu thành tốt”.

Bẩm phụ mẫu chi di thể, giả chúng duyên nhi cộng thành”.

Hòa thượng chỉ rõ, có được tấm thân này đều vay mượn của tinh cha, huyết mẹ và thức tái sinh, vay mượn các yếu tố tương quan khác nữa mà tồn tại. Do đó, không có gì “là ta hay của ta” để mà chấp thủ, bám víu. Quán chiếu như vậy nên dễ xa rời sự tham chấp và sân hận. Ngài dẫn chứng thông qua bài kinh Vô Ngã tướng:

Sắc thô, tế, quý, tiện

Sắc bên trong, bên ngoài

Sắc tam thế cận, viễn

Cũng chỉ là sắc thôi.

 

Các thầy dùng tuệ trí

Xem sắc theo chơn lý

Đó chẳng phải là ta

Của ta, thân ta vậy!”

Cuối lời, Hòa thượng khuyến tấn chư hành giả, tấm thân này là huyễn giả chỉ để tu tập và cống hiến, phụng sự, chứ đừng mê chấp, bảo vệ rồi tham đắm mà gây bao tội lỗi, nghiệp xấu. Hãy chịu khó tư duy, quán chiếu để hiểu hơn về lời Phật ý Tổ. Hòa thượng nhắc lại lời của HT. Giác Giới hay giảng: “Muốn thành tựu Chánh tri kiến, vị Tỳ-kheo phải nghe với tâm suy tư” (Kinh A-hàm) hay “Hãy nghe và khéo tác ý!” (Kinh tạng Pāli)

Một số hình ảnh tại buổi giảng:

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan