CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Báo cáo của Ban Văn hóa – Truyền thông Hệ phái Khất sĩ

Kính bạch chư Tôn thiền đức,

Ban Văn hóa – Truyền thông (VHTT) là một trong tám ban trong Hệ phái Khất sĩ. Trong suốt thời gian qua, Ban VHTT đã làm và chưa làm được một số việc sau đây:

I.  VĂN HÓA

1. Tham gia các hoạt động văn hóa của Giáo hội

Trong thời gian qua, được sự thống nhất của Ban Văn hóa Trung ương, chiếc áo dài trắng Phật tử của Hệ phái hay còn gọi là áo giới được thừa nhận và khẳng định là chiếc áo truyền thống đặc trưng của Phật giáo Khất sĩ (PGKS). Do đó, các vị trụ trì của Hệ phái mạnh dạn giới thiệu và động viên quý Phật tử thường mặc áo giới khi đến đạo tràng Hệ phái hoặc tham gia các lễ hội do GHPGVN tổ chức. Điều này vừa thể hiện sự tôn trọng truyền thống riêng biệt của Hệ phái, mà cũng là nét đặc trưng tiêu biểu của PGKS đã được Giáo hội thừa nhận.

Trong ngày giới thiệu và đánh giá pháp phục Phật giáo Việt Nam (PGVN) tại chùa Pháp Hoa, Q. 3, TP. HCM năm 2019, một số vị đại diện Phật tử Nam truyền cũng có mặc chiếc áo dài y như áo dài truyền thống của PGKS. Do đó, chúng ta hoan hỷ và càng khẳng định giá trị của chiếc áo dài trong truyền thống Phật giáo Khất sĩ Việt Nam.

2. Tiếp tục thực hiện ấn phẩm Đuốc Sen

Trong 2 phiên họp cuối năm 2019 và đầu năm 2020, chư Tôn đức Hệ phái đã thống nhất thực hiện đặc san Đuốc Sen, như là một phương tiện văn hóa và truyền thông, phổ biến những điểm độc đáo, tinh hoa của Hệ phái đến với quần chúng.

Mùa Xuân năm vừa rồi do tình hình đại dịch Covid-19 nên Ban VHTT chưa khởi động. Bắt đầu mùa Hạ năm 2020 này, Ban Biên tập Đuốc Sen bắt đầu hoạt động trở lại.

Sau đây là cơ cấu tổ chức:

Chủ biên: HT. GIÁC TOÀN

Phó Chủ biên: TT. Minh Thành

Thư ký: TT. Giác Hoàng

               NS. Tuệ Liên

Các vị ủy viên:

- ĐĐ. Giác Phước – GĐ II (Phát hành) 

- ĐĐ. Giác Nhẫn – GĐ V (Bảo trợ) 

- ĐĐ. Minh Sơn – GĐ IV (Biên tập, dàn trang và in ấn)

- ĐĐ. Minh Tuyên – GĐ III (Biên tập)

- ĐĐ. Minh Thắng – GĐ I (Biên tập)

- ĐĐ. Minh Điệp – GĐ VI (Biên tập) 

- TK. Minh Anh (Tin Phật sự bên Tăng) 

- NS. Hằng Liên – Đồng Nai (Biên tập)

- NS. Nguyện Liên – TP. HCM (Biên tập)

- SC. Liên Ngọc – Bạc Liêu (Tin Phật sự bên Ni)

3. Bảo tháp Hồng Ân

Ban VHTT đã thúc đẩy và góp phần hoàn thiện bảo tháp Hồng Ân của Hệ phái vào đầu năm 2019. Bảo tháp là biểu tượng của sự thống nhất, hòa hợp của Hệ phái. Đây cũng là nguồn sử liệu hình ảnh quý báu của Hệ phái được lưu lại trong khuôn khổ hình ảnh và các chú thích ngắn gọn.

Tuy nhiên, bảo tháp Hồng Ân vẫn chưa hoàn chỉnh. Do vì thiếu nguồn kinh tế, nên tầng Phật trên cùng và tầng trệt chưa có điều kiện thực hiện cho hoàn tất.

4. Bảo tháp Tứ Ân

Hiện nay Pháp viện Minh Đăng Quang đang sửa lại tầng thứ 11, tầng thờ Lạc Long Quân - Âu Cơ, phác họa lại nguồn cội của dân tộc, quá trình dựng nước và bảo vệ đất nước của cha ông Việt Nam. Mặc dù bảo tháp này do HT. Giác Toàn phụ trách hoàn toàn, không xin tịnh tài từ đại chúng Hệ phái, nhưng chúng con phụ trách bên Văn hóa Truyền thông cũng xin được đóng góp ý tưởng để hình thành nên tầng bảo tháp này.

Dự kiến trong tương lai khi đủ kinh phí sẽ làm lại tầng thờ, phác họa các vị Tổ sư truyền giới, truyền giáo tại Việt Nam như Ngài Khương Tăng Hội cho đến thời hiện đại.

5. Các Lễ hội 

Các lễ hội được tổ chức theo tầm mức quy mô của từng đơn vị Giáo đoàn hoặc từng tịnh xá. Nội dung lễ hội càng ngày càng thể hiện đậm chất tâm linh, hướng thượng. Mặc dù trong lễ hội có cầu nguyện, mang bản sắc của Hệ phái Khất sĩ (như ngồi thiền tưởng niệm, cầu nguyện trang trọng và dùng thuần Việt để chú nguyện) có bản sắc Hệ phái. Trong các Giáo đoàn, Giáo đoàn III nổi bật về mảng này khi tổ chức lễ hội Tự Tứ - Vu Lan.  

II. TRUYỀN THÔNG

Truyền thông được viết tắt từ Thông tin truyền thông, là một trong 13 Ban, Viện Trung ương GHPGHVN. Trong phạm vi của Hệ phái, bộ phận Truyền thông nằm trong Ban Văn hóa – Truyền thông, nhằm giới thiệu, lan tỏa các phương diện văn hóa, hoằng pháp, tu tập của Hệ phái.

1. Trang nhà Đạo Phật Khất sĩ (www.daophatkhatsi.vn)

Trang nhà đưa các tin tức liên hệ đến Hệ phái là chủ yếu. Thỉnh thoảng, trang nhà đưa một vài thông tin liên hệ đến các hoạt động, sự kiện của quốc tế và Giáo hội hoặc là phạm vi giáo dục, nghiên cứu vì nó liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp đến chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái.

Hiện nay trang nhà đang được hoạt động dưới sự giám sát và cố vấn của: HT. Giác Toàn, HT. Giác Pháp và TT. Minh Thành. Trang này do TT. Giác Hoàng làm Chủ nhiệm (Biên tập) cùng với sự tham gia của ĐĐ. Giác Nhường (Phó Chủ nhiệm), một số vị Tăng Ni và cư sĩ Phật tử (viết bài, đưa tin).

Hiện nay trang nhà của chúng ta đang thiếu cộng sự viên, nên một số sự kiện (khóa tu, sinh hoạt, đám tang, lễ hội, từ thiện) của các Giáo đoàn chưa được cập nhật thông tin nhanh chóng và hiệu quả. Một số tin từ thiện chưa được viết hoàn chỉnh để đưa tin, mà chỉ đưa tin ở mức độ cá nhân qua các trang facebook.

Mặc dù vậy, mỗi ngày trang Đạo Phật Khất Sĩ cũng được một ngàn máy chủ vào xem. Mỗi máy chủ có thể vào 2-3-5 lần tùy theo mỗi người.

Để gởi bài các vị có thể gởi theo 2 địa chỉ: daophatkhatsi1944@gmail.com hoặc email cá nhân tykheogiachoang@gmail.com. Trong thời đại zalo này, để cho mọi việc được chuyển tải nhanh chóng, các vị có thể gởi qua zalo của Chủ nhiệm để chuyển đến người biên tập hoặc đăng tải cho nhanh.

2. Trang PHÁP ÂM KHẤT SĨ (www.phapam.daophatkhatsi.vn)

Trang này do TT. Giác Hoàng thành lập. Một số vị phụ trách như ĐĐ. Minh Thái và TK. Minh Anh cũng như được một số Phật tử đồng tâm ủng hộ cùng thực hiện.

Trang đã giới thiệu các bài giảng của chư vị giảng sư trong: Khóa An cư kiết hạ, khóa Bồi dưỡng trụ trì, Khóa tu truyền thống, các bài giảng tại các đạo tràng Hệ phái Khất sĩ hoặc các tự viện do các Tăng Ni Khất sĩ chủ giảng. Nhưng do điều kiện khách quan, nên các bài giảng của chư vị giảng sư vẫn chưa được đưa về trang nhà một cách đầy đủ. Rất mong chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử Hệ phái vì sự phát triển chung của Hệ phái cùng tham gia cộng tác.

Tính đến ngày 27/5/2020 (5/4 nhuần Canh Tý), có tất cả 1.134 pháp thoại đã được đăng trên trang nhà. Nhìn qua danh mục tổng kết các bài đã đăng tải trên trang nhà, chúng ta biết rằng còn rất nhiều bài của các vị giảng sư trong Hệ phái chưa được đưa về trang  nhà này. Chắc chắn trong tương lai, các bài pháp thoại do các vị giảng sư của Hệ phái sẽ được cập nhật mỗi ngày mỗi nhiều hơn. Ngoài ra, còn một số video giới thiệu về Tổ sư, Chơn lý, Hệ phái cũng được đăng tải tại trang nhà trên.

Hiện nay, Ban đã cử TT. Giác Phổ làm Phó Trưởng ban Văn hóa - Truyền thông đặc trách quay video các bài thuyết giảng trong Ban Hoằng pháp Hệ phái để bổ sung cho trang này, làm nguồn lưu giữ pháp âm của quý Ngài và cũng là trang để Phật tử tham khảo nghe pháp từ Hệ phái Khất sĩ.

Hiện nay mỗi ngày có khoảng trên 400 người vào nghe pháp mỗi ngày. Đây chưa phải là con số lớn, nhưng dẫu sao nó cũng là một kênh hoằng truyền Chánh pháp rất hữu hiệu trong giai đoạn hiện nay.

3. Facebook ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ & PHÁP ẤM KHẤT SĨ

https://www.facebook.com/vietnamdaophatkhatsi/

Trang này chủ yếu cập nhật các thông tin Phật sự của Hệ phái, các đóng góp của Hệ phái một cách nhanh chóng đến quảng đại quần chúng.

Ngoài ra, facebook Pháp âm Đạo Phật Khất Sĩ cũng được TK. Minh Anh thành lập, nhằm chia sẻ các bài thuyết giảng của chư Tôn đức đến với quảng đại quần chúng.

https://www.facebook.com/phapamkhatsi

III. TÌNH HÌNH VĂN HÓA - TRUYỀN THÔNG CỦA CHƯ TĂNG NI HỆ PHÁI KHẤT SĨ & NHỮNG DỰ KIẾN

1. Chư Tăng Ni chưa hiểu rõ tầm quan trọng của Văn hóa Phật giáo

1.1. Một số chư Tăng Ni và Phật tử chưa thấy rõ được tầm quan trọng của văn hóa truyền thông, nên đã đặt vấn đề: Làm bảo tháp HỒNG ÂN chi vậy?

Các hình ảnh về quá trình hành đạo của Tổ sư, chư vị Đức Thầy và chư Tôn đức Tăng Ni thời hiện đại là nguồn di sản văn hóa vô giá đối với thế hệ hiện tại và mai sau. Những hình ảnh này chính là bằng chứng hùng hồn của một thời kỳ PGKS vàng son, mà ai đó có muốn phủ nhận cũng không thể. Bảo tồn các hình thái văn hóa này là tôn vinh một giai đoạn hành đạo của các Ngài trong quá khứ, qua đó tôn vinh những đóng góp của các Ngài đối với đạo nghiệp PGKS.

1.2. Làm báo chi cho tốn kém? Cứ đưa hết lên mạng là được

Tuy là thời đại 4.0, mọi thứ đều đưa lên mạng để dễ phổ biến, nhưng ngày nay vẫn còn một số vị có thói quen đọc tư liệu qua trang sách. Đồng thời, làm báo có lợi là có các bài nghiên cứu về Hệ phái. Đây là nguồn tài liệu quan trọng. Vì nếu không làm đặc san, vĩnh viễn chúng ta chỉ có những thông tin mà không có những bài nghiên cứu về Hệ phái có giá trị. Nếu không có các bài nghiên cứu về Hệ phái sâu sắc, có giá trị, về lâu dài Hệ phái không lan tỏa được các giá trị cốt lõi, đặc sắc, tinh hoa mang dấu ấn Hệ phái.

2. Chư Tăng Ni và Phật tử chưa thấy được tính tích cực và hạn chế của facebook

Hiện nay mạng xã hội (facebook) phát triển, nên người người làm báo, nhà nhà đưa tin và viết bình luận (comment), việc thể hiện quan điểm của mình rất dễ dàng, nên trong suy nghĩ của các vị, việc cần một cơ quan chính danh để đưa tin gần như không cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta xác định rằng, thông tin facebook, nếu không đứng danh nghĩa một tập thể hay một tổ chức, mà chỉ mang tính cá nhân của một người, thì tiếng nói chưa đủ uy tín, và việc truy xuất nguồn tin cũng khó khăn vì nó không có tính hệ thống như một website. Do đó, tin nào quan trọng mang tính lâu dài, các Tăng Ni và Phật tử chịu khó viết thành tin bài bản để đăng tải trên trang nhà, làm nguồn tư liệu cho Hệ phái.

3. Chưa thấy hết sự nguy hại của hình ảnh và con chữ trên facebook

Hiện nay, chư Tăng Ni và Phật tử chưa thấy được sự nguy hại khi đưa những hình ảnh không đẹp hoặc những con chữ không thanh nhã lên mạng xã hội.  

Các hình ảnh sinh nhật, đi chơi chỗ A, B, C, hoặc chụp hình làm kiểu đối với một số Tăng Ni sinh trẻ đang là mode khá phổ biến trong các facebook. Điều này làm bôi xấu hình ảnh Tăng đoàn, không còn là một đoàn thể xả ly, chuyên tu nữa, mà trái lại, làm chỗ cho người cư sĩ thế gian chê cười, mất niềm tin với hàng Tăng bảo.

Một số vị tham gia nhận định (comment) vào các trang mạng của các Tăng Ni và cư sĩ. Điều này cũng trái với tinh thần nhà Phật là kiệm ngôn, tịnh khẩu. Các điều nhận định, phê phán của chúng ta vô tình làm cho sự rạn nứt của xã hội càng thêm lớn, dẫn đến sự chia cắt, bất hòa trong các mối quan hệ xã hội.

4. Chưa thấy hết sự nguy hại của các video có nội dung và hình ảnh không tương hợp với Phật giáo Khất sĩ

Hiện nay trong Hệ phái chúng ta có một vài vị chưa ý thức được sự nguy hại của các video có nội dung không phù hợp với nghi lễ và nội dung giảng thuyết, nên cho người quay video và đăng tải trên mạng. Việc này ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín và đường lối của Hệ phái.

Ngoài ra, có một số video chưa thể hiện tính tích cực, chưa được duyệt kỹ, một số vị đã share những video này tạo nên sự dao động, bất an lan truyền dần trong số đông. Do đó, rất mong quý Tăng Ni hoan hỷ cẩn thận.

5. Dự kiến thực hiện bộ SÁCH ẢNH: HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA GIÁO ĐOÀN I, GIÁO ĐOÀN II, GIÁO ĐOÀN III, GIÁO ĐOÀN IV, GIÁO ĐOÀN V, GIÁO ĐOÀN VI, GIÁO ĐOÀN NI GIỚI. Bộ sách này hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Tổ sư Minh Đăng Quang - 2023.

Mặc dù chúng ta đã có được nguồn tư liệu và hình ảnh khá nhiều khi thực hiện BẢO THÁP HỒNG ÂN, nhưng vì khoảng không gian trong Bảo tháp Hồng Ân có giới hạn, nên số hình làm bảo tháp vẫn chưa đủ để làm nên bộ sách. Do đó, Ban VHTT hoặc Ban Thư ký của mỗi Giáo đoàn cùng Ban VHTT của Hệ phái tiếp tục bổ sung hình ảnh để hoàn thiện bộ sách ảnh có giá trị này.

IV. NHÂN SỰ VÀ HỌP ĐỊNH KỲ

1. Nhân sự của Ban

Trưởng ban: TT. Giác Hoàng 

Phó Trưởng ban Thường trực: TT. Giác Phổ

Phó Trưởng ban: ĐĐ. Giác Phước

Phó Trưởng ban đặc trách Tài chánh: ĐĐ. Giác Nhẫn

Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký: ĐĐ. Giác Nhường

Phó ban Văn hóa: NT. Xuân Liên

Phó ban Truyền thông: NS. Tuệ Liên

Phó Thư ký đặc trách đặc san: ĐĐ. Minh Sơn

Phó Thư ký đặc trách quay và dựng phim: ĐĐ. Minh Thái

Phó Thư ký: SC. Hiếu Liên (Phân đoàn I)

Thư ký Ban Văn hóa: NS. Trí Liên

Thư ký Ban TTTT: SC. Nghiêm Liên (LA)

Thành viên:

GĐ I: ĐĐ. Minh Viên, ĐĐ. Minh Thắng, ĐĐ. Minh Khải, ĐĐ. Minh Tịnh, ĐĐ. Minh Giải, ĐĐ. Minh Ngọc, TK. Giác Đăng Thọ.  

GĐ II: ĐĐ. Minh Tuế, TK. Minh Thúc, TK. Minh Hưng.

GĐ III: ĐĐ. Giác Đoan, ĐĐ. Giác Tự, ĐĐ. Giác Phước, ĐĐ. Giác Sanh, TK. Giác Minh Nguyên, TK. Giác Minh Chương, TK. Giác Minh Tôn, Giác Minh Lễ.

GĐ IV: ĐĐ. Minh Duy, ĐĐ. Minh Chuyển, TK. Minh Anh, TK. Minh Hậu. 

GĐ V: ĐĐ. Minh Khiết, TK. Minh Hiền. 

GĐ VI: ĐĐ. Minh Sĩ, ĐĐ. Minh Điệp.

NGHPKS:
Ủy viên Văn hóa: NT. Khiêm Liên, NS. Phục Liên (Phú Bổn), NS. Đạt Liên, SC. Nghiêm Liên (BMT), SC. Liên Chơn.  

Ủy viên TTTT: NS. Hằng Liên (Hồng Trung Sơn), SC. Ngọc Liên (Viên Quang), SC. Liễu Liên, SC Thảo Liên (Bến Tre), SC. Ngọc Liên (Ngọc Lợi), SC. Tuệ Liên (Ngọc Vinh), SC. Thuận Liên (Long An), SC. Trang Liên (Ngọc Minh), Liên Duyên (Ngọc Chiếu).

            NGGĐ I:  SC. Diệu Liên (Long An).

            NGGĐ III: NS. Hiếu Liên, SC. Hòa Liên, SC. Hoa Liên.

            NGGĐ IV: SC. Hiếu Liên, SC. Tâm Tuyền.

            NGGĐ VI: NS. Nguyệt Liên. 

Cư sĩ: Ngọc Thanh, Ngọc Chơn, Diệu Anh, Đông Triều, Phương-Thương-Nhuận Đông, Thành - Quyên.

(Nhân sự này đã cập nhật vào ngày 28/5/2020)

2. Họp định kỳ

Trong phiên họp ngày 22 tháng 2 năm Canh Tý vừa qua, các thành viên đã thống nhất, mỗi năm họp 2 lần:

1) Họp trong khóa Bồi dưỡng trụ trì (vào một buổi nào phù hợp);

2) Họp trong ngày cấp phát học bổng (dự kiến lúc 13g-15g00).

******

Tóm lại, công việc trong Ban Văn hóa – Truyền thông của Hệ phái hiện nay vẫn còn nhiều việc cần phải làm để giới thiệu sử liệu, nét đẹp, mỹ thuật, kiến trúc… của Hệ phái ra bên ngoài hoặc lan tỏa hơn nữa những giá trị văn hóa mà Phật giáo Khất sĩ đã phát huy đóng góp trong những năm qua.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan