CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

TP.HCM: HT.Minh Bửu nói về ý nghĩa của việc dụng thiền tại trường hạ Pháp Viện Minh Đăng Quang

Ngày 04/6/2024 (nhằm 28/4/Giáp Thìn), HT.Minh Bửu - UVTT HĐTS, Phó Trưởng Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái kiêm Trưởng ban Tăng sự Hệ phái, đã đến thăm chư hành giả an cư tại trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang (TP.Thủ Đức, TP.HCM) và có buổi giảng pháp về đề tài Thiền Đông Độ.

Hoà thượng đã điểm qua sơ lược lịch sử truyền thừa các dòng thiền Phật giáo ở Việt Nam như: Tỳ ni Đa Lưu Chi, Vô ngôn thông, Thảo đường, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Lâm Tế, Liễu Quán v.v…

Qua đó, Hoà Thượng đi vào Thiền Đông Độ, nhắc lại lời Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn như sau: “Chẳng nhận được bổn tâm, học pháp vô ích, nếu nhận được bổn tâm, thấy được bổn tánh, tức gọi là trượng phu, Thiên Nhân Sư, Phật. Tông chỉ của thiền tông là trực chỉ vào bản tâm mà tu tập: Bất lập văn tự, Ngoại giáo biệt truyền, Trực chỉ nhân tâm, Kiến tánh thành Phật”.

Hòa thượng khẳng định, Thiền Đông Độ chú trọng đốn ngộ bản tâm thì việc học và hành pháp mới có lợi ích. Bên cạnh đó, Hòa thượng cũng chỉ rõ chơn tâm và vọng tâm, tuy khác nhau về danh tự, về dụng tướng, nhưng lại là cùng một thể chẳng hai, như Ngài Quốc sư Đại Đăng (Nhật Bản) có nói: “Ta xa nhau từ vô lượng kiếp mà vẫn chưa hề rời nhau chốc lát. Ta đối mặt nhau suốt ngày mà vẫn chưa hề gặp nhau lần nào”. Ý nói từ vô thỉ kiếp do mê lầm vọng chấp mà xa lìa chơn tâm sinh ra vọng tâm, nhưng chơn tâm chưa hề mất đi mà do bị lớp bụi vọng tâm che lấp mà thôi. Ta hằng ngày, mọi lúc, đều dùng chơn tâm mà không hề hay biết.

Cho nên Tổ sư trong Thiền tông có dạy: “Bất úy tham sân khởi, duy khủng tự giác trì!”, nghĩa là không sợ tham và sân nổi lên, mà chỉ sợ mình tự giác ngộ chậm. Huyền nghĩa rằng, vô minh bất tri, bất giác là nguồn gốc mê lầm của chúng sanh mà sinh ra tam độc: tham, sân, si.

Cuối buổi, Hoà Thượng gợi lại tích chuyện Ngài Hoài Nhượng khai thị cho Ngài Mã Tổ như sau: “Mã Tổ thường ngồi thiền mỗi ngày. Hôm nọ, Thiền sư Hoài Nhượng đến thăm, hỏi:

- Đại đức ngồi thiền để làm gì?
- Thưa, để làm Phật.

Thiền sư Hoài Nhượng bèn lấy một cục gạch đến trước am sư ngồi mài. Thấy lạ, sư hỏi:

- Thầy mài gạch để làm gì?
- Để làm gương.
- Gạch đấy thể nào làm gương được?
- Ngồi thiền đâu thể thành Phật nổi.
- Vậy phải làm thế nào mới được?
- Như trâu kéo xe, nếu xe không đi, nên đánh xe hay đánh trâu?

Sư lặng thinh, Ngài Hoài Nhượng dạy tiếp:

- Ông học ngồi thiền, hay học làm Phật? Nếu học ngồi thiền, thiền không phải ngồi nằm. Nếu học làm Phật, Phật không có tướng nhất định. Đối pháp không trụ, chẳng nên thủ xả. Ông nếu ngồi để làm Phật tức là giết Phật, nếu chấp tướng ngồi thì chẳng đạt được ý kia.

Sư nghe đến đấy liền ngộ”.

Qua câu truyện trên, Hoà Thượng muốn khai thị cho chư hành giả rằng: "Bản chất của thiền vốn vô tướng, vô trụ, vô chấp. Mọi lúc, mọi nơi, mọi việc làm hành động đều có thể dụng thiền được. Đó là dụng lớn nhất của thiền vậy".

 

Một số hình ảnh tại buổi giảng:

 

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan