CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

TP.HCM: HT.Minh Tuyên giảng về ý nghĩa các tác phẩm tiêu biểu của Tổ sư tại trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang

Sáng 03/6/2024 (27/4/Giáp Thìn), buổi học thứ hai của khóa ACKH PL.2568 tại trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang (TP.Thủ Đức, TP.HCM), chư hành giả an cư đã được lắng nghe về ý nghĩa các tác phẩm tiêu biểu của Tổ sư Minh Đăng Quang, dưới sự chỉ dạy của HT.Minh Tuyên - Tăng trưởng Giáo đoàn Phật giáo Khất sĩ Hải ngoại.

Mở đầu thời pháp, Hòa thượng đã nhắc lại 4 tác phẩm của Tổ sư Minh Đăng Quang gồm: Toàn tập Chơn lý; Bồ-tát giáo; Giáo hội Tăng già Hệ phái Khất sĩ, bao gồm tất cả chư Tăng Ni tu học theo HPKS và sau cùng, Hòa thượng nhấn mạnh, “hình ảnh và con đường truyền đạo của Tổ sư” chính là tác phẩm sống động cuối cùng của Ngài.

Theo Hòa thượng, với 4 tác phẩm tiêu biểu ấy, vận dụng sự quan sát các diễn biến trong đời sống tu tập, tìm tòi, nguyên cứu thêm kinh sách, nghiền ngẫm, thiền quán về những lời dạy của Tổ sư, người Khất sĩ có thể rút ra vô vàn bài học đắc giá để áp dụng trong hành trình học - tu - truyền pháp như Tổ Thầy đã từng.

Đặc biệt, qua các tác phẩm ấy, Tổ sư luôn nhắc nhở người xuất gia theo Pháp Phật phải là người Khất sĩ, mà Khất sĩ ở đây là “Người học đạo tức là vẹt đất nhảy lên, phá địa ngục mà ra, xé càn khôn mà đến, đạp sanh tử mà đi, làm chủ lấy mình, cao ráo sạch trên, không ai bì kịp. Cho đến ông cha thời gian cũng không nhốt ngăn đặng, như vậy mới phải là người hoàn toàn giải thoát, giải thoát cái đời phát sanh nguồn đạo” - Chơn lý “Nguồn Đạo Đức”.

Đồng thời, người học theo hạnh Khất sĩ phải là người “học khó đi xin ăn để tu học” - Chơn lý “Khất Sĩ”. Tổ dạy, người Khất sĩ xin miếng ăn để nuôi thân, xin pháp để nuôi trí, là sống chung tu học. Người Khất sĩ ở đây cũng nằm một trong 3 nghĩa của Tỳ-kheo, đó là bố ma, phá ác, khất sĩ.

Hòa thượng khẳng định ý nghĩa của việc xuất gia tu học: “Học là để yêu thương chúng sanh, có yêu thương mới có hành động phụng sự độ hoá chúng sanh. Do đó, việc học là phải tận nơi, hỏi phải tận gốc, hiểu phải thông suốt, hành phải chu đáo”.

Bên cạnh đó, Hòa thượng cũng nêu ra những điều kiện tu học để đạt đến Quả vị Phật, bậc Thánh hiền, hay Đế vương. Đó là: “Người phải đầu đủ tướng (thân người), thiện căn đầy đủ (lục căn thường nhân không khuyết xấu làm nhục thân đẹp đẻ, ngũ căn bậc thượng nhân: Tín, tấn, niệm, định, tuệ, để trưởng dưỡng pháp thân hay Phật thân), phước đức, nhân duyên (thọ đủ giới pháp)”.

Ngoài ra, việc tu tập miên mật cũng sẽ mang lại cho hành giả 5 điều phước, là sống lâu (ở lâu trong giáo hội), sắc tốt (giới luật, trang nghiêm), yên vui (thân yên tâm vui), sức mạnh (sức lực, tài lực, pháp lực - vũ trụ lực) và trí tuệ (trí là sự thông hiểu các pháp do tư duy suy ngẫm, tuệ là do siêng tu tập mà năng sanh khởi).

Khép lại thời khóa, Hòa thượng khuyến tấn chư hành giả an cư tinh tấn học, tu, lấy đó trau dồi oai nghi chánh hạnh, dốc lòng phụng sự chúng sanh. Có như vậy mới vẹn toàn trên con đường trở thành bậc toàn tri, toàn giác, toàn năng.

 

Một số hình ảnh tại buổi thuyết giảng:

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan