Báo cáo các hoạt động tiêu biểu của Hệ phái năm 2018 - 2019
- ĐĐ. Giác Hoàng
- | Thứ Sáu, 21:06 24-05-2019
- | Lượt xem: 3615
Kính bạch chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái,
Kính thưa đại chúng,
Hệ phái Khất sĩ là một trong ba tông phái Phật giáo Việt Nam (Nam tông, Bắc tông và Khất sĩ), đã và đang góp phần cho sự lớn mạnh của Phật giáo Việt Nam. Trong suốt một năm qua (2018 – 2019), Hệ phái hoạt động tương đối ổn định. Nhằm cung cấp những thông tin, dữ liệu căn bản của Hệ phái đến với chư Tôn đức liễu tri, con xin đại diện Ban Thư ký Hệ phái trình bày một vài nét hoạt động Phật sự của Hệ phái năm 2018 – 2019.
Đại đức Giác Hoàng trình bày bản báo cáo
1. SỐ LIỆU CHƯ TĂNG NI VÀ TỊNH XÁ
Tính đến mùng 01 tháng 02 năm Kỷ Hợi – 2019, các Giáo đoàn có số lượng Tăng Ni và tịnh xá như sau:
Giáo đoàn I: 110 vị Tăng, 2 Tổ đình, 21 tịnh xá. Ni giới có 90 vị và 14 tịnh xá.
Giáo đoàn II: 63 vị Tăng, 17 tịnh xá và 01 tịnh thất.
Giáo đoàn III: 320 vị Tăng và 63 tịnh xá. Chư Ni có 375 vị và 57 tịnh xá.
Giáo đoàn IV: 170 vị Tăng và 41 tịnh xá. Chư Ni có 287 vị và 48 tịnh xá, 7 tịnh thất.
Giáo đoàn V: 152 vị Tăng và 33 tịnh xá.
Giáo đoàn VI: 53 vị Tăng và 18 tịnh xá. Chư Ni có 49 vị và 9 tịnh xá.
Ni giới Hệ phái Khất sĩ: Hơn 1.500 vị Ni và 250 ngôi tịnh xá, tịnh thất.
Tổng cộng khoảng 3.200 vị (868 Tăng, hơn 2.300 Ni) với khoảng hơn 580 ngôi tịnh xá (196 tịnh xá Tăng và trên 385 tịnh xá Ni).
Tại các nước Mỹ, Canada, Pháp, Úc,… có hơn 50 đạo tràng, tịnh xá, với hơn 100 Tăng, Ni Khất sĩ tu học, hoằng hóa.
Hiện nay, Ban Tăng sự Hệ phái đã bắt đầu nhập dữ liệu danh bộ Tăng Ni Hệ phái, hướng đến việc quản lý nhân sự của từng Giáo đoàn và Hệ phái bằng phần mềm. Do đó, rất mong chư Tôn đức Ban Thư ký của mỗi Giáo đoàn ủng hộ, cung các thông tin Tăng Ni trong Giáo đoàn đầy đủ, để chúng ta sẽ có một hệ thống quản lý nhân sự Hệ phái hoàn chỉnh.
2. CÁC KHÓA TU HỌC CỦA TỲ-KHEO, TỲ-KHEO-NI
2.1. Khóa tu TRUYỀN THỐNG KHẤT SĨ vẫn được duy trì và tổ chức đều đặn theo định kỳ. Từ mùa Thu 2018 đến tháng 4/2019, Hệ phái đã tổ chức thành công 3 khóa tu ở 3 Giáo đoàn – Tịnh xá Ngọc Yên (Gia Lai), Tổ đình Minh Đăng Quang (Vĩnh Long), Tịnh xá Ngọc Thiền (Lâm Đồng). Tính đến nay, Hệ phái đã tổ chức thành công 28 khóa tu.
Về số lượng: Mỗi khóa trung bình 100 – 150 vị, tùy theo cơ sở vật chất đăng cai của mỗi Giáo đoàn. Các hành giả đến với khóa tu, một là tự nguyện và hai là bắt buộc (theo quy định của Giáo đoàn). Do đó, tinh thần tu tập của Tăng Ni trong Hệ phái trên thực tế vẫn chưa phải là cao nhất.
Về chất lượng: Một số hành giả đã tham gia khóa tu nhiều lần và nắm được pháp hành căn bản trên nền tảng pháp học đã học ở Học viện hoặc các trường khác và hành trì ở một số trường thiền; một số còn non trẻ, chưa nắm vững pháp học, nên rơi vào tình trạng cực đoan, phiến diện. Một số vị có nhiều nghi ngờ (nhận thức lẫn kinh nghiệm), nhưng không dám mạnh dạn trình thưa với Hòa thượng Thiền chủ hoặc các vị giáo thọ.
Về cách tổ chức: Một số nơi tổ chức rất tốt, với sự hỗ trợ của Phật tử ngoại hộ, người tu lẫn người hộ trì đều lợi ích. Một số nơi vẫn còn một số bất cập, mang nặng hình thức…
2.2. Khóa tu TRUYỀN THỐNG NI GIỚI KHẤT SĨ
Cho đến nay, Ni giới Hệ phái Khất sĩ đã tổ chức được 33 khóa. Mỗi năm, chư Tôn đức Ni tổ chức 4-5 khóa, mỗi khóa 7 ngày. Do vì thiếu thông tin (không có bản tin hoặc báo cáo trên mạng và cũng không có báo cáo bằng văn bản giấy về Hệ phái), nên Ban Thư ký không thể trình bày rõ hơn.
2.3. Khóa SỐNG CHUNG TU HỌC của Ni giới Giáo đoàn III
Mỗi năm Ni giới Giáo đoàn III tổ chức 2 khóa “Sống chung tu học” 7 ngày vào mùa Xuân và mùa Thu. Mỗi khóa trung bình 60-70 vị. Tính đến nay, chư Ni Giáo đoàn III đã tổ chức được 9 khóa. Các tịnh xá đủ điều kiện đều đăng cai tổ chức. Thời khóa nghiêm ngặt, chư Tôn đức Ni chia sẻ các Phật sự và dành thời gian để sắp xếp các vấn đề trong Ni đoàn.
2.4. Các khóa tu Tỳ-kheo-ni của Ni giới Giáo đoàn I
Khóa Chuyên tu: Một năm 2 khóa, mỗi khóa 7 ngày. Tính đến mùa Hạ 2019, được 11 khóa. Trung bình mỗi khóa 50 hành giả. Trong khóa này, chư Ni chỉ hành trì thiền hành, thiền tọa và gần đây dành thời gian học thêm Chơn Lý.
Khóa Học luật: Mỗi năm 4 khóa. Tính đến nay, chư Ni đã tổ chức được 30 khóa. Mỗi khóa trung bình 50 vị.
2.5. Khóa tu TRUYỀN THỐNG NI GIỚI PHÂN ĐOÀN 1 thuộc Giáo đoàn IV
Khóa “Sống chung tu học” 7 ngày, khởi động từ năm 2016 đến nay đã được 10 khóa. Mỗi khóa trung bình 30 vị.
2.6. Khóa tu TRUYỀN THỐNG CỦA NI GIỚI PHÂN ĐOÀN 2 thuộc Giáo đoàn IV
Khóa “Sống chung tu học” 7 ngày. Khởi động từ năm 2016 đến nay đã được 19 khóa. Mỗi khóa trung bình 25 - 30 vị.
2.7. Khóa tu của Hội chúng Ni trưởng Ngân Liên
Khóa tu bắt đầu từ năm 2016, mỗi năm một lần. Tính đến nay, 4 khóa tu đã được tổ chức. Mỗi khóa từ 35 – 40 vị.
3. KHÓA TU DÀNH CHO SA-DI, SA-DI-NI VÀ TẬP SỰ
3.1. Khóa “Bồi dưỡng đạo hạnh” của Hệ phái
Mỗi năm tổ chức một lần tại Pháp viện Minh Đăng Quang. Mỗi khóa 10 ngày. Thông thường khóa tu được tổ chức vào giai đoạn trước khi giải chế An cư. Trung bình mỗi khóa 250 – 300 Sa-di, Sa-di-ni và tập sự trực thuộc 6 Giáo đoàn Tăng.
Năm 2019, khóa Bồi dưỡng đạo hạnh Hệ phái sẽ tổ chức từ ngày 7 – 17 tháng 6 năm Kỷ Hợi, tạo điều kiện cho các vị Tăng Ni sinh đang học lớp Bổ túc Văn hóa cũng có thể tham gia, đồng thời khóa tu như là một phẩm vật dâng lên cúng dường đức Đại lão Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên – Khai sơn Pháp viện Minh Đăng Quang và khai lập Giáo đoàn IV.
Trong khóa tu này, ngoài chư vị Tôn đức được cung thỉnh Chứng minh khóa tu, các Đại đức trung niên thường được cung thỉnh mời làm Giáo thọ & quản chúng: ĐĐ. Giác Phổ, ĐĐ. Giác Hoàng, ĐĐ. Giác Minh, ĐĐ. Giác Nhường, ĐĐ. Minh Viên, ĐĐ. Minh Khải, ĐĐ. Minh Phú, ĐĐ. Minh Duy, ĐĐ. Minh Quý. Một số chư Ni có tham gia, nhưng thường thay đổi. Một số chư Ni trung niên thường tham gia: SC. Hòa Liên, SC. Hoa Liên, SC. Phước Liên…
Nội dung tu học khá chặt chẽ. Các bài học về pháp học, pháp hành, oai nghi, quy tắc được chư Đại đức Tăng Ni Giáo thọ hướng dẫn khá chi tiết. Trong khóa này, việc trùng tụng Chơn lý được đưa vào chương trình, nhằm khích lệ các Tăng Ni trẻ học Chơn Lý. Cuối khóa đều có bài trắc nghiệm ôn tập lại những gì đã được học trong suốt 10 ngày.
3.2. Khóa “Bồi dưỡng đạo hạnh” của Ni giới Hệ phái
Mỗi năm một khóa. Mỗi khóa 10 ngày. Phần lớn là tổ chức giai đoạn cuối Hạ. Tính đến nay, cũng đã tổ chức 4 khóa.
3.3. Khóa “Bồi dưỡng đạo hạnh” của Giáo đoàn III
Mỗi năm 2 khóa (mùa Xuân và mùa Thu). Mỗi khóa 10 ngày. Trung bình mỗi khóa 60-70 Sa-di, Sa-di-ni và tập sự. Thời khóa tu học rất khít khao, nâng cao lý tưởng và đời sống Phạm hạnh của Tăng Ni mới xuất gia, tháo gỡ các vướng mắc, nghi ngờ và phiền não của hàng Tăng Ni trẻ, tạo bệ phóng cho việc định hướng tu học lâu dài.
Các vị Giáo thọ thường được cung thỉnh làm Giáo thọ: HT. Giác Trí, HT. Giác Trong, ĐĐ. Giác Phổ, ĐĐ. Giác Hoàng, ĐĐ. Giác Nhường, ĐĐ. Giác Tuyên, ĐĐ. Giác Thống, NT. Hiệp Liên, NS. Hiếu Liên, SC. Hòa Liên.
Khóa này ngoài việc hướng dẫn pháp học, pháp hành cụ thể, còn tạo điều kiện cho Tăng Ni Sa-di được đi khất thực mỗi ngày, thắp sáng lý tưởng giải thoát, tự độ - độ tha mà ba đời chư Phật đều hành trì.
3.4. Khóa “Bồi dưỡng đạo hạnh” của Ni giới Giáo đoàn I
Mỗi năm 6 khóa. Mỗi khóa 7 ngày. Trung bình mỗi khóa 40 vị. Tính đến mùa Phật đản năm 2019 đã được 46 khóa.
3.5. Khóa “Bồi dưỡng đạo hạnh” của Phân đoàn 2 Ni giới GĐ IV
Mỗi năm một khóa. Mỗi khóa 5 ngày. Trung bình mỗi khóa gần 20 vị. Đến nay, Phân đoàn 2 Ni giới GĐ IV tổ chức được 2 khóa.
4. CÁC ĐẠO TRÀNG AN CƯ
Năm nay (2019), Hệ phái có các trường Hạ sau:
4.1. Tổ đình Minh Đăng Quang – Tam Bình – Vĩnh Long. Khoảng 120 vị. Trong khóa An cư này, hành giả được sắp xếp vừa tu vừa học. Mỗi ngày có ít nhất một lần học Pháp. Mỗi tuần có một thời chia sẻ kinh nghiệm tu học, chia sẻ về Chơn Lý và sám hối. Đời sống đơn giản thanh bần, đúng tinh thần lục hòa cộng trụ. Ni giới Giáo đoàn I xin tùng Hạ tại Tổ đình Minh Đăng Quang, số lượng hơn 30 vị.
4.2. Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương – Gò Vấp – TP. HCM. Chư Ni trú tại tịnh xá khoảng 180 vị. Đây là trụ sở Tổ đình của Ni giới Hệ phái Khất sĩ.
4.3. Tịnh xá Ngọc Tâm – Long An (Ni giới HPKS). Chư Ni khoảng 100 – 120 vị.
4.4. Tịnh xá Ngọc Phú – Q. Tân Bình – TP. HCM (Ni giới Phân đoàn 2, GĐ IV). Chư Ni an cư tại chỗ khoảng 50 – 60 vị.
4.5. Tịnh xá Ngọc Điểm – H. Hóc Môn – TP. HCM (Ni giới Phân đoàn 1, GĐ IV). Chư Ni khoảng 50 – 60 vị.
4.6. Tịnh xá Ngọc Trung – TX. An Khê – Gia Lai (Ni giới GĐ III). Chư Ni khoảng 65 – 70 vị.
Như vậy tổng số Tăng Ni chính thức An cư tại các địa điểm An cư của Hệ phái cũng không phải là con số lý tưởng. Trong khi Phật giáo miền Bắc, việc An cư này như là một điều lệ bắt buộc và mới tính Hạ. Do đó, có nên chăng khi chúng ta viết trong tiểu sử của các vị viên tịch, chúng ta nên dùng từ “Giới lạp” hơn là “Hạ lạp”, vì Giới lạp mới đúng với bản chất của vấn đề.
5. LỄ TƯỞNG NIỆM TỔ SƯ
Lễ Tưởng niệm 65 năm Đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng (1954 – 2019) được tổ chức trọng thể tại hai nơi: 1. Pháp viện Minh Đăng Quang – Q. 2, TP. HCM; 2. Tổ đình Minh Đăng Quang – Tam Bình – Vĩnh Long.
- Tại Pháp viện Minh Đăng Quang: Tổ chức vào chiều ngày 27 và sáng 28 với sự tham dự của Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự GHPGVN TP. HCM và chư Tôn đức Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ.
- Tại Tổ đình Minh Đăng Quang: Tổ chức vào chiều 28, ngày 29 và sáng mùng 1, với sự tham dự của Trung ương GHPGVN, BTS GHPGVN và Sở Nội vụ 10 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Số lượng người tham dự vào ngày 29 có khoảng 7 ngàn người; mùng 1 lên đến 10 ngàn người.
Sau đây là một số thông tin và hoạt động chính yếu của Đại lễ tại Tổ đình Minh Đăng Quang:
+ Lãnh đạo Trung ương GHPGVN và địa phương: HT. Thích Trí Quảng, HT. Thích Thiện Pháp, HT. Thích Thanh Nhiễu, HT. Thích Thiện Tâm, TT. Thích Đức Thiện, HT. Thích Huệ Thông, TT. Thích Thọ Lạc, HT. Thích Như Tước và nhiều vị khác.
+ Khách Nhà nước: Ông Bùi Hữu Dược và các vị đại diện Ban Tôn giáo 10 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.
+ Xuất bản sách: Xuất bản các ấn phẩm sau để cúng dường lên Đức Tổ sư và đại chúng: 1) Đọc Chơn Lý (2 tập) của TT.TS. Thích Minh Thành; 2) Nghiên cứu về những tương đồng giữa chân dung một vị Độc Giác và hành trạng của Tôn giả Minh Đăng Quang của Đại đức Thích Chúc Phú; 3) Ánh Minh Quang (tái bản có bổ sung hình); 4) Tổ đình Minh Đăng Quang.
+ Tọa đàm Chơn Lý: Tinh thần “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” của Tổ sư Minh Đăng Quang, gồm có 13 bài (7 Tăng và 6 Ni). Các bài tham luận này ở một mức độ nào đó đã thể hiện được cốt lõi lời dạy của Tổ sư, đồng thời bày tỏ tâm nguyện của học trò đối với Phật pháp và đường lối của Tổ sư Minh Đăng Quang.
+ Trùng tụng Chơn Lý: 25 vị (Tăng Giáo đoàn III: 2 vị; Ni Giáo đoàn I: 8 vị; Ni Giáo đoàn III: 7 vị; Ni Giáo đoàn IV: 8 vị. Trong đó Tỳ-kheo: 2 vị, Tỳ-kheo-ni: 7 vị; Thức-xoa: 5 vị; Sa-di-ni: 6 vị; Tập sự: 4 vị; Cư sĩ nữ: 1 vị). Đây là con số khá ấn tượng. Có vị phát tâm trùng tụng 10 bài, có vị 5 bài, ít nhất là một bài. Có vị thuộc rất xuất sắc, đọc ngắt nhịp câu đoạn rất rõ ràng. Có vị còn khớp nên quên sót cũng khá nhiều. Hy vọng các vị sẽ bình tĩnh hơn trong các dịp sau và trả bài tốt hơn.
Ngoài ra, còn có thời thuyết pháp vô cùng sâu sắc của HT. Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái và thời khất thực hóa duyên vô cùng nghiêm trang đã góp phần cho sự thành công viên mãn của Đại lễ.
6. BẢO THÁP HỒNG ÂN
Bảo tháp Hồng Ân là một trong bốn đại tháp, tọa lạc góc phải từ ngoài nhìn vào tại Pháp viện Minh Đăng Quang. Bảo tháp này triển lãm toàn bộ các hình ảnh và thông tin sử liệu của Hệ phái.
Bảo tháp này đã được khánh thành trọng thể vào sáng 28 tháng Giêng năm Kỷ Hợi. Tuy nhiên, bảo tháp vẫn cần chỉnh sửa và bổ sung để được hoàn chỉnh.
- Tầng trên cùng thờ Phật và các Thánh Tăng, Thánh Ni và các ngôi tịnh xá thời Phật. Hiện tầng này đang tiếp tục hoàn thiện.
- Tầng 12: Triển lãm hình ảnh tu tập và hoằng pháp của Tổ sư.
- Tầng 11: Triển lãm hình ảnh chư Tôn đức Giáo phẩm, hoạt động Phật sự của chư Tôn đức Giáo đoàn I.
- Tầng 10: Triển lãm hình ảnh chư Tôn đức Giáo phẩm, hoạt động Phật sự của chư Tôn đức Giáo đoàn II.
- Tầng 9: Triển lãm hình ảnh chư Tôn đức Giáo phẩm, hoạt động Phật sự của chư Tôn đức Giáo đoàn III.
- Tầng 8: Triển lãm hình ảnh chư Tôn đức Giáo phẩm, hoạt động Phật sự của chư Tôn đức Giáo đoàn IV (trong nước).
- Tầng 7: Triển lãm hình ảnh chư Tôn đức Giáo phẩm, hoạt động Phật sự của chư Tôn đức Giáo đoàn IV (nước ngoài).
- Tầng 6: Triển lãm hình ảnh chư Tôn đức Giáo phẩm, hoạt động Phật sự của chư Tôn đức Giáo đoàn V.
- Tầng 5: Triển lãm hình ảnh chư Tôn đức Giáo phẩm, hoạt động Phật sự của chư Tôn đức Giáo đoàn VI.
- Tầng 4: Triển lãm hình ảnh chư Tôn đức Giáo phẩm, hoạt động Phật sự của chư Tôn đức Ni giới Hệ phái.
- Tầng 3: Triển lãm hình ảnh chư Tôn đức Giáo phẩm, hoạt động Phật sự của chư Tôn đức Ni Giáo đoàn IV.
- Tầng 2: Triển lãm hình ảnh chư Tôn đức Giáo phẩm, hoạt động Phật sự của chư Tôn đức Ni Giáo đoàn I, III và VI.
- Tầng trệt: Triển lãm hình ảnh hoạt động Phật sự tại Pháp viện Minh Đăng Quang.
* Dự kiến: Ban Thực hiện Bảo tháp Hồng Ân sẽ tiếp tục kêu gọi mỗi Giáo đoàn hoàn thiện các phần chưa đạt thẩm mỹ và nội dung.
Từ cơ sở đó, chúng ta thực hiện video clip cho mỗi tầng, nhằm trình chiếu cho các lễ hội của mỗi Giáo đoàn nhân các sự kiện trọng đại của Hệ phái, Giáo đoàn, hướng đến ấn hành sách ảnh cho mỗi Giáo đoàn.
Do đó, chúng con thành kính kêu gọi chư Tôn đức tiếp tục sưu tầm hình và tư liệu để trong thời gian tới, chúng ta đi đến thực hiện cuốn sử liệu: HỆ PHÁI KHẤT SĨ: QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN để làm ấn phẩm cúng dường lên Tổ sư Minh Đăng Quang nhân sự kiện 100 năm kỷ niệm ngày sinh của Tổ sư.
Được sự chấp thuận của chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái, chúng ta sẽ cử 2 vị Tăng/ Ni hoặc cư sĩ có chuyên ngành về hướng dẫn viên du lịch đảm nhiệm việc thuyết trình khi có các đoàn Phật tử đến tham quan.
7. QUỸ PHÁP HỌC KHẤT SĨ
Quỹ Pháp học này được vận hành từ năm 2014 do TT. Thích Minh Thành làm Chủ nhiệm và chúng con làm Phó Chủ nhiệm Thường trực với sự chứng minh của chư Tôn Trưởng lão Hòa thượng Hệ phái và một số chư Tôn đức Tăng Ni trong Hệ phái tham gia. Mỗi năm tùy theo tịnh tài của Hệ phái (trong và ngoài nước) hỗ trợ mà Quỹ sẽ gởi đến Tăng Ni trong và ngoài nước.
Năm 2018, Ban Chủ nhiệm Quỹ đã quyết định gởi đến cho toàn thể Tăng Ni sinh trong nước và ngoài nước là 19.950 USD và 190.000.000đ.
* Tăng Ni sinh du học:
Sri Lanka: 8 vị x 300 = 2.400 USD.
Myanmar: 18 vị x 150 = 2.700 USD.
Thái Lan: 12 vị x 300 = 3.600 USD.
Singpore: 1 vị x 300 = 300 USD.
Ấn Độ: 4 vị x 150 (có học bổng) + 26 vị x 300 = 8.400 USD.
Trung Quốc: 13 vị x 150 + 1 vị x 600 = 2.550 USD.
Du học sinh: 83 vị.
* Tăng Ni sinh trong nước:
Cao học Phật học: 9 vị x 5.000.000 = 45.000.000đ.
Cử nhân Phật học: 62 vị x 1.000.000 + 20 x 2.000.000đ = 102.000.000đ.
Cử nhân trường ngoài: 17 vị x 1.000.000đ + 2 x 2.000.000đ = 21.000.000đ.
Cử nhân Phật học Huế: 1 vị x 1.000.000 = 1.000.000đ.
Cử nhân Phật học Đào tạo từ xa: 16 vị x 1.000.000đ = 16.000.000đ.
Cao đẳng: 2 vị x 1.000.000đ = 2.000.000đ.
Trung cấp: 3 vị x 1.000.000đ = 3.000.000đ.
* Số tịnh tài hiện có năm 2019: 244.904.000đ (hai trăm bốn mươi bốn triệu, chín trăm lẻ bốn ngàn).
Trong số tịnh tài này, mỗi năm Hòa thượng Minh Hồi tại Mỹ Quốc đã ủng hộ 7-8 ngàn đô. Số còn lại phần lớn là do sự góp phần của chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử trong nước. Trong các Giáo đoàn, Giáo đoàn V là một trong những Giáo đoàn ủng hộ lớn nhất. Năm 2018, chư Tôn đức và quý Phật tử ủng hộ 120 triệu đồng. Năm 2019 và về sau, chư Tôn đức Giáo đoàn V sẽ ủng hộ 150 triệu. Giáo đoàn IV (chư Tăng) sẽ ủng hộ 200 triệu cho Quỹ, nhằm hỗ trợ cho Quỹ được phát triển lâu dài.
Theo sự thống nhất của chư Tôn đức trong phiên họp ngày 17/4 Kỷ Hợi, chư Tôn đức các Giáo đoàn và Phật tử ủng hộ trong năm, hạn chót vào ngày 20 tháng 7 âm lịch mỗi năm để Ban Chủ nhiệm có đủ thời gian và liều lượng tịnh tài để ra thông báo kịp thời đến các học Tăng và học Ni trong và ngoài nước.
8. VĂN HÓA – TRUYỀN THÔNG – HOẰNG PHÁP
- Hiện Hệ phái có 2 trang web: daophatkhatsi.vn và nigioikhatsi.net. Hai trang này phần lớn lưu trữ và phổ biến các thông tin liên hệ đến Hệ phái Khất sĩ.
- Đồng thời, Hệ phái có trang phapam.daophatkhatsi.vn. Trang này lưu trữ toàn bộ các bài giảng do chư Tôn đức Hệ phái giảng giải và các video liên hệ đến Hệ phái.
Tuy nhiên, số lượng Tăng Ni trẻ tham gia hoạt động văn hóa - truyền thông – Hoằng pháp này vẫn còn rất hạn chế. Thứ nhất các vị không có năng lực chuyên môn, thứ hai do chưa thấy được tầm quan trọng của Văn hóa – Truyền thông – Hoằng pháp trong xã hội hiện đại.
9. NHỮNG ĐIỀU CẦN LÀM
Hiện nay vì tình trạng Tăng Ni sau khi đi học về ở rải rác nhiều nơi và lo Phật sự của tịnh xá nên Hệ phái khó kêu gọi sự đóng góp của các vị Tăng Ni Hệ phái. Do đó, một số việc đang cần sự nỗ lực của nhiều Tăng Ni có trình độ, học thuật, văn học, đồng lòng làm các Phật sự:
9.1. Tái thực hiện ĐUỐC SEN – Một ấn phẩm văn học, nghiên cứu Phật học, truyền tải thông tin căn bản của Hệ phái đến với mọi giới. Mỗi năm 3 số: Lễ Tổ, Phật đản, Lễ Vu Lan. Ấn phẩm này bị đình bản vì hai nguyên nhân chính: 1) Thiếu nguồn nhân sự thực hiện; 2) Thiếu kinh phí ấn hành (Mỗi kỳ tốn khoảng 100 triệu cho phần in ấn).
9.2. Biên tập các ấn bản liên hệ đến Hệ phái
Một số bản thảo cần chư huynh đệ biên tập kỹ lưỡng để xuất bản: 1) Các bài nghiên cứu về tư tưởng của Tổ sư Minh Đăng Quang (qua các khóa trụ trì); 2) Trách nhiệm trụ trì và những vấn đề liên hệ đến trụ trì; 3) Lược sử các Giáo đoàn (7 tập), 4) Lược sử Biên niên của Hệ phái.
9.3. Lên kế hoạch Biên khảo Lịch sử Hệ phái Khất sĩ
Đây là tác phẩm có tầm vóc vĩ mô, dự kiến hoàn thiện vào năm 2022, cúng dường lên đức Tổ sư nhân sự kiện 100 năm ngày sinh của Ngài.
10. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ
Nhìn chung, trong một năm qua, tình hình tu học của đại chúng Tăng Ni Khất sĩ có phần ổn định, thể hiện tinh thần hòa hợp, đoàn kết của đại chúng Tăng Ni. Các Phật sự của Hệ phái và Giáo hội mà các Tăng Ni Khất sĩ có duyên cùng tham gia cũng ổn định. Tuy nhiên, không thể không có các vấn đề mà chúng ta cần khắc phục.
Trong phạm vi bài thuyết trình ở trên chủ yếu trình bày các con số liên hệ đến tổ chức của Hệ phái để toàn thể đại chúng liễu tri. Nhìn ở một góc độ khác, căn cứ vào tình hình thực tế mà chúng con quan sát, xin nêu ra một số điểm mà chúng ta lưu ý như sau:
1. Tăng cường tính tương thông
1. Tăng cường tính tương thông giữa thầy – trò trong tu tập và mọi Phật sự, nhờ đó mối tương thông, tương liên giữa thầy – trò ngày một tốt hơn, đưa đến tính hiệu quả trong mọi Phật sự tốt hơn.
2. Tăng cường tính tương thông giữa các vị Thư ký của Giáo đoàn với các tịnh xá trong Giáo đoàn để đảm bảo các hoạt động Phật sự của từng tịnh xá đúng theo định hướng chung của Giáo đoàn, Hệ phái.
3. Tăng cường tính tương thông giữa các vị Thư ký Hệ phái với các vị Giáo phẩm Hệ phái và Giáo hội, kết nối chặt chẽ các hoạt động của từng Giáo đoàn với Hệ phái và Giáo hội.
4. Tăng cương tính tương thông giữa các Ban của Hệ phái để hỗ trợ cho nhau trong quá trình hành đạo. Ví dụ: Ban Từ thiện xã hội kết nối với Ban Tăng sự xét xem vùng nào, tịnh xá nào cần sự hỗ trợ từ Ban Từ thiện của Giáo đoàn/ Hệ phái để nâng cao số lượng tín đồ Phật giáo.
2. Cần quan tâm và quản lý tốt hơn nữa về việc bổ nhiệm trụ trì đối với cơ sở tự viện. Việc mua đất xây thất để phát triển đạo tràng là một nhu cầu thực đối với Tăng Ni và xã hội, nhưng nên đi đúng định hướng của Giáo đoàn, Hệ phái và Giáo hội.
3. Cần tăng cường sự quan tâm và quản lý Tăng Ni trẻ đã bước vào các trường Phật học (Trung cấp, Cao đẳng, Học viện, du học, hoặc đi học ở các trường Đại học). Trong mọi thời đại, đối tượng Tăng Ni trẻ là đối tượng cần Thầy Tổ, tổ chức Giáo đoàn, Hệ phái, Giáo hội quan tâm để đảm bảo về đời sống đạo đức và tuệ giác trong quá trình đi học ở các trường trong nước, đặc biệt là du học nước ngoài.
4. Cần có một cơ chế thông thoáng và quan tâm hơn về việc quản lý các vị vừa mới bước chân vào đạo. Dựa vào thực tế, số lượng Tăng Ni Khất sĩ không phải là gia tăng vượt bậc như nhiều người lầm tưởng, mà thực tế cho thấy, có nhiều ngôi tịnh xá chỉ có 1-2 vị tu hành trong một thời gian rất dài (20-40 năm). Có những Giáo đoàn trong nhiều năm liền, số lượng Tăng sĩ không hề tăng lên. Có Giáo đoàn tăng lên vì sự gia nhập của một số Tăng sĩ vốn lâu nay ở ngoài đoàn.
5. Cần sự phát tâm dấn thân tham gia các công tác Phật sự Hệ phái của các Tăng Ni trẻ
Hiện nay Hệ phái nói riêng và Giáo hội nói chung rất cần sự đóng góp của nhiều Tăng Ni trẻ có năng lực và tâm huyết. Nếu không có sự đóng góp chung bằng tâm lực, trí lực và tài lực của nhiều người thì Phật sự rất khó thành công. Hiện nay, Hệ phái đang trên đà phát triển, có nhiều Phật sự cần phải làm và hoàn thiện. Cần có nhiều Tăng Ni trẻ giàu lòng nhiệt huyết, có trình độ và tâm huyết dấn thân học hỏi, cống hiến để tự hoàn thiện bản thân và góp phần cho sự hưng thịnh của Giáo pháp. Chư Tôn đức trụ trì cân nhắc việc nào nên giao cho đệ tử để vừa phát huy sở trường của từng vị và cũng không hoang phí thời gian đào tạo một vị sau một thời gian dài đào tạo.
Kính bạch chư Tôn đức,
Trên đây là bài báo cáo tổng quan về Hệ phái Khất sĩ trong một năm (từ mùa Hạ năm 2018 – 2019), kính trình đến chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái và các Giáo đoàn, cùng toàn thể chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì các miền tịnh xá chứng minh và liễu tri.
Thành kính tri ân chư Tôn đức.
NAM MÔ HOAN HỶ TẠNG BỒ TÁT MA HA TÁT TÁC ĐẠI CHỨNG MINH
Các bài viết liên quan
- Báo cáo tổng kết Khóa Bồi dưỡng trụ trì Hệ phái Khất sĩ PL. 2568 - DL. 2024 - Thứ Sáu, 11:09 23-08-2024 - xem: 1110 lần
- TP.HCM: Hệ phái Khất sĩ bế mạc Khóa Bồi dưỡng Trụ trì PL.2568 - DL.2024 - Thứ Bảy, 00:26 01-06-2024 - xem: 1530 lần
- TP.HCM: Đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ chia sẻ nhiều nội dung về Luật Tín ngưỡng Tôn giáo tại Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Sáu, 14:10 31-05-2024 - xem: 1239 lần
- TP.HCM: TT.Thích Nhật Từ khẳng định “khóa tu là cầu nối giữa Tăng Ni và tín đồ Phật tử” trong chuyến thăm Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Sáu, 00:25 31-05-2024 - xem: 1090 lần
- TP.HCM: NS.Tuệ Liên nói về giá trị của việc tu tập Giới - Định - Tuệ tại ngày 6 của Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Năm, 16:41 30-05-2024 - xem: 544 lần
- TP.HCM: Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 ngày thứ 6 thảo luận về “Tăng đoàn Phật giáo Khất sĩ ngày nay” - Thứ Năm, 14:04 30-05-2024 - xem: 1376 lần
- TP.HCM: NT.Tuyết Liên & NS.Hiếu Liên trình bày tham luận tại ngày thứ 5 của Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Năm, 09:42 30-05-2024 - xem: 447 lần
- TP.HCM: HT.Minh Thành đề cao việc giữ giới tại ngày thứ 5 của Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Tư, 21:58 29-05-2024 - xem: 754 lần
- TP.HCM: TT.Thích Phước Nguyên đề cao yếu tố “làm chủ bản thân” trong quản trị và lãnh đạo tại Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Tư, 12:12 29-05-2024 - xem: 875 lần
- TP.HCM: Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 tiếp nhận nhiều bài tham luận ấn tượng - Thứ Ba, 21:54 28-05-2024 - xem: 409 lần
- TP.HCM: TT.Giác Nhường chia sẻ với các vị Khất sĩ trẻ khi làm trụ trì nhân Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Ba, 15:11 28-05-2024 - xem: 1609 lần
- TP.HCM: HT.Thích Huệ Thông nói về luật sửa đổi bổ sung trong Hiến chương của Giáo hội tại Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Ba, 12:06 28-05-2024 - xem: 710 lần