CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

TT. Giác Hoàng thuyết giảng Kinh Tăng Chi tại trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang

Sáng ngày 30/6/2023 (nhằm ngày 13/5 Quý Mão) TT. Giác Hoàng – Uỷ viên HĐTS, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phó Trưởng ban Văn hóa T.Ư GHPGVN, Chánh Thư ký BTT Giáo phẩm Hệ phái, đã quang lâm thuyết giảng cho đại chúng an cư tại Pháp viện Minh Đăng Quang, với đề tài  Phẩm Hội Chúng - chương Hai Pháp, trong Kinh Tăng Chi.

Thượng tọa khẳng định, đối với lời Đức Phật dạy thì thường nêu lên điều bất thiện trước, sau đó là điều thiện. Bài kinh này cũng vậy, Thượng tọa giới thiệu:

  1. Này các Tỷ-kheo, có hai loại hội chúng này. Thế nào là hai? Hội chúng nông nổi và hội chúng thâm sâu. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hội chúng nông nổi? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tại hội chúng nào có các Tỷ-kheo tháo động, kiêu căng, lắm mồm lắm miệng, lắm lời, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán loạn, các căn thả lỏng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hội chúng nông nổi.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hội chúng thâm sâu? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tại hội chúng nào có các Tỷ-kheo, không tháo động, không kiêu căng, không dao động, không lắm mồm lắm miệng, không lắm lời, không thất niệm, tỉnh giác, có định tĩnh, có nhất tâm, có các căn được bảo vệ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hội chúng thâm sâu.

Này các Tỷ-kheo, có hai hội chúng này. Hội chúng tối thượng giữa hai hội chúng này, này các Tỷ-kheo, tức là hội chúng thâm sâu”.

  1. Có hai loại hội chúng này, này các Tỷ-kheo. Thế nào là hai? Hội chúng bất hòa và hội chúng hòa hợp”.

Đối với người đời thì chín người mười ý là chuyện thường tình, còn chúng ta là người xuất gia, hội chúng đi đến sự giác ngộ thì không thể là hội chúng nông nổi. Dù ai vào tu cũng còn nhiều tập khí, phiền não, nhưng sống chung phải đặt sự hòa hợp lên trên nhất, không cạnh tranh, nhân danh bàn luận đạo pháp mà đấu tranh bằng binh khí miệng lưỡi, lời qua tiếng lại, nóng nảy, kiêu căng. Thượng tọa chia sẻ, như vậy, chỉ thể hiện bản ngã chứ không phải nâng đỡ cho nhau trên tinh thần hòa ái. Tinh thần “hòa hợp như nước với sữa”, một hình ảnh rất đẹp của chư Tỳ-kheo, mà chỉ có trong Tăng đoàn của Đức Phật mới có, các tôn giáo khác thì không.

  1. Có hai loại hội chúng này, này các Tỷ-kheo. Thế nào là hai? Hội chúng không thù thắng và hội chúng thù thắng”.

Khi chư Tôn túc có nhiều duyên để thọ nhận phẩm vật cúng dường dư dã mà không chia sớt lại cho vị khác, không dùng đến, để cho hết hạn, thì đó là tập khí sở hữu cố thủ của con người. Vậy nên, Thượng tọa khuyên chư huynh đệ nên sử dụng tiết kiệm tài vật, thức ăn, y phục... nếu dư thì nên chia sớt cho chỗ khác. Sống có đủ tiện nghi nhưng không sa hoa, đài các. Khi tứ sự dư dã cũng dễ sanh biếng nhác, nên việc tinh tấn, nỗ lực để đạt được những gì chưa chứng, đạt được gì chưa thành tựu trong giáo pháp mới là cao thượng, đừng dừng lại tại chỗ.

  1. Này các Tỷ-kheo, có hai hội chúng này. Thế nào là hai? Hội chúng không phải Thánh và hội chúng bậc Thánh”.

Chúng ta phần lớn sống bằng tưởng tri và thức tri nên việc thấy biết như thật về Tứ đế còn rất xa vời. Việc học tứ đế (kiến văn) thì phải đi qua trải nghiệm, thực nghiệm để chứng nghiệm như thật về khổ và con đường thoát khổ là mục đích của chúng Tỳ-kheo đang học và tu.

  1. Này các Tỷ-kheo, có hai loại hội chúng này. Thế nào là hai? Hội chúng cặn bã và hội chúng tinh ba”.

Nếu ta chưa biết rõ mục đích xuất gia thì việc nắm giữ tài sản, tịnh xá, đồ chúng… có thể dễ đưa đến ham muốn (dục), không đạt được như ý mình (sân), thể hiện ra ngoài làm người khác cũng bực bội, lo lắng (si và sợ hãi)... là lẽ thường tình. Bởi vì, tâm thức không hướng đến điều thiện lành, cao thượng thì sẽ làm điều ác, sai quấy.

  1. Này các Tỷ-kheo, có hai hội chúng này. Thế nào là hai? Hội chúng được huấn luyện trong khoa trương, không được huấn luyện trong chất vấn và hội chúng được huấn luyện trong chất vấn, không được huấn luyện trong khoa trương”.

Khuynh hướng tâm lý còn ham thích việc bên ngoài thì việc nghe pháp học kinh là điều khó khăn, chán nản. Chư đệ tử Phật hay thích nghe đối với các kinh điển thi văn do thi sĩ làm ra, với các nguyên âm hoa mỹ, với các phụ âm hoa mỹ, các kinh thuộc ngoại giáo, được các đệ tử ngoại giáo nói lên... lóng tai, họ an trú tâm để hiểu biết chúng, họ nghĩ rằng các pháp ấy cần phải lãnh thọ, cần phải học thuộc lòng thì sao mà tư duy, thẩm sát lời chân chính của Phật. Do nhận chính làm phụ, phụ làm chính nên hội chúng Tỳ kheo chỉ đưa khoa trương bên ngoài, không có nội hàm sâu sắc là vậy, Thượng tọa nhấn mạnh.

  1. Này các Tỷ-kheo, có hai loại hội chúng này. Thế nào là hai? Hội chúng tôn trọng tài vật, không tôn trọng diệu pháp và hội chúng tôn trong diệu pháp, không tôn trọng tài vật
  2. Này các Tỷ-kheo, có hai loại hội chúng này. Thế nào là hai? Hội chúng không đồng đẳng và hội chúng đồng đẳng”.
  3. Này các Tỷ-kheo, có hai loại hội chúng này. Thế nào là hai? Hội chúng phi pháp và hội chúng đúng pháp”.

  1.  “Này các Tỷ-kheo, có hai loại hội chúng này. Thế nào là hai? Hội chúng thuyết phi pháp và hội chúng thuyết đúng pháp”.

Vì thời gian có hạn, Thượng tọa nêu thêm các hội chúng cho đại chúng học hỏi, suy tư và thẩm sát thêm. An cư là mùa có nhiều điều kiện để phát huy phẩm chất bên trong cho tốt đẹp. Vậy nên, Thượng tọa sách tấn chư hành giả hãy nổ lực thêm để tăng trưởng giới đức, tu tập thiền định, quán sát thân tâm để mỗi vị là sứ giả Như Lai, tạo nên hội chúng hòa hợp và thanh tịnh, hãy chánh niệm đừng xao lãng, thất niệm mà dễ đánh mất chính mình. Tự soi chiếu chính mình trong mỗi lúc là góp phần cho hội chúng được trang nghiêm, cũng góp phần cho GHPGVN được xương minh lâu dài.

 

Một số hình ảnh tại buổi giảng:

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan