CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

HT. Minh Thành thuyết giảng về “Võ trụ quan” tại Trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang

Sáng ngày 17/07/2023 (nhằm ngày 30/05 Quý Mão), HT. Minh Thành - Ủy viên thường trực HĐTS GHPGVN, đã có buổi thuyết giảng thứ 3 về Chơn lý qua bài “Võ trụ quan”, cho hành giả an cư PL.2567 – DL.2023.

Mở đầu buổi thuyết giảng, Hòa thượng chia sẻ hai chức năng của người giảng dạy: một là chuyển tải và hai là khơi dậy. HT. Minh Thành khẳng định: “Việc học là việc chung, mọi hành giả kể cả tôi đều là những người học. Trong vai trò giảng dạy, thì người giảng dạy không nên làm công việc chỉ truyền tải nhận thức, những ý niệm, ý tưởng, mà trong một mức độ nào đó, người giảng dạy còn có chức năng khơi gợi cho người học khởi động được bộ máy tâm thức của mình. Ngoài ra, còn làm cho bộ máy tâm thức đó có chiều hướng càng lúc càng hoạt động tốt hơn”.

Nếu các buổi giảng trước, Hòa thượng yêu cầu chư hành giả chuyển dần tâm thế của một người cùng tử, có thể do một lý do nào đó mà trước kia đóng vai gã cùng tử đậm đà, còn vai thừa kế thấp ít, thì bây giờ phải phát huy vai thừa kế càng lúc đậm đà, vai gã cùng tử ít dần, tạo ra sự chuyển hóa. 

Chia sẻ với hành giả an cư, Hòa thượng cho rằng, người Khất sĩ ban đầu học Chơn lý cũng như vậy, trong tâm thế của một người thụ hưởng, một người con trò và những điều Chơn lý mang tới cũ chỉ gói gọn trong phạm vi những điều mà Chơn lý mang tới. Tức, vẫn trong vai đậm đà chất của gã cùng tử. Càng học dần dần, những điều Chơn lý mang tới mới bắt đầu phát huy tác dụng, tức khơi gợi ý tưởng, mở ra nguồn mạch, tạo nên các bước phát triển về tâm thức, phát triển về hành trì và nhiều phương diện khác.

Theo tôn chỉ của Chơn lý - “học để tu”, mỗi hành giả nên học một, song tu phải hai, trong khi thực tế cho thấy, phần lờn thông thường lại học hai mà tu chỉ một. Điều này có nghĩa rằng, chúng ta đang đi ngược lại tôn chỉ của Chơn lý. Do đó chữ “Hành” là chính, chữ “Học” là phụ. Song, mặc dù nói là phụ, không có nghĩa thiếu đi sự nỗ lực trong việc học, vì bản chất, việc học là ngọn đèn soi sáng cho cái hành, kích thích cho cái hành, hay có thể hiểu vắt tắt hơn, cái học dẫn dắt cho cái hành.

Theo đó, khi học nên có một mức độ tương tác thì sự học sẽ tốt hơn, cũng như khi dạy là phải có một khung để dạy, không phải dựa trên cảm xúc, cảm tính, tâm trạng cơ cảm lúc bấy giờ.

Hòa thượng hướng dẫn, việc đảm trách giảng giải nên có phương thức giảng dạy như phải chào nhau, giao cảm với nhau; cục diện được chọn (ví dụ như ý nào đoạn nào trong tiểu mục của bài Võ trụ quan cần truyền tải; tương tác với người nghe, để cả hai bên hiểu nhau; trí và cảm – ta học không chỉ bằng bộ máy tư duy nhận thức phân tích tổng hợp mà còn học bằng cả cảm xúc; trích lục – trong buổi giảng nên có khoảng trích nguyên văn và nêu một câu tóm tắt ý chính của đoạn văn trích lục; tái nhận diện nội dung truyền đạt, sau đó giảng giải truyền thông điệp.

Lấy việc nấu một bình trà làm thỉ dụ, Hòa thượng dẫn chứng, thay vì làm tròn việc nấu trà, thông thường người ta chỉ làm việc đó như một bổn phận, nghĩa vụ, chức năng, được phân công. Và, chúng ta không nên làm với thái độ như thế, mà phải chuyển hóa thái độ đó. Người ta hành, trong từng việc làm, cần lồng ghép yếu tố tu tập, an lạc, hạnh phúc trong đó, như vậy mới khác người không tu làm. Đó mới là khéo tu tập tăng trưởng chánh niệm.

Chúng sanh là tiến hóa từ địa ngục đến Niết bàn do nhơn duyên chuyền níu  sanh ra. Từ nơi không sanh ra có, nhỏ tới lớn, có rồi có mãi, không hết không rồi; mượn vật chất làm thân để nuôi tâm, còn thân trả lại tứ đại, đời kiếp không dư thiếu.

Chúng sanh chẳng phải lưnh, Phật Thánh chẳng phải đầy, dù đến bao lâu, xem ra cũng vậy. Thật là võ trụ mênh mông như tuồng như sắp đặt.

Kìa như sắc ấm: đất, nước, lửa, gió sanh thọ là sự sống, ấm của đất sanh nhựa chỉ, nhựa chỉ đất nước sanh rễ, cỏ, cây, thú. Cỏ cây có giống là hột, thú có giống là tinh ba mà sinh sản.

Cỏ cây sanh thú, thú sanh người, người đến Trời, Trời đến Phật. Cây sanh trái, cỏ sanh hoa, sự biến hóa khôn lường, có rồi sanh thêm có; từ không đến có, có rồi lại không, thay qua đổi lại. Lửa trong địa cầu lăn, vạn vật vô thường, tiến chớ không phải thối, từ vật chất đến tinh thần, từ ác đến thiện. Tinh thần không chật, vật chất không hao. Sự nó là có, lý nó là không. Cho nên ai biết lẽ không rồi chẳng còn phải khổ, điên, mờ quáng về sự thay đổi lăn xoay nữa. Người mà giác ngộ chơn lý mới biết đường đi, đi tới cảnh cao siêu tốt đẹp của tâm hồn, vĩnh viễn, chắc thiệt yên vui, mới gọi ta, của ta, mới có lý nghĩa, mới là ích lợi. Hết mê lầm, không loạn vọng, không sở chấp chi nữa hết”.

Thông qua đoạn cuối bài Chơn lý - Võ trụ quang, từ sự tương tác hai chiều giữa người dạy và người nghe mà ta có thể khai thác nội dung Chơn lý, có thể nhận ra vô số ánh sáng trí tuệ. Dùng trí mà học dùng trí mà nghe, cũng như dùng cảm mà học dùng cảm mà nghe.

Người tu đứng trước mọi sự việc, cần bình tĩnh, để sự việc ấy đến và đi một cách tự nhiên. Đó là thái độ mà trong kinh điển gọi là định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản. Đó là tám tiêu chí để người tu soi rọi chính mình.

 

Một số hình ảnh tại buổi thuyết giảng:

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan