CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

TP.HCM: ĐĐ.Minh Sơn chia sẻ về “bốn sự trở ngại đối với người mới xuất gia” tại Khóa ACKH PL.2568

Chiều 06/6/2024 (01/5/Giáp Thìn), nhân khóa ACKH PL.2568 - DL.2024 diễn ra tại trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang (TP.Thủ Đức, TP.HCM), ĐĐ.Minh Sơn đã có buổi chia sẻ về kinh Catuma thuộc Trung Bộ Kinh số 67 đến đại chúng an cư.

Qua đó, Đại đức nhắc lại những giai đoạn một hành giả khi xuất gia sẽ trải qua, đó là “Học pháp, Hành Pháp, Hộ pháp và Hoằng pháp”, nhấn mạnh, có học và hiểu rõ giáo pháp, mới biết nghiêm trì giới luật. Nhờ đó, người xuất sĩ mới có thể thực hành đúng đắn không sai lệch pháp Phật, bảo trụ được giới pháp lâu dài, làm nền tảng hoằng dương, truyền bá đạo pháp của Đức Phật đến với mọi loài chúng sanh. Mỗi hành giả tu tập cũng cần đi theo lý tưởng tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn.

Đối với từng giai đoạn của quá trình xuất gia học đạo, Đại đức chú trọng vào hai pháp đầu tiên là Học pháp và Hành pháp, cho biết: “Giai đoạn đầu cũng chính là những bước tiến cơ bản và quan trọng nhất. Do đó, người xuất gia cần phải gần gủi các bậc thiện tri thức ngay từ đầu, để tầm cầu học hỏi và thực hành theo đạo hạnh của chư vị. Thiện tri thức gần nhất không ai khác chính là Thầy Tổ của mình. Mỗi vị Thầy đều có một oai nghi chánh hạnh và phương pháp hành trì riêng, do đó nên chọn lựa vị Thầy kỹ lưỡng, cũng là xác quyết con đường thực hành giáo pháp của mình, đặng ở cho lâu, học tập cho rốt ráo không nên rời Thầy sớm”.

Dẫn lời Tổ Quy Sơn: “Thân phụ thiện giả, như vụ lộ trung hành, tuy bất thấp y, thời thời hữu nhuận; hiệp tập ác giả trưởng ác tri kiến…”, Đại đức cho biết,ý pháp củ Tổ Quy Sơn nghĩa là gần gũi người lành như đi trong sương móc, tuy không ướt áo nhưng dần dần cũng được thấm nhuần. Quen gần kẻ ác thì thêm lớn những thấy biết việc ác.

Theo đó, Đại đức khẳng định: “Người tu phải luôn luôn thực hành theo giới luật, thiện pháp, miên mật như vậy trong 24 giờ, trong từng sát na, để không ngừng thúc liễm sáu căn. Oai nghi, tế hạnh phải đầy đủ trong đi, đứng, ngồi, nằm; trong ăn, mặc, nói, làm, ngủ, nghỉ; tu tập trong mọi tình huống. Có như vậy mới giữ được mình sáng suốt, oai nghi”.

Đặc biệt hơn, Đại đức đã dẫn kinh Catuma thuộc kinh Trung bộ để nói lên bốn sự trở ngại gây nguy hiểm và sợ hãi cho người tu học, nhất là người mới xuất gia cầu đạo. Trong kinh, Đức Thế Tôn ví người mới xuất gia tu học như người lội xuống nước. Có bốn điều sợ hãi:

  • Sợ hãi về sóng: Đồng nghĩa với phẫn nộ. Người mới xuất gia tu hành, nhiễm nhiều thói quen ở đời, khi bị các vị đồng phạm hạnh nhỏ tuổi đời nhưng lớn tuổi đạo nhắc nhở, gò ép bởi giới luật, oai nghi thì không chịu khuất phục, bị ngã chấp, tự ái làm cho tâm phẫn nộ khởi lên, cản trở việc tu học, thậm chí từ bỏ tu tập đi đến hoàn tục.
  • Sợ hãi về cá sấu: Đồng nghĩa với tham ăn. Người mới xuất gia phải giữ gìn oai nghi trong ăn uống, cấm ăn, uống phi thời… và thực hành chánh niệm trong khi ăn. Như trong kệ Thọ bát, Đức Tổ sư dạy: “Giờ thọ thực nhắc mình tinh tiến / Lập đạo thành chí nguyện mới thành / Độ rồi cả thảy chúng sanh / Cũng như thọ hưởng phước lành hôm nay”. Nếu không thực hành hạnh thiểu dục, tri túc thì sẽ bị trở ngại trên đường tu học. Lâu dài sẽ thối tâm tinh tấn hành trì phạm hạnh.
  • Sợ hãi về nước xoáy: Đồng nghĩa với năm dục trưởng dưỡng. Ở đây, vị này thấy gia chủ, hay con người gia chủ hưởng thụ một cách đầy đủ, năm dục trưởng dưỡng và cảm thấy hoan hỷ trong đó, vị ấy suy nghĩ trước kia mình cũng như thế rồi tà kiến nảy sinh rằng “ta có thể vừa hưởng thọ tài sản, vừa làm công đức” dẫn tới việc hoàn tục.
  • Sợ hãi về cá dữ. Vị ấy thấy ở đây các phụ nữ y phục không đoan chánh, hay y phục mặc lộ liễu, dục tình phá hoại tâm của vị ấy. Vị này, tâm bị dục tình phá hoại, từ bỏ học tập, trở về hoàn tục. Như vậy, sự sợ hãi cá dữ là đồng nghĩa với phụ nữ. “Không có sắc nào quyến rũ người nam như người phụ nữ, và ngược lại” trích kinh Tăng Chi Bộ.

Qua đây, Đại đức nhận định: “Bậc tiền nhân từng nói: ‘Sống lâu trong đạo phải có trí và có trí mới sống lâu trong đạo được’. Tu hành dần sinh ra chánh kiến, chính chánh kiến lại giúp ta có cái nhìn đúng đắn và không bị bốn thứ sợ hãi nói trên lôi kéo ta về lại đời sống thế tục”.

Cuối buổi chia sẻ, Đại đức cho rằng, về mặt giáo dục, đệ tử mình có lỗi lầm thì người Thầy không bao giờ bỏ rơi mà tìm cách giáo dưỡng cho phù hợp với căn cơ của đệ tử. Song, đôi lúc cũng nên có sự cứng rắn. Ngoài ra, đối với hàng hậu học mới xuất gia, cần không ngừng rèn luyện những oai nghi, tế hạnh mà người tu cần có, để trang nghiêm tự thân và làm thân giáo cho chúng sanh.

“Đặc biệt, chúng ta cần chú ý tới bốn điều nguy hiểm, sợ hãi mà người tu xuất gia cần phải tu tập. Từ chánh kiến dẫn đầu, chúng ta sẽ có chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh niệm và chánh định, sẽ vượt qua bốn điều trở ngại trên”, Đại đức đúc kết.

 

Một số hình ảnh tại buổi giảng:

 

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan