HT. Giác Trí sách tấn chư Ni GĐ III trong khóa An cư kiết hạ
- Liên Uyển phiên tả
- | Thứ Hai, 22:46 13-06-2022
- | Lượt xem: 3062
Sáng ngày 10-6-2022 (nhằm ngày 12-5- Nhâm Dần), HT. Giác Trí - Tri sự phó kiêm Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni GĐ III thăm trường hạ và sách tấn chư Ni GĐ III ngang không gian mạng trực tuyến Google Meet.
Trước tiên, Hòa thượng tán thán tinh thần học pháp của chư Ni và đặc biệt là chư Ni trưởng đã khéo sử dụng phương tiện 4.0 để tạo điều kiện tu tập chung cho chư Ni toàn giáo đoàn trong mùa an cư kiết hạ đặc biệt như năm nay.
Tiếp theo, Hòa thượng nhắc lại sự kiện hình thành ba tháng an cư. Sau khi đức Phật đắc đạo, độ năm anh em Kiều-trần-như, Tam Bảo được hình thành, Tăng đoàn bắt đầu xuất hiện. Thời kỳ đầu, vào mùa mưa, ở Ấn Độ thời tiết khắc nghiệt, đường xá đi lại khó khăn, côn trùng sản sinh ra nhiều. Vì thế, các loài vật tìm nơi ẩn cư để an ổn thân và nuôi dưỡng tinh thần. Người xuất gia không nỡ đạp chết các loài sinh vật ấy nên đức Phật có lập ra lệ này, mỗi năm có ba tháng an cư trong mùa mưa.
Về mặt thể chất, ba tháng an cư là ba tháng an ổn, nghỉ dưỡng, trú ngụ đức Phật dành cho hàng Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni bớt mệt nhọc về thân và hàng cư sĩ có cơ hội phát tâm cúng dường, phụng dưỡng cho các vị Tăng Ni yên tâm tu học. Về mặt tinh thần, đây là dịp để các vị xuất gia thiệt thọ tinh tấn tu tập rốt ráo, siết mình trong khuôn khổ giới luật nghiêm nhặt để trau dồi trí lực, đạo lực, tăng trưởng phước đức và đặc biệt là thực hành được pháp Lục hòa: Thân hòa cộng trụ, Khẩu hòa vô tránh, Ý hòa đồng sự, Giới hòa đồng tu, Kiến hòa đồng giải và Lợi hòa đồng quân.
Như vậy, an cư để “Thúc liễm thân tâm, dồi mài trí tâm.” Trong quá trình tu tập, thân và tâm được dung hòa, ổn định, tịch tĩnh bởi thân an thì khẩu mới trong sạch, ý mới thanh tịnh. Cho nên, đức Tổ sư có dạy:
“Thân trong sạch ấy là xứ Phật,
Miệng trong sạch ấy là pháp Phật,
Ý trong sạch ấy là con Phật,
Tâm trong sạch tức là đức Phật.”
(Chơn Lý – Tu và nghiệp, số 44).
Thân an tịnh, giữ gìn mạng sống cho các loài sinh vật; miệng tụng đọc giới luật, kinh kệ, chia sẻ giáo pháp nhằm lưu truyền pháp âm của Phật, tiếp nối không rời; thân trong sạch, miệng trong sạch dẫn tới ý trong sạch nhờ văn, tư, tu: nghe, quán chiếu, suy ngẫm tư duy để rồi thích nghi môi trường tu tập, đối trị những bệnh tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Nhờ đó, chúng ta trở thành con Phật, thừa hưởng tài sản cao quý của Ngài. Đó là trí tuệ, giác ngộ, giải thoát, Niết-bàn. Đức Phật đã xác quyết rằng “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.” Chính vì thế, chúng ta phải hành trì theo pháp Phật để nuôi dưỡng, thúc liễm thân tâm trong ba tháng qua pháp an cư.
Vị Tỳ-kheo chân chính với lý tưởng tu học Giới, Định, Tuệ đều tạo điều kiện cho mình để được “sống chung tu học” qua tinh thần “đoàn kết trong hội họp” và “đoàn kết trong sự phân tán” để giác ngộ tự thân và giúp đỡ tha nhân, xã hội.
Qua câu chuyện lục quần Tỳ-kheo, sáu vị Tỳ-kheo kết bè, kết phái làm chuyện trái oai nghi, trái giới luật. Thực ra, họ thị hiện nghịch hạnh để đức Phật có dịp chế giới. Các bộ luật cho biết tên họ là Nan-đồ, Bạt-nan-đà, Ca-lưu-đà-di, Xiển-na, Mã-tú và Mãn-túc. Sách Tát-bà-sa Tỳ-ni-tỳ-bà-sa cho biết: “Trong số Lục quần Tỳ-kheo, hai người đắc Lậu tận nhập Vô dư Niết-bàn là Ca-lưu-đà-di và Xiển-na, hai người sanh lên cõi trời là Nan-đồ và Bạt-nan-đà. Hai người đọa làm rồng là Mã-tú và Mãn-túc. Hai người thông hiểu tinh tú vận hành là Nan-đồ và Bạt-nan-đà, hai người tinh thông nghệ thuật bắn cung là Ca-lưu-đà-di và Xiển-na, hai người thông thạo âm nhạc và kịch nghệ là Mã-tú và Mãn-túc.” Tùy theo cách dịch nghĩa phiên âm mà danh hiệu các vị này có sai khác, chẳng hạn Tăng-kỳ luật ghi tên của họ là Nan-đà, Ca-lưu-đà-di, Tam-văn-đạt-đa, Ma-hê-sa-đạt-đa, Mã Sư, Mãn-túc; Tỳ-nại-da luật ghi là Xiển-đà, Ô-ba-nan-đà, A-thuyết-tha, Bổ-nại-bà-tố-ca, Xiển-đà, Ô-đà-di (theo cách phiên âm này thì hai vị có tên là Nanda và Chanda cùng được phiên âm thành Xiển-đà, có lẽ là lỗi chép sai khi sao lục).
Như vậy, mỗi giới luật hay mỗi luật lệ mà đức Phật chế ra đều có nguyên do của nó nhằm ổn định Tăng đoàn và tạo điều kiện cho các vị Tỳ-kheo tu tập, tăng trưởng phước đức, mang lại lợi ích cho chư thiên và loài người.
Chánh pháp là bản thể của chân lý hiện hữu nhưng về hiện tượng, pháp tướng cũng có thời suy, thời thịnh. Năm 1950, Phật giáo với hình thức thì đông nhưng có sự suy yếu về tu tập. Vì thế, những biện pháp chấn chỉnh được thiết lập và đặc biệt là sự xuất hiện của Tổ sư Minh Đăng Quang – người khơi dậy chánh pháp với tôn chỉ “Nối truyền Thích-ca chánh pháp” được ra đời.
Trong các tông môn, hệ phái, đã là đệ tử Phật, ai cũng mang trong mình trọng trách truyền thừa chánh pháp. Tại thời điểm đó, tôn chỉ của Tổ sư như sự thức tỉnh tâm trí bị ngủ quên của Tăng Ni thời bấy giờ để chuyên tâm rèn luyện và tu tập.
Có năm chánh pháp sống động qua đời sống đức Phật hay còn gọi là năm việc làm hằng ngày của Người mang lại bài học, chân lý cho hành giả tu tập.
Thứ nhất là sáng cùng Tăng đoàn khất thực, thọ nhận trai Tăng – trì bình khất thực. Trì bình là hiện tướng ôm bình bát để thực hiện việc khất thực. Khất thực khác khất cái, khất cái là sự xin ăn, chạm lòng thương cảm của người khác nên họ cho, bố thí. Riêng đức Phật, trước khi khất đã cho rồi, cho hình tướng oai nghi, cho sự trang nghiêm, cho gương hạnh, cho đạo đức, cho luôn cả một cuộc đời sự nghiệp, đức Phật còn cho cả cung vàng điện ngọc, châu báu đáng quý trên đời chỉ để xin lại một bữa ngọ trưa “Cho rất nhiều nhưng chẳng nhận bao nhiêu.” Điều này được nâng tầm lên cao mới. Chính vì thế, “khất” là nhận với sự khiêm tốn. Chúng ta hãy cho những gì mình còn và nhận những gì mình cần mà thôi! Như cái cây cho bóng mát, cho chỗ ở, sinh tồn cho loài vật khác thì nó cũng cần nhận dinh dưỡng, nước,… để duy trì sự sống. Đạo lý đó gọi là Khất sĩ. Sĩ ở đây là trí tuệ, trí thức của người xuất sĩ. Cho nên, sự nhận thức ăn cúng dường của bá tánh gọi là “khất thực.” Thực hiện hạnh như vậy để hóa độ người có duyên với mình đến gần với Phật pháp, nhất là người có trí, giác ngộ hình ảnh trì bình khất thực. Bởi những con người lành lặn lại ôm bát đi xin toát lên được phong thái không đua chen với đời, không tham lam, giật giành, cho gì nhận đó, không đòi hỏi,… khiến họ sinh lòng tôn kính.
Thứ hai là thuyết kinh, giảng pháp vào buổi chiều, tùy theo căn cơ mà đối trị để mọi người nghe rồi tư duy, nhận định mình đang bị kẹt chỗ nào và lối ra khỏi hố sâu ấy để áp dụng tu hành trong cuộc sống. Dụ như của cải thế gian là vô thường, tạm bợ, không chắc thật. Khi biết được nguyên nhân tham đắm, chúng ta phải nên học cách bố thí. Bố thí do lòng từ bi, thông đạt vô thường, vô ngã, không chấp trước thì mới sanh được phước báu vô tận, mài mòn dần và xả ly lòng tham của mình.
Trong một dịp tu thiền ở Làng Mai, Hòa thượng được duyên lành đọc một bài kệ và thông đạt nghĩa lý sâu xa trong ấy:
“Mí mắt chân trời mỏi
đầu núi nghiêng nghiêng tìm gối tựa
đêm về thơm giấc cỏ hoa
ảo hoá
bàn tay gió dậy
ngân hà nến ngọc lung linh
khung cửa lưng đồi bỏ ngỏ
sao băng vụt cháy lời kinh
vạn kiếp xoay quanh vòng mộng mị
đêm nay chợt thấy chân hình.”
(Ảo hóa – Thơ: Sư ông Làng Mai)
Mí mắt như bầu trời, diễn tả chân thực hình ảnh buổi chiều, bầu trời sắp lặn như mí mắt muốn sụp xuống dụ xu hướng hướng ngoại đã mỏi mệt, muốn quay trở về nội tại nơi tâm mình. Theo chiều ánh sáng, hình ảnh những ngọn núi bỗng nghiêng nghiêng dụ cho những ngã mạn, tự cao, kiến thức, địa vị, quyền uy đến một đỉnh điểm nào đó cũng sẽ dần tan biến mà quay về nương tựa tinh thần. Nơi rừng núi, về đêm, cây lá tỏa ra những mùi thơm thoang thoảng, dịu nhẹ của thiên nhiên tượng trưng cho sự tĩnh lặng của tâm trí. Khi con người đạt được trạng thái tịch tĩnh thì những hạt giống thiện có cơ hội nảy mầm, sinh sôi nảy nở. Đó là cả một quá trình tu tập tưới tẩm niêm mật.
“Mưa xuân nhẹ hạt đất tâm ướt,
Hạt giống năm xưa hé miệng cười.”
(Sư ông Làng Mai)
Về hiện tượng, mặc dù mưa xuân chỉ là những hạt mưa bay lất phất nhưng dần đất cũng thấm ướt như cơ hội, duyên lành được nghe pháp nhủ, được rưới mát tâm mình, hạt giống tâm cũng sẽ có cơ hội được phát triển thiện lành. Được như vậy là kết quả của cả quá trình nổ lực liên tục, không gián đoạn, không thối chí, nản lòng trong hành động, trong lời nói và trong việc làm.
Thứ ba, buổi tối đức Phật cùng Tăng đoàn tham thiền nhập định. Tham thiền nghĩa là soi sáng, quán chiếu một sự kiện, một vấn đề mình chưa thấu đạt. Dùng một đề mục để soi sáng vấn đề ấy gọi là thiền tập. Bao gồm thiền chỉ và thiền quán. Thiền quán là tu tập Tứ niệm xứ: quán thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp; thiền chỉ là buộc tâm, gắn tâm vào một đối tượng, đề mục tức tu chỉ để được định, tu quán để được tuệ.
“Ngàn sông, ngàn nước, ngàn trăng hiện,
Mấy dặm không mây, mấy dặm trời.”
Đó là mầu nhiệm của sự tĩnh lặng. Chỉ một mặt trăng nhưng soi mình trên ngàn con sông, ngàn mặt nước tĩnh lặng sẽ có ngàn mặt trăng khác được hiện hữu.
“Bụt là vầng trăng mát,
Đi ngang trời thái không,
Hồ tâm chúng sinh lặng,
Trăng hiện bóng trong ngần.”
(Bụt là vầng trăng mát – Sư ông Làng Mai)
Trăng xuống mang theo sự mát mẻ về đêm, nhìn thấy vầng trăng là thấy sự trong trẻo, sáng ngần, dịu nhẹ tỏa khắp muôn nơi. Đêm trăng mang những năng lượng tích cực, những ai có bản chất tốt, nhờ duyên của bối cảnh tác động tâm lý, dễ phát sinh được bản chất tâm ấy. Ngược lại, người có bản chất xấu, không tốt thì sẽ dễ phát sinh những bất thiện tâm. Khi chúng ta nhiếp tâm nghe pháp Phật và hành trì thì tâm mình chắc chắn tĩnh lặng và Phật sẽ về trong tâm chúng ta.
Thứ tư, đức Phật trả lời những câu hỏi của chư thiên vào buổi khuya. Bởi chư thiên có thần lực không thể gần gũi với loài người. Chính vì phước đức, nhân duyên khác nhau nên chư thiên có khung giờ riêng để tham vấn đức Phật. Một hôm, Ngài A-nan thấy giữa khuya, từ phòng của đức Phật phóng ra những luồng ánh sáng chói lòa, Ngài mới hỏi Phật đó là do nhân duyên gì. Đức Phật hoan hỷ trả lời đó là ánh sáng của các chư thiên từ các cõi trời xuống thăm và thưa hỏi đức Phật.
Canh cuối cùng trong đêm, từ hai giờ khuya đến sáu giờ sáng được chia làm bốn giai đoạn. Giai đoạn một, từ hai đến ba giờ Ðức Phật đi kinh hành. Giai đoạn hai, từ ba đến bốn giờ Ngài nằm nghiêng bên phải, theo thế kiết tường mà nghỉ. Giai đoạn ba từ bốn đến năm giờ Phật nhập Ðại bi định, rải tâm từ khắp nơi làm êm dịu tâm trí cho tất cả chúng sanh. Giai đoạn bốn từ năm đến sáu giờ Ngài quan sát thế gian bằng Phật nhãn, xem hôm nay có thể tế độ ai rồi mở lòng bi mẫn vì tất cả chúng sanh, từ trong chánh định an lành mà dậy, Phật đến với muôn loài.
Đó là năm công việc hàng ngày của đức Phật cũng là chánh pháp sống động của Ngài. Năm pháp này chúng ta có thể nghe, hiểu và hành theo hạnh của Phật mà đức Tổ sư đã lập ra truyền thống, đường lối Khất sĩ với tiêu chí “Nối truyền Thích-ca chánh pháp.” Thể hiện rõ nhất ở hạnh trì bình khất thực và thọ nhận trai Tăng. Trong lúc thọ nhận trai Tăng, một câu, một bài kệ cũng đã làm cho pháp âm của Phật được vang dội, lưu truyền. Định tĩnh, nhất tâm tham thiền để hồi hướng công đức, cầu nguyện cho sở nguyện của thí chủ sớm thành tựu. Các vị thiện nam, tín nữ ấy là tiền thân của chư thiên. Thuyết pháp cho các vị ấy cũng chính là thuyết pháp cho chư thiên. Và cuối cùng là quán xét nhân duyên. Chúng ta phải xem xét hội chúng của mình gồm những ai, nguyện vọng và tâm tư như thế nào để có phương pháp tu tập phù hợp, dễ thẩm thấu. Nói cách khác là vận dụng khế lý, khế cơ tức tùy thuận căn cơ, trình độ ở đó mà giáo hóa.
Mỗi người con Khất sĩ đã, đang và sẽ thực hiện năm pháp này tùy vào căn cơ, trình độ và sức tu của mình mà áp dụng vận hành trong công cuộc giáo hóa độ sinh. Ba tháng an cư này là cơ hội cho hành giả cùng nhau tu tập, mổ xẻ và chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, sự hành trì cho nhau, cùng nhau tấn tới trên con đường tu học phía trước với tinh thần Giới, Định, Tuệ, tâm an, thân tịnh và trí tuệ được tăng trưởng.
Các bài viết liên quan
- Lễ tạ pháp an cư Phật lịch 2567 của Hệ phái Khất sĩ tại pháp viện Minh Đăng Quang - Thứ Năm, 19:14 24-08-2023 - xem: 3438 lần
- HT. Minh Bửu thuyết giảng chuyên đề “Tổ sư Minh Đăng Quang và Tư tưởng Phật giáo Bắc truyền” - Thứ Hai, 10:32 31-07-2023 - xem: 1011 lần
- HT. Giác Điệp có buổi thuyết giảng thứ 3 tại trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang - Thứ Hai, 09:30 31-07-2023 - xem: 985 lần
- HT. Bửu Chánh thuyết giảng “Kinh Thừa Tự Pháp” buổi thứ 5 - Thứ Năm, 10:07 27-07-2023 - xem: 902 lần
- HT. Minh Thành thuyết giảng về “Võ trụ quan” tại Trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang - Thứ Ba, 12:34 25-07-2023 - xem: 867 lần
- HT. Bửu Chánh giảng về “Kinh Thừa tự pháp” buổi thứ 4 - Chủ Nhật, 20:31 23-07-2023 - xem: 1030 lần
- ĐĐ. Thích Minh Sơn thuyết giảng buổi thứ 4 tại trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang - Chủ Nhật, 14:39 23-07-2023 - xem: 1526 lần
- HT. Minh Hóa ôn lại “Đôi nét về cuộc đời của Đức Tổ sư” tại Khóa ACKH PL.2567 - Thứ Bảy, 10:38 22-07-2023 - xem: 1071 lần
- TT. Giác Hoàng trích giảng Bài kinh số 10 “Kinh Niệm Xứ” trong Kinh Trung Bộ tại trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang - Thứ Năm, 16:40 20-07-2023 - xem: 1007 lần
- Chư Ni tác pháp An cư kiết hạ tại Tịnh xá Ngọc Phú PL.2567 – DL.2023 - Thứ Tư, 19:44 19-07-2023 - xem: 1192 lần
- Báo cáo Trường hạ Tịnh xá Ngọc Điểm PL. 2567 – DL. 2023 - Thứ Tư, 18:30 19-07-2023 - xem: 1009 lần
- Trưởng lão HT. Giác Giới thăm và sách tấn chư hành giả an cư tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Thứ Hai, 10:36 17-07-2023 - xem: 1581 lần