HT. Giác Thành sách tấn chư Ni GĐ III trong khóa An cư kiết hạ
- Liên Uyển phiên tả
- | Chủ Nhật, 08:25 29-05-2022
- | Lượt xem: 4623
Sáng ngày 27/5/2022 (nhằm 27/4/Nhâm Dần), HT. Thích Giác Thành – Trưởng ban Tăng sự Giáo đoàn III thăm và sách tấn phương pháp tu học cho chư Ni – Ni giới giáo đoàn III trong mùa An cư kiết hạ 2022 trên diễn đàn trực tuyến Google meet ngang qua bài Chơn lý số 30 “Chư Phật” của Tổ sư Minh Đăng Quang.
Đức Tổ sư Minh Đăng Quang mở đầu chương I với tựa đề: “Tất cả chúng sanh là chư Phật.” Chúng ta – những hành giả đang tu, đã tu và sẽ tu đều có thể đạt quả vị Phật tức “Mọi Phật tánh của chúng sanh đều bình đẳng.” Đây cũng là tiền đề để mỗi hành giả phát tâm dõng mãnh, kiên định trên bước đường hướng thượng, trên con đường tu tập Giới, Định, Tuệ đạt tới bờ giác ngộ. Đức Tổ sư đề cập đến mong muốn của chư Phật quá khứ, chư Phật hiện tại và chư Phật vị lai – quả vị chúng ta có thể đạt được: Tu rốt ráo để giải thoát, đạt quả vị Phật, hóa độ chúng sinh.
“Khi xưa có một người làm ruộng hỏi đức Phật rằng: Ông có tay chân, sao không làm ruộng để có cơm như người ta, mà lại phải đi xin như thế?
Đức Phật trả lời rằng: Chính tôi đây mới là người làm ruộng, mới thật là kẻ biết yêu quý giữ nghề làm ruộng. Trần thế là miếng ruộng to, mỗi xác thân người là một cục đất nhỏ, các pháp lành của tôi ban rải ra và ghim sâu trong đất ấy là hột giống. Kết quả của tôi là Niết-bàn hạnh phúc vĩnh viễn, nghề làm ruộng của tôi như thế, ấy là nghề chơn thật của tôi, và không khi nào tôi dời đổi bởi tôi yêu quý nó, vì nó là nghề tốt đẹp.
Đức Phật nắm cầm luật pháp cũng như cầm cày, sự tinh tấn cố gắng là bò trâu, gieo rải đức tin đạo lý nhơn quả, hột giống Niết-bàn như gieo mạ, mạ lên là cư sĩ phát tâm xuất gia. Sự giải thoát xuất gia cũng như nhổ mạ đem đi cấy, đến mùa lúa chín là đến lúc chư đệ tử đắc quả, gặt hái đem về là thâu nạp đệ tử đắc quả vào Niết-bàn, sau khi chết đem theo trí huệ của Ngài như vòng hái, Niết-bàn là kho vựa, sự phát cỏ như diệt tận gốc ác, làm ruộng có mùa là giáo hóa chúng sanh theo thời duyên mỗi lúc. Đức Phật làm ruộng bằng đạo đức, và sự kết quả là no vui sống đời mãi mãi, có khác hơn chúng sanh vậy. Đức Phật làm ruộng bằng cách trong sạch cao quý, Ngài làm ruộng để độ tận cả chúng sanh; Ngài làm ruộng bằng tâm, nghề làm ruộng ấy do Ngài đã lựa chọn, xét kỹ, chắc chắn được kết quả, trúng mùa, không thất bại, Ngài làm ruộng không cực nhọc, không tổn hại cho ai tất cả. Ngài mới thật gọi đúng tên là người làm ruộng, vì không bao giờ Ngài chịu bỏ cái nghề làm ruộng cao viễn quý báu ấy.
Đức Phật là ông thầy làm ruộng, là tổ sư của nghề nông. Ngài đã vượt qua khỏi hai lớp làm ruộng của bậc dưới. Ngài làm ruộng theo bậc Phật chớ chẳng giống người Trời. Ở trong đời, người làm ruộng bằng xác thân là để nuôi xác thân vài người, số ít; người làm ruộng bằng vật chất bằng cách ác hại gây khổ cho chúng sanh, cực nhọc cho mình mà rốt lại khi được rất ít, hư thất thì nhiều. Làm ruộng nuôi sắc thân cũng như kẻ cắt cỏ mướn, nuôi bò thiên hạ, không có kết quả chi, không có ích lợi gì, mãi thiếu thốn, chán nản thối chí luôn luôn; khi gặp nghề nghiệp nào khá hơn thì họ nhảy qua, bỏ nghề làm ruộng. Họ vì tham lợi chớ đâu phải biết quý yêu nghề mà đi giữ mãi. Họ làm ruộng tạm đặng xem thời thế để bỏ đi, chớ đâu phải giữ hoài miếng ruộng hoặc dốc chí làm ruộng, hay đời đời kiếp kiếp sanh đi sanh lại để làm ruộng. Vả lại họ nương theo cái có, nơi hình tướng, thì hay bị thay đổi, dầu họ có muốn làm, nhưng có khi chẳng có ruộng cho họ thì lấy chi làm được, khi thiếu giống làm sao mà gieo, khi bịnh đau là bỏ xụi; cảnh ngộ thời duyên, có cho họ làm ruộng bằng cách thấp kém, tội lỗi, ích kỷ ấy mãi đâu? Cả chúng sanh, vạn vật, các pháp trong võ trụ đều giúp cho họ, mà họ ích kỷ tư riêng, không lo đền đáp cho tất cả, lại lo riêng cho mình bằng cách tổn hại cho tất cả mãi. Như thế thì cách làm ruộng của họ đâu có thiện lành chơn chánh thật vậy. Trong đời chưa có ai là người làm ruộng, chưa có kết quả của sự làm ruộng, và cũng chưa có hột giống để gieo trồng kia nữa. Vì bởi hột giống ác là hột giống chết, và gạo lúa của thế gian thì chẳng có bền lâu, chẳng nuôi đặng tâm hồn vĩnh viễn, không xác thân ai sống mãi và cơm gạo ấy lại chẳng no hoài không ai liệng bỏ, tự nó có ngày cũng sẽ thúi hôi rã mục, thật là vô ích tai hại.
Trong đời cũng có kẻ không làm ruộng bằng cái ác, giết cỏ hại trùng; họ làm ruộng bằng tinh thần, bằng hy sinh, bằng lý trí, bằng phước thiện, giúp ích lợi cho cả trăm ngàn người khác, mà quên, bỏ sự ích kỷ tư riêng. Họ xem gia đình, xã hội như miếng ruộng, mà ra công tô đắp vun quén, những việc lành phải như hột giống, và kết quả là sự hả dạ vui cười, họ không hưởng vật chất, không thủ lợi cho mình, họ làm việc cho tất cả, quên sự cực nhọc của mình, họ làm ruộng như thế là để cho được sự kinh nghiệm, mở trí cho họ thôi. Họ cũng giữ nghề của họ trong một thời gian khá lâu, trong những bước chân còn đang học nghiệm. Những bậc trí thức từ thiện ấy, họ có ngày cũng sẽ giải thoát bỏ nghề nghiệp ấy, nếu khi họ đã giác ngộ. Vì người làm ruộng bằng tinh thần, tuy không ác, tuy có lợi cho trí, tuy được nên cho số lớn rộng đông người, nhưng bởi tại quá cao, quá chấp, không không, chẳng có cho mình chi cả, nên mặc dầu sống lâu mà phải khổ vì cái mê si bên ngoài, nó không làm cho tâm người trong sạch được, và ở chung gần với kẻ thấp kém lâu ngày, thì không thể tránh được sự rớt rơi sa ngã. Cho nên gọi là chư Thiên cũng chưa phải được gọi là người làm ruộng mãi mãi như Phật. Còn nhơn loại thì chưa được có tên người làm ruộng, hay là chỉ mới tập làm.
Như thế là có ba cách làm ruộng:
1. Phật làm ruộng bằng tâm, bằng đạo đức, nuôi tất cả chúng sanh. Kết quả Niết-bàn vĩnh viễn, hưởng chơn như.
2. Trời làm ruộng bằng trí, bằng thiện, nuôi được xã hội gia đình. Kết quả Trời ngàn năm lâu khá, hưởng tinh thần.
3. Người làm ruộng bằng thân, bằng ác, nuôi được gia đình nhỏ hẹp. Kết quả người trăm năm mau chóng, hưởng vật chất”.
Chung quy lại, Tổ sư đã nêu ra ba cách làm ruộng căn bản và ba kết quả tương ứng. Hòa thượng nhấn mạnh lại lần nữa: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh”, đều có khả năng thành Phật, nhưng để thành Phật phải rốt ráo tu “bằng tâm, bằng đạo đức”. Phương châm của đạo Phật là “Lấy từ bi làm lẽ sống, lấy trí tuệ làm sự nghiệp”. Chính vì thế, tu tập như vậy sẽ không còn đọa lạc trong ba nẻo, sáu đường, thẳng tiến đến bờ giác, hưởng chơn như, Niết-bàn. Bậc kế là tu “bằng trí, bằng thiện” – đây là con đường gieo giống và ươm mầm thiện lành, hưởng về tinh thần, sống ngàn năm. Còn tu “bằng thân, bằng ác” chỉ hướng đến mục đích nhỏ nhoi, nuôi sống gia đình, hưởng vật chất tạm bợ trăm năm. Qua đó, người học còn có thể nhận thấy được rằng đây là sự khác biệt giữa đạo Phật và các tôn giáo khác.
Xét theo nghĩa đạo là con đường thì đi trên con đường nào cũng được, cũng tốt cả. Nhưng đối với đạo Phật, đạo không chỉ là con đường để đi đến Niết-bàn mà đạo là chân lý, là sự thật hiển nhiên, bất diệt, niên viễn, trường tồn theo thời gian và không gian. Đã là chân lý thì không có sự sai lệch nào như con đường Phật Tổ xưa đã đi, đã tới và chúng ta ngày nay cũng đã và đang đi trên con đường ấy – con đường của chân lý.
Đi “bằng tâm, bằng đạo đức” cũng đồng nghĩa đi bằng muôn điều khó nhọc, gian nan, không phải ai cũng vượt qua được nên các vị tu sĩ phải đi giảng pháp, hành đạo để trợ duyên cho chúng sanh, nuôi dưỡng Phật tánh trong mỗi con người được lớn mạnh. Trong cuộc hội ở núi Linh Sơn, đức Thế Tôn giơ cành hoa ra hiệu cho đại chúng. Mọi người đều im lặng không hiểu ý gì, chỉ có một mình Ngài Ma-ha Ca-diếp rạng rỡ mỉm cười lãnh ý của đức Phật. Ngài Đạt Ma Tổ sư du phương giảng đạo, từ Ấn Độ sang Trung Hoa, nhưng chỉ có Ngài Thần Quang và Huệ Khả là có khả năng lãnh thọ được giáo pháp truyền thừa. Như vậy, con đường đi đến Bảo sở thiên nan, vạn nan, không phải ai cũng có thể đi được. Chúng ta phải nổ lực tu tập nhiều hơn nữa, rèn luyện tâm trí, gạt bỏ những sở tri chướng, phiền não chướng ra khỏi thì mới mong thành tựu.
Thánh kinh có câu:
“Cổ chi dục minh minh đức ư thiên hạ giả, tiên trị kỳ quốc;
Dục trị kỳ quốc giả, tiên tề kỳ gia;
Dục tề kỳ gia giả, tiên tu kỳ thân;
Dục tu kỳ thân giả, tiên chính kỳ tâm;
Dục chính kỳ tâm giả, tiên thành kỳ ý;
Dục thành kỳ ý giả, tiên trí kỳ tri, trí tri tại cách vật”.
Tạm dịch là điều mong muốn của người xưa là làm tỏ đức sáng trong thiên hạ, do vậy trước tiên họ phải lo liệu, sắp xếp nước mình (trị quốc);
Muốn trị quốc, trước hết phải sửa sang, sắp đặt nhà mình (tề gia);
MUỐN tề gia, trước hết phải hàm dưỡng và rèn luyện bản thân (tu thân);
Muốn tu thân, trước hết phải giữ cho lòng mình ngay thẳng (chính tâm);
Muốn chính tâm, trước hết phải chân thật với điều mình nghĩ (thành ý);
Muốn thành ý, trước hết phải suy xét đến cùng những điều mình biết (trí tri); mà sự hiểu biết căn kẻ nằm ổ chỗ nghiên cứu, xem xét sự vật đến cùng.
Như vậy, các tôn giáo khác chú trọng đến việc trị nước, sau là lo gia đình nhà cửa nhưng trước hết phải lo bồi dưỡng tâm mình cho chơn chánh. Chính vì thế, đạo Khổng, đạo Lão chỉ đến bậc trời mà thôi! Đối với đạo Phật, quả vị trời chưa phải là cứu cánh, phải đạt được tới đại định chơn như, đạt được trí tuệ siêu việt của thế gian.
Người tu phải giữ được tâm bất động trước tám ngọn gió đời: gió lợi, gió hại, gió khổ, gió vui, gió vinh, gió nhục, gió khen, gió chê. Chúng ta có duyên với chư Phật, chư Tổ, với Bổn sư của mình, được xuất gia, được thọ giới Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nhưng vì:
“Lướt theo ý dục mong cầu
Đèo cao bang vượt, biển sâu lao mình
Con đường sinh tử, tử sinh
Ra vào lui tới than hình đổi thay
Luân hồi trong cõi trần ai
Cũng vì cái ý chuyển lay không ngừng.”
Nên mới phải trôi lăn trong vòng sanh tử, bị phiền não, tham dục lôi kéo, kỳm hãm. Như vậy, chúng ta cần phải rèn luyện tâm, rèn luyện thân mới nuôi được tất cả chúng sinh. Tăng Ni trẻ đang trên con đường học đạo phải khẳng định rõ rằng con đường học thế gian chỉ là một trong các phương tiện, chỉ có học Phật mới là cứu cánh rốt ráo cuối cùng. Mỗi người sẽ có một lối đi riêng, có sự nhìn nhận riêng, nhưng cũng sẽ quy về một hướng Niết-bàn cũng như nước ở các sông chảy về một biển, cũng hòa chung với chất mặn mà thôi. Từ bùn lầy lên mặt đất, từ mặt đất lên lưng ngựa, rồi lên lưng voi, lên nhà, lên cao hơn nữa,… trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, chúng ta cố gắng vượt lên, tu tập, trau dồi, tu bổ đều có thể đạt được mục đích. Nhưng xuất phát điểm khác nhau, thời thế khác nhau thì không thể nào nói chúng ta bình đẳng với Thầy, với chư Tổ được! Đó là cách làm ruộng thứ nhất.
Thứ hai là tu thành tựu cõi trời. Ở cõi này chỉ dừng lại ở việc tu hướng thiện, làm lành chứ không hướng thượng, rốt ráo. Đây cũng là phương pháp tu cho những Phật tử tại gia để bồi dưỡng, nung đúc thêm cho căn lành còn non nớt, yếu ớt.
Hòa thượng cũng tuyên dương tinh thần cầu pháp, học đạo của chư Ni thông qua các khóa “Sống chung chung học” hay những mùa An cư kiết hạ như thế này nhằm thúc liễm thân tâm vào khuôn khổ tu học để tăng thượng Giới, tăng thượng Định, tăng thượng Huệ - đây là con đường tắt đi đến Niết-bàn chơn như.
Cuộc đời này là cuộc tấn tuồng huyễn hóa, mỗi người có một vai trò, trọng trách trong vở tuồng ấy. Hòa thượng, Ni trưởng, Ni sư âu cũng là cái danh mà thôi, nhưng cái quan trọng là sự nổ lực chứng đắc tự thân, sau đó là độ sanh, dẫn dắt đàn hậu học cùng đi lên. Chỉ có thể là đi lên mãi, không lui tụt về sau.
Đối với cảnh làm ruộng thứ hai này, có nhiều người tu tập hơn, kể cả ngoại đạo. Họ cũng có thể đạt tới cảnh giới 33 tầng trời hay còn gọi là Tam thập tam thiên và cũng chỉ hưởng được cảnh ngàn năm, rồi trở lại tái sinh trong các cảnh giới, chưa ra khỏi sanh tử. Ngày xưa, khi đức Phật đạt tới quả vị Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ngài nhận thấy rõ đây không phải là cứu cánh, nên quyết chí tu tập đến quả vị Phật, có được trí tuệ siêu việt. Sự giác ngộ của Ngài vượt qua sự chứng ngộ của ngoại đạo nên Ngài được tôn xưng là Như Lai.
Chư thiên ở cõi trời dục giới, chư thiên ở cõi trời sắc giới và chư thiên ở cõi trời vô sắc giới là khác nhau. Nhưng khi hết phước báu rồi thì cũng đều bị sanh vào lại loài người và chịu khổ đau.
“Con đường làm ruộng đã có ba chặng, ba ái hạng bậc như vậy, thì tất cả những con đường khác cũng phải có ba cái lớp y như thế. Con đường nào mà không có Phật Trời và người trong đó! Cái tên của mỗi con đường, nghề nghiệp, tuy nói viết khác nhau, chớ kết quả vẫn y nhau. Con đường nào cũng có ba chặng, người Trời và Phật là ba khoảng đầu, giữa và đuôi; tức là từ ác đến thiện, đến đạo đức; từ vật chất đến tinh thần, đến nhơn như; từ thân đến trí, đến tâm; từ một ta đến nhiều người, đến tất cả; từ nhỏ tới lớn, từ thấp tới cao, từ hẹp tới rộng; con đường ấy là sự tấn hóa vậy. Nghề nghiệp, sự việc nào cũng đều tấn hóa cả, cũng như chót núi, chặng giữa và chân núi, núi có ba phần. Các con đường của nước đất từ trên chót núi chạy xuống, hay các con đường từ dưới leo lên, tuy khác với nhau, tuy nhiều nẻo nhiều tên, nhiều phía, tùy theo nhơn duyên, nhưng chúng ta xem xét kỹ lại, mỗi đường đều có ba chặng bậc: cao chót là Niết-bàn, triền giữa là chư thiên, chân thấp là nhơn loại! Như vậy là tất cả chúng sanh có một mục đích, một chỗ đến kia, là chót núi, Phật! Đến chỗ đó rồi thì không còn đường gì nữa hết, tên của đường là tạm, đường ấy là phương tiện, bởi các chúng sanh nhân loại đang mắc phải ở dưới thấp sâu của chân núi to rộng, mênh mông, nên gặp thấy đâu là đi đó, miễn lên được đến chỗ trên thì thôi. Dầu có khác nhau nơi bề ngoài của người đang đi con đường này, kẻ đang đi con đường kia, điều ấy không có cần phải phân biệt, vì nó không quan trọng. Mà sự thật là mỗi người phải giữ lấy con đường mình, chăm chỉ thấy biết con đàng mình, giữ lấy tâm mình đặng đi tới. Con đường nào cũng giống nhau về sự đi tới. Mỗi con đường đều từ dưới tới giữa, tới trên; từ người tới Trời, tới Phật; từ ác tới thiện, tới đạo đức; từ vật chất tới tinh thần, tới chơn như in nhau. Cũng có thể các con đường đều là của người lớp dưới hết. Các con đường đều là của Trời lớp giữa hết và các con đường đều là của Phật lớp trên hết. Như thế nghĩa là có ba hạng bậc: kẻ ác, kẻ thiện và kẻ tu. Kẻ ác có muôn pháp, kẻ thiện cũng có muôn pháp, thì người tu cũng có muôn pháp giống nhau vậy. Và hình thức sự việc bên ngoài tuy danh từ rộng rãi, lý thuyết bao la, tác động biến hóa, ý niệm vô chừng, nhưng thật ra thì chỉ có cái ác, cái thiện, cái tu là nấc thang, là sự kết quả của chúng sanh vị lai và hiện tại. Cái ác, cái thiện, cái tu là việc làm quan hệ, là ba món gia tài của cải của nơi ba bước chân, hay là hạnh phúc của ba khoảng đường. Như thế ai đi đến đâu là sẽ hưởng được món đồ ăn nấy, họ sẽ khổ hoặc vui, họ sẽ đói hoặc no, họ sẽ chết hoặc sống, là do nơi cái ác, cái thiện, cái tu; chớ không phải ở nơi danh từ lý thuyết của các con đường nghệ nghiệp.”
Mọi người thường hay nghĩ rằng: “tôi là nhất, con đường của tôi là cao nhất”, không ai chịu ai, dẫn đến việc tranh chấp, hơn thua. Đức Phật không xưng Ngài là nhất mà là bậc Vô Thượng Sư tức bậc giác ngộ không trên. Đức Phật có tám vạn bốn ngàn pháp môn tu (niệm Phật, trì chú, ngồi thiền,… ) cũng đều đưa đến đỉnh cao là Niết-bàn – quả vị Phật chứ không riêng pháp môn nào. Đối với từng tông phái nói chung, Giáo hội vẫn luôn giữ gìn truyền thống tốt đẹp đặc thù của từng tông phái và Hệ phái Khất sĩ cũng không ngoại lệ, vẫn luôn nêu cao và thực hành truyền thống “Y bát chơn truyền” của Phật Tổ từ ngàn xưa tạo nên sự đoàn kết, không hơn thua, tranh cãi, tôn trọng truyền thống biệt truyền của nhau. Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có ghi: “Sự thống nhất Phật giáo Việt Nam được xây dựng trên nguyên tắc: Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức; đồng thời vẫn tôn trọng và duy trì các truyền thống Hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng Chính pháp”.
Kẻ ác có lập trường của kẻ ác, người thiện cũng có lập trường của họ. Đến cuối cùng thì kẻ ác cũng quay đầu hướng thiện, tìm về giác chánh. Điển hình như vua A Dục Vương, lúc chưa quy y theo Phật là một vị vua dùng cái ác để thống trị thiên hạ. Tuy vậy “Nhân chi sơ tánh bổn thiện”, cơ duyên gặp Phật, mầm mống thiện bên trong ông trổi dậy, hộ Phật pháp, trở thành một vị vua anh minh, hiền thiện nhất, đào tạo Tăng tài để đem Phật pháp truyền bá khắp nhân gian. Tổ đã nói “Đối với chúng sanh; nhiều kiếp ác, mới tới thiện, nhiều kiếp thiện mới tới tu, và nhiều kiếp tu mới thành đạo!” (Chơn lý số 33 “Trường đạo lý”).
“Sự thật đúng y như vậy! Tất cả chúng sanh ai cũng đi tu như nhau được hết, khi trình độ của họ đã lên đến chót núi. Tất cả chúng sanh ai cũng sẽ được thiện hết khi trình độ của họ đã bước tới lưng chừng. Tất cả chúng sanh mà ác hết là bởi còn đang ở dưới gốc chân sâu chưa đi lên được. Đó là sự cao thấp, giá trị, nấc thang, chớ cái tên của con đường, chỗ đang đứng mà có là bởi tại bề ngoài sắc thân, không ích lợi chi cho tâm trí lâu dài chắc thật. Trần thế như là vũng sình lầy, nhơn loại là ở dưới thấp sâu, thiên đàng là những nấc thang đi lên. Nơi đây có mặt bằng, chỗ nghỉ chưn của mỗi nấc có vách đứng của mỗi bước để đi lên trên chót cao là Niết-bàn, mặt lầu bằng thẳng, chỗ nghỉ yên của chư Phật. Chúng sanh mà đi lên đến mặt nóc bằng ấy được là phải trải qua lớp dưới, như thế là phải bỏ hẳn mặt đất bụi trần nhơn loại. Trong một tiếng nhơn loại có nhiều pháp ác, trong một tiếng thiên đường cũng có nhiều pháp thiện, trong một tiếng chư Phật là cũng do nhiều pháp tu, do đó nhiều người mới đi đến nơi một lượt được. Thế là chúng sanh phải trực giác trực chỉ, đi ngay lên, bỏ nhơn loại ác, đến thiên đường thiện, và đến Niết-bàn chơn như. Ai đang ở con đường nào thì cứ giữ con đường đó mà đi ngay lên, là tới trên được. Chớ không phải đi vòng tròn một bực một, như một kẻ kia mãi mãi, giữ hoài một nấc thang nhơn loại, từ nghề này sang nghiệp kia, bước qua việc nọ, đến cả muôn kiếp, học cả triệu khoa môn vật chất ác trược, cũng không ra khỏi nhân loại, và chưa hết cái khổ chết, luân hồi vô ích. Cũng giống như một vị thiên cõi trời đi dạo từ cõi trời này qua cõi trời kia, đi đến ngàn năm cũng còn là cõi trời, chớ không có bước lên cao gần cõi Phật đặng. Vậy nên cái sở chấp của bậc người trời, cho là tự đủ toại hưởng vui chơi, thật là sái quấy lầm lạc, như thế thì chúng ta phải tấn hóa; phải tiến, chớ đừng có đứng hoặc lui; đứng nghỉ chân tạm mỗi nấc một lúc cho khỏe rồi đi tới nữa, đừng đứng lâu hoài một chỗ, ắt là mỏi chân té sụp. Vậy chúng ta hãy rán lướt lên, đến Niết-bàn yên lặng bằng thẳng, rồi sẽ nghỉ ngơi, mới không còn lo sợ nữa”.
Ở đây, Tổ khẳng định: người hay chấp hay tự cho là đủ, không tiến hóa, không giải thoát nên cứ mãi lẩn quẩn trong cõi người, cõi trời. Mỗi hành giả phải luôn luôn nổ lực tinh cần tu tập, làm Phật sự. Chư Phật Tổ trao truyền giáo pháp cho nhiều thế hệ truyền thừa và thường nguyện sau khi bỏ xác thân này quay trở lại nhân gian độ sanh, tích tạo phước thiện lành, chấp nhận khổ đau vẫn không nản chí.
“Ngày ngày ra sức kiềm cương
Giờ giờ phút phút phải thường soi tâm
Lặng lờ giữ vẻ trầm ngâm
Tánh dè dặt kín, nết đằm thắm nghiêm.” (Bài kệ Ý)
Chúng ta phải tấn hóa, tinh tiến, không để lui sụt “đến Niết-bàn yên lặng bằng thẳng, rồi sẽ nghỉ ngơi, mới không còn lo sợ nữa”.
“Trong đời có ba giáo lý, ba cỡ pháp, hay cũng như chỉ có ba người. Hoặc như một người sẽ có đủ ba tên, ba thời kỳ phải đến, khác nào từ gia đình đến xã hội, và đến thế giới chúng sanh chung, mà ai ai đều phải bước đến, đi lên tới trên cao chót; kẻ trước người sau, ai ai cũng là chư Phật; bằng chẳng vậy, kẻ nào đi lui ắt là tự tìm khổ họa. Thế nên chơn lý võ trụ là tiến, còn chúng sanh mà thối, là tự mình thối; họ thối bởi tối mê sai lạc! Người đã giác ngộ rồi thì chỉ có cái ác, cái thiện và cái tu thôi; chớ không có cái chi với chúng sanh và vạn vật cả. Một nhơn loại kia là thợ mộc ác, nơi vật chất, xác thân ích kỷ, thấp thỏi, người ấy sẽ tiến lên làm chư thiên, cũng là thợ mộc thiện nơi tinh thần, lý trí rộng lớn cao thượng; và khi đến thành Phật thì cũng là thợ mộc đạo đức, nơi chơn như, tâm định bao quát không trên. Con đường thợ mộc, vị ấy mãi đi tới, nào có bỏ, thế mà không ai lại gọi người thợ mộc. Trời thợ mộc và Phật thợ mộc cả; người ta chỉ biết người, Trời, Phật thôi. Chớ cái tên thợ mộc của mỗi lúc, người ta bỏ đi, không còn giá trị; thế mới biết rằng ác, thiện, tu, là có, chớ nghề nghiệp vốn không! Tại sao chúng ta lại mảng thích ham môn nghệ mà đành bỏ sự tấn hóa lợi ích cho mình, thật là đáng tiếc. Cũng như người thợ mộc kia, không lẽ thành Phật rồi lại còn đem theo rìu, búa, đục, cưa! Hay là vì tiếc cưa đục búa rìu mà không chịu làm Phật, để giữ hoài cái thợ mộc tội lỗi của nhơn loại, cho là quí báu hơn, không cần đi tới, để cho tai nạn? Như vậy là chúng ta phải bước lên sự giải thoát đi tu, khi ta đi tu rồi, ai nói ta là thợ mộc lớp trên cao cũng phải lẽ, mà sự thật là chúng ta sẽ thành Phật, kết quả Phật, chớ không còn có biết cái tên thợ mộc nữa. Bởi cớ ấy chư Phật mới dạy rằng: Niết-bàn là cảnh giới của sự hưu trí, nín nghỉ, lặng ngừng, đã qua khỏi hết các danh từ, nghệ nghiệp; cũng như người chết, kẻ ngủ là đã qua khỏi hết các lý sự rồi vậy. Đó là mục đích, đó là chỗ đến, là chỗ cuối cùng, là chỗ hứa hẹn, chỗ hội hiệp, chỗ một của tất cả chúng sanh một ngày kia, nơi ấy không còn có sự chia rẽ, sự cảm giác. Nơi ấy cũng không còn cái hai hay một, nên mới gọi là chơn phước cực đại. Cõi ấy phàm phu không lên tới, không còn ai thấy được, ấy là cõi bằng thẳng êm ái, mát mẻ trong sạch tuyệt vời, tức là chơn như toàn giác, hay là đại định”.
Cuối cùng, khi đến chơn như thành Phật là không còn tên gọi của thế gian nữa. Chúng ta giờ còn trong vòng sanh tử, trôi lăn trong cõi người, nhưng một khi đã thành Phật rồi, các hạnh Ba-la-mật tu tới chỗ hoàn thiện, cứu cánh, không còn chút sai sót gì nữa thì đồng nghĩa với việc không tái sanh lại cõi người hay cõi trời nữa. Lúc đó, chúng ta đã đạt tới chỗ rốt ráo không gì hơn.
Các bài viết liên quan
- Hệ phái Khất sĩ: Báo cáo tổng kết khóa An cư Kiết hạ tại Pháp viện Minh Đăng Quang PL.2568 - DL.2024 - Thứ Sáu, 08:42 23-08-2024 - xem: 1040 lần
- Đắk Lắk: Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ toàn tỉnh trang nghiêm lễ Bố tát, thính giới tập trung - Thứ Bảy, 22:57 20-07-2024 - xem: 183 lần
- TP.HCM: HT.Giác Toàn nói về những điều thân chứng qua Chơn lý của Tổ sư Minh Đăng Quang nhân mùa ACKH PL.2568 - Thứ Tư, 17:31 03-07-2024 - xem: 338 lần
- Vĩnh Long: Chư Tôn đức HPKS thăm hành giả an cư tại Tổ đình Minh Đăng Quang - Thứ Hai, 10:43 01-07-2024 - xem: 355 lần
- TP.HCM: TT. Giác Tín nói về “Vô thường - Chơn thường” tại khóa ACKH Pháp viện Minh Đăng Quang - Thứ Sáu, 21:22 28-06-2024 - xem: 223 lần
- TP.HCM: TT. Giác Hoàng giảng về "Pháp trau tâm của Tổ sư Minh Đăng Quang" tại trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang - Thứ Năm, 22:12 27-06-2024 - xem: 378 lần
- TP.HCM: TT.Giác Nhường chia sẻ buổi pháp thứ 2 tại trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang - Thứ Tư, 22:42 26-06-2024 - xem: 332 lần
- TP.HCM: HT.Giác Nhân nói về “Tham - Sân” nhân khóa ACKH Pháp viện Minh Đăng Quang PL.2568 - Chủ Nhật, 13:52 23-06-2024 - xem: 463 lần
- TP.HCM: HT.Giác Pháp giảng “Quy Sơn cảnh sách” tại trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang - Chủ Nhật, 13:47 23-06-2024 - xem: 276 lần
- TP.HCM: Chủ đề “Chánh ngữ” được HT.Bửu Chánh giảng tại khóa an cư Pháp viện Minh Đăng Quang - Thứ Hai, 15:08 24-06-2024 - xem: 449 lần
- TP.HCM: Đề tài “Giáo dục Phật giáo Trung Quốc” tiếp tục được đề cập tại khóa ACKH PL.2568 - Thứ Hai, 13:44 24-06-2024 - xem: 172 lần
- TP.HCM: TT.Giác Tín giảng pháp tại khóa ACKH Pháp viện Minh Đăng Quang - Thứ Sáu, 19:48 21-06-2024 - xem: 294 lần