CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Trưởng lão HT. Giác Giới thăm và sách tấn chư hành giả an cư tại Pháp viện Minh Đăng Quang

Sáng ngày 15/7/2023 (nhằm ngày 28/5 Quý Mão), Trường hạ Pháp viện MInh Đăng Quang hoan hỷ cung đón sự quang lâm, sách tấn của Trưởng lão HT. Giác Giới - Phó Thư ký kiêm Giám luật HĐCM GHPGVN, Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Long, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái và Giáo đoàn I, Trụ trì Tổ đình Minh Đăng Quang (Vĩnh Long).

Với đề tài “Tứ Đế”, Hòa thượng trích dẫn lời Đức Phật dạy: “Các vị xuất gia cần hãy luôn luôn quán sát: đêm ngày trôi qua bên ta và nay ta đã thành người như thế nào?” (Chương 10 Pháp. Tăng Chi Bộ Kinh). Qua đó, nhắc nhở mỗi vị hành giả phải thường dành tâm quán xét lại chính mình. Vị Tỳ-kheo để xứng đáng là đệ tử Phật thì cần tự vấn về “thành tựu các pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh, bậc Chân nhân hay chưa?”, hoặc tối thiểu là một số thiền chứng, quả chứng hay chưa?

Bên cạnh đó, là một đệ tử Phật, hành giả cần tự quán xét, tự nhắn nhủ với mình, từ giờ cho đến cuối đời khi các đồng phạm hạnh có hỏi thì ta có thấy hổ thẹn hay không, có làm tròn bổn phận mà cha mẹ đã cho mình xuất gia, đã trả ơn Tổ Thầy dìu dắt mình trong đường Đạo hay không?

Trải theo các ý pháp, những lời dạy xuyên suốt 45 năm của Đức Phật không ngoài Tứ Thánh đế và được Tôn giả Xá Lợi Phất (Sàriputta) đưa ra nhận xét : “Chư Hiền giả, ví như tất cả dấu chân của mọi loài động vật đều bị nhiếp trong dấu chân voi, vì dấu chân này là lớn nhất trong tất cả dấu chân về mặt to lớn. Cũng vậy, chư Hiền giả, tất cả các thiện pháp đều tập trung trong Tứ Thánh đế”, (Trung Bộ I, Kinh Tượng Tích Dụ Đại Kinh, tr.184).

Tôn giả Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên theo truyền thống Bà-la-môn, việc hằng ngày tắm sông Hằng để tẩy sạch ô nhiễm, là một hình thức nghi lễ cúng tế (giới cấm thủ) khó mà thấy được chân lý, tương đương với lời Tổ sư dạy là “Không còn sự mê lầm bổn ngã (thân kiến), không nghi não. Không ham mộ nghi lễ cúng kiến (tà kiến)”, (Chơn lý 12 - Khất sĩ) thành một vị Tu-đà-hoàn.

Để thành bậc Tu-đà-hoàn thì bước đầu tiên phải có Chánh kiến, nghĩa là thấy rõ sự tầm cầu chơn chánh, “tìm cầu cái vô sanh ... một người đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ” (Kinh Thánh Cầu), không tìm cầu cái bị sanh, già, chết... đó là nguyên nhân khổ đau. “Này các Tỷ-kheo, đây là điềm đi trước, đây là tướng báo trước mặt trời sắp mọc, tức là rạng đông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đây là điềm đi trước, đây là tướng báo trước sự giác ngộ như thật Tứ Thánh đế, tức là Chánh tri kiến”, (Tương Ưng V, tr. 447).

Vậy tại sao chúng ta luôn phiền não, khổ đau? Hòa thượng dạy: “Chúng ta không chỉ học một lần mà học đi học lại rất nhiều lần, phải thẩm thấu trong tâm, phải là cuộc sống của chính mình, đừng ỷ lại, tự cao ta đã biết. Đức Phật nghe tụng Thất Giác Chi thì liền khỏe lại sau khi đang bệnh, chúng ta cũng nghe kinh mà tâm thức lại chai sạn, có khi không muốn nghe, Ngài nghe với tâm hoan hỷ, mình nghe với tâm bất mãn, chán nản thì sao mà tâm thức ta gắn liền với pháp, thấy được lương diệu của pháp đem lại”.

Hòa thượng phân tích cho đại chúng, qua một ngày tu của vị xuất gia là lục thời, đó là cho những vị đã kiến đạo rồi, thấy rõ con đường để đến mục tiêu. Tương đương với lời dạy của Tổ Hoằng Nhẫn: “Khi chưa kiến tánh thì tu uổng công vô ích”. Tổ Khánh An thì dạy rằng “tu không học là tu mù”. Vô ích đây là đối với pháp siêu thế “vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ”, chứ thiện pháp thì vẫn có lợi ích. Hòa thượng Từ Thông hay nói “Tiến sĩ không bằng Khất sĩ”, Khất sĩ đây là Khất sĩ đối với Đức Phật (bố ma, phá ác), chứ không phải nói Khất sĩ bên mình. Nếu chúng ta mà tu tập có chánh kiến, thấy rõ con đường đạo thì mới gọi là Khất sĩ theo Phật, theo Tổ sư.

Đức Tổ sư dạy: “Lìa cha mẹ, bỏ nhà cửa đặng nhập đạo, một lòng quyết chí học hỏi cho rõ chơn tâm, bổn tánh, và hiểu thấu phép vô vi của Phật, tức là thành một vị Tu Đà Huờn”. Một lòng quyết chí học hỏi cho rõ chơn tâm, bổn tánh tương đương với lời dạy của Tổ Hoằng Nhẫn.

Con đường ấy được Đức Tổ sư giới thiệu qua Chơn lý 67 nói về Giới, Chơn lý 68 nói về Định, Chơn lý 69 nói về Tuệ. Thông qua cuộc đời tìm đạo của Đức Tổ sư  mà Hòa thượng chia sẻ, để thấy rõ mục đích sở học phải đi kèm với thực tu: Trí huệ là để nuôi chơn như, không chơn như thì cần chi trí huệ, mà không phải là sự cố chấp rằng: tài học, trí hay, phiền não luân hồi sanh tử, là cao giỏi.” (Chơn lý Học Để Tu - 42). Cuộc đời tìm đạo của Tôn giả Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên cũng gian nan, nhưng với người có Trí thì chỉ cần nói 2 câu đã có thể chứng đạo (sơ quả). Vậy nên, giáo lý của Đức Phật là: “Này các Tỷ-kheo, Ta giảng sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy, không phải cho người không biết, cho người không thấy”, (Kinh Tất cả các lậu hoặc. Kinh Trung bộ).

Sách tấn chư hành giả, Hòa thượng khuyên rằng, sự đoạn trừ lậu hoặc là cho cả bốn chúng của Đức Phật, đều có thể giác ngộ, giải thoát như nhau. Qua câu chuyện của Mahanam với Đức Phật, “thỉnh thoảng trong con lại khởi lên tâm tham, tâm sân, tâm si”, Đức Phật dạy: “Do vì ngươi còn hạn chế cuộc sống gia đình”. Nhưng không phải vậy, ông vẫn biết rõ mục tiêu và con đường đưa đến giải thoát.

 “Do không thông đạt, không giác ngộ Tứ Thánh đế nên Ta và các ông phải rong ruổi, luân chuyển như thế này”, (Kinh Minh 1-Như Lai Thuyết 1).

Kết lời, Hòa thượng nhấn mạnh: “Do không thấy Tứ thánh đế mà chúng ta còn sanh tử trầm luân, hiện tại được khoát chiếc Y Tỳ kheo nhưng chưa thông đạt, chưa giác ngộ chân lý thì chưa xứng đáng danh xưng Sa-môn, Bà-la-môn. Vậy nên mỗi chúng ta hãy tự xem xét lại chính mình và cố gắng nỗ lực để không hổ thẹn khi có danh xưng Tỳ-kheo đệ tử Như Lai, như vậy là nối truyền Phật, Tổ”.

 

Một số hình ảnh tại buổi thuyết giảng:

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan