CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

TT. Minh Lực thăm và khuyến tấn chư hành giả an cư tại Pháp viện Minh Đăng Quang

Sáng ngày 01/07/2023 (nhằm ngày 14/5 Quý Mão) TT. Minh Lực - Ủy viên Ban Phật giáo Quốc tế T.Ư GHPGVN, Phó ban trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế tỉnh Bình Dương, Trụ trì Tịnh xá Ngọc An (Bình Dương), đã quang lâm hạ trường và có buổi thuyết giảng cho hành giả an cư tại Pháp Viện.

Tại buổi giảng, Thượng tọa đã đề cập đến bài Kinh Sonadanda trong Trường Bộ Kinh, là cuộc trao đổi của Bà-la-môn Sonadanda với Đức Phật về tiêu chuẩn của một Bà-la-môn đúng nghĩa thì có những đức tính gì? Qua đây, Thượng tọa cũng gợi lên cho đại chúng những suy nghĩ của một Tỳ-kheo đức hạnh, trí tuệ thì như thế nào và điều nào là không thể thiếu được trên sự giác ngộ.

Theo đó, để đạt được danh xưng Bà-la-môn đúng nghĩa thì có năm đức tính sau:

1. Tướng mạo đoan trang: về ăn mặc, tư thái và khẩu khí khi nói chuyện cũng phải trang nghiêm. Đặc biệt, đối với tu sĩ Phật giáo, phải thể hiện sự trang nghiêm, nhã nhặn, lịch sự, không thể đang ngồi cúng mà ngủ gục; không thể không đắp y đi xung quanh khuôn viên, trong khi tịnh xá có buổi lễ lớn, không thể xoăn chéo y lên vai khi bước ra khỏi phòng... Thượng tọa chia sẻ.

2. Tinh thông nghi lễ cúng kiến: là người kết nối, truyền tải ước muốn của con người đến các vị thần. Người xuất gia cũng phải biết chút nghi lễ, nghi thức để hóa độ người mất và người sống được nghe hiểu lời dạy của Phật, lời Tổ. Đối với hệ Phái cũng cần có sự phổ quát tinh thần nghi lễ, nhất quán trong cách thực hiện trong các buổi lễ và tụng niệm, Thượng tọa nêu quan điểm.

3. Bảy đời huyết thống trong sạch.

4. Học thức đúng đắn: từ thời Đức Phật đến bây giờ đều có những vị rất giỏi về kiến thức bên ngoài, nhưng đối với Đạo thì không chỉ có bấy nhiêu, mà dù có giỏi nhưng quan trọng là trong vị đó phải có đạo hạnh, đức hạnh. Cách ứng xử, giao tiếp qua cử chỉ lời nói và hành động đối với thầy, các bậc trưởng thượng hay đối với huynh đệ, Phật tử có được lễ phép, kính trên nhường dưới, nhã nhặn, hòa nhã hay không, đó mới là quan trọng, Thượng tọa nhắc nhở.

5. Hành động thiện nghiệp và trí tuệ: tiêu chuẩn này không thể thiếu đối với một vị Bà-la-môn. Có thể thiếu ba yếu tố trên nhưng không thể thiếu hai yếu tố 4 và 5.

Trí tuệ đối với một vị xuất gia theo Hệ phái Khất sĩ thì phải biết mình là ai, đứng ở vị trí nào, phải biết trao dồi gì trước, sau đó mới học thêm các điều khác, không thể không biết về Tổ thầy, đường hướng tu tập, truyền thống hệ phái.

Trí tuệ thì phải đặt trên con người, ứng xử khéo léo, góp ý chân thành, xử lý nhu nhuyến phải đặt trên sự cảm thông và tha thứ mới giúp nhau, nâng đỡ trên bước đường tu. Bởi vì, “kẻ thù lớn nhất là chính mình”, chứ không phải người phạm sai lầm, hoàn cảnh xung quanh.

Thượng tọa cho biết, để phát huy trí tuệ và đạo đức thì chư hành giả phải tấn tu Giới-Định-Tuệ để chiến thắng vọng tưởng, ảo vọng, suy nghĩ bất thiện bằng nhiều cách. Trong kinh Đức Phật dạy chư Tỳ-kheo phải biết phòng hộ; không nói chuyện xấu của người, dù người có lỗi; tiết độ trong ăn uống; biết tránh né để khỏi tạo duyên xấu; phải thiền định, trừ diệt phiền não bằng tu tứ chánh cần.

Cuối lời, Thượng tọa đã dành sự khuyến tấn, khuyên chư hành giả chuyên tâm tu học trong ba tháng an cư để làm mới thân và tâm mình bằng Giới-Định-Tuệ. Giàu có bên ngoài chưa chắc tạo nên sự quý phái, nhưng với một vị Tỳ-kheo có đầy đủ Giới-Định-Tuệ thì sẽ được kính trọng, đảnh lễ, cúng dường.

 

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan