CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

TT. Giác Giới đến thăm viếng Hạ trường Tổ đình Minh Đăng Quang và chia sẻ kinh pháp

Ngày 12/05/Mậu Tuất (nhằm 25/06/2018), TT. Giác Giới – Uỷ viên Ban trị sự kiêm Phó Ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Vĩnh Long, Trụ trì chùa Viên Giác thành phố Vĩnh Long đến thăm Hạ trường Tổ đình Minh Đăng Quang và chia sẻ với đại chúng hành giả.

Thượng toạ giới thiệu hai bài kinh trong Tương Ưng Bộ kinh, nhân duyên đức Phật khởi thuyết là do vị chư Thiên xuất hiện cầu thị đức Phật giảng dạy. Hai bài kinh với thời điểm, hoàn cảnh khác nhau của hai vị chư Thiên nhưng có nội dung giống nhau là đều nói về sự vô thường của con người, và việc chư Thiên khuyên mọi người hãy làm các công đức. Cũng dựa vào lời nói của vị chư Thiên nhưng đức Phật lại dạy ý nghĩa thù thắng hơn, không chỉ làm các công đức trong ba cõi mà phải hướng tâm đến đạo quả Niết-bàn, tịch tịnh, vì chỉ có Niết-bàn mới vượt ra ngoài sợ hãi.

1/ Chư Thiên:

“Đời sống bị dắt dẫn

Tuổi thọ chẳng là bao

Khi già chết kéo đi

Không có nơi nương tựa

Ai đem tâm quán tưởng

Sợ hãi tử vong này

Hãy làm các công đức

Đưa đến sự an lạc.”

Đức Phật:

“Đời sống bị dắt dẫn

Tuổi thọ chẳng là bao

Khi già chết kéo đi

Không có nơi nương tựa

Ai đem tâm quán tưởng

Sợ hãi tử vong này

Hãy từ bỏ thế lợi

Tâm hướng cầu tịch tịnh.”

2/ Chư Thiên:

“Thời gian lặn trôi qua

Đêm ngày luôn di động

Tuổi tác của thanh xuân

Tiếp tục bỏ chúng ta

Ai đem tâm quán tưởng

Sợ hãi tử vong này

Hãy làm các công đức

Đưa đến sự an lạc.”

Đức Phật:

“Thời gian lặn trôi qua

Đêm ngày luôn di động

Tuổi tác của thanh xuân

Tiếp tục bỏ chúng ta

Ai đem tâm quán tưởng

Sợ hãi tử vong này

Hãy từ bỏ thế lợi

Tâm hướng cầu tịch tịnh.”

Từ ý nghĩa hai bài kinh trên, Thượng toạ nói rằng khi tuổi thọ, mạng sống của chúng ta bị chi phối từng ngày, từng giờ, từng sát-na nên vị xuất gia phải tranh thủ tu tập khi còn sức khoẻ, được tín thí hộ trì, Tăng chúng còn hoà hợp, hoan hỷ với nhau như nước với sữa. Và chưa thành tựu quả giác ngộ thì phải tạo các công đức phước báu, vì chúng rất cần trên bước đường hành đạo giải thoát. Vậy phước được thể hiện qua ba yếu tố: 1/ Phước vật, 2/ Phước đức, 3/ Phước trí.

1/ Phước vật: Người xuất gia không làm ra gia sản để bố thí nhưng có thể chia sớt lại cho các vị đồng tu những món vật dụng mà tín chủ dâng cúng để tạo phước.

2/ Phước đức: Phước phát sanh là dựa trên nền tảng của việc nghiêm trì giới luật, “Đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt.”

3/ Phước trí: Trí tuệ thành tựu do hai yếu tố là lắng nghe diệu pháp và thường xuyên quán chiếu về các pháp (thiền quán).

Qua buổi giảng, Thượng toạ đã dẫn giải nhiều bài kinh trong hệ thống kinh tạng Pali để làm cho hội chúng thấu đạt và biết rõ cần phải làm gì đối với mục tiêu phạm hạnh thanh tịnh của người xuất gia.

 

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan