CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

TT. Giác Phổ thăm và sách tấn chư hành giả An cư tại Pháp viện Minh Đăng Quang

Sáng ngày 26/6/2023 (nhằm 9/5 Quý Mão) TT. Giác Phổ - Phó ban trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Đắk Lắk, Phó thư ký Giáo đoàn III đã quang lâm về trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang, thuyết giảng cho chư hành giả về “Bảy Pháp Bất Thoái” trong Kinh Du Hành (Trường A hàm), tương đương Kinh Đại Bát Niết Bàn (Trường Bộ Kinh).

Mở đầu buổi giảng, Thượng tọa đã nhắc lại ý nghĩa của việc an cư, về tinh thần sống chung và tu tập trong 3 tháng và nhấn mạnh, đây là một duyên lành thù thắng. Thượng tọa nói: “Mỗi mùa an cư là cơ hội cho mỗi hành giả tự trao dồi tâm hạnh, trưởng dưỡng đạo tâm mà duy trì đời sống phạm hạnh. Cũng như Đức Tổ sư đã từng dạy: “Nên tập sống chung tu học” trên tinh thần hòa hợp để duy trì Tăng già và phát huy phẩm chất người xuất gia”.

Thượng tọa cho biết về bảy pháp trong Kinh Du Hành, như một phương pháp tu hành miên mật để chư hành giả An cư tinh tấn và thực hành, làm cho Chánh pháp tăng trưởng không tổn giảm: Này các Tỳ-kheo, lại có bảy pháp làm cho Chánh pháp tăng trưởng không tổn giảm.

1. Ưa ít việc, không ưa nhiều việc

Nghĩa là ưu thích việc thế sự, trong khi xao lãng việc tu tập chính của bản thân. Thượng tọa nêu lên các Tỳ kheo trẻ hiện nay, khi chưa học ra trường mà đã khởi ý niệm muốn làm Đạo, muốn gánh vác các việc lớn, mơ tưởng ta sẽ làm nhiều việc cho Giáo hội trong khi tâm lực chưa đủ vững chãi và định tĩnh.

Vậy nên, Thượng tọa đã trích dẫn lời của HT Trụ trì Pháp viện hay nói: “Đừng ham thích những gánh nặng chưa đến. Hãy vui thích với những việc đang làm”. Từ đó sách tấn chư huynh đệ lo tu tập bản thân cho bản lĩnh, vững chải, làm chủ cảm xúc, tâm được tự tại cũng như đừng xao lãng việc chúng, đừng mơ mộng mà hãy có trách nhiệm với những việc đang làm trong hiện tại, đúng với thực tại bản thân.

2. Ưa yên lặng, không ưa nói nhiều

Nói nhiều sẽ dễ xao động mất an ổn, tâm thức thích chuyện bên ngoài, dễ mất kiểm soát lời nói. Vậy nên, Phật dạy chư Tỳ kheo “Ưa yên lặng, không ưa nói nhiềuđể tâm ý được định tĩnh, không xao động, dễ an ổn, nuôi lớn đời sống nội tâm.

3. Bớt sự ngủ nghỉ, tâm không hôn muội

Thượng tọa sách tấn chư hành giả nên tinh tấn, bớt chiều theo thói quen ngủ nghỉ nhiều. Khi hành giả, “trú thân trên thân, trú tâm trên tâm” thì sẽ phát huy sự tỉnh giác sẽ chiến thắng bớt tập khí ham ngủ nhiều đời của chúng sanh. Tập chế ngự hôn trầm để tinh thần được minh mẫn, sống tỉnh giác trên mọi cảnh thì tránh được những sai lầm.

4. Không tụ họp nói việc vô ích

Đối với việc uống trà thì tao nhã, nhưng thường thì chúng ta sẽ dễ nói chuyện người khác hơn là trao đổi chánh pháp. Khi đó, việc tụ tập cũng phải nên biết kìm chế, tránh bớt duyên để tâm yên tĩnh, sống độc cư, phòng hộ 6 căn mới là lối sống đích thực của bậc chân tu.

5. Không tự khen ngợi khi mình thiếu đức

Tự đề cao bản thân là một thói xấu cần loại trừ, nên chọn lối sống trầm lắng, khiêm tốn của bậc Hiền Thánh, không khoe khoang, tự mãn với những điều có được, những việc làm được, phải biết tích âm đức để trang nghiêm tự thân.

6. Không kết bè bạn với người xấu ác

Việc ở chung, có bạn bè là điều hiển nhiên, nhưng chúng ta cũng nên chọn bạn nào tạo nên sự tinh tấn, làm cho niệm được dễ an trú, tâm dễ định tĩnh mà gần giũ. Tránh những bạn làm cho tâm dễ xao động, biếng nhác, lãng tránh mọi việc. Thượng tọa dẫn chứng lời Phật dạy trong Kinh Pháp cú, số 78:

Chớ thân với bạn ác, Chớ thân kẻ tiểu nhân.

Hãy thân người bạn lành, Hãy thân bậc thượng nhân.”

7. Ưa ở một mình nơi chỗ nhàn tịnh, núi rừng

Hạnh độc cư, ưa thích ở nơi núi rừng nhàn tịnh để chuyên tâm tu tập thiền định sẽ khiến cho Chánh pháp tăng trưởng không tổn giảm. Nếu đánh mất hạnh viễn ly, không sống an yên những nơi thanh vắng thì khó giữ tròn giới hạnh, thanh tịnh nội tâm và tỏ sáng tuệ giác.

Cuối lời, Thượng tọa khuyến tấn đại chúng việc xuất gia là cao thượng, nên chọn nếp sống tu tập để tăng trưởng đạo lực, trí lực, tâm lực. Mỗi hành giả nên biết hộ trì các căn, trú thân trên thân, tâm trên tâm, sống trầm lắng, để các niệm được an trú, sống tỉnh thức để tâm không chạy theo các duyên, thiền định để dễ đoạn trừ dục nhiễm. Khi tâm an tịnh thì thành tựu phận sự an cư, sống đúng với chính mình thì Chánh pháp hưng thịnh, không bị suy giảm.

 

Những hình ảnh tại buổi giảng:

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan