CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

TP.HCM: TT.Minh Liên nói về “Sự chuyển biến của giáo dục Phật giáo Trung Quốc”

Nhân khóa ACKH PL.2568 - DL.2024, tại trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang (TP.Thủ Đức, TP.HCM), sáng 10/6/2024 (05/5/Giáp Thìn), TT.Minh Liên - Ủy viên HĐTS, Phó Chánh Thư ký Hệ phái, đã có buổi chia sẻ về đề tài “Sự chuyển biến của giáo dục Phật Giáo Trung Quốc (PGTQ).

Thượng tọa cho biết, mặc dù Phật giáo Việt Nam (PGVN) cũng có nhiều nét đặc thù riêng biệt mang đậm sắc thái dân tộc Việt nhưng không thể phủ nhận được rằng nền Phật giáo tại Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nền văn hóa PGTQ cả về Kinh điển, lễ nghi, truyền thừa tông phái, cho đến kiến trúc, nghệ thuật, văn học…

Do vậy, để hiểu rõ về nền giáo dục PGVN thì không thể bỏ qua nền giáo dục PGTQ. Trong đó, Thượng tọa giải thích rõ về tính chất của 2 khái niệm “Phật giáo” và “Phật học”.

Phật giáo”, nguyên chữ Pali là Budha-sasana, mang tính chất tín ngưỡng tôn giáo, có thể hiểu theo chiều hướng niềm tin tôn giáo tâm linh hơn là một khái niệm mang tính triết học. Đối với từ “Phật học”, nguyên chữ Pali là Budha-dhamma, nó mang tính chất nguyên cứu, học thuật. Đối tượng nguyên cứu là Phật giáo, những vấn đề liên quan tới Phật giáo, bao gồm: Giáo lý, lịch sử, văn hóa, triết học, ứng dụng…

Thượng tọa cho rằng, nếu tìm hiểu tu học mà thiên về học thuật dễ thế tục hoá Phật giáo, ngược lại nếu quá thiên về tín ngưỡng lại dễ lâm vào đường mê tín. Tín phải được xây dựng trên tuệ giác, nên Tín trong Phật giáo được hiểu là trí tín.

Nói về nền giáo dục của PGTQ, Thượng tọa cho biết, sau khi được truyền từ Ấn Độ qua Trung Hoa, Phật giáo đã tự thay đổi để hòa nhập vào nền văn hóa bản địa, triết học Lão - Nho của Trung Hoa. Từ đó, giáo dục tại tịnh xá tương đương với giáo dục học đường hiện đại, Ứng cúng thuyết giáo tương đương với giáo dục gia đình, Du Phương thuyết giáo tương đương với giáo dục xã hội.

Có thể thấy, trên thế giới ngày nay, Phật giáo đứng ra thành lập các cơ sở giáo dục xã hội là một việc rất bình thường. Như ở Thái Lan, Myanmar, Sigapore, Đài Loan, Hồng Kông, Ấn Độ, Mỹ và đặc biệt là Nhật Bản… rất nhiều trừng học được xây dựng bởi các tông phái Phật giáo. Chính phủ thậm chí tạo điều kiện cho Phật giáo tham gia cống hiến vào hệ thống giáo dục xã hội.

Tại Trung Quốc, với nền khoa học kỹ thuật mang xu hướng phương Tây phát triển nhanh chóng, khiến cho nhiều lĩnh vực mang giá trị chuẩn mực truyền thống lâu đời phải đối diện với xung đột, trong đó có Phật giáo. Với bề dày lịch sử hơn 2000 năm, đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, thịnh suy, nay cũng phải thức tỉnh trước thách thức mới của thời đại.

Nhìn lại lịch sử có thể thấy, nền giáo dục Phật giáo nói chung có vị thế rất khiêm tốn nếu so sánh với các nền triết học, hay tôn giáo khác trên thế giới. Vậy làm thế nào để đối điện và thích nghi trước thời cuộc? Làm thế nào để nâng cao vị trí của Phật giáo và nâng tầm ảnh hưởng trong xã hội? Thượng tọa khẳng định, sách lược quan yếu là phát triển giáo dục Phật giáo. Hiện nay, tại Trung Quốc đã thành lập các Phật học Viện và bước đầu đạt nhiều kết quả tốt đẹp.

Về hình thức, mô hình giáo dục Phật giáo xưa cũ đã canh tân bằng hình thức giáo dục Phật giáo viện hiện đại. Về nội dung, người xuất gia không chỉ học kiến thức Phật học mà còn có cơ hội tiếp cận với kiến thức thế tục, để hoàn thiện sự hiểu biết.

Trong khuôn khổ chủ đề, Thượng tọa nhận định: “Việc học Phật không rời xa việc học các pháp thế gian. Vì có hiểu biết các pháp thế gian mới thấu hiểu được các pháp sanh diệt, hiểu rõ thế gian mới xuất thế được. Kết thúc bài này, xin dẫn một đoạn kệ trong Kinh Pháp Bảo Đàn của Lục tổ Huệ Năng như sau:

Phật pháp tại thế gian
Bất ly thế gian giác
Ly thế mích Bồ Đề
Kháp như cầu thố giác

Tạm dịch: “Phật pháp ở thế gian, không thể rời việc hiểu biết pháp thế gian, rời bỏ thế gian mà tìm quả Bồ-đề, khác nào đi tìm sừng của con thỏ”.

 

Một số hình ảnh tại buổi giảng:

 

 

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan